Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Việc học hành khoa cử dưới thời Chúa Nguyễn

Việc học hành khoa cử dưới thời Chúa Nguyễn

141
0

Hiện chúng ta chưa thấy có tài liệu nào xác định rõ đất Triều Sơn được chọn lập Văn Miếu từ năm nào, chỉ nói vào buổi quốc sơ, theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí. Thuở xa xưa, Triều Sơn chưa phải là Xã vì sách Ô Châu Cận Lục không ghi chép tên làng văn hiến này. Sách Phủ Biên Tạp Lục cho biết Triều Sơn xã thuộc Mậu Tài , huyện Phú Vang. Cần lưu ý là ranh giới hành chính hoàn toàn khác hẳn với ngày nay. Ngày xưa xã là làng, làng là xã. Một vinh dự lớn cho làng Triều Sơn, là vào tháng 5 năm Giáp Tý, niên hiệu Gia Long thứ 3 (năm 1806), triều đình dựng miếu Hội đồng ở làng văn hiến này và chọn 30 người dân làm miếu phu. Đừng coi thường làng nổi tiếng về nghề thủ công làm nón này. Trước năm 1692, làng Triều Sơn đã có Văn miếu, chúa Nguyễn Phúc Chu thường ra đây xem cảnh vật và có ý định muốn dời miếu này đi nơi khác sao cho có cuộc đất thoáng đãng hơn. Văn miếu này cũng là của Làng và của triều đình xứ Đàng Trong. Năm 1770, chúa Nguyễn Phúc Thuần, hiệu Khánh Phủ Đạo Nhân, cho dời Văn miếu về xã Long Hồ, huyện Hương Trà.

Có Văn miếu tức là nhà chúa đã quan tâm đến việc học và đạo đức. Bởi vì các chúa Nguyễn lấy Tam giáo làm chủ thuyết  trong đường lối trị quốc an dân với phương châm mới “Cư Nho mộ Thích”.

Trước khi lập Văn miếu, tại các dinh, trấn Chúa đã cho tổ chức việc học hành và thi cử. Nhà chùa đã đóng vai trò giáo dục sĩ  tử, bên cạnh các trường tư do dân làng rước mời các danh nho, khoa mục, thầy đồ dạy học. Ruộng Tam Bảo, học điền của làng xã là nguồn tài trợ chính cho giáo dục.

Năm Nhâm Thân, 1632 chúa Nguyễn Phúc Nguyên tức Sãi Vương hay chúa Phật đã kén chọn kẻ hiền tài bằng con đường tiến cử và khoa cử. Tại các dinh, trấn quan sở tại là Tri phủ, Tri huyện làm quan sơ khảo, Ký lục các dinh trấn làm quan phúc khảo, lấy những người thi trúng cho làm “Nhiêu hoc”, được miễn sai dịch 5 năm. Thí sinh phải làm một bài thơ, một đạo văn sách (văn chính luận), thời hạn trong một ngày phải làm xong. Kỳ thi ấy được gọi là “Thi Quận Vào Mùa Xuân”.
Để chọn kẻ có tài làm việc, chính sách khoa cử quy định người nào đã qua kỳ thi ấy phải thi viết chữ Hoa văn (Hoa văn tự thể). Người nào thi trúng thì được bổ làm việc ở trong Tam ty: Xá Sai, Lệnh Sử, Tướng Thần Lại. Từ đó, việc thi cử dần hồi được cải cách và nâng cấp lên sao cho người đỗ đạt có thực chất cao, có tài năng trong việc kinh bang tế thế.

Tháng 7 năm Bính Tuất, 1646, định phép thi 9 năm một kỳ. Chúa ra lệnh cho các học trò đã qua khoa thi “Nhiêu học” đều đến công phủ để ứng thí.

Chính đô thi 3 ngày. Ngày thứ nhất thi Tứ Lục, ngày thứ 2 thi Thơ phú, ngày thứ 3 thi Văn sách. Lấy Văn sách (sau đổi thành Hàn Lâm) Tri phủ làm quan sơ khảo; Cai bạ, Ký lục (đứng đầu dinh trấn), Nha Úy (sau đổi thành bộ Lễ) làm giám khảo. Giám thí lấy từ các chức  Tứ trụ triều đình (có từ năm1638) gồm: Nội tả, Nội hữu, Ngoại tả, Ngoại hữu thay mặt Chúa điều hành và giám sát tại trường thi.

Khoa thi như thế gọi là Thu Vi Hội Thí (thi Hội mùa thu). Người trúng tuyển thì làm danh sách tiến lên, xếp thành 3 hạng: Giáp, Ất và Bính. Hạng Giáp được gọi là Giám sinh (khác với giám sinh học ở Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn) và được bổ dụng làm Tri phủ, Tri huyện. Thiền sư Hương Hải  được bổ dụng làm tri phủ Triệu Phong là một điển hình. Phủ Triệu Phong vào thời điểm ấy gồm có 8 huyện (từ bờ nam sông Hiếu ở Đông Hà cho đến bờ bắc sông Thu Bồn, trấn Quảng Nam). Hạng Ất được gọi là Sinh Đồ được bổ làm Huấn Đạo (coi việc học ở cấp huyện). Hạng Bính cũng được gọi là Sinh đồ được bổ làm Lễ sinh (coi việc tế lễ) hoặc Nhiêu học trọn đời.

Cũng thuộc Hội thí, có thi Hoa Văn trong 3 ngày. Mỗi ngày đều viết một bài thơ. Người trúng tuyển được chia làm 3 hạng, bổ làm việc ở 3 ty: Xá sai, Lệnh sử, Tướng thần lại và cho làm Nhiêu học trọn đời.

Thi Hương cũng được nâng cấp sao cho có chất lượng hơn. Chẳng hạn như vào tháng 8 năm Mậu Tý, 176 chúa Nguyễn Phúc Chu cho mở khoa thi Hương tại công phủ. Chúa sai Chưởng cơ lãnh Hình bộ sứ Tôn Thất Dục làm Giám thí. Khoa ấy Lê Chính Việt, Bạch Doãn Triều đỗ đầu, người đương thời cho là xứng danh. Tuy đỗ đầu nhưng không gọi là Thủ khoa hay Hương nguyên. Vì sao? Dưới triều Nguyễn, người đô đầu thi Hương như Nguyễn Hữu Huân ở Nam bộ mới gọi là Thủ khoa Huân, Phan Bội Châu đỗ đầu thi Hương trường Nghệ An năm Canh Tý 1900 được gọi là Thủ khoa. Danh xưng Thủ khoa rất lớn, uy nghi và thiêng liêng lắm. Đỗ đầu kỳ hạch tại tỉnh như cụ Phan trước khi thi Hương gọi là Đầu xứ đã là vinh hạnh lớn. Huỳnh Thúc Kháng lúc còn sĩ tử của xứ Quảng còn có tên là Huỳnh Hanh đã đỗ đầu xứ trong kỳ hạch tại tỉnh. Vậy thì có nên làm cho biến tướng, biến nghĩa hai từ Thủ khoa như ngày nay không? Đó là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.

Vậy thì, dưới thời chúa Nguyễn có thi Đình không? Có. Thi Đình còn gọi là Điện thí. Vào năm nào? Năm Ất Hợi, 1695, thời điểm Hòa Thượng Thạch Liêm – Thích Đại Sán được chuas Nguyễn Phúc Chu mời đến Thuận Hóa. Thi vào tháng 3, lấy 5 người trúng cách về Chính Đồ làm Giám sinh, 8 người làm Sinh đồ, 15 người làm Nhiêu học, 22 người trúng cách về Hoa văn, 10 người trúng cách về Thám phỏng. Tổng cộng 60 tân khoa.

Cũng theo quy chế tuyển dụng thì Giám sinh bổ văn chức (Hàn lâm viện) và Tri huyện, Sinh đồ bổ Huấn đạo, Nhiêu học bổ lễ sinh, Hoa văn bổ vào Tướng thần lại ty và Lệnh sử ty, Thám phỏng bổ vào Xá sai ty.

Đòi hỏi của Hoa văn tự thể là phải viết chữ đẹp. Viết đúng quy cách, net trước net sau,  kể cả quy cách “ đài chữ” lên cao. Có thể nói rằng văn hay đòi hỏi chữ phải tốt. Hoa văn là suối nguồn của thư pháp. Nhưng thời ấy có ai dám tung bút đâu?

Tổ tiên ta khiêm nhường lắm. Viết đúng, viết nghệ thuật, viết đẹp theo thần thức. Xuất thần là đằng khác. Chỉ cho chữ khi trọng người. Cao Bá Quát là một điển hình. Nhà văn Nguyễn Tuân khẩu phục, tâm phục tính cách tài tử của Cao Chu Thần bằng lối “kính nhi viễn chi”. Người đời nay nên học gương xưa. Tăng sinh trẻ lại càng phải khiêm nhường mà cầu thị văn chương chữ nghĩa của chư Tổ. Hòa thượng Thích Bích Không (1901-1968) đích thị là người viết chữ Hán trên học hiệu lớn của Hoa kiều ở Chợ Lớn. Trường Thọ Nhơn của người Hoa “sợ luôn” tài viết chữ Hán đầy tính nghệ sĩ cao cường của Hoà Thượng. Gần đây nhất, Thượng toạ Thích  Hoằng Thơ, Tọa chủ chùa Từ Ân, năm 1945 -1955, viết chữ Hán sành điệu cả 4 thể: Chân, Thảo, Triện, Lệ  trên các bài Minh, bia đá, trụ biểu, tháp Tổ ở Huế. Lắm tài nhưng quý ngài sống rất bình dị. Các nhà thư pháp đời nay nên khiêm nhường để người Hoa qua giao lưu văn hóa tỏ lòng cảm mến người Việt, nễ phục người Việt hơn.

Thi Đình ở thời 9 chúa không đạt trình độ cao như thi Đình dưới thời Hậu Lê hoặc vào thời các vua nhà Nguyễn. Chỉ có thi Đình thời nhà Lê, thời nhà Nguyễn (từ Minh Mạng trở về sau) mới có các danh xưng Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa ở Đệ nhất giáp Tiến sĩ xuất thân, hoặc Hoàng giáp ở bảng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Ở bảng Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân đều là tiến sĩ mà thế gian quen gọi là Ông Nghè có từ thời chúa Trịnh Giang. Nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên theo lệ “tứ bất”.

Đỗ Giám sinh không thể chép là Hương Cống hay Cử nhân được như một số người viết về danh nhân đã sai lầm về danh xưng thi cử thời kỳ này sang thời kỳ khác.

Thành tựu lớn nhất của khoa cử dưới thời 9 chúa là đã tạo ra những vị quan tài giỏi hết lòng vì nước vì dân, như Trần Đình Ân, Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn Cửu Tiền, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Quang. Các vị quan lớn đều là những bậc có nhân cách tỏa sáng tinh thần “chính đại quang minh” hoặc “cư dân do nghĩa”. Vì vậy mà văn học nghệ thuật, tôn giáo, ngoại giao của thế kỷ 17 đạt được thành quả rực rỡ ở hai xứ  Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. Đây cũng chính là điều giúp chúng ta lý giải vì sao đất nước Đại Việt ở thế kỷ 17 gặp phải nhiều khó khăn do chiến tranh Trịnh – Nguyễn, cảnh đất nước qua phân, đời sống nhân dân còn chưa cao, mà văn hóa lại phát triển, và phát huy đến chừng như vượt trội xa các thế kỷ đi trước.

Dưới thời 9 chúa, nhà chùa ở xứ Đàng Trong còn là nơi đào tạo thế hệ trẻ có vốn kiến thức và một nhân cách kẻ sĩ đích thực là sĩ phu vì có sĩ khí, tiết tháo, không buôn bán danh lợi và chuộng phẩm hàm hư vị.

Ảnh hưởng của khoa cử  thời kỳ này còn đọng lại của nền giáo dục Phật Giáo. Ở Nam trung bộ, Nam bộ các trường Gia giáo được gọi là Trường Hương, Trường Trung Cao Cấp được gọi là trường Kỳ. Phật trường là nơi các Tăng Ni trẻ thọ giới để lãnh thọ sứ mạng của Như Lai trao phó. Thọ giới của Tăng Ni ở cấp thấp còn gọi là trúng “Trường thi Hương” ở cấp cao hơn bên trên (thọ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni) được gọi là trúng “Trường thi Hội” .

Đặc điểm của giáo dục Phật giáo là việc dùng chữ Nho, chữ Nôm để làm chuyển ngữ chính, trường Phật học các cấp không hề ngại gì đến việc bãi bỏ khoa cử chữ Hán ở ngoài thế tục. Việc của ai cứ  nấy làm. Phật Giáo đã có phương châm vừa là nguyên lý giáo dục bất di bất dịch muôn đời đó là “Duy Tuệ Thị Nghiệp” và “Giới, Định, Tuệ”.

Ngày nay, các trường Phật học từ Gia giáo cho đến Đại học đều ưu tiên quan tâm vào chương trình Nội điển. Cả cổ văn lẫn kim văn (Trung văn bạch thoại) đều được giảng dạy. Còn chữ Nôm thì dạy ít, Tăng Ni tự hoc là chính yếu. Cái nạn dạy nhiều cổ ngữ đã được cân nhắc. Tăng Ni chuộng học Anh văn và rất ít người chịu học Pháp văn. Đó là hạn chế của thời đại. Phải chăng cần suy tính lại trong việc phân ban ngoại ngữ. Đã là Tăng sinh, tu sĩ trẻ Phật Giáo không thể nào xa rời việc học chữ Hán, dù tân, dù cựu. Nói một cách nghiêm túc là “nhờ vậy” mà làm gương cho cư sĩ, Phật tử biết đường thế nào để thâm nhập kinh tạng để mong cầu có nhân duyên được góp phần tích cực trong việc phụng đạo giúp đời, trong việc sáng tác dịch thuật, diễn giải kinh điển, phát huy tinh thần phê và tự phê của Phật Giáo để càng ngày càng lân mẫn giới tu sĩ trẻ góp phần hoằng hóa lợi sinh có được đời sống hạnh phúc và an lạc.

L.Q.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here