Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Việc bảo tồn di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam hiện...

Việc bảo tồn di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam hiện nay

125
0

Ngôi chùa và cấu trúc ngôi chùa cũng như những nét văn hoá xung quanh ngôi chùa là di sản văn hoá kết ngưng khí tinh anh của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tại các vùng miền nói riêng.

Ngôi chùa, với tư cách là thiết chế văn hoá Phật giáo, đã góp phần gắn bó đạo Phật (Phật Pháp Tăng (Tam Bảo) với dân tộc (quần chúng Phật tử), tạo nên truyền thống “tốt đời, đẹp đạo”. Cho nên, ngôi chùa có ở hầu như tất cả các làng xã Việt Nam, mang đậm nét riêng của kiến trúc Phật giáo dân tộc, thậm chí nét riêng đặc sắc của từng vùng, miền, của từng giáo phái. Đó là nơi tụ hội của làng, của cả vùng, trong những dịp lễ, tết, những ngày hội chùa…

ngắm nhìn những góc chùa như thế này gợi lên trong chúng ta một sự lắng động rất sâu sắc

Nhiều ngôi chùa có kiến trúc, cảnh quan xinh đẹp, có những pho tượng quý, cùng đồ thờ cúng bài trí tôn nghiêm thực sự đã đi vào tâm thức của người dân Việt. Và cùng với đình làng, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê Việt Nam, gắn bó máu thịt với tâm hồn người dân Việt. Đó là những di sản văn hóa vật thể của Phật giáo, của dân tộc rất có giá trị. Thế nhưng những gì gọi là “di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam” đó đã và đang có nguy cơ “biến mất” mà nguyên nhân khách quan cũng có mà chủ quan cũng nhiều.

Trước hết phải nói đến nguyên nhân chiến tranh, do yêu cầu của tiêu thổ kháng chiến, do bom đạn của kẻ thù mà nhiều ngôi chùa là di sản Phật giáo đã bị hư hại, huỷ hoại và bị đánh mất. Tiếp đến là do thiên tai bão lũ, mối mọt. Điều đáng nói hơn là do những người quản lý “trùng tu, tôn tạo, sữa chửa, phục hồi” quá tuỳ tiện, mạnh ai người ấy làm đã dẫn đến quá nhiều sai phạm vừa thiếu kiến thức văn hóa Phật giáo chuyên sâu, vừa bị “nhiễm” phải thị hiếu “hiện đại hoá” mà đã có quá nhiều cơ sở chùa chiền làm sai lệch với truyền thống, đánh mất giá trị của di sản, tạo ra một số sản phẩm tân thời, pha tạp, cả trong xây dựng cơ sở vật chất lẫn trong việc phục hồi các loại hình sinh hoạt tinh thần, lễ hội. Vì thế rất nhiều di sản văn hoá Phật giáo bị xâm hại, bị mai một, truyền thống quý của dân tộc gắn liền với đạo Phật bị lãng quên. Đó là sự mất mát những di sản vô cùng to lớn mà tổ tiên đã nghìn năm vun đắp, giữ gìn và truyền lại.

Một ngôi chùa tại huyện Thanh Khê, Hà Tĩnh với nhiều tượng xưa quý có nguy cơ bị xoá sổ

Từ kết cấu kiến trúc, bố cục công trình ngôi chùa mang dánng dấp to lớn hiện đại, bê tông hoá khô cứng, đến bài trí thờ tự bên trong nội thất ở nhiều ngôi chùa mới được tu bổ sơn son thếp vàng rực rỡ, đèn điện nhố nhăng, thể hiện sự khiếm khuyết, sai lạc. Nội dung thờ tự trong chùa có nơi lộn xộn lai tạp, đèn xanh đèn đỏ nhặng xị không tuân theo những quy phạm chung của Phật giáo mà thần thánh hoá, mẫu hoá…Trách nhiệm nầy thuộc về thế hệ đang là “chủ sở hữu” hôm nay, nếu không có kế hoạch bảo tồn, khắc phục thì những thế hệ kế thừa chỉ biết “sờ mò những phiến đá để lượm lặt di văn” chứ còn đâu những di sản văn hóa Phật giáo quý báu mà tự hào.

Nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là phải tìm hiểu và tìm cách khắc phục, khôi phục lại hình ảnh ngôi chùa và ngôi chùa làng trong tâm thức của quần chúng Phật tử. Bởi như trên chúng tôi đã phân tích ngôi chùa là trung tâm kết nối là mối dây liên lạc giữa Phật-Pháp-Tăng và quần chúng Phật tử, mọi biểu hiện, việc làm dẫn đến đánh mất đi hình ảnh ngôi chùa, đánh mất đi tính truyền thống của ngôi chùa cũng đồng nghĩa với việc phá hoại mối liên kết bền vững đó.

Đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành cần có kế hoạch lập ra ban quản lý di sản văn hoá Phật giáo, làm cố vấn, tham khảo trong việc trùng tu, sữa chửa chùa chiền. Sưu tầm và lập hồ sơ các di sản văn hoá Phật giáo đã và đang có nguy cơ biến mất. Vận động Tăng, Ni sinh các trường Phật học (nếu được khuyến khích hỗ trợ các sinh viên các

Những phiến đá mang di chỉ của cha ông tại chùa Thành Trung, Quảng Trị đang "trơ gan" cùng cây cỏ và mưa nắng

trường đại học bên ngoài) làm khoá luận, luận văn các đề tài về di sản văn hoá Phật giáo để có cơ sở tham khảo. Kêu gọi Phật tử trong cả nước đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ di sản văn hoá truyền thống và tâm linh Phật giáo, đặc biệt là các ngôi chùa làng.

Tóm lại di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam được thể hiện qua hình ảnh ngôi chùa và ngôi chùa làng là vô cùng quan trọng mà giới hữu trách của Phật giáo Việt Nam hôm nay cần phải cẩn thận gìn giữ. Tiếp đến là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá phi vật thể giáo lý, quan điểm triết học, giáo dục, âm nhạc, nghi lễ, nếp sống thiền môn…của Phật giáo. Phải coi đây là sự ngiệp hàng đầu để bảo tồn sinh mệnh của Phật giáo Việt Nam. Phải xem đây là nghĩa vụ cao cả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước.

T.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here