Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Vì sao mình phải…

Vì sao mình phải…

136
0

Quả vậy, bài ‘Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt’ lại đưa con về với cảm giác thân thiết đến lạ lùng. Con thầm đọc: “Lúc bấy giờ Singālaka (Thi-ca-la-việt), gia chủ dậy từ sớm, ra khỏi thành Vương-xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chắp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Đông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, hướng Thượng…”. Việc làm thật giản dị: dậy sớm, ra khỏi thành, với tâm thanh tịnh, chắp tay đảnh lễ các phương hướng. Mới nghe qua tuồng như rất dễ, nhưng đâu có dễ làm được; ấy vậy mà gia chủ Singālaka đã làm từng ngày từng ngày.

Còn chúng ta thì sao? Mỗi khi chúng ta bắt tay vào việc gì, không lúc nào chúng ta không nghĩ đến câu hỏi: ‘Vì sao mình phải..’, để rồi từ đó suy tính mọi lẽ thiệt điều hơn. Ngay cả những khi làm vì ‘vô tư’ đi nữa, chúng ta cũng tự nghĩ ra những câu trả lời ‘này… kia’ để đối phó với người và biện hộ với mình. Âu cũng chỉ tại cái tâm nghi ngại và phân biệt của mà ra!

Trong ‘Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt’, sau khi được Thế Tôn hỏi: ‘Này gia chủ, vì sao Ngươi dậy sớm, ra khỏi thành Vương-xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, rồi chắp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Đông…. hướng Thượng?’. Vị gia chủ ấy trả lời: ”Bạch Thế Tôn, thân phụ của con trước lúc sắp lâm chung, có dặn con: “ngày con thân yêu, hãy đảnh lễ các phương hướng”. Bạch Thế Tôn, con kính tín, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ lời nói ấy của Thân phụ con, buổi sáng dậy sớm, ra khỏi thành Vương-xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chắp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Đông,…hướng Thượng”. Đọc đến đây, chúng ta chắc hẳn nhận ra rằng tình cảm giữa cha và con của vị gia chủ ấy thật đơn giản, nhưng rất thiêng liêng làm sao! Chỉ có bấy nhiêu lời di chúc và căn dặn của người cha trước lúc lâm chung, Singālaka đã không hề thắc mắc, không chút tâm nghi ngờ, ngần ngại; trái lại, Singālaka đã kính tín, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ đúng theo lời di chúc ấy với tâm thanh tịnh, với tâm thanh tịnh từng ngày, từng ngày. Tình cảm đó càng đơn giản bao nhiêu, khi chúng ta cảm được, nó càng bao la sâu thẳm bấy nhiêu. Tình thương yêu của người cha đối với con trước giờ phút lâm chung bằng những lời tâm huyết và căn dặn ấy thật đơn giản ‘hãy đảnh lễ các phương hướng…’.

Đối với Singālaka, lời di huấn ấy không có gì quý hơn, ý nghĩa hơn và thiêng liêng hơn. Sẵn lòng hiếu kính, không một nghi ngờ, không chút phân biệt, Singālaka đã đảnh lễ sáu phương đúng như lời thân phụ dặn, như đảnh lễ chính thân phụ mình, khiến cho … “Thế Tôn buối sáng đắp y, cầm bát vào thành Vương-xá khất thực. Thế Tôn thấy Singālaka, vị gia chủ dậy sớm, ra khỏi thành Vương-xá, với áo thấm ướt, chắp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Đông, … hướng Thượng. Thấy vậy Ngài nói…”. Thoạt đầu, chúng ta hẳn sẽ nghĩ đây chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ, hoặc ngẫu nhiên giữa Singālaka và đức Thế Tôn. Tuy nhiên, càng đọc chúng ta càng cảm nhận được lẽ tất nhiên của cuộc gặp gỡ này: Cuộc gặp gỡ của một tấm lòng hiếu kính với một tấm lòng từ bi vô hạn. Rồi, lúc bấy giờ có lẽ đức Thế Tôn cũng vì nghi vấn: ‘thế nào là lễ bái sáu phương?’ mà gặp gia chủ ấy. Cuộc gặp gỡ của một tâm trạng tha thiết cầu pháp và một tâm từ thương tưởng chúng sanh. Cổ nhân có câu: “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Một lẽ tự nhiên thật sâu sắc, nhưng cũng thật đơn giản. Tự nhiên và đơn giản như thể cuộc gặp gỡ trên đường của một người đi ra và một người đi vào. Một tâm hồn thuần khiết thanh tịnh hội diện với một tâm hồn thuần khiết thanh tịnh. Hai tâm hồn ấy giao thoa và cảm ứng, hỗ tương và hoà hơp nhau đã tạo nên một duyên cảnh, duyên lý, và duyên thời của bài kinh.

Tương tự, nội dung kinh này cho thấy rằng là một người học Phật với lòng kính tín, chúng ta cũng nên sửa soạn cho mình một tâm thanh tịnh và thuần khiết như vậy để thể nhập với tinh thần của kinh, lúc đó chúng ta mới mong thấy được trọn vẹn nghĩa lý của những lời đức Phật đã dạy cho vị gia chủ ấy và cho tất cả chúng ta. Đây là một pháp môn tu tập rất hữu ích cho hàng cư sĩ tại gia nói riêng và cho mọi người trong xã hội nói chung. Chúng ta thực hành lễ lạy sáu phương theo nghĩa lý trong bổn kinh này, thì sáu phương đều đồng với cảnh giới thanh tịnh trong tự tánh. Chúng ta hộ trì sáu phương và sẽ được chư vị Bồ-tát, Long Thiên Hộ Pháp và Thánh Hiền trong sáu phương ấy hộ trì. Việc tỏ lòng hành lễ như thế rất thiết và hữu ích không những cho mình và cho cả mọi người chung quanh. Từ sự thuần khiết và thanh tịnh, hiếu kính và thiêng liêng ấy, chắc có lẽ chúng ta nên phổ cập bài kinh này đến với mọi người để cùng nhau khuyến tấn tu tập nhằm duy trì sự an lạc, thanh tịnh cho bản thân, cho gia đình, xã hội và cho cả muôn loài.

K.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here