Khai thác các tư tưởng tốt đẹp của Phật giáo
Đại lễ Vesak LHQ kỷ niệm tam hợp của Đức Phật (ngày Phật sinh, ngày Phật thành đạo và Phật nhập niết bàn), diễn ra vào giữäa tháng 5 dương lịch. Ngày 15.12.1999, theo đề nghị của 34 nước, Đại hội đồng LHQ đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc và các hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức hàng năm tại trụ sở cũng như các trung tâm của LHQ trên thế giới. Sự kiện này đã gây sự chú ý trong cộng đồng Phật giáo trên khắp thế giới, được xem là cơ hội truyền bá thông điệp tình thương, hòa bình, bất bạo động và lòng từ bi cho thế giới; Thúc đẩy giá trị nhân văn về một xã hội công minh và thịnh vượng của cả nhân loại. Trong thư gửi Phật tử quốc tế nhân ngày Vesak 2007, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định: “Hơn 2.500 qua, những lời dạy của Đức Phật vẫn là kim chỉ nam và có ý nghĩa đối với hàng triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hàng năm Đại lễ này là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo lý của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình mà Phật tổ đã truyền trao… Nhân ngày Vesak (ngày của giác ngộ chân lý), tất cả chúng ta – những người Phật tử và không phải là Phật tử – hãy đến với nhau trong tinh thần khách quan và độ lượng. Chúng ta hãy phấn đấu mỗi ngày vì sự tiến bộ của bản thân và của thế giới”.
Vesak không thuần túy là một sự kiện mang tính tôn giáo mà nó là các hoạt động xung quanh những sự kiện liên quan đến Đức Phật, khai thác các tư tưởng cao đẹp của Phật giáo vì một thế giới hòa bình, an lạc. Bên cạnh nội dung sinh hoạt tôn giáo, hội thảo về Phật giáo, Vesak còn có các hoạt động biểu diễn và triển lãm văn hóa nghệ thuật dân gian của nước đăng cai. Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak (IOC), Thượng tọa, Giáo sư Lê Mạnh Thát, Phó hiệu trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết, Vesak 2008 sẽ nhấn mạnh đến giá trị văn hóa Phật giáo và Việt Nam, trong đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ giới thiệu về lịch sử, đặc trưng, hành trình phát triển, nhập thế và hòa hợp tâm linh của Phật giáo trong truyền thống của người Việt, những đóng góp to lớn của Phật giáo trong lịch sử gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. “Các phần trình diễn văn hóa truyền thống và triển lãm văn hóa Phật giáo sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và trong các chùa tại Hà Nội. Cũng sẽ có các nghi lễ tụng kinh cầu nguyện của các truyền thống Phật giáo. Các hoạt động đặc biệt như hội chợ văn hóa, hội chợ thực phẩm và các hoạt động văn hóa khác cũng sẽ được tổ chức cho các tham dự viên”.
Vì một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh
Đại lễ Vesak 2008 sẽ diễn ra từ ngày 13–17.5.2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ở Thủ đô Hà Nội. Thời gian tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 nằm trong mùa Phật đản ở Việt Nam, gần kề ngày Rằm tháng Tư âm lịch và không làm ảnh hưởng tới lễ Phật đản theo truyền thống ở các địa phương. Đây là cơ hội để Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tiếp đón hàng nghìn nhà lãnh đạo các truyền thống và tông phái Phật giáo, chư tôn đức, các học giả, hành giả Phật giáo đến từ khắp nơi trên thế giới. UN Vesak 2008 có chủ đề: Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Tại Đại lễ cũng sẽ diễn ra các hội thảo nhánh xoay quanh các vấn đề: Quan điểm của Phật giáo trong việc giải quyết các vấn đề chiến tranh và xung đột; Sự đóng góp của Phật giáo đối với công bằng xã hội; Bàn về vấn đề Phật giáo nhập thế và phát triển; Các giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu và chăm sóc môi sinh; Thực hành và ứng dụng Phật giáo đối với các vấn đề gia đình và xung đột thế hệ; Đề cập giáo dục Phật giáo mang tính kế thừa và phát triển. Một điểm nổi bật của đại lễ là IOC đã đồng ý cho trình diễn Sáng kiến bản đồ văn hóa điện tử (ECAI), một cách tiếp cận về khoa học kỹ thuật số để trình chiếu các thông tin về di sản và các truyền thống Phật giáo. Giáo sư Lewis Lancaster đang giảng dạy tại trường Đại học California, Mỹ, sẽ chủ trì chuyên đề đặc biệt này. Bản đồ điện tử là một trong những cải cách lớn khi giới thiệu một thư viện điện tử hay văn khố. Điều đó sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa các nước Phật giáo. Bản đồ có thể lưu trữ 4.000 mạng lưới Phật giáo Việt Nam và 8.000 mạng lưới của Trung Quốc.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc làm cho vị thế Việt Nam ngày càng vững mạnh. Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Theo Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban Điều phối quốc gia Vesak 2008: Đây là một duyên lành cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam có cơ hội giao lưu, trao đổi với các Giáo hội Phật giáo và Tăng già trên toàn thế giới, gắn kết tình thân hữu với bạn bè Phật giáo quốc tế và thông qua đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng mong bạn bè thế giới sẽ hiểu biết hơn về Phật giáo Việt Nam, về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
Nguyên Anh (theo NDBND)