Bạn đọc đã nghe nói đến Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) là lễ hội văn hóa tôn giáo lớn nhất thế giới được LHQ thừa nhận và tổ chức hàng năm. Vậy Vesak LHQ là gì? Quá trình thực hiện đại lễ này từ trước đến nay, cũng như vào giữa tháng 5.2008 sắp tới tại Hà Nội, ra sao? Để tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp cận hỏi chuyện TS. Thích Nhật Từ, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ 2008 (gọi tắt là IOC ).
* Thưa thầy, tại sao gọi là “Vesak LHQ”? – Vesak là tên gọi tháng thứ tư trong lịch sử Ấn Độ và để gọi chung cho 3 sự kiện lớn trong đời của Đức Phật Thích ca Mâu ni. Sự kiện thứ nhất là đản sinh, tức ngày sinh của Ngài. Thứ hai là ngày Ngài thành đạo dưới gốc cây bồ đề. Thứ ba là ngày Ngài nhập Niết bàn, tức ngày Ngài mất. Ba ngày này gộp chung nên gọi là Tam hợp và lễ kỷ niệm cả 3 sự kiện đó trong một lần gọi là Đại lễ Vesak (hoặc Đại lễ Tam hợp). Đại lễ Vesak này đã được Đại hội đồng LHQ chính thức thừa nhận trong phiên họp thứ 54, mục 174, của chương trình nghị sự ngày 15.12.1999. Sau khi thừa nhận, LHQ đứng ra tổ chức đại lễ nên gọi là Vesak LHQ. Và Vesak LHQ lần thứ nhất đã được tổ chức ngay tại trụ sở LHQ ở New York (Hoa Kỳ) vào năm 2000 với sự tham gia của đại diện các truyền thống tông môn, pháp phái Phật giáo đến từ 34 quốc gia trên toàn cầu. Tiếp đó, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan từ năm 2004. Đáng ghi nhận là Vesak 2007 nhằm vào năm kỷ niệm sinh nhật 80 tuổi của nhà vua Thái Lan nên đã diễn ra hết sức trọng thể với sự có mặt của các vị lãnh đạo Phật giáo đến từ 48 quốc gia.
* Đến năm 2008 này, Đại lễ Vesak LHQ diễn ra tại Việt Nam theo chỉ định hay là theo thủ tục đăng cai như thế nào?
– Không phải chỉ định, mà đăng cai trước. Cần biết rằng, có đến 3 quốc gia đăng cai tổ chức Vesak LHQ 2008 chứ không chỉ có Việt Nam thôi. Trình tự thủ tục để được chọn mở Vesak LHQ năm nay bắt đầu từ trước rằm tháng tư năm ngoái, Đinh Hợi. Đến ngày 17.5.2007, Bộ Ngoại giao nước ta gởi công hàm số 241 đến Chính phủ Thái Lan và Chủ tịch Vesak LHQ yêu cầu ủng hộ Việt Nam đăng cai. Một tuần sau, vào 23.5, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã thay mặt nước ta nêu lại yêu cầu trên. Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có công văn và thư thỉnh nguyện với nội dung tương tự gửi đến IOC và chính phủ hoàng gia Thái Lan. Ngày 25.5, Chủ tịch IOC có công văn gửi Thủ tướng nước ta nhiệt tình ủng hộ Việt Nam mở Vesak LHQ 2008. Vài ngày sau, vào 29.5.2007, tại lễ bế mạc Vesak LHQ 2007 ở Buddhamonthon, Trung tâm Phật giáo thế giới (Buddhist Center of the World), hòa thượng Dharmakosajarn công bố trước hơn 500 đoàn đại biểu Phật giáo thuộc 62 quốc gia rằng: “Việt Nam đã được chọn là nước tổ chức Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 và giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM làm Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế của Đại lễ Vesak LHQ 2008, tiến sĩ Thích Nhật Từ làm Tổng thư ký của Ủy ban đó”. Ở vị trí của mình, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là đại lễ do chính phủ nước ta chính thức đăng cai và Giáo hội PGVN cũng như IOC đồng phối hợp thực hiện, nên mang ý nghĩa là sự kiện quốc gia chứ không chỉ riêng sự kiện tôn giáo. Và rõ ràng, đây là cơ hội truyền bá thông điệp hòa bình đến khắp nơi trên thế giới, đồng thời giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với quốc tế. Chúng ta cũng sẽ khẳng định truyền thống văn hóa Phật giáo lâu đời hòa quyện với nền văn hóa dân tộc rất hiền hòa và sẵn sàng mở rộng cửa hợp tác hữu nghị.
|
* Chỉ còn không bao lâu nữa, đại lễ sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 13 đến 17.5, vậy thầy có thể cho biết việc chuẩn bị đến đâu rồi?
– So với đề án đã có, thì mọi việc đang diễn tiến suôn sẻ và không mấy thay đổi với dự tính ban đầu. Có hơn 600 đoàn Phật giáo thế giới đến từ hơn 70 quốc gia sẽ tham dự. Đại lễ sẽ mở các buổi hội thảo và trình diễn “sáng kiến bản đồ văn hóa điện tử (ECAI)”. Và vì Đại lễ Vesak được thừa nhận là Ngày quốc tế của LHQ về tôn giáo và văn hóa nên yếu tố văn hóa của lễ hội đã được Ban tổ chức đặc biệt quan tâm. Ban tổ chức mở các cuộc triển lãm mỹ thuật, các cuộc tiếp xúc giới thiệu về lịch sử Phật giáo Việt Nam và đặc biệt sẽ thực hiện nhiều kỷ lục PGVN với sự phối hợp của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam – VIETKINGS thuộc Tổ hợp sáng tạo VIETBOOKS. Theo chương trình dự kiến, nếu không có gì thay đổi, Chủ tịch nước Việt Nam sẽ có lời khai mạc và Thủ tướng Việt Nam sẽ có bài diễn văn bế mạc và sẽ là chủ tọa cho buổi dạ tiệc mời hàng trăm nhà lãnh đạo và các học giả thượng thủ trên thế giới đến dự.
Các kỷ lục về PGVN sẽ được công bố và thực hiện trong dịp này gồm: Hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất với 5.000 người của gần 100 quốc gia tham dự; Bữa tiệc có người ăn chay nhiều nhất Việt Nam do Ban điều phối quốc gia của Đại lễ tổ chức; Lễ trồng cây bồ đề nhiều nhất: 100 cây chiết từ Ấn Độ (trồng ở chùa Bái Đính); Bộ phim Phật giáo do người Việt Nam sản xuất quy mô nhất: Duyên trần thoát tục với kinh phí 4 tỷ đồng do nghệ sĩ ưu tú Lê Cung Bắc đạo diễn, tiền thu được sẽ góp vào quỹ từ thiện cho trẻ em nghèo; Tuồng cải lương về cuộc đời Đức Phật quy mô nhất và ấn tống nhiều nhất, kịch bản của Tuệ Quang, số lượng ấn tống: 30.000 cuốn do chùa Giác Ngộ TP.HCM thực hiện… |
* Thầy có thể cho biết về các hoạt động của thiền sư Nhất Hạnh trong dịp nầy?
– Thiền sư Nhất Hạnh sẽ trực tiếp hướng dẫn các khóa tu có thiền sinh phương Tây, tăng thân làng Mai và các bạn trẻ trong nước tham dự. Cần ghi nhận và nhắc lại rằng, trong Đại lễ Phật đản Vesak LHQ 2007 tại Thái Lan, thiền sư Nhất Hạnh được đón tiếp rất trân trọng. Sự có mặt của thiền sư và các tu sĩ Phật giáo người Pháp người Mỹ do thiền sư hướng dẫn đến Bangkok luôn được đề cập hàng đầu trong các bản tin của báo chí và các đài truyền hình phát thanh quốc gia Thái Lan. Lần nầy tại Vesak LHQ ở Hà Nội, thiền sư Nhất Hạnh là một trong 3 vị được mời thuyết trình chính (keynote speakers) trong hội thảo quốc tế của đại lễ. Hai vị còn lại là Hòa thượng Boddhi Bhikkhu, dịch giả Kinh tạng Pali ra tiếng Anh, đến từ chùa Trang Nghiêm ở bang Connecticus của Hoa Kỳ và nhà Nobel kinh tế: giáo sư tiến sĩ Amatya Sen. Thiền sư Nhất Hạnh cùng hai vị khách quốc tế nói trên sẽ tham luận quanh chủ đề về sự đóng góp của Phật Giáo trong việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Các đề tài liên quan như Phật giáo nhập thế đồng hành với dân tộc và phát triển xã hội; hoặc Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số cũng sẽ được thiền sư Nhất hạnh và các đại biểu thảo luận.
Nhân đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, hội thảo là phương diện trọng tâm nhất của Vesak LHQ 2008, vì kết quả của hội thảo sẽ quyết định giá trị nội dung và những đóng góp thiết thực của đại lễ. Vì thế ban thư ký của IOC vận động để ít nhất có 300 bài tham luận trong số hằng nghìn tham dự viên quốc tế, thể hiện hai sắc thái học thuật và ứng dụng hành trì. Cạnh đó sẽ có 80 bài viết của các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài quanh các đề tài nêu trên.
* Những địa điểm nào được chọn để tổ chức các hoạt động chính của đại lễ?
– Lý tưởng nhất là Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội với diện tích 60.000 m2 và hệ thống 40 phòng họp cùng các đại sảnh đủ sức đáp ứng nhu cầu mở các hội nghị lớn, các cuộc đại hội và triển lãm tầm cỡ quốc tế. Nơi đây sẽ được chọn tổ chức hội thảo của Vesak LHQ 2008, đồng thời lễ tụng kinh Phật đản cũng diễn ra ngoài trời, trong khuôn viên của trung tâm nầy. Một địa điểm khác là Nhà văn hóa hữu nghị Việt – Xô nơi sẽ mở triển lãm, hội chợ và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác của đại lễ trong các ngày tới.
* Xin cám ơn thầy.
Giao Hưởng thực hiện (theo thanhnienonline)