Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Về Thiền sư Nguyên Thiều (?-1728 ), khai sơn chùa Quốc Ân

Về Thiền sư Nguyên Thiều (?-1728 ), khai sơn chùa Quốc Ân

218
0

Hiện có nhiều tài liệu nói về Thiền sư Nguyên Thiều. Gần chúng ta nhất là các bài viết tiếng Pháp của các ông Émile Gaspardone với nhan đề là Bonzes des Mings réfugiés en Annam(1), tuy mới đây nhưng tài liệu này rất khó kiếm. Ông Léopold Cadière viết hai bài La Pagode Quốc Ân: Le fondateur(2) và La Pagode Quốc Ân: Les divers supérieurs(3).

Về Hán văn, chúng ta có bộ Đại Nam nhất thống chí, Duy Tân năm thứ 3 (1910) và bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên đời Gia Long(5) đều có nói đến Ngài Tạ Nguyên Thiều. Nhưng, tài liệu chính nhất thì phải nói là tấm bia đá trùng khắc, do Hòa thượng Liễu Chơn Từ Hiếu, Trú trì chùa Quốc Ân đã thực hiện, rất trung thành với bản chính hiện còn ở tháp Tổ Nguyên Thiều. Bia trùng khắc cách đây hơn 100 năm, hiện còn ở chùa Quốc Ân.

Tài liệu về Ngài còn rất nhiều như trên đã dẫn, song lịch sử của Ngài rất khó viết, vì có nhiều mâu thuẫn về tên gọi và niên đại khi Ngài sang Nam Hà.

Về tên gọi Thiền sư Nguyên Thiều

Ở hầu hết các tài liệu, người ta phần lớn đoán định hơn là cung cấp lịch sử chính xác. Chỉ nói danh xưng không mà thôi, hiện nay chúng ta cũng đã thấy lúng túng. Tại Huế có hai nơi đáng để ý là  bia lăng tháp Ngài và chùa Quốc Ân:

1. Bia lăng gắn ở bình phong đề: “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng Lâm Tế (?) húy Nguyên Thiều Thọ Tôn thụy Hạnh Đoan Lão Hòa thượng chi tháp”.

2. Long vị ở chùa Quốc Ân đề: “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng Lâm Tế chánh tông tam thập tam thế húy Nguyên Thiều thượng Thọ hạ Tôn Lão Hòa thượng”.

Tại chùa Viên Thông ở phía Tây Nam núi Ngự Bình còn có một bản khắc Chánh Pháp Nhãn Tạng của Ngài Chơn Kim Pháp Lâm, thực hiện vào khoảng 1889, thuộc dòng Kệ của Ngài Minh Hải Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh Quảng Nam lại đề là: “Đệ tam thập tam thế húy Siêu Bạch thượng Hoán hạ Bích hiệu Thọ Tôn Hòa thượng”.

Tại chùa Giác Lâm ở Sàigòn, một ngôi chùa cổ có từ 1744, thì long vị đề là: “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng, Lâm
Tế chánh tông tam thập tam thế, thượng Hoán hạ Bích húy Siêu Bạch Lão Tổ Hòa thượng”.

Tại một ngôi tháp vọng mới được ông Hiền Đức tìm ra ở chùa Kim Cang Đồng Nai lại đề: “Quốc Ân Kim Cang đường thượng tam thập tam thế húy Siêu Bạch Hoán Bích Hòa thượng Tổ sư chi tháp”.

Tất cả sách sử triều Nguyễn đều dùng “Tạ Nguyên Thiều, tự Hoán Bích…? hoặc “Hoán Bích Thiền sư”. Ông Léopold Cadière viết: “Ngài thuộc về họ Tạ, tên thời niên thiếu của Ngài là Hoán Bích. Nguyên Thiều là danh xưng trong đạo”(6). Câu văn đoán định của Giáo sĩ L. Cadière xét ra sai cả hai ý. Ông viết “tên thời niên thiếu của Ngài là Hoán Bích”, ông Cadière không hiểu về Phật giáo. Một nhà sư làm gì có tên thời niên thiếu? Nếu là tên ngoài đời thì người ta gọi là thế danh, nhưng khi đã xuất gia thì ít ai dùng tới.

Nói chung, chúng ta hiện có đến bốn danh xưng khác nhau để gọi Ngài: Nguyên Thiều – Siêu Bạch – Hoán Bích – Thọ Tôn. Nhưng, tất cả những long vị, bia tháp mà chúng tôi đã dẫn ở trên, đảo lộn để trở thành một sự lộn xộn làm cho chúng ta khó có được kết luận chính xác…

Nghiên cứu cách danh xưng trong các chùa Huế, người ta thấy rằng, các nhà sư thường có một Pháp danh và Pháp danh theo chữ trong dòng Kệ của Bổn sư truyền đặt cho, nên cũng gọi là húy; húy có nghĩa là cấm, tránh nói đến; trên long vị khi viết húy thường viết tách đôi “thượng… hạ…”; nhà sư lại có một Pháp tự và một Pháp hiệu; sau khi viên tịch, nhà sư có tên thụy. Thường người ta gọi nhà sư theo “Pháp hiệu”. (xem bảng Thiền phái Thiên Đồng Viên Ngộ ở tỉnh Giang Nam).

Cho nên nói như sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, “Hoán Bích” là tên “tự của Ngài thì đúng hơn. Và tất cả các bộ sử trong Sử quán triều Nguyễn gọi là “Hoán Bích Thiền sư cũng vì thế?

Theo cách viết ở long vị Ngài tại chùa Quốc Ân, thì ta không biết áp dụng cách nào, vì “húy Nguyên Thiều thượng Thọ hạ Tôn…?; tại bia tháp lại viết “húy Nguyên Thiều Thọ Tôn”. Như vậy, húy hay Pháp danh của Ngài là Nguyên Thiều.

Từ xưa tới nay, người ta chỉ gọi Ngài là Nguyên Thiều. Khi nói đến Tổ Giác Phong ở bài trước, chúng tôi có viện dẫn một tư liệu còn lưu trữ tại chùa Quốc Ân – Huế, ký vào năm Chính Hòa thập ngũ niên (1694) nói về việc cấp đất cho chùa Quốc Ân dựng tháp Phổ Đồng, thấy có tên hai Ngài là “Nguyên Thiều và Giác Phong”. Trong giới Phật giáo Huế cũng gọi là Ngài Nguyên Thiều. Trong bi ký, long vị và các sách ở Sử quán như Đại Nam nhất thống chí Đại Nam liệt truyện tiền biên đều không thấy dùng chữ “Siêu Bạch”; trừ ra ba chỗ là bản Chánh Pháp nhãn tạng (1889) ở chùa Viên Thông, cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược của Pháp sư Mật Thể (1942) và ngôi tháp vọng mà ông Hiền Đức mới phát hiện ở chùa Kim Cang – Đồng Nai.

Trong sách Việt Nam Phật giáo sử lược(7), Pháp sư Mật Thể đã luận giải rằng: Ngài Nguyên Thiều đã thọ giới với một Ngài có chữ “Hạnh” ở đầu, theo dòng Kệ của Ngài Vạn Phong Thời Ủy ở chùa Thiên Đồng (Trung Hoa) truyền xuống là:

    “Tổ đạo giới định tông   
    Phương quảng chứng viên thông.
    Hạnh siêu minh thật tế,
    Liễu đạt ngộ chơn không…"

    Nhưng đồng thời Ngài cũng thọ giới với Ngài Bổn Khao (hay Quả?) Khoáng Viên Hòa thượng ở chùa Báo Tư (Trung Hoa) như bia chùa Quốc Ân đã ghi. Ngài Bổn Khao Khoáng Viên là đệ tử của Ngài Đạo Mân Mộc Trần, đời thứ 31 thuộc dòng Lâm Tế, theo bài Kệ của Ngài:

    "Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên,
      Minh như hồng nhật lệ trung thiên…"

Nếu theo dòng Kệ trên thì Ngài đến chữ Siêu cho nên có húy là Siêu Bạch, với dòng Kệ dưới thì Ngài đến chữ Nguyên cho nên có húy là Nguyên Thiều. Pháp sư Mật Thể viết trong ngoặc đơn: Hiện nay chùa Quốc Ân – Huế, dòng kệ chữ “Nguyên” là theo kệ của Ngài Đạo Mẫn Mộc Trần, chùa Thập Tháp (Bình Định) thì theo dòng Kệ chữ “Siêu”, tức là dòng của Ngài Vạn Phong) (Sđd. tr.190-191).

    Thuyết nói về chùa Quốc Ân có một chỗ đúng là vào năm 1915, Léopold Cadière viết về các Ngài ở chùa Quốc Ân – Huế, có thấy chân dung của Ngài Mộc Trần, thờ ở bàn thờ Tổ. Ngài Mộc Trần chính là Tổ sư  Đạo Mẫn, tức là Quốc sư Hoàng Giác, húy Thông Thiên ở chùa Thiên Đồng bên Trung Quốc, mà Ngài Nguyên Thiều đã mang theo tôn trí thờ ở chùa Quốc Ân (Sđd. tr.309 – B.A.V.H, 1915).

Điều này chứng tỏ Ngài đã thọ giới với Bổn Khao Khoáng Viên Hòa thượng như văn bia viết là điều có thật. Vì Ngài Đạo Mân Mộc Trần là bổn sư của Ngài Bổn Khao Khoáng Viên. Theo bài kệ thì Ngài Nguyên Thiều Hoán Bích đứngg hàng thứ ba của chùa Thiên Khai, nhưng đứng hàng thứ hai của chùa Báo Tư (Trung Hoa). Tuy nhiên, đúng thì có một mà mâu thuẫn rất nhiều. Bởi vì, nếu như thế thì Ngài phải truyền Pháp cho các Ngài có chữ "Thành" mới đúng. Trái lại, tất cả dòng kệ này đều truyền xuống cho các Ngài ở các chùa trong Nam mà không hề có ở chùa Quốc Ân – Huế. Nhất là các Ngài ở chùa Đại Giác ở Biên Hòa và ở chùa Giác Lâm ở Gia Định. Chúng tôi chỉ kể một số các Ngài theo đúng dòng kệ ấy (ở chùa Đại Giác): (33) Nguyên Thiều Hoán Bích – (34) Thành Đẳng Minh Yêu – (35) Phật Ý Linh Nhạc – (36) Tổ Ấn,Mật Hoằng – (37) Tiên Bổn Tịnh Căn – (38) Minh Cần Chánh Tông – (39) Như Hóa Hoằng Đạo – (40) Hồng Đồ Thiện Hưng – (41) Nhật Dần Thiện Thuận…

Chùa Quốc Ân – Huế cũng có thờ long vị nhiều Ngài trong số các chữ theo dòng kệ ấy; nhưng chỉ có thờ long vị mà không có người thật. Chỉ có Ngài Như Hán Nguyên Cát (tịch năm 1914), Như Đông Đắc Quang (1945); và một số chữ "Hồng" thì cũng rất muộn. Như vậy, đúng theo dòng kệ, thì trong Nam phải là Ngài Nguyên Thiều truyền xuống, không phải là Ngài Siêu Bạch.

Còn theo dòng kệ của Ngài Vạn Phong Thời Ủy ở chùa Thiên Đồng, lấy Ngài Tổ Định Tuyết Phong làm đầu thì các Ngài ở chùa Quốc Ân phải do Ngài Siêu Bạch truyền xuống mới đúng, chứ không phải là Ngài Nguyên Thiều.

Theo bài kệ này thì dưới Ngài Siêu Bạch có một loạt các Ngài có chữ “Minh” ở trước, nhưng không phải đệ tử của Ngài Nguyên Thiều cả, mà có thể có người gọi Ngài là sư thúc, có người gọi Ngài là sư bá. Như Ngài Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tôn ở Thuận Hóa; Ngài Minh Hải Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam; Ngài Minh Giác Kỳ Phương ở lại chùa Vĩnh Ân; Minh Hằng Định Nhiên làm Trú trì 64 năm ròng rã ở Quốc Ân; Minh Vật Nhất Tri khai sơn chùa Kim Cang ở Biên Hòa; Ngài Minh Lý (?) ở lại chùa Thập Tháp – Bình Định; Minh Lượng Nguyệt An khai sơn chùa Hòn Sấm; lại có Ngài Minh Trí Nguyệt Hành, Minh Dung Pháp Thông v.v… Các Ngài có chữ “Minh” này truyền xuống cho đệ tử đều theo dòng kệ lấy Ngài Tổ Định Tuyết Phong làm đầu. Cho nên Ngài Minh Hoằng Tử Dung thì có Thiệt Diệu Liễu Quán, Thiệt Vinh Bảo Hành; Ngài Minh Vật Nhất Tri thì có Ngài Thiệt Thành Liễu Đạt, Thiệt Thoại Tánh Tướng, Ngài Minh Hải Pháp Bảo có đệ tử là Thiệt Dinh Chính Hiển; Ngài Minh Lượng Nguyệt An thì truyền xuống Thiệt Địa Pháp Ẩn; các Ngài có chữ “Thiệt” truyền xuống chữ “Tế? và v.v… Các Tổ truyền xuống một vài đời lại biệt xuất dòng Kệ mới. Vậy thì thuyết của Pháp sư Mật Thể cho rằng các Ngài ở chùa Quốc Ân Huế theo dòng Kệ của Ngài Nguyên Thiều; còn các Ngài trong Nam theo dòng Kệ của Ngài Siêu Bạch có đúng nữa không? hay phải đảo ngược lại?

    Theo chúng tôi, có lẽ Ngài Thông Thiên chính là người ở chùa Thiên Đồng (Trung Hoa), theo dòng Kệ của Ngài Vạn Phong Thời Ủy và Ngài được Trung Quốc phong làm Quốc sư hiệu là Hoằng Giác; cho nên Ngài đã biệt xuất một dòng kệ và chính Ngài đã tự đổi Pháp húy là Đạo Mân khi Ngài khai sơn ra chùa Thiên Khai. Thế nên, chúng ta có thể nói bài Kệ của Ngài Vạn Phong Thời Ủy là chính, và chúng tôi xin tạm minh họa đồ thị sau: (22) Tổ Định…  (31) Thông Thiên  (32) Hạnh  (33) Siêu (Tuyết Phong)  (34) Minh (35) Thiệt  (36) Tế…  31) Đạo Mân, (32)  Bổn (33) Nguyên (34) Thành  (35) Phật  (36) Tổ .…. 

Ngài Đạo Mân Mộc Trần là Tổ thứ 31 theo kệ chùa Thiên Đồng; nhưng là Sơ tổ của dòng kệ chính Ngài khai sơn chùa Thiên Khai (Trung Hoa).

Và như thế, chúng tôi có thể minh họa đồ thị thứ hai như sau:

Chùa Thiên Đồng (Ngài Thông Thiên Hoằng Giác)
(khai sơn Chùa Thiên Khai và đổi Pháp húy (Đạo Mân Mộc Trần) lại biệt xuất một dòng kệ mới truyền cho đệ tử (Ngài Bổn Quả Khoáng Viên).Khai sơn Chùa Báo Tư Tân Tự huyện Giang Lăng, tỉnh Quảng Tây, chỉ theo Kệ của bổn sư truyền cho. Nguyên Thiều Hoán Bích ngư?i Quảng Đông, lại còn có húy là: Siêu Bạch, khai sơn chùa Vĩnh Ân ở Thuận Hóa.

Lại xét cách gọi thông thường chư vị Tổ sư: Ngài nào cũng có bốn chữ; hai chữ đầu là Pháp húy theo dòng Kệ Tổ truyền, hai chữ sau là Pháp hiệu hoặc Pháp tự.

Do đó chúng tôi nghĩ là ta nên theo sách sử, giấy tờ, bi ký của các chúa Nguyễn mà gọi Ngài Nguyên Thiều là Hoán Bích Thiền sư, thường nên gọi là Tổ Hoán Bích thay vì gọi luôn cả húy là Nguyên Thiều. Vì thông thường người ta gọi Ngài Liễu Quán, Ngài Pháp Bảo, Ngài Định Nhiên… chứ không ai gọi Ngài Thiệt Diệu, Ngài Minh Hải, Ngài Minh Hằng… bao giờ.

Theo bia ở chùa Quốc Ân thì Ngài Hoán Bích có họ Tạ, ra đời vào năm Mậu Tý, ngày 15 tháng 5 vào giờ Tuất, tính sang Tây lịch là vào ngày 08-7-1648 vào lúc 7-9 giờ tối. Quê hương của Ngài là huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên (Quốc Sử Quán. 6) chép: “Tạ Nguyên Thiều tự Hoán Bích, ngư?i huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 19 tuổi xuất gia tu ở chùa Báo Tư, làm đồ đệ của Hòa thượng Khoáng Viên. Thái Tông Hoàng đế Ất Tỵ năm thứ 17 (1665), Nguyên Thiều đi theo thuyền buôn qua Quảng Nam, lưu trú tại phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di-đà, giảng truyền Phật giáo; kế ra Phú Xuân sơn, tỉnh (sic!) Thuận Hóa dựng chùa Quốc Ân, xây tháp Đồng Phổ (sic!), sau phụng mạng Anh Tông Hoàng đế qua Quảng Đông rước Thạch Liêm Hòa thượng và thỉnh tượng Phật, chuông khánh; lúc trở về phụng sắc cho trú trì chùa Hà Trung [….] hưởng thọ 81 tuổi [….], Hiển Tông Hoàng đế ban cho thụy hiệu Hạnh Đoan Thiền sưv à làm một bài "ký" ghi chép công đ?c”(9).

Tất cả lời văn được các sử thần ghi chép trong Đại Nam liệt truyện tiền biên đều đã có trong “Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích Thiền sư tháp ký minh”(10) do Đại Việt Quốc chúa Nguyễn Phúc Thụ (1723-1738) ban khắc ở bia tháp mộ Ngài. Trong đoạn văn trên có nhiều điểm đáng bàn luận.

Về niên đại Thiền sư Nguyên Thiều sang Nam Hà

Trước hết là năm qua Nam của Tổ Nguyên Thiều Hoán Bích. Thái Tông Hoàng đế là niên hiệu truy phong tặng của chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Ất Tỵ năm thứ 17, trùng vào năm Cảnh Trị thứ 3 đời Lê Huyền Tôn của nhà Lê ở Bắc Hà. Tính theo các niên hiệu của vua Lê và chúa Nguyễn thì đều trùng khớp với năm 1665 Tây lịch. Song tính theo số tuổi kể từ năm sinh đến năm xuất gia, theo văn ghi trong bia và trong sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, thì các tài liệu trên này đều sai. Năm 19 tuổi, Bính Ngọ (1666) Ngài mới xuất gia đến chùa Báo Tư để thọ giới với Bổn Khao Khoáng Viên Hòa thượng, thì làm sao năm Ất Tỵ (1665) Ngài qua Nam cho được?

Cho nên, sau khi tính toán rất kỹ càng cách tính năm theo can-chi, ta phải nói cho rằng Ngài qua Nam vào năm 1677, tức là năm Đinh Tỵ.

Bia chúa Nguyễn lại viết Ngài thọ 81 tuổi mà sách Đại Nam liệt truyện tiền biên đã nhắc lại, và Ngài viên tịch vào ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân, tính sang Tây lịch là ngày 20-11-1728. Lấy năm mất, trừ năm tuổi thọ, ngư?i ta vẫn đến năm sinh là (1648). Văn bia cũng cho là Ngài hoằng hóa ở đất Nam Hà trong 51 năm. Lấy năm viên tịch trừ cho năm ở trên đất Nam Hà, ta vẫn đến năm 1677 đúng như năm qua Nam đã tính ở trư?c. Cho nên, dù nói thế nào thì niên đại Ất Tỵ (1665) vẫn là niên đại không chính xác để tính cho việc Ngài đổ bộ Quy Ninh vào lúc đó, so với năm sinh, năm xuất gia, năm viên tịch và số tuổi thọ, số năm Ngài hoằng hóa trên dải đất Nam Hà và Thuận Hóa.

Trong một bài khảo cứu, ông L. Cadière còn cho rằng vào năm 1676, có Linh mục Bénigne Vachet(12) đang thừa hành nhiệm vụ truyền giáo ở Nam Hà, có dự một cuộc luận đạo tại nhà một vị Quốc vụ khanh, con rễ của vua (le “Ministre de l’ État, gendre le Roy”) – không biết ở nhà Cai cơ Đốc hay Cai cơ Tráng – giữa Thiên chúa giáo và Phật giáo. Bên Phật giáo có hơn 30 nhà sư cả Trung Hoa lẫn Việt Nam. Các Ngài đều gọi ngư?ờ cầm đầu là “Sư phụ”, vị sư phụ này nguyên quán ở Quảng Đông. Ông L. Cadière đã đoan quyết là Ngài Nguyên Thiều.

Xem ra ông Cadière đã có phần khiên cưỡng, nhưng ông cũng theo các tài liệu viết trước đó rất lâu. Vậy thì ta nghĩ thế nào? Theo chúng tôi, tuy ông Cadière đã đoan quyết là Ngài Nguyên Thiều Hoán Bích đổ bộ Quy Ninh vào năm 1677, mà cuộc luận đạo đã xảy ra vào năm 1676 thì sao đã có Ngài Nguyên Thiều đ?ợc? Nhưng, nếu giả sử cuộc luận đạo xảy ra vào cuối năm Âm lịch thì có thể là cuối năm 1676 hoặc khoảng tháng Giêng năm 1677; và có thể cuộc luận đạo xảy ra ở Quy Ninh. Vì ông cố đạo Bénigne Vachet, thuộc Dòng Tên đã từng truyền đạo ở Nam Hà rất lâu, bỗng có một đoàn do tôn giáo khác đến truyền đạo mới, ông sợ mất tín đồ, mới bày ra cuộc luận đạo để khoa trương triết luận của tín ngưỡng mình là điều rất có thể có. Trong bia của chúa Nguyễn Phúc Thụ lại có câu: “Trong những cuộc luận đạo, Ngài đã chạm đến chỗ tột cùng vi diệu”; thì có thể cho rằng chính Ngài Nguyên Thiều Hoán Bích đứng ra luận đạo với vị linh mục phương Tây Bénigne Vachet.

Phương chi, trong 30 đến 33 nhà sư hôm đó có cả nhiều người ở chùa Thiên Đồng, chùa Thiên Khai và chùa Báo Tư cùng đi một chuyến với Ngài Nguyên Thiều. Cho nên trong đoàn có rất nhiều Ngài có chữ “Minh”, và ba Ngài có chữ “Thành”. Tất cả đều gọi Ngài Nguyên Thiều là “Sư phụ”. Chữ này không hẳn là bổn sư, mà có thể là cách xưng hô đối với vị trưởng đoàn. Với người Á Đông thì cách xưng hô này là rất thường.

(Còn nữa)

H.X.L.

Chú thích:
(1)    Tạp chí Sinologia No 1 (1949) tr.14-17.
(2)    BAVH, 1914 các trang 147-161.
(3)    BAVH, 1915 các trang 305-308.
(4)    Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, tập II, tờ 43b-44a, tập III tờ 41a.
(5)    Quốc Sử Quán, Đại Nam liệt truyện tiền biên, tập VI tờ 23-24.
(6)    L. Cadière, La pagode Quốc Ân: Le fondateur tr.149, trong kỷ yếu Hội Đô thành hiếu cổ – Huế 1914.
(7)    Mật Thể, Sđd, Đà Nẵng, Minh Đ?c xb, 1960.
(8)    Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, bản đồ phổ hệ tr.434-435. Bản in năm 1992 – Bản đồ phổ hệ truyền thừa này có trên 19 chùa.
(9)    Đại Sán Hán Ông, Hải ngoại kỷ sự, phần khảo cứu của Giáo sư Trần Kính Hòa, đoạn 3, tr.256-257 – UBDSLVN – Viện Đại học Huế, 1963.
(10)    Đúng với cách gọi mà chúng tôi đã bàn ở trên: “Hoán Bích thiền sư? là cách gọi chính xác.
(11)    Ta nên nhớ cách tính tuổi của Trung Quốc và Việt Nam ta, bao giờ cũng có +1, tức là kể cả năm bà mẹ mang thai. Cho nên cách tính theo Dư?ng lịch có sự sai chạy 1 năm.
(12)    L. Cadière, Mémoire de Bénigne Vachet sur la Cochinchine, dans le Bulletin de la Commission archéologique 1913, tr.44 và các trang tiếp theo.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here