Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Về Thiền sư Nguyên Thiều (?-1728 ), khai sơn chùa Quốc Ân

Về Thiền sư Nguyên Thiều (?-1728 ), khai sơn chùa Quốc Ân

233
0

(Tiếp theo và hết)

Ngài Nguyên Thiều Hoán Bích qua Nam Hà không theo lời thỉnh mời của chúa, mà Ngài đã đến đây theo hoạt động riêng của Ngài (văn bia chùa Quốc Ân). Ngài “đi thuyền buôn qua Quảng Nam trú tại phủ Quy Ninh(1), tức là Ngài đã theo chân những người Trung Hoa” (văn bia), có thể là để tránh tình trạng xã hội bất ổn cuối đời Minh đầu Thanh.

Trong thời gian trú tại phủ Quy Ninh, Ngài đã dựng chùa Thập Tháp và giảng truyền đạo Phật: “Chùa Thập Tháp ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn, sau chùa có 10 cái tháp Chàm, cho nên đặt tên như vậy, nay đổ nát hết rồi. Bản triều thời Thái Tông, Đường tăng Hoán Bích Hòa thượng xây cất chùa ấy, thời Hiển Tông sắc ban biển ngạch đề “Thập Tháp Di-đà Tự” và liễn đối…” (2). Sau khi xây dựng chùa Thập Tháp ở Quy Ninh – Bình Định thì sách Đại Nam liệt truyện tiền biên (Quốc Sử Quán. 6) nói tiếp: "Kế ra Phú Xuân Sơn, tỉnh (sic!) Thuận Hóa, dựng chùa Quốc Ân, xây tháp Đồng Phổ" (sic!) (Sđd. tr. 275), chứ không nói là Ngài đi đường biển, ghé lại Tư Dung lên làng Hà Trung để dựng chùa Phổ Thành. Đại Nam nhất thống chí cũng chỉ ghi : "Chùa Hà Trung ở xã Hà Trung, đời Hiển Tông bản triều sư Hoán Bích làm Trú trì ở đó" (Sđd chú số(3), trang 275).

Như vậy, chùa Hà Trung là một ngôi chùa làng đã có từ trước, Ngài chỉ ghé lại đình trú một thời gian, rồi lên Phú Xuân Sơn lập thảo am, để trở thành chùa Vĩnh Ân. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn, thì  có lẽ làng Hà Trung được khai lập vào đời chúa Nguyễn Hoàng, bởi trong sách Ô châu cận lục của Dường Văn An, tên làng này chưa có. Một luận cứ chắc chắn cho giới thuyết này là sách Hải ngoại kỷ sự  viết vào năm 1695, trong đó Hòa thượng Thạch Liêm đã miêu tả mấy cây tùng cổ ở chùa Hà Trung như sau: “Chợt thấy một cây tùng xanh rợp bóng, một cổ thụ đã mấy trăm năm! [……]. Sau điện có những cây tùng lớn đến mấy ôm, ngọn queo cành cỗi, rậm rạp ly kỳ; thực là những thiên niên cổ thụ, trên đọt tùng sầm uất, lá xoắn từng nắm tròn; theo lời “Truyện ký” bảo đọt tùng xoắn thành nắm tròn, đào dưới gố có củ phục linh và hổ phách; nhưng ta chẳng dám nói “Thuyết” ấy ra sợ làm hại đến cây quý” (Sđd. tr.133).

Theo các sách đã dẫn ở trên thì Ngài Nguyên Thiều đổ bộ Quy Ninh vào năm 1676/1677 dựng chùa Thập Tháp ở Bình Định, kế đó ra Phú Xuân Sơn lập am Vĩnh Ân vào khoảng từ 1682 đến 1684. Như thế khoảng cách giữa hai mốc thời gian chỉ có từ 5 đến 7 năm. Nếu nói rằng Ngài xây dựng chùa Phổ Thành ở làng Hà Trung, thì làm gì có được những cây tùng kỳ cổ đã hàng trăm năm như lời Thạch Liêm Hòa thượng miêu tả vào năm 1695, tức là cách thời gian Ngài Nguyên Thiều lên đình trú ở chùa làng Hà Trung trong khoảng thời gian là 10 năm. Cho nên cái thuyết cho rằng Ngài Nguyên Thiều xây dựng chùa Phổ Thành tức chùa làng Hà Trung là một thuyết đáng ngờ. Mà chắc chắn hơn Phổ Thành tự là tên hiệu chùa làng Hà Trung đã có từ thời gian lâu xa trước đó rồi.

Về niên đại dựng chùa Vĩnh Ân (Quốc Ân ngày nay)

Vậy chùa Vĩnh Ân đã được khai sơn vào năm nào? Sách Đại Nam nhất thống chí triều Duy Tân chép: "Chùa  Quốc Ân ở ấp Phước Quả. Tục truyền do Hoán Bích Thiền sư xây cất, bản triều Hiển Tông có ban cho hai bức liễn đối…bên tả có khắc 8 chữ: Quốc Vương Thiên Túng Đạo Nhân Ngự đề" , nay vẫn còn. Và trước chùa có tháp Đồng Phổ (sic!) cũng do Hoán Bích Thiền sư xây, sau bị binh hỏa tàn phá, Gia Long năm đầu(3) Hòa thượng Mật Hoằng tu bổ lại, chùa chiền rộng rãi mỹ quan. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng không cho ta thêm chi tiết nào rõ ràng hơn. Theo Tự phổ chùa Quốc Ân thì vào năm Chính Hòa thứ 5 (1684) vào thời vua Lê Hy Tông ở Thăng Long, và Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ở Thuận Hóa, vị chúa này có ban cho một ngân khoản trợ cấp để Ngài Nguyên Thiều xây dựng chùa. Như vậy chùa có thể xây dựng vào 1682 hoặc 1684 mà không quyết đoán đuqợc năm nào, chùa được xây dựng như thế nào? Không có sách vở gì để lại, chỉ nói rằng ngay bên cạnh chùa, Ngài có xây dựng một kiến trúc gọi là Đồng Phổ (sic!) tháp, hay Phổ Đồng tháp (?).

Phổ Đồng tháp là gì ? Có thể đây là nơi thờ tự những người quá vãng có công với chùa, nhưng không còn có con cháu cúng cấp, thường dân tín hữu cũng như các bậc tể quan hoặc các điệu, các thầy trong sơn môn mà chưa có quyền xây tháp mộ theo truyền thống Phật giáo, cho nên mới dùng hai chữ Phổ (chung) Đồng (bình đẳng). Cũng không phải Ngài Nguyên Thiều là người xây tháp Phổ Đồng trước tiên. Bởi vì sách Đại Nam nhất thống chí, bản đời Tự Đức soạn trong khoảng 1864 đến 1875, khi nói đến núi Ngũ Hành ở Quảng Nam đã nói: "Ngọn núi ở phía Đông Bắc hình như sao Tam Thai, nên xưa gọi là núi Tam Thai, xưa có tháp Phổ Đồng…"(4).

Năm Chánh Hòa thứ 10, ngày 17.5. Kỷ Tỵ (13.7. 1689), Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế tức là chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) đã phê chuẩn một sắc lệnh miễn thuế đất ruộng của chùa và đổi tên Vĩnh Ân tự thành "Sắc Tứ Quốc Ân Tự". Như vậy, tên chùa Quốc Ân mà sách Đại Nam nhất thống chí đã viết, là có từ năm Kỷ Tỵ (1689) vậy.
Tuy nhiên, hiện nay còn một vấn đề mà người ta cũng không thể giải quyết cho chính xác được. Nguyễn Phúc Tần mất năm Đinh Mão (1687) thì ngôi chúa được người con của ông là Nguyễn Phúc Thái tiếp nối (1687-1691). Nguyễn Phúc Thái đã phái Ngài Nguyên Thiều Hoán Bích về Trung Quốc để tìm mời các danh tăng và thỉnh các Ngài về Thuận Hóa. Không biết Ngài được phái đi vào năm nào, nhưng vì việc phải xảy ra trong khoảng 1687 cho đến 1691 là khoảng thời gian trị vì của chúa Nguyễn Phúc Thái.

Không biết Ngài đi trong bao nhiêu năm, và khi Ngài vắng mặt tại chùa Vĩnh Ân thì ai thay Ngài ở đây. Phải chăng là Ngài Minh Giác Kỳ Phương mà người ta cho là đệ tử của Ngài? Cũng không biết Ngài về lại chùa trước hay sau việc chúa Nguyễn Phúc Thái ra lệnh miễn giảm toàn bộ thuế cho đất đai nhà chùa, và ban đổi hiệu chùa là "Sắc Tứ Quốc Ân Tự". Chỉ biết rằng khi về thì không có Ngài Thạch Liêm – là người chúa phán phải mời cho được – cùng đi với Ngài, và Ngài đã mang về nhiều tượng Phật và nhiều Pháp khí để thờ. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên chép: "Lúc trở về phụng sắc cho trú trì chùa Hà Trung". Sự bổ dụng này mang dáng dấp một sự thất sủng hơn kính trọng. Hà Trung là một làng nằm mất hút vào cuối một đầm nước mặn trên một vùng đất cát, về phía nam kinh thành hơn nửa ngày đi bộ. Chính tại ngôi chùa này mà truyền thuyết cho rằng Ngài đã thiết trí pho tượng Phật Quan Thế Âm rất lớn bằng đá và cho rằng đó là pho tượng quan trọng nhất mà Ngài đã thỉnh từ Trung Hoa về; hiện nay đang còn, là một bảo vật của Phật giáo Thừa Thiên Huế (5).

Một tài liệu ký vào năm Chánh Hòa thập ngũ niên (1694) tức là đã ở vào thời trị vì của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) nói về việc đào giếng và cấp đất cho Tháp Phổ Đồng ở chùa Quốc Ân thì vẫn còn thấy tên Ngài Nguyên Thiều và Ngài Giác Phong. Sau giới đàn Ất Hợi (1695), khi đoàn thuyền của Ngài Thạch Liêm trở về Trung Hoa, đi ngang chùa Hà Trung, Ngài có miêu tả cảnh chùa rất đẹp, và ghé lại chùa thì được "Cai bá, Giám tự rước ta vào trong điện để cúng chay, Giám tự nguyên cũng là một thụ giới đệ tử"(6). Như thế, chứng tỏ rằng cho đến 1694 và 1695 Ngài Nguyên Thiều vẫn còn ở chùa Quốc Ân. Sử kiện này phải chăng là vì không mời được Thạch Liêm Hòa Thương qua Nam mà Ngài bị thất sủng đối với chúa Nguyễn Phúc Thái? Nhưng qua các đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và chúa Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) thì Ngài vẫn được trọng vọng và được thỉnh trú trì cả chùa Quốc Ân, còn chùa Hà Trung giao cho vị Giám tự. Tình trạng trú trì hai chùa ấy hiện nay vẫn thấy ở nhiều chùa Huế.

Chúa Nguyễn Phúc Thụ đã viết: “Ngài đã đi, đã về và đã hoàn thành sứ mạng với nhiều thành công và đã đem lại nhiều thành tựu to lớn"(7).

Vì đó mà việc trọng vọng và để Ngài trú trì hai chùa là việc khả hữu. Ông Léopold Cadière nêu lên trong một bài ông viết về các Ngài trú trì ở chùa Quốc Ân về vấn đề trú trì hai chùa của Ngài Nguyên Thiều mà ông cũng xác nhận là điều có thể có (9), ông cho là Ngài Nguyên Thiều đã viên tịch tại chùa Quốc Ân, vì ông dựa vào hai chứng cớ: sau khi Ngài viên tịch, người ta mới bổ tới Ngài Minh Hằng Định Nhiên, đệ tử của Ngài làm vị Trú trì thứ nhất để thay Ngài; và tháp mộ Ngài được xây ở xứ Cửa Hóa gần chùa Quốc Ân(8).

Ở bài trước, chúng tôi có viện dẫn lời chúa Nguyễn Phúc Thụ (1723-1738)  viết trong bia “Sắc tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền sư tháp ký minh”, có câu: “Trong những cuộc luận đạo, Ngài đã chạm đến chỗ tột cùng vi diệu”, thì câu nhận định này đã biểu hiệu được hai mặt. Một mặt là câu nói ấy đã biểu lộ được trình độ thâm hiểu Phật pháp, của vị chúa Nam Hà, và có thể là của cả giới Tăng sĩ Phật giáo Nam Hà vào thế kỷ thứ XVIII tl.. Điều này không phải chúng tôi võ đoán. Bởi vì trước khi viên tịch, Ngài đã truyền lại bài Kệ:

“ Tịch tịch kỉnh vô ảnh       
Minh minh châu bất dung   
Đường đường vật phi vật       
Liêu liêu không vật không.” 

Dĩ nhiên bài Kệ tuy ngắn, nhưng nội hàm giáo pháp và học lý vi diệu nhất mà Tổ Nguyên Thiều muốn khai thị và hoằng truyền thì  đều đã có trong đó cả. Và có lẽ vị chúa Nam Hà đã “ngộ? được phần nào cái vi diệu ấy; cho nên chúa mới làm bài “Minh” xưng tán Tổ như sau:

Ưu ưu Bát-nhã                            
Đường đường phạm thất,    
Thủy nguyệt ưu du    
Giới trì chiến lật,    
Trạm tịch cô kiên    
Trác lập khả tất    
Quán thân bổn không    
Hoằng pháp lợi vật    
Biến phú từ vân    
Phổ chiếu huệ nhật    
Chiêm chi nghiêm chi    
Thái sơn ngật ngật.

Đây cũng là mặt thứ hai của câu nhận định xưng tán Tổ Nguyên Thiều vậy.

H.X.L

Chú thích:

(1) Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên do Trần Kính Hòa khảo cứu, Sđd tr.257.
(2) Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, Duy Tân tam niên (1910) Quốc Sử Quán. 9 tỉnh Bình Định, mục Tự Quán – Trần Kính Hòa chú dẫn ở phần khảo cứu Sđd. Số (1) tr.157. Soạn giả chú: Thái Tông tức Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1678), Hiển Tông tức Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).
(3) Soạn giả chú: Sách ĐNNTC nói như thế để được lòng triều Nguyễn thôi; vị vua Gia Long năm đầu đã có Mật Hoằng Hòa thượng ở Phú Xuân? Gia Long năm thứ 13 (1814) trùng kiến chùa Thiên Mụ xong, vua mới triệu người về làm Tăng Cang ở đây.
(4) Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, q.VII, Quảng Nam, mục Sông núi, tr. 303 – Nxb. KHXH, Hà Nội, 1971.
(5) Xem thêm phần IV.5.3 ở gần cuối sách.
(6) Đại Sán Hán Ông, Hải ngoại ký sự tr. Viện Đại học Huế 1963.
(7) Chính văn bia ở chùa Quốc Ân – Tham khảo thêm L. Cadière, BAVH tr. 156.
(8) Sđd. BAVH, 1915. tr. 305-306.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here