Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Về thăm thánh địa Sanchi

Về thăm thánh địa Sanchi

136
0

Sanchi ngày nay là vùng Janpada Panchayat bao gồm làng Machhi, Kanaphera, Kalan, Kachhi, Kana, Khena, Nagauri và Kuangaon. Thánh địa Sanchi nằm cách xa chừng 45 km từ Bhopal thủ phủ của Bang, được kết nối với tuyến đường sắt và đường bộ ngang qua trung tâm Jhansi Itarsi.

Sanchi là nơi hội tụ một nền văn hóa, học thuật từ thời xa xưa của Phật giáo. Di tích này được bảo tồn còn khá nguyên vẹn từ khi hình thành cho đến nay. Đại bảo tháp Sanchi bắt đầu xây dựng từ Vương triều của Đại đế Asoka thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Hạt nhân của nó là một cấu trúc vòm bằng gạch được xây dựng theo kiểu mẫu vũ trụ quan Phật giáo. Xuyên qua tâm vòng tròn là một cột trụ vươn lên qua đỉnh vòm, tượng trưng cho cột đỡ vũ trụ. Trên cùng là 3 đĩa tròn, biểu thị Tam bảo. Nhiều người cho rằng, tháp lớn Sanchi được xây dựng trên phần tro hỏa táng của đức Phật, vì các tháp nhỏ hơn (tháp 2 và 3)  thờ xá lợi của các vị Thánh đệ tử.

Lịch sử rõ ràng của Sanchi bắt đầu từ vua Asoka năm thứ 10 sau khi lên ngôi, kéo dài suốt 37 năm từ 274-237 BC. Trị vì một đế quốc hùng mạnh, ông là vị vua hết lòng hộ trì  Phật pháp nên cho xây dựng rất nhiều bảo tháp, trụ  đá và tu viện rộng khắp trên đất nước Ấn  Độ. Sau khi vua Asoka qua đời, đế chế to lớn của  ông dần dần bị tan rã. Triều đại Sunga lên nắm quyền hành, với sự xuất hiện của họ Phật giáo bắt đầu suy yếu. Vua Pushvamira Sung lên ngôi, ông cho phục hồi lại các lễ nghi của Bà la môn mà trước đây Asoka đã ngăm cấm, Phật giáo bắt đầu suy yếu. Đền chùa, tháp miếu rơi vào cảnh hoang phế. 

Tiếp tục kế ngôi vua cha, Agnimitra trong nom một vương quốc phía Tây lấy Vidisha làm thủ phủ. Thật may mắn, vương triều này không cuồng tín tôn giáo để phá hủy các chùa tháp Phật giáo, ông đã đống góp một phần rất lớn trong việc duy trì dài lâu của thánh địa Sanchi. Vua Agnimitra đã cho xây dựng một bảo tháp lớn bằng đá bao quanh tháp chính bằng gạch được xây dựng bởi vua Asoka. Xung quanh vẫn còn sót lại vữa vôi và các lớp phủ thạch cao, dường như nó cũng được thực hiện trong giai đoạn này. Một trụ đá (trụ đá số 25) được ghi một sắc lệnh của vua Agnimitra cũng được tìm thấy. Có một lan can bằng đá lớn chạy quanh bảo tháp 1, từng mãnh đá nhỏ từ các tín đồ Phật tử mến đạo cũng đã được gắn vào trong cấu trúc của bảo tháp. Và tên của họ cũng được khắc trên phiến đá bằng ký tự Brahmi, tất cả đều diễn ra trong giai đoạn của vương triều Agnimitra.

Triều  đại Sugna kéo dài được một giai đoạn rồi suy tàn vào năm 70 trước Công nguyên. Sau đó Satavahanas tiếp tục lên nắm quyền hành. Sự nổi lên của vương triều Satavahanas đánh dầu một giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử của thánh địa Sanchi. Bảo tháp được xây thêm bởi một hàng rào đá và có 4 cổng đá ở 4 phương chính, mỗi cổng có 3 xà ngang. Các hình cây bồ đề, hoa sen, bảo tháp, pháp luân, voi, ngựa… được chạm khắc tỉ mỉ ở các xà ngang này. Các trụ vuông khắc những hình ảnh minh họa được trích từ kinh Bổn sanh, những câu chuyện về tiền kiếp của đức Phật.

Tên gọi Sanchi chỉ mới được dùng phổ biến từ khoảng thế kỷ thứ 9 và 10 sau Công nguyên. Trước đó vị trí này có tên Kakanaya được sử dụng bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Có lẽ nó được bắt nguồn từ một câu khắc trên phiến đá ở cổng Bắc: “Kakanaye bhagavato pamanalathi”. Có nghĩa là nơi linh thiêng cao quý luôn ban rãi phước lành tỏa đến muôn người. Từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên có tên là Kakanada –bota, đến thế kỷ thứ 7 Kakanaya chuyển đổi thành "Bota-Sri Parvata". Điều này được nhìn thấy trên một phiến đá cố định trong tu viện số 43. "Bota-Sri Parvata", rồi sau đó trở thành "Santi – Sri Parvata". Thuật ngữ Santi (nghĩa là an lạc) được dùng sau một quá trình biến thành Sanchi, tên hiện tại.

Vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên có bốn vương quốc lớn tại miền Bắc Ấn Độ. Đó là  vương quốc Magadha, Kosala, Vatsa, và Avanti. Ujeni là thủ phủ của nước Avanti, thánh địa Sanchi nằm trong vương quốc này. Một câu chuyện ghi lại rằng, một ngày vua Chandapradyota người cai trị vương quốc Avanti đã ra lệnh Bà la môn Kachchayana đi mời đức Phật đến vương quốc của mình. Nhận lệnh của nhà vua, Kachchayana cùng với 7 người khác đi đến Banaras để gặp đức Phật. Khi gặp và nghe đức Phật thuyết pháp, họ đã xuất gia trở thành Tỷ kheo chứng đắc thánh quả A la hán. Sau đó Kachchayana đã chuyển lời mời của vua Chanda-Pradyotas đến đức Phật, Ngài nhận lời mời rồi gửi Tỷ kheo Kachchayana đến Ujeni trước. Từ đó giáo lý của đức Phật bắt đầu được truyền bá tại đây do công của La hán Maha Kachchayana vào năm thứ 12 sau ngày thành đạo của đức Phật. 

Cảm mến công đức, Hoàng hậu của vua Chandapradyota đã cho xây dựng một tu viện trong khu rừng Kanchan để dâng cúng cho La Hán Maha Kachchayana. Trong thời gian ngắn, toàn thành phố Ujeni và vương quốc Avanti phủ đầy với màu áo vàng của Chư tăng. Người dân ngoan đạo của Kuraraghara Avanti đã xây dựng nhiều tu viện để dâng cúng cho Tăng đoàn tại đây.

  Sanchi được biết đến rộng rãi vào năm 1818, sau một quá trình bị lãng quên chừng khoảng 600 năm. Trước kia, nơi đây chỉ là một bải cỏ hoang dã. Thánh địa phát hiện nhờ vào công sức của các nhà khảo cổ sau ngày đất nước Ấn Độ dành lại độc lập. Dần dần những đồi cỏ hoang được dọn sạch sẽ, khoảng 50 di tích được phát hiện hé lộ ra nhiều điều kỳ bí về kiến trúc nghệ thuật Phật giáo đáng chú ý vào bậc nhất ở Ấn Độ.

Alexander Cunningham người đi tiên phong trong công việc khảo sát về  khảo cổ học của Ấn Độ đã có  mô tả rất chi tiết về di tích Sanchi trong báo cáo của mình. Các nhà khảo cổ nổi tiếng như Johnson, Cunningham, Đội trưởng Maissey và ông John Marshal cũng đã thực hiện công việc khai quật và bảo tồn thánh địa từ năm 1822 đến năm 1919. Ông John Marshal đã thành lập một bảo tàng khảo cổ nằm tại chân đồi Sanchi gần lối đi chính, ông cũng đã tiến hành phân loại những di tích và sắp xếp nó trình tự qua từng thời kỳ.

Ngày nay, thánh địa Sanchi một vùng đất yên bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách từ các nước đến chiêm bái và tìm hiểu. Hàng năm vào giữa kỳ mùa Đông, bảo tháp sẽ được mở cửa để dành cho du khách tận mắt chiêm bái đảnh lễ xá lợi của hai Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Nếu thuận duyên chúng ta nên đến Sanchi vào những dịp này để tận hưởng hết trọn những giá trị tâm linh cũng như thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình và kiến trúc đền đài tráng lệ của quần thể di tích này.

Rời thánh địa Sanchi mà trong tôi cảm mến lạ lùng. Một quá khứ hào hùng của thánh địa đã hiện về trong tâm thức của chúng tôi-những người đi lần theo dấu vết xưa để tìm lại thời vàng son của Phật giáo. Hẹn một ngày trở lại Sanchi, vùng đất an lạc, nơi lưu dấu những chứng tích phát triển đỉnh cao của nghệ thuật Phật giáo.

T.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here