Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Về Tết mấy ngày?

Về Tết mấy ngày?

123
0

Anh ngạc nhiên gắt: “Như đi ăn cướp thế!”. “Anh tính xem, năm nay có nhà rồi, thằng Cốc cũng đã lớn, thành một gia đình thì có nhiều việc và trách nhiệm phải lo hơn. Em bận tối mắt tối mũi ở cơ quan, hết 28 mới được nghỉ, 29 mình dọn nhà ở đây, cúng thần linh thổ địa cho đàng hoàng. Xong xuôi 30 mới về được, rồi phải đến đây sớm đi chào hàng xóm, chơi nhà sếp, nhà đồng nghiệp và đưa con đi thăm phố, lên chùa cầu lộc đầu năm. Phải biết phân phối thời gian, chứ cứ quanh quẩn lũy tre làng thì bao giờ khá được?”.

Anh im lặng, bỏ ra ngoài khiến chị đâm khó nghĩ. Thực ra những gì chị nói mới chỉ có một phần, phần nữa chị không muốn nói ra đó là về quê chồng chị thấy rất khó chịu. Những năm trước về sớm, toàn hục mặt vào quét dọn nhà cửa, chuẩn bị ăn uống hết cả hơi, ăn chẳng được bao nhiêu chỉ thấy bực và mệt. Vì truyền thống làng anh, đàn ông cứ lê la hết nhà nọ đến nhà kia tụ tập cụng ly, nâng chén từ sớm đến chiều cho đến say thì thôi, đàn bà con gái luôn tay luôn chân quần quật dọn chiến trường và phục vụ sao cho chu đáo kẻo chỉ một lỗi nhỏ xảy ra cũng đủ bị nhiếc móc, nhắc đi nhắc lại cả năm.

Ở đó với chị như nhà người lạ, thôi thì để đẹp lòng và mát mặt chồng, chị mới miễn cưỡng về theo, còn nếu được chọn chị chẳng thiết tha gì, chưa kể việc con chị về đó ông bà chiều chuộng đến hư người, bao phép tắc chị dày công dạy thành công toi, do được ông bà bênh, cưng đến mù quáng, chị giận lắm mà chẳng dám nói, sợ mất lòng, vì có lần chồng chị ý kiến y như rằng ông bà quát tháo, dỗi suốt vài tháng sau.

Công bằng mà nói ông bà rất tốt, hiếm khi gặp con cháu nên chẳng nỡ quát mắng song chính vì thế chị không thích, bụng bảo dạ hạn chế về được ít nào hay ít đó!

Hôm sau chị dò thái độ chồng rồi hỏi: “Anh gọi về nhà chưa?”. Anh vừa và cơm vừa hờ hững trả lời cộc lốc: “Rồi”

Chị bâng quơ: “Hay anh ở lại với ông bà, em xuống đây trước, cắt đôi lực lượng ra vậy”. “Thôi, khỏi cần”, vậy là chị không nói thêm vì biết anh đã đồng ý với phương án trước. Tết nhất, mỗi người một nơi coi sao được và cũng khó giải thích với ông bà bởi nếu chia ra, chắc chắn thằng Cốc sẽ theo chị.

Vậy là thành công rồi, chị thở phào, vừa lúc đó, mẹ đẻ chị gọi điện, chị tíu tít hỏi xem mẹ định nấu mấy cân bánh Chưng, sắm nhiều đồ tết chưa? Bao giờ anh Tùng về? Như gãi đúng chỗ ngứa, mẹ chị được dịp than phiền, giọng nghe thật buồn: “Năm nay mẹ đặt bánh vì làm nhiều chẳng có ai ăn, làm ít thì chẳng bõ. Đặt cân chả giò, mua tí thịt cất tủ lạnh, thế thôi. Thằng Tùng mới gọi điện báo chiều 30 mới về mà mùng 1 đã đi rồi, kêu nhà ở khu đó trộm viếng thăm thường xuyên, chỉ nhờ người ta trông hộ được có một hôm và còn phải đi sang nhà ngoại, đi chúc tết đồng nghiệp nữa. Chán quá, các con đi suốt năm, tết nhất chủ yếu là ngày sum họp, để về thăm gia đình, họ hàng, vậy mà tấp tỏa kiểu như về tranh thủ thế thì còn gì ý nghĩa. Hay có điều gì chúng nó không hài lòng với bố mẹ nhỉ? Mẹ định hỏi nhưng rồi lại thôi, sợ vợ chồng nó nói nhau thì phiền lắm, mất dông cả năm.

Chị giật mình có cảm giác như mẹ đang nói mình, “Lòng vả cũng như lòng sung” các nàng dâu đã ích kỷ và khó tính quá chăng? Đặt vào hoàn cảnh các mẹ, chị bắt đầu thấy áy náy. Còn anh nhà chị, chẳng qua không thèm chấp, không buồn nói chị đó thôi, chứ chắc cũng bất bình lắm và chị hiểu anh sẽ khó quên được việc này.

Nghĩ ngợi một lát, chị vào gọi điện cho mẹ chồng: “Con thu xếp được rồi, sáng 29 chúng con về, mùng 4 sẽ xuống cơ quan chúc tết mọi người…”.

Anh ngạc nhiên: “Sao thay đổi xoành xoạch thế?”. “Em tính lại rồi, mình chịu khó dọn nhà trước mỗi hôm một ít, em sẽ mua hương vòng thắp ấm nhà mấy hôm mình đi vắng, lên chùa thì để rằm tháng riêng rảnh rỗi. Còn Tết tập trung về thăm ông bà, họ hàng cho phải phép”.

Mặt anh giãn dần ra, chị chỉ mỉm cười, thấy nhẹ lòng.

Theo Dân Trí

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here