Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Về “đất Phật” Nghệ An

Về “đất Phật” Nghệ An

144
0

Lần đầu tiên chúng tôi nghe nói Nghệ An là “đất Phật”, bởi vì, từ lâu chúng tôi chỉ nghe Luy Lâu, Yên Tử, cố đô Huế là “đất Phật” bởi nhiều lý do, nhưng tựu trung là bởi những địa danh này đã từng là “kinh đô Phật giáo”… Nghệ An có lẽ cũng vậy, từng là kinh đô, hoặc ít nhất cũng là trung tâm của Phật giáo một thời. Cũng may, cơ hội hơn mười ngày Phật sự trên đất Nghệ An rồi cũng hiểu ra đôi chút về Phật giáo ở xứ sở này hơn

Núi Đại Huệ thiêng liêng
 
Đất Phật từ quá khứ huy hoàng
 
Toàn tỉnh Nghệ An xưa kia có hơn 500 ngôi chùa, mà hiểu đúng theo tầm ảnh hưởng thì mỗi ngôi chùa sẽ ảnh hưởng ít nhất cũng đến vài làng dân cư, vậy thì hơn 500 ngôi chùa chắc chắn sẽ có một tầm ảnh hưởng trên toàn diện tích của dân cư Nghệ An xưa kia. Nói như GS.Cao Huy Thuần: “Nghệ An có hơn 500 ngôi chùa thì nghiễm nhiên Nghệ An là đất Phật”. Đúng, một vùng đất có đến 500 ngôi chùa cũng có nghĩa là bàng bạc một không khí Phật lan tỏa sâu rộng trong dân gian. Không ai một mình, hay một tập đoàn mà có khả năng tự mình đi đến các làng quê để xây dựng hơn 500 ngôi chùa, tất cả phải là lòng dân, chính người dân của các làng tự dựng chùa để tu, để học, để noi gương đạo đức Phật giáo sống an lành và hài hòa với nhau, yêu thương nhau.
 
Một phần đất Phật Nghệ An đã hiển bày trong tâm khảm chúng tôi, và càng sáng tỏ hơn khi chúng tôi đến thăm những ngôi chùa, những di tích như chùa Cần Linh, chùa Đại Tuệ, chùa Diệc (Diệc Cổ Tùng Lâm) và đặc biệt là “phế tích” Nhạn Tháp mới thấy được “thì ra đất Phật Nghệ An là một quá khứ vàng son” mà ít nơi nào có được.
 
Tọa lạc núi cao Đại Huệ (cao khoảng 350m so với mặt nước biển) đường lên đèo dốc quanh co, những chiếc xe thật mạnh mới đủ khả năng leo đến, thế mà từ ngàn xưa (chùa Đại Tuệ là ngôi cổ tự có từ đời vua Mai Hắc Đế đánh quân nhà Đường – năm 627 sau TL), người dân xứ Nghệ đã xây dựng được một ngôi chùa như để làm điểm trấn giữ, chiếu soi ánh sáng tâm linh xuống người dân trăm họ trên đất Nghệ An thì quả đây là một vùng đất Phật huy hoàng.
 
Dấu tích của Nhạn Tháp xưa
 
Và càng xúc động hơn khi đến thăm “phế tích” Nhạn Tháp (Tháp Nhạn) ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, một ngôi tháp Phật được xây dựng vào khoảng thời nhà Đường bên Trung Quốc (tức khoảng những năm 865 – 875) đến nay dẫu chẳng còn gì ngoài những viên gạch, nền gạch. Cũng may, vẫn còn những viên gạch để chúng tôi lần mò với tâm niệm “xoa rờ vết đá lượm lặt di văn” thì thấy được thông điệp “đất Phật” của tiền nhân để lại cho hậu thế. Trong cái móng gạch tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau mà hoàn toàn không thấy vôi vữa, mày mò, tìm tòi rồi cũng thấy được “di văn đất Phật” – những viên gạch kích thước 16x30cm có in hình 3 Đức Phật rất đẹp, tinh xảo, tọa trên hoa sen, thân hình thon, thanh thoát, nhẹ nhàng cho thấy đời sống của người dân xứ Nghệ thời ấy có tâm Phật lớn lao. Được biết trước đây, Viện Khảo cổ đã đến đây khảo cứu và phát hiện một cái hộp bằng kim loại có màu vàng trông giống như vàng thật, có chạm khắc hoa văn hoa sen tinh xảo và đem về cất giữ tại một bảo tàng mà chúng tôi đã có duyên may tháp tùng cùng chư tôn HT.Thích Trí Quảng, Thích Thanh Nhiễu, Thích Quảng Tùng, Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn, Thích Quang Nhuận đến chiêm ngưỡng và đều nhận định đây là hòm đựng xá-lợi của Phật… ; một lần nữa ngỡ ngàng "đất Phật Nghệ An" sáng tỏ trong lòng.
 
Phật tử Nghệ An luôn khát ngưỡng Phật pháp
 
Tâm Phật hiển bày đất Phật
 
Một điều nữa mà chúng tôi không khỏi băn khoăn rằng, đã là “đất Phật” tất nhiên phải có hạt giống Phật, bởi người xưa đã nói “người ta là hoa đất”; đất Phật thì ắt phải có con người Phật. Vậy tính cách nào của người dân xứ Nghệ là tính cách Phật? Một quá khứ huy hoàng như thế liệu có nung nấu con người xứ Nghệ thành những người có tính cách Phật! Điều đó là chắc chắn. Bởi nói như GS.Lê Mạnh Thát trong buổi thuyết trình tại Nhà Văn hóa Lao động, trước hơn 1.200 thính giả trong Tuần Văn hóa Phật giáo – Nghệ An 2012: “Thời đại, chính trị thì có thể thay đổi, có thể diệt vong nhưng dân tộc thì trường tồn, đạo pháp cũng trường tồn; Chùa chiền, đền tháp có thể thành phế tích nhưng đạo pháp thì đã ăn sâu vào trong tiềm thức của dân tộc và được kế thừa qua hàng hàng lớp lớp các thế hệ”. Người dân xứ Nghệ cũng thế, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều người, nhiều lứa tuổi tại nhiều vùng miền khác nhau mới thấy được “tinh thần Xô-viết Nghệ Tĩnh” quật cường trong kháng chiến đúng là toát lên một triết lý Phật giáo “Bi-Trí-Dũng”. Người dân xứ Nghệ sống thật hiền lành, thật thà, chân chất, hài hòa, độ lượng với nhau, nhưng luôn sáng suốt để nhận biết, lựa chọn lối sống đạo đức tốt đẹp và nhất là quật cường, anh dũng trong đấu tranh, bảo vệ làng nước và đạo pháp. Minh định xác thực tính cách của người dân xứ Nghệ thật đúng với tính cách Phật giáo sống sáng suốt, thương yêu hết lòng và bảo vệ Tổ quốc triệt để.
 
 
Diệc cổ tùng lâm – dấu tích huy hoàng của Phật giáo một thời
 
Điều đó cũng rất dễ dàng nhận thấy từ người dân xứ Nghệ-đặc biệt là qua “Tuần Văn hóa Phật giáo 2012” mà chính người dân xứ Nghệ đã làm nên thành công rất lớn. Một tinh thần Phật phải nói là “tuyệt vời” không nơi nào có được, hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người dân xứ Nghệ đã hào hứng và lặn lội từ khắp các huyện, thị xã về tham gia. Những câu chuyện lượm lặt trong “Tuần Văn hóa Phật giáo 2012” cũng đủ chứng minh một điều tâm Phật của người dân xứ Nghệ làm tỏa sáng đất Phật. Một cụ già 85 tuổi leo bộ hơn 5km đường đèo cao để lên chùa Đại Tuệ dự lễ, hay cụ bà gần 80 tuổi cất giữ một lượng vàng gần 20 năm nay đợi khi nào xây dựng chùa Diệc thì đem tiến cúng, hay như đôi bạn trẻ Nguyễn Văn Tiến, cử hành hôn sự ngay ngày khai mạc Tuần Văn hóa Phật giáo, nhưng đã vẫn tận tâm phục vụ và đặc biệt với tâm niệm mà anh đã bộc bạch với quý thầy: “Phục vụ Tuần Văn hóa Phật giáo 2012 là tuần trăng mật có ý nghĩa nhất của con” – anh Tiến chia sẻ…
 
Hàng vạn người dân xứ Nghệ với “tâm Phật” mãnh liệt đang làm rạng ngời đất Phật. Hay nói đúng hơn là những hạt giống Phật đang được ươm mầm trên “đất Phật Nghệ An” khao khát đợi chờ túc duyên nảy mầm làm sống lại những vị Phật. Hy vọng một điều là Nghệ An, vùng “đất Phật” màu mỡ chờ đợi đúng cơn mưa lành, tinh anh một vị để sáng bừng lên một vùng xứng với tiềm năng lịch sử của xứ sở này.
 
(Theo Giacngoonline)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here