Trang chủ Thiền môn xứ Huế Tranh-Tượng-Pháp khí Về bức chân dung Tổ sư Liễu Quán

Về bức chân dung Tổ sư Liễu Quán

216
0

Điều minh chứng là qua tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H.), chúng ta có thể tìm thấy một loạt các bài viết về ngày viên tịch, quê quán của Tổ sư Liễu Quán và chất đá được chọn để dựng bia ở tháp của Ngài, trong đó có đăng bức chân dung toàn kim thân của Tổ mà ta thường thấy được tôn trí tại các chùa Việt Nam ở trong và ngoài nước hiện nay. Ở đây, chúng tôi xin đóng góp thêm mấy ý kiến nhỏ có liên quan đến bức chân dung này.

 B.A.V.H, số 1 ra năm 1937, trong bài viết "Nutelettes" của Louis Sogny, có đăng bức chân dung của Tổ sư đính kèm phần chú thích ảnh ở dưới bằng tiếng Pháp: "Le Bonze Liễu Quán, portrait conservé dans la pagode Bửu Tịnh, au Phú Yên" (Chân dung Tổ sư Liễu Quán được lưu giữ trong chùa Bửu Tịnh, tỉnh Phú Yên).

Chi tiết vừa dẫn đặt ra cho chúng ta vấn đề như sau: Bức chân dung Tổ sư Liễu Quán mà Sogny đề cập trong B.A.V.H là một bản vẽ đen trắng, trong khi đó bức chân dung Tổ sư được tôn trí ở chùa Bửu Tịnh mà ta thấy hiện nay là một bức vẽ có nhiều màu. Nhìn trên tổng thể thì ta thấy nét vẽ pháp tướng của Tổ ở hai bức chân dung này không có gì sai khác. Nhưng ai là tác giả của bức chân dung đăng trong B.A.V.H? Nó được vẽ vào thời gian nào? Và ai là tác giả của bức vẽ có màu được hoạ lại sau này?

Chân dung Tổ sư Liễu Quán đăng trong tạp chí B.A.V.H

Về bức chân dung Tổ sư Liễu Quán được vẽ bằng hai màu đen trắng đăng trong B.A.V.H, thì cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy có tư liệu nào nói về bức hoạ này, cũng như cho biết ai là tác giả đã vẽ ra bức chân dung ấy. Nhưng theo chúng tôi, bức hoạ này rất có thể đã ra đời vào khoảng năm 1742, khi Tổ từ Thuận Hoá trở về Phú Yên. Trong khoảng thời gian này, do ngưỡng mộ đạo hạnh của Tổ sư mà một hoạ sĩ đã vẽ nên bức chân dung trên. Hoặc có muộn lắm thì khoảng chừng 50 năm sau đó mà thôi. Cũng do ngưỡng mộ đạo phong của Tổ, mà vị hoạ sĩ tài ba này đã vẽ nên bức chân dung trên qua lời kể của các Ngài ở hàng chữ "Tế", đệ tử của Tổ.

Khi đi tìm hiểu, khảo cứu, L. Sogny đã may mắn tìm gặp bức chân dung trên vào năm 1937. Lúc bấy giờ bản vẽ chân dung của Tổ đã bị phai mờ ít nhiều. Điều này đã khiến ông khẳng định ở bài viết vừa dẫn:

 "Ở chùa Bửu Tịnh có một bức vẽ rất cổ còn được lưu giữ nhưng ở trong tình trạng hư hao; đó là bức chân dung của Tổ sư Liễu Quán. Vào trước năm cuối đời, Hoà thượng Chính Lược – Trú trì chùa – đã quyết tâm phục hồi bằng cách cho chụp lại ảnh vẽ này. Về sau, Hội Nghiên cứu Phật học Huế đã tặng một ảnh mẫu cho Hội Đô Thành Hiếu Cổ".  (Dans cette pagode,  parfaitement entretenue, il existe un dessin très ancien, mais en mauvais état, représentant le portrait du vénérable. L’an dernier, le Bonze Chính Lược en a fait un reproduction fidèle qui a été photographiée. La société de l’étude du Bouddhisme de Hué a bien voulu en offrir un exemplaire pour les A.V.H).

Qua lời dẫn trên, Sogny còn cho ta biết thêm, Hoà thượng Chính Lược, Trú trì chùa Bửu Tịnh đã cho chụp lại bức chân dung của Tổ sư và cho in sang phổ biến ra khắp nhiều nơi ở nước ta. Trong đó Hội nghiên cứu Phật học Huế cũng đã có rất nhiều bản mới có thể tặng cho Hội Đô Thành Hiếu Cổ đăng trong B.A.V.H năm 1937.

Như thế, rõ ràng bức hoạ về bức chân dung Tổ sư Liễu Quán cho đến năm 1937 vẫn chỉ là một bức ảnh hai màu trắng đen.

Một điều khác mà chúng ta quan tâm là bức ảnh chân dung Tổ sư Liễu Quán hiện nay được thờ tại nhiều chùa Việt Nam ở trong và ngoài nước lại được vẽ bằng nhiều màu sắc khác nhau. Vậy ai là người đã vẽ lại bức chân dung này?

Đó là Hoạ sĩ Phật tử Phạm Đăng Trí. Ông sinh ngày 11 tháng 7 năm Canh Thân (1920) và mất ngày 8 tháng 5 năm Đinh Mão (1987) tại Huế. Hoạ sĩ quê gốc làng Tân Hoà, phủ Bình Dương, tỉnh Gia Định, là cháu Đức bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, một Phật tử thuần thành. Ông đã theo học trường Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1939 đến năm 1944 tại Hà Nội. Sau khi trở thành hoạ sĩ, ông Phạm Đăng Trí dạy hội hoạ tại các trường Trung học Bồ Đề ở thành phố Huế, trang trí nội thất tại các chùa danh tiếng ở Huế. Từ năm 1963 đến 1987, giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Hoạ sĩ đã vẽ bìa tạp chí Liên Hoa ngay từ số đầu; trang trí sân khấu cho học sinh trường Bồ Đề, gia đình Phật tử trình diễn văn nghệ; cùng với chư Tăng trang trí vào các ngày đại lễ Phật giáo. Hoạ sĩ Phạm Đăng Trí đã để lại cho đời một bức chân dung của Tổ mà thần thái của bức chân dung đặc biệt này đã gây cho người chiêm ngưỡng một lòng kính trọng vô bờ. Đặc biệt, Hoạ sĩ đã chuyển từ màu đen trắng sang ảnh màu một cách rất tự nhiên.

Chân dung Tổ sư Liễu Quán – bản vẽ lại của Họa sĩ Phạm Đăng Trí

Hiện nay, nhiều bức ảnh chân dung của Tổ sư Liễu Quán có đề lời chú thích rằng: "Chân dung Tổ sư Liễu Quán qua nét vẽ của Hoạ sĩ Phạm Đăng Trí". Viết như vậy sẽ dễ khiến cho người đọc hiểu nhầm là Hoạ sĩ Phạm Đăng Trí đã trực tiếp vẽ ảnh chân dung của Ngài. Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần đính chính lại những chú thích sai phạm này.

Qua đây, chúng tôi kính mong Chư Tôn Thiền đức cùng quý vị nhân sĩ trí thức bổ túc thêm cho chúng tôi những tư liệu liên quan về bức chân dung của Tổ sư để việc nghiên cứu thêm phần sâu rộng và phong phú hơn.

L.Q.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here