Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Vẳng tiếng chuông chùa

Vẳng tiếng chuông chùa

118
0

“Trong thực tế, làm gì có ngôi chùa nào ở nơi xảy ra tấn thảm kịch này”, nhạc sĩ Phạm Duy đã có lời “phi lộ” như vậy với ca khúc “Bà mẹ Gio Linh”, khi tập ca khúc “Ngày trở về” xuất bản năm 2005. Năm 2005, “Bà mẹ Gio Linh” cũng là một trong 10 bài đầu tiên của Phạm Duy được phép lưu hành. Lâu nay, cứ nghe đến câu “Đường về thôn xóm buồn teo,/ Xa xa tiếng chuông chùa gieo”, có lẽ ít người nghĩ tiếng chuông ấy là… chuông giả. Phải đến khi nghe nhạc sĩ tự thuật, mới hay cái “giả” ấy là “thực” và “cần thiết” biết chừng nào. Ông viết tiếp: “Nhưng trong một ca khúc buồn thảm và xót thương, tôi muốn đưa vào một tiếng chuông chùa để làm nguôi ngoai lòng người mẹ Gio Linh cũng như lòng người nghe, người hát”.

Phải vậy chăng, mà câu chuyện bà mẹ ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) có người con đi dân quân bị lính Pháp bắt rồi chặt đầu treo giữa chợ, qua ca khúc của Phạm Duy (viết từ năm 1948) đã vơi bớt nỗi đau với tiếng chuông chùa gieo?

Dường như ở đời, ai cũng có trong riêng mình một tiếng chuông ngân vang tha thiết như thế. Tôi, một người “ngoại đạo” với chùa, đã bỗng dưng yêu lấy tiếng chuông kể từ ngày theo học ở Huế. Huế là đất của chùa, nhiều xóm chùa, có 2 người bạn cùng lớp từng xuất gia tu tập tại 2 ngôi chùa trên đường Phan Bội Châu. Vậy là chùa Huế, như duyên tiền định, cứ dần rẽ trong tôi một lối vào thật nhẹ nhàng… Những đêm trăng nép mình bên cổ tháp cùng nhóm bạn, chưa bao giờ tôi nhìn ra trăng xứ Huế sáng, trời xứ Huế tĩnh lặng đến như thế. Ở đó, chúng tôi uống trà, đọc thơ, với tiếng nhạc Trịnh phát nho nhỏ chen lẫn trong tiếng kinh kệ.

Giờ đây, những ngôi chùa ấy chỉ cách nhà vợ tôi một quãng 500 mét thôi. Nhưng lần nào ra thăm Huế, tôi đều tranh thủ ngủ lại chùa một đêm. Không chỉ để tán gẫu với bạn, mà để thỏa một niềm hoan lạc trong thân tâm: được tĩnh lặng, được nghe tiếng chuông sớm quãng 4 giờ sáng… Nhớ ngày còn đi học, ở trọ trên đường Điện Biên Phủ, đã nhiều phen tôi thức đến sáng để nghe vẳng đâu đó tiếng chuông sớm từ chùa Thiên Mụ vọng về. 

Nhắc đến Thiên Mụ, lại nhớ Huyền Không sơn thượng. Ngày chúng tôi ở Huế cũng là lúc những câu thơ “Nhà sư xuống núi thăm đời/ Bỏ quên y bát còn ngời trăng treo” của vị trụ trì đã vang vọng như nước triều dâng. Thế là nhóm 5-6 người đạp xe men theo triền núi, trong tay nải có trà thuốc, bánh kẹo. Đêm, chúng tôi chọn một mỏm đá mé tây nam chùa, đốt lửa “pha” trà bằng lon guigoz, và thức. Chợt nghe bên dưới có tiếng nhà sư nhắc nhở, nhưng giọng đầy từ hòa : “Coi chừng lửa cháy cả quả đồi…”. Sáng mai ra, cả nhóm còn kịp viếng chùa, nhìn những giò phong lan nở trong u tịch trước lúc “hạ sơn”.

Chùa Huế, với những người bạn xuất gia từ thuở nhỏ, từ lâu trở thành một phần trong máu thịt tôi. Đây có lẽ là phần ký ức bình lặng nhưng đằm sâu, thanh khiết như đóa sen nở vô ưu trong khuôn viên nhà chùa. 

H.V.Đ

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here