Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Vang ngân chuông chùa xứ Huế

Vang ngân chuông chùa xứ Huế

165
0

Huế nổi tiếng là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam. Huế cũng được biết đến với làng nghề đúc đồng Phường Đúc. Vì vậy không phải là điều xa lạ khi du khách tới Huế và được chiêm ngưỡng vô vàn những chiếc chuông chùa…

Ý nghĩa của tiếng chuông chùa

Nếu không phải là một Phật tử nhưng đã từng đi lễ chùa hay chọn chùa là một điểm du lịch tâm linh, hẳn không ai có thể bỏ qua một lần ngắm nhìn chiếc chuông được đặt nghiêm cẩn trong chùa nhưng không phải ai cũng hiểu rõ được ý nghĩa của những tiếng chuông đó.

Trước hết, dựa vào kích cỡ có thể phân ra 3 loại chuông thường dùng trong các tự viện là Ðại hồng chung, Bảo chúng chung và Gia trì chung. Nhưng trong các ngôi chùa lớn, đại hồng chung là loại chuông phổ biến nhất. Ở Huế, đại hồng chung là một loại chuông quá quen thuộc đối với mọi người.

Ðại hồng chung là loại chuông lớn, còn được gọi là chuông u minh, thường đánh vào những lúc đầu hôm và cuối đêm. Ðánh vào đầu hôm có ý nghĩa là nhắc nhở cơn vô thường rất nhanh chóng cho mọi người, đánh vào lúc cuối đêm có ý nghĩa là thức tỉnh mọi người tinh tấn tu hành để mau vượt ra ngoài vòng tội lỗi, tối tăm khổ đau trong vòng luân hồi.
Đại hồng chung đặt tại chùa Thiên Mụ (ảnh: Ngọc Bích).

Trong đạo Phật, người ta thường đánh 108 tiếng, ý nghĩa là loại trừ 108 phiền não căn bản của chúng sinh. Vì vậy, trong bài kệ chuông có câu: một khi nghe tiếng chuông thì 108 phiền não đều nhẹ bớt, trí tuệ được thêm lớn vậy. Theo giáo lý nhà Phật, chúng sinh trong tam giới (gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều có chung bát khổ (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, oán tằn hội, ái biệt ly khổ và cầu bất đắc khổ). Từ căn bản của 8 điều khổ sẽ dẫn đến 108 nỗi phiền não được chia nhỏ theo trạng thái tâm lý và tình cảm. Mỗi ngày, 108 tiếng chuông sẽ được chia nhỏ ra và đánh theo từng giờ nhất định như đồng hành cùng những buồn vui sướng khổ của con người, từ đó mà hóa giải bằng sự tự tại của chất thiền.

 

Điểm đặt đại hồng chung luôn là lầu lục giác (ảnh: Ngọc Bích).

Chuông là một pháp khí không thể thiếu trong lễ nghi của Phật giáo. Tại rất nhiều ngôi chùa cổ, những gác chuông to lớn càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm của ngôi chùa. Chuông còn được xem là hiệu lệnh của chùa chiền. Trong “Bách trượng thanh quy – Pháp khí” có nói: “Chuông lớn cũng đóng vai trò ra hiệu lệnh. Được gõ vào sáng sớm, nó phá tan màn đêm, đánh thức người ta dậy. Chuông ngân vào lúc hoàng hôn sẽ biến đổi màn đêm, khai thông những thành phần tăm tối”. Bất kể là để triệu tập sư tăng lên điện, tụng kinh làm lễ hay thường ngày khi thức dậy, ngủ, ăn cơm đều dùng chuông để làm hiệu lệnh.

Trong xứ sở của đạo Thiền như ở Huế, ngày ngày luôn vẳng những thanh âm thức tỉnh của chuông chùa, từ Kim Long cho đến Trường An, Thủy Xuân…, từ bờ Bắc tới bờ Nam, tiếng chuông từ hơn 100 ngôi chùa lớn nhỏ vẫn đều đều gõ nhịp thời gian, sóng sánh trên dòng Hương lững lờ như một nét chùng chình, trầm mặc cố hữu trên mảnh đất thần kinh. Có lẽ vì thế mà dù theo đạo Phật hay không, ẩm thực chay vẫn là sự lựa chọn chung của người dân cố đô Huế, ít nhất trong ngày mồng 1 và ngày rằm, như một chút duyên nợ giữa cuộc đời trần thế.

Đặc sắc những chuông chùa lớn xứ Huế

Đều hướng về đạo Phật qua tiếng chuông chùa, nhưng mỗi ngôi chùa ở Huế lại có một nét độc đáo riêng, làm nên bản sắc cũng như sự đa dạng trong tổng thể thống nhất của một nền văn hóa Phật Giáo.

1.Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ (còn gọi là chùa Linh Mụ) được xem là ngôi chùa cổ nhất và cũng là biểu tượng gắn liền với hình ảnh xứ Huế. Chùa được xây dưng năm 1601 dưới đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Đại hồng chung của chùa Thiên Mụ được đúc vào năm Canh Dần (1710) thời chúa Nguyễn Phúc Chu, đặt trong ngôi nhà bát giác phía bên trái tháp Phước Duyên nhìn từ ngoài cổng vào. Chiếc chuông này cao cao 2,50m, đường kính miệng 1,40m, cân nặng 3.285kg, phía trên có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu với mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Tương truyền trong ngày Phật đản, tham gia việc đúc chiếc chuông này có hàng trăm quan viên Phật tử đến quy y, thọ giới đã phát tâm thả vào vạc đồng sôi rất nhiều vật quý giá… bằng một niềm tin bất hoại. Bởi vậy cho đến bây giờ, chiếc chuông đồng đặt tại chùa Thiên Mụ vẫn nhuốm một màu sắc tâm linh và sự hòa hợp.
 

Du khách nước ngoài đặc biệt thích thú với những chuông chùa xứ Huế (ảnh: Ngọc Bích).

Tuy nhiên chiếc chuông này chỉ được đặt như một pháp khí của chùa mà không đánh. Còn tiếng chuông Thiên Mụ từng được nhắc đến trong câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà – Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương” là từ chiếc chuông được đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên trái cổng chùa dẫn vào điện Đại Hùng. Tiếng chuông ấy không chỉ hiện hữu trong ca dao mà còn ngân nga qua những câu thơ của vị vua thi sĩ Thiệu Trị:

Cao cương cổ sát trấn điền xuyên
Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích Thánh công thùy hải vũ
Thiện nhân tăng quả phổ cai diên
(Thiên Mụ Chung Thanh)

Dịch ra có nghĩa là:

Trên bến gò xưa chùa lập ra
Bên trời tự tại mãi Gương Nga
Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán
Thế giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động giữa trưa miền tối
Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia
Truyền công Phật Thánh tràn non nước
Nhân quả ươm lành khắp chốn xa
(Tiếng Chuông Thiên Mụ)

Những tiếng chuông ngân xa, buông trong trời chiều trên đồi Hà Khê mà chảy dài theo dòng Hương “dùng dằng không chảy”. Đó như thể một thanh âm từ ngàn xưa vọng lại, như thể một khúc Nam Ai buông lơi một nhịp đời để trở về với hư vô, với tự do tự tại.

2. Chùa Diệu Đế

Dân gian xứ Huế cũng truyền tụng lại câu ca dao như một lời giới thiệu:

Đông Ba – Gia Hội – hai cầu
Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông

Chiếc chuông nhuốm màu lịch sử đặt tại chùa Diệu Đế (ảnh: Ngọc Bích).

Nằm trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo, chùa Diệu Đế được biết đến như một danh lam của đất kinh kỳ. Chùa nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi, là nơi nhà vua cất tiếng khóc chào đời nên sau đó (1844) nhà vua đã cho tôn tạo và sắc phong làm quốc tự. Vì vậy cho nên câu ca dao trên được hiểu như là nét chấm phá, là biểu tượng đại diện cho thủ phủ Phú Xuân một thời với sự đẹp đẽ và độc đáo.

Là một ngôi cổ tự nên kiến trúc của chùa Diệu Đế không to lớn như những ngôi chùa mới xây sau này, vì vậy mà lầu chuông nổi tiếng trong câu ca dao cũng không bề thế mà mang nét khiêm nhường, đơn giản nhưng vẫn thể hiện sự uy nghiêm, cổ kính. Ngày 26 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 6, triều đình và nhà chùa làm lễ rót đồng đúc đại hồng chung, chiếc chuông được đặt trong nhà lục giác bên phải (nhìn từ ngoài vào) ở sân trước, bên trái dựng bia lớn khắc bài văn do vua Thiệu Trị soạn.

Trải qua năm tháng chiến tranh, cảnh vật chùa Diệu Đế cũng đổi thay theo thời cuộc và không còn vẻ đẹp vẹn nguyên của ngày xưa nhưng tiếng chuông chùa với tấm lòng hướng Phật ngày ngày vẫn vang lên bên dòng nước Đông Ba như một nét đẹp hoài niệm không mai một.

3.Thiền Viện Trúc Lâm


Không gian bát ngát ôm trọn lấy đại hồng chung nơi cửa Phật (ảnh: Ngọc Bích).

Chuông chùa Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã cũng được du khách thập phương biết đến với những nét mới và tươi màu, thường được mọi người thích thú chụp ảnh kỷ niệm. Một tiếng chuông nơi Thiền viện được đánh lên, ta tưởng chừng như nó ngân xa ra hết cả khoảng không bát ngát, ướp đẫm nên một không gian thiền chứ không chỉ là cây cối, núi sông…

4. Tháp chuông Hòa Bình

Tháp chuông Hòa Bình tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là một địa điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những kỷ lục mà tháp chuông này sở hữu. Được xem là một trong những đại hồng chung mới nhất tại Huế do những nghệ nhân Phường Đúc chế tác nên, đại hồng chung tại tháp chuông Hòa Bình hội tụ những nét hiện đại nhưng cũng hết sức gần gũi với các Phật tử.

Nét tinh xảo, uy nghiêm trên đại hồng chung tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (ảnh: Ngọc Bích).

Cũng gần giống với tháp chuông tại chùa Huyền Không Sơn Thượng nhưng tháp chuông Hòa Bình ấn tượng hơn khi được dựng ở độ cao 108 mét (so với mực nước biển) trên đỉnh Ngũ Phong với với quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét. Trên thân chuông có khắc các hình ảnh của 4 ngôi chùa lớn của Việt Nam là Giác Lâm (TP.HCM), Thiên Mụ (Huế), Diên Hựu (Hà Nội) và chùa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh) như tượng trưng cho bốn phương của một chỉnh thể đất nước thống nhất, vẹn toàn. “Thế giới – Hòa bình – Nhân loại – Hạnh phúc” là những từ được đúc nổi lên thân chuông, sắp đặt xung quanh là hình rồng, phượng, mây núi… rất tinh xảo và đẹp mắt thể hiện cho non sông Việt Nam gấm vóc, đẹp giàu cùng ước vọng cao quý mang tính hướng thiện. Chính những điều này mà không ai có thể bỏ qua khi đã một lần đến Huế.

Những ngôi chùa tiêu biểu cho sự đa dạng trong kiến trúc Phật Giáo Việt Nam được khắc nổi trên thân chuông (ảnh: Ngọc Bích).

Anh Nguyễn Tuấn Duẩn, một du khách người Hà Tĩnh, trong một lần tới Huế có tâm sự: “Leo hết 108 bậc cấp để lên tháp chuông cũng cao 108 mét, ngồi vào giữa chiếc chuông mà được vị sư già đánh cho ba tiếng, người ngoài tưởng như là ing tai lắm nhưng thực tế rất là êm, ấm và vang tận cõi lòng. Ngồi trong chuông, nhắm mắt lại và không suy nghĩ bất cứ một điều gì, cảm giác mình cũng có chút thiền và cảm thấy nhẹ lòng với những nỗi lo thường nhật”. Tôi chưa bao giờ ngồi vào giữa chiếc đại hồng chung ấy, nhưng tôi lại rất ấn tượng với con số 108 của nhà Phật và khi đứng tại vị trí của ngọn tháp độc đáo này, ta có thể bao quát được gần như trọn vẹn một thành phố Huế yên bình nhưng cũng rất hiện đại, có một chút u ẩn trong nắng chiều dần phai.

Công việc đánh chuông hoàn tất cũng là lúc hoàng hôn buông (ảnh: Ngọc Bích).

Theo tác giả Tuệ Nhân, trong bài “Tiếng chuông xứ Huế” có viết: “Muốn có tiếng đại hồng chung hay, người nghệ nhân luôn tưởng nhớ Phật, bởi Phật là người giác ngộ, là người tỉnh thức và tiếng chuông là tiếng tỉnh thức, kêu gọi mọi người quay về với sự tỉnh thức. Không để tâm đến sự ăn chay, ăn uống không kềm chế, trước ngày rót đồng mà ăn uống bù khú, say sưa. Ngày hôm sau rót đồng tiếng đại hồng chung rất khó mà hay, mặc dù công thức pha đồng đúng tỷ lệ, lửa đốt lò với nhiệt độ chuẩn….”. Thế mới biết sự kỳ công mới làm nên được chiếc chuông có tiếng ngân hay. Thế mới biết người dân Huế đã mang cốt cách thiền tâm đẹp đẽ, ươm mầm từ những tiếng chuông chùa được nghe thường nhật…

Ngọc Bích (Khám Phá Huế)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here