Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Văn tưởng niệm Đức vua Lý Thái Tổ, các vị Quốc sư,...

Văn tưởng niệm Đức vua Lý Thái Tổ, các vị Quốc sư, Thiền sư nhân Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

159
0

Với bẩm tính thông minh, hiếu học, được hun đúc chốn cửa Thiền, Ngài Lý Công Uẩn được Thiền sư Vạn Hạnh cho học văn võ song toàn, chí khí cao thượng, trong cảnh đất nước vừa mới có độc lập tự chủ sau 1000 năm Bắc thuộc đang cần nền hòa bình phát triển đất nước, nhân dân được hạnh phúc phú cường mà tiền nhân các nhà lãnh đạo đương nhiệm, cũng như các vị Quốc sư, Thiền sư thầy của Lý Công Uẩn đang cố gắng thực hiện. Chính những tác động ấy đã hun đúc ý chí yêu nước thương dân, sẽ góp phần xây dựng và phát triển đất nước của chàng trai nước Đại Việt họ Lý sau này.

Một điểm thuận lợi là các Thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận đều là những trụ cột của triều đình, là Tăng thống, Quốc sư, cố vấn cho triều đình nhà Đinh và Tiền Lê (968 – 1009). Do đó, khi Lý Công Uẩn trưởng thành, Ngài được Vạn Hạnh Thiền sư tiến cử vào kinh đô Hoa Lư làm tham chính triều Tiền Lê – Lê Đại Hành, chức vụ Tả thân vệ – Điện tiền chỉ huy sứ cho đến thời Lê Long Đỉnh (1005 – 1009).

Sau khi vua Lê Long Đỉnh băng hà (1009), Ngài được Chỉ Hầu Đào Cam Mộc, bá quan văn võ và sự ủng hộ của Đại sư Khuông Việt, Vạn Hạnh v.v… tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Lý Thái Tổ, đổi niên hiệu năm Thuận Thiên thứ nhất (1009), kinh đô đặt tại Hoa Lư.

Với tầm nhìn chiến lược và lâu dài, có liên quan đến điều kiện phát triển địa lý, văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng … cho nên, vua Lý Thái Tổ khi lên ngôi được 10 tháng, đến tháng 8 năm Canh Tuất (1010), Ngài quyết định dời đô về thành Đại La. Nội dung Chiếu Dời đô có đoạn:

“…. Thành Đại La ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông tựa núi, địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Đại Việt ta, chỉ nơi đây là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Khi thuyền ngự cập bến sông Hồng, thấy rồng vàng thăng thiên, do đó Ngài đổi tên Đại La thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Định đô tại Thăng Long, Ngài lập tức đổi tên cố đô Hoa Lư thành phủ Tràng An, Châu Cổ Pháp quê nhà thành phủ Thiên Đức (Bắc Ninh), cho xây cung điện, lâu đài …. Xứng đáng là Kinh đô của Nước Việt, đất nước ngàn năm văn hiến, trái tim của Tổ quốc Việt Nam muôn đời.

Bên cạnh đó, Ngài đã nhiều lần ban chiếu xây dựng chùa chiền trong nội, ngoại thành Thăng Long và quê hương Cổ Pháp như: Hưng Thiện, Vạn Tuế, Thắng Nghiêm, Đại Giác, Chân Giáo, Thiên Quang, Thiên Đức, Thiên Vương, Cẩm Y, Hưng Long, Thắng Thọ. Năm 1014, vua cho mở Đại Giới đàn tại chùa Vạn Tuế, thành Nội để độ chúng Tăng xuất gia, thọ giới tu học hàng ngàn người.

Năm 1014 – 1019, vua Lý Thái Tổ chỉ đạo cho Tăng thống Thẩm Văn Uyển độ hơn 4000 Tăng xuất gia và cấp độ điệp làm Tăng, thỉnh cử Ngài Phí Trí làm Tăng thống lãnh đạo Phật giáo cả nước. Kế tiếp có Ngài Hữu Nhai Tăng thống Thẩm Văn Uyển, rồi đến Tăng thống Huệ Sinh, Tăng thống Khánh Hỷ lãnh đạo Phật giáo thống nhất triều Lý (1010 – 1225).

Năm 1018, Ngài cho phái bộ Nguyễn Đạo Thành, Phạm Hạc sang nhà Tống thỉnh Đại Tạng Kinh. Cho xây nhà Tàng Kinh Trấn Phúc để tôn trí Đại Tạng.

Năm 1024, cho xây chùa Chân Giáo trong thành để Nhà Vua dễ đến đọc tụng kinh, bái sám, hành lễ; thỉnh chư Tăng giảng kinh thuyết pháp, cho văn võ bá quan và dân chúng thuận lợi nghe pháp, đượm nhuần ân pháp vũ.

Năm 1027, cho sao chép Đại Tạng Kinh làm nhiều bản để phổ biến cho dân chúng nghiên cứu, tu học và tôn trí tại Tàng kinh các Bát Giác, Đại Hưng và những ngôi chùa trọng yếu trong thành Thăng Long.

Ngài đã coi giáo lý đạo Phật làm nền tảng đạo đức căn bản, tổ chức trích yếu những lời dạy của Đức Phật qua Đại Tạng kinh và những lời khai thị, kệ ngôn, huấn thị của các Thiền sư, bấy giờ chùa vừa là nơi đào tạo con người, vừa là nhà trường tốt nhất để giáo dục đào tạo nên những con người có tài đức, như cư sĩ Tô Hiến Thành, Ngô Hòa Nghĩa, Lý Thường Kiệt, Lương Nhiệm Văn, Nguyễn Đạo Thành. Đặc biệt, đời Lý Nhân Tông thành lập Trường Quốc Tử Giám (1076) – Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, làm Lễ tắm Phật (Phật đản), Đại lễ Vu lan được tổ chức vào năm 1072; Hội đèn Quảng Chiếu tổ chức vào các năm 1110, 1116, 1120, 1128 dưới đời Lý Nhân Tông v.v… Với nền giáo dục nhân bản, từ bi, trí tuệ và rộng mở, có thể nói trình độ tri thức dân chúng được nâng cao, làm nền tảng cho mọi học thuật và kiến trúc Phật giáo thời Lý, dẫn đến đời Trần (1225 – 1400).

Chiến lược quân sự được củng cố và phát triển, quân đội hùng mạnh và tinh nhuệ, đủ thực lực để đánh Tống bình Chiêm. Cho nên, vào đời vua Lý Thái Tông đã đánh thắng quân nhà Tống (1077), bản tuyên ngôn độc lập thứ hai ra đời, do Lý Thường Kiệt công bố giữa ba quân; Lý Thánh Tông đã chinh phục Chiêm Thành, vua Chế Củ hiến 3 Châu (Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính) để chuộc tội và nhập vào bản đồ Đại Việt, mở rộng bờ cõi đến Tây Bắc Quảng Trị. Đến thời Trần công chúa Huyền Trần được gã cho vua Chiêm – Chế Mân để thắt chặt bang giao hai nước, đáp lại Vua Chiêm dâng 2 Châu (Châu Ô, Châu Rí) để làm sính lễ, Đại Việt mở rộng bờ cõi đến tận Quảng Nam…

Về sinh hoạt đời sống xã hội, dân chúng an cư lạc nghiệp, đất nước phồn vinh, văn minh, tiến bộ, thậm chí sứ thần nhà Tống đã khen: “Là một xã hội ấm no hạnh phúc, dân chúng an cư lạc nghiệp, không bị thiên tai lũ lụt, đất đai mầu mở và luôn luôn phát triển, mở rộng thêm”.

Bằng tinh thần từ bi, bình đẳng, khoan dung, độ lượng của Phật giáo, tam giáo hài hòa đồng hành phát triển, nên từ vua quan đến dân chúng đều đượm nhuần tư tưởng Phật giáo, là điều kiện phát triển và sinh hoạt xã hội theo định hướng chung của đạo Phật. Phật giáo thời Lý, là xã hội thuần nhất, đạo đức, hướng thiện, ổn định và hòa bình thực sự có một không hai trong lịch sử Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.

Có được công cuộc cải cách, đổi mới và phát triển đất nước Đại Việt bấy giờ đạt đến đỉnh cao như thế phải nghĩ đến công đức của các vị Quốc sư là cố vấn của triều đình, đặc biệt là Thiền sư Vạn Hạnh, người làng Cổ Pháp, Bắc Ninh, sinh năm 932 vào thời Tiền Lý, xuất gia tu hành theo học với Thiền Ông Lão Tổ, chùa Lục Tổ (Tiêu Sơn), với pháp môn hành trì là Tổng Trì Tam Ma Địa, xuất phát từ dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, làu thông Tam tạng và tư tưởng Phật, Nho, Lão giáo, biết được những điều sắp xảy ra. Năm 981, Thiền sư Vạn Hạnh giúp vua Lê Đại Hành ngăn chặn và đánh tan cuộc xâm lăng của quân nhà Tống; Năm 982, giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng Chiêm Thành; Năm 1009, Thiền sư Vạn Hạnh cùng các Thiền sư Khuông Việt, Đa Bảo, Lý Khánh Vân, ông Đào Cam Mộc định kế tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, và trù tính kế hoạch cho vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Do đó, các thành tựu dưới thời vua Lý Thái Tổ đều có công sức đóng góp to lớn của Thiền sư Vạn Hạnh.

Với tư tưởng xuất phát từ Kinh Kim Cang, tất cả các pháp là không được thể hiện qua bài thơ thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh:

“Thân như điện chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng
Tùy vận thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy đầu cỏ dính sương mai”

Bằng tư tưởng Phật tại đây và ở trong ta và cùng khắp cả mọi người, muôn đời, được thể hiện qua câu nói trong giờ thị tịch: “Các con muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ, không nương vào chỗ không trụ mà trụ. Các Pháp là không” của Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Cảm Thành Thiền sư trước đó. Cho nên, với tinh thần vì Đạo nhưng không quên đời, Quốc sư Vạn Hạnh là nhân vật chủ yếu, tiêu biểu trong sự hưng thịnh của Triều Lý, được vua Lý Nhân Tông có bài truy tán như sau:

"Vạn Hạnh rõ ba đời
Lời nói hợp sấm ký
Quê quán Làng Cổ Pháp
Chống gậy vững triều đình"

Đồng thời, cũng còn rất nhiều Thiền sư như Khuông Việt, Đa Bảo, Tăng thống Huệ Sinh, Minh Không, Mãn Giác, Hiện Quang, Ứng Thuận, Sùng Phạm, Thông Biện, Tăng thống Khánh Hỷ, Viên Thông, Thiền sư Thảo Đường v.v… để từ đó làm cơ sở tiềm lực, chí khí quật cường cho Nhà Trần tiếp tục thực hiện việc trị nước an dân. Từ vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông v.v…. đất nước mở rộng đến Qui Ninh (Qui Nhơn, Bình Định). Có những nhà Vua, vị tướng tu hành chứng ngộ khi đương vị như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ; xuất gia tu hành chứng đạo như Trần Nhân Tông – Điều Ngự Giác Hoàng, thống nhất các Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử … Những hàng xuất gia lỗi lạc, lãnh đạo Phật giáo cả nước như: Pháp Loa, Huyền Quang Tôn giả, Bảo Sát, Quốc sư Bảo Phác, Lẫm Sơn, Tông Cảnh v.v… làm cho Phật giáo thời Trần thêm rực rỡ vinh quang, có một không hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam với một nền Phật giáo thống nhất có từ thời Đinh, Tiền Lê, nhà Lý và đời Trần.

Cho đến thời Lê, Phật giáo vẫn phát huy được tinh thần tôn giáo của dân tộc và hướng dẫn tư tưởng nhân dân trong các lĩnh vực sinh hoạt xã hội như Tăng thống Chân Nguyên, Thiền sư Huệ Hồng, Thiền sư Như sơn, Thiền sư Hương Hải, Đạo Chân, Đạo Tâm, Chuyết Công Hòa thượng, Thủy Nguyệt Thông Giác, Tông Diễn, Như Hiện, Như Trừng, Tính Dược v.v…

Đến thời cận đại Phật giáo Việt Nam, tỏa sáng từ Bắc chí Nam, giang san trải dài từ ải Nam Quan – Lạng Sơn đến Hà Tiên (1698 – 1700), nối liền mạch sống của dân tộc như các Thiền sư Toàn Nhật, Tính Tĩnh, Tính Tuyền, Hải Quýnh – Từ Phong, Kim Liên Tịnh Tuyền, Tường Quang Chiếu Khoan, Phúc Điền, Phổ Tịnh, Thông Vinh, Nguyên Thiều, Liễu Quán đạo mạch tiếp tục lưu truyền cùng dòng chảy lịch sử, phát triển của dân tộc Việt Nam yêu dấu.

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, biết bao vị Tổ sư, Thiền sư, Hòa thượng chống gậy trúc đi khắp ba miền đất nước để hình thành ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, như Tổ Thanh Hanh, Tổ sư Tuệ Tạng, Tổ Mật Ứng, Tổ Giác Tiên, Phước Huệ, Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang, Chí Thiền, Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Trí Hải v.v…

Sau khi nước nhà độc lập, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Phật giáo Việt Nam tiếp tục thống nhất thành công ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam – đỉnh cao của thời đại, có cố đại lão: Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Hòa thượng Thích Trí Độ, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Tâm Thông, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Giác Nhu, Hòa thượng Thạch Xom, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Đạt Hảo v.v… đã ghi công đức sáng ngời vào trang sử vàng son Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Trải qua các triều đại Lý, Trần, hậu Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn, đến thời đại Hồ Chí Minh lịch sử tên vàng, ngàn sao lấp lánh, Thăng Long – Hà Nội, vẫn tiếp tục là nơi hội tụ và lan tỏa sức sống muôn đời của Tổ tiên, của các vị tiền bối hữu công đối với đất nước và dân tộc cũng như Phật giáo Việt Nam, trung tâm văn hóa của cả nước luôn luôn phát triển không ngừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lịch sử hồn thiêng sông núi oai hùng. Rồng vàng phất phới bay cao – Sông Hồng nước chảy đổ vào biển Đông, tạo được tình Hữu nghị đoàn kết năm châu, bốn biển – Rồng bay muôn vạn nẻo đường – Con rồng Châu Á xứng danh ngàn đời, trong thời kỳ hội nhập và phát triển thế giới toàn cầu. Quả thực: “Nhớ thuở mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (1945 – 2010).

Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ba Đình lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, tinh thần nhập thế tích cực và xây dựng phát triển đất nước, bảo vệ hòa bình của Phật giáo Việt Nam hơn 1000 năm qua – Ngàn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, của các nhân vật điển hình, trân trọng với bao công trạng to lớn vô vàn của vua Lý Thái Tổ – Vạn Hạnh Quốc sư, và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, rực rờ tên vàng. Quả thật: “Công ai đổ xuống đất này, cho hoa dân tộc ngày ngày thêm tươi”.

Vì thế, tất cả chúng ta, con dân nước Việt, hậu duệ nhiều đời của Tổ tiên, của các bậc tiền bối hữu công, phải phát huy tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc, bảo vệ những thành quả, những di sản văn hóa quý báu, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta, cùng nhau nỗ lực thực hiện những hoài bão muôn đời của Tổ tông, để đất nước Việt Nam, Phật giáo Việt Nam sánh vai cùng bè bạn năm châu bốn biển trong cộng đồng thế giới ở thời kỳ phát triển hội nhập toàn cầu của thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.

Nam Mô Lịch đại Tổ Sư, Chư vị tiền bối hữu công tác đại chứng minh.

Nam Mô Hồn thiêng sông núi Dân tộc Đại Việt tác đại chứng minh.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here