Làng nước Việt Nam đều có đình chùa miếu vũ. Chùa thờ Phật, quán cũng là một loại chùa đặc trưng của nước ta: thờ Lão Tử và Phật trang nghiêm ở hậu điện. Nếu thờ vua, thờ đô thành hoàng ở làng xã. Đền thờ Thần, anh hùng dân tộc. Đàn Nam Giao thờ trời, đàn Xã Tắc thờ thần Thái xã, Thái tắc, đàn Sơn Xuyên thờ thần Sông Núi, đàn hoặc miếu âm hồn thờ những oan hồn uổng tử…
Đời sống tâm linh người Việt rất phong phú và thâm hậu. Lập đình chùa miếu vũ để cầu phong điều vũ thuận quốc thái dân an; địa linh nhân kiệt sản sinh ra nhiều bậc anh tài. Đó là tinh thần tri kiến, một nhánh trong Bát chánh đạo nhằm giáo hoá con người hướng thiện, mở rộng tầm nhìn về nhân sinh thiên nhiên và vũ trụ.
Dưới thời nhà Lý, đạo Phật là Quốc giáo, nhà Vua là một Phật tử lấy học thuyết Tam giáo đồng nguyên làm đường lối trị nước văn giáo võ trị. Nhờ vậy mà quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, nhân dân hạnh phúc.
Theo dòng lịch sử-văn hoá thì ở các tỉnh thành, châu huyện, làng xã cũng thiết lập văn chỉ, võ chỉ sánh cùng với văn miếu, võ miếu ở Kinh đô Thăng Long mà dân gian quen gọi là Văn Thánh, Võ Thánh. Riêng tại Văn Miếu trồng nhiều cây thông, biểu tượng cho phẩm chất cao quý của sĩ phu, sĩ tử nước nhà. Họ là những kẻ sĩ giữ sứ mệnh vệ đạo cho dù có ra làm quan hay không. Nhà chùa cũng vậy, sân chùa, vườn chùa trồng nhiều cây thông, có khi là cả một rừng thông bát ngàn. Yên Tử là một bằng chứng hiển nhiên.
Vua Lý Thánh Tông cải đổi niên hiệu từ Thiên Huống Bảo Tượng năm thứ 2 (1069) sang Thần Vũ kể từ đầu tháng 7 năm Ất Dậu (1069). Nhà vua sai triều thần dựng lập Văn Miếu năm 1070 tại kinh Thăng Long làm toả rạng nước Đại Việt là một nước văn hiến lâu đời từ thuở vua Hùng dựng nước cho đến các triều đại Đinh-Lê-Lý… Vì sao thế? Vì nó phù hợp với lòng dân ý trời: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nhà Nho, sĩ phu, sĩ tử không còn câu chấp vào cực đoan là chỉ học Nho giáo, chỉ biết Nho giáo mà không chịu học cho sâu, cho thắm tư tưởng, giáo lý Lão Trang; nhà Phật và kể cả tinh hoa truyền thống dân tộc trong lòng dân gian. Lập Văn Miếu không hẳn chỉ đơn thuần cổ suý cho tư tưởng, triết lý Nho giáo như nhiều người quan niệm “Vạn sự xuất ư Nho” một cách không thông thoáng. Nhà Phật chủ trương “Phật giáo không bao giờ xa rời thế gian”.
Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” ghi rõ ràng mốc thời gian lập Văn Miếu vào năm Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 (1070) như sau:
“Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất Thập Nhị Hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử đến đấy học”.
Vì vậy nhà học ấy được gọi là nhà thái học và khu vực di tích văn hoá này tại Thủ đô Hà Nôi được gọi là Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Quốc sử còn cho biết thêm: Mùa xuân tháng 2 năm Ất Mão (1075) vua Lý Nhân Tông thi minh kinh bác sĩ và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh được trúng tuyển, cho vào hầu vua học.
Thái độ của các nhà Vua hai thời đại Lý – Trần thoáng rộng, mở tung để nhìn xa, trông rộng, đúng với “tinh thần tri kiến” – nghĩa là thông nội điển, thông ngoại điển, đã nói rõ trong hội thứ bảy của bài phúc nổi tiếng Cư Trần Lạc Đạo:
“Học đời cơ tổ
Xá thiền không khôn chút biết nay (nơi).
Cùng căn bản, rửa trần duyên,
Mựa để mấy hào ly đương mặt.
Ngã thắng chàng, viên tri kiến.
Chở cho còn họa giữa cong tay,
Buông lửa giác ngộ,
Đốt hoại thảy rừng tà ngày trước;
Cầm kiếm trí tuệ
Quét cho không tỉnh thức thuở nay”.
Tuỳ duyên, người Phật tử và chưa hẳn là Phật tử hôm nay ước mong có điều kiện để ôn tập kiến văn về học thuyết Tam giáo Nho – Lão – Phật để làm hành trang chăm lo tu học, sửa mình để phụ việc với Tứ chúng. Thành thật mà nói, chúng ta thích nội dung, nội lực toả chiết thành văn phong, nhạc điệu của hội thứ bảy này.
Đạo Phật qua bao thăng trầm, lúc thịnh lúc suy theo lẽ thường. Vì vậy, mà đức Vua Trần Thái Tông, tác giả hai bộ sách quý: Khoá Hư Lục và Thiền Tông Chỉ Nam Tự tiếp nhận tinh thần “bao dung thể” từ chư Tổ, từ các đời Vua khai sáng nhà Lý, nhà Trần đã chỉ dạy cho hàng đệ tử và muôn dân về kho báu có sẵn trong mỗi người: “Giáo lý của đức Phật ta phải nhờ Tiên Thánh mà truyền lại cho đời”.
Điều này còn khớp đúng với nội dung bài kệ bằng chữ Hán, kết thúc của bài phú bằng văn Nôm bất hủ, gồm mười hội của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Danh phẩm này đã được lưu giữ qua hơn 701 năm và được xưa nay nhiều tác giả phiên âm ra quê ngữ mà bất cứ Phật tử hoặc chưa phải là Phật tử đều thuộc nằm lòng. Thiết nghĩ, là Phật tử lúc bắt tay tiến hành một Phật sự nào đều thể hiện tâm nguyện như lời dạy của bài kệ:
“Ở đời vui đạo, hãy tuỳ duyên,
Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi Thiền”
Học Phật, tu để thành Giác ngộ; thậm chí lúc sắp trả tấm thân tứ đại về với cát bụi cũng phải giữ lấy tinh thần ấy mà quảy bước ra đi nhẹ nhàng thanh thoát.
Đức Phật chỉ dạy với tứ chúng cách gìn giữ và phát huy trí tuệ và đạo hạnh để mong sao không có ai sa ngã vào lối sống phô trương, hão huyền vướng lắm bụi trần.
Ngày nay, các chùa Việt Nam đều trồng thông, trồng xoài, trồng cây Bồ-đề… Nhựa thông cất giữ được 1000 năm là hổ phách; được 100 năm là phục linh; tất cả đều là của báu. Thân cây thông lâu năm trở thành gỗ tốt, biểu trưng cho lương đống, rường cột của xã hội, của nhà Chùa. Thông trồng ở Văn Miếu, thông trồng ở chùa xanh tươi bốn mùa. Nguyễn Công Trứ, bậc trượng phu, thông hiểu giáo lý nhà Phật hằng ao ước:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”
Đương thời, cụ Thượng Trứ có ý chê trách những người tốt áo, tốt bộ mã mà chỉ là loại cây Vông mà thôi.
L.Q.T