Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Văn hóa và kinh tế trên một con đường đi bộ

Văn hóa và kinh tế trên một con đường đi bộ

151
0

Con đường đi bộ đó không có phố, không có nhà mặt tiền. Con đường đó không dài, lại nằm phía sau những biệt thự dùng làm công sở, nhà văn hóa. Con đường đó không tấp nập người qua lại, không dập dìu trai thanh gái lịch. Đó là con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Huế.

Con đường đẹp theo cách riêng của nó. Hàng ngày đi trên đường này, nhiều khi tôi liên tưởng một vài con đường đi bộ ở các thành phố của Pháp, Mỹ mà tôi có dịp đặt chân đến. Vì sao hình thành các con đường đi bộ như vậy? Tôi nghĩ là vì lợi ích giao thông, kinh tế và du lịch. Những con đường đó ở những vị trí thuận lợi, khách mua sắm đông, nên chính quyền hạn chế các phương tiện đi lại để cho mọi người đi bộ thoải mái và mua sắm. Khu phố Tàu tại San Francisco là một ví dụ: con đường quá tấp nập, các cửa hàng quá đông khách. Nói chung, có phố hoàn toàn cho khách đi bộ, nhưng cũng có phố chỉ cấm xe cộ lưu thông vào một số thời điểm thuận tiện bán hàng. Ngay khu phố cổ Hội An, có những con đường hẹp, dành cho người đi mua sắm, trong đó có rất đông du khách nước ngoài, đồng thời nhàn nhã tản bộ ngắm mái ngói xưa cũ, bức tường rong rêu và không gian cổ bên trong, gợi nhớ một thời kiến trúc cổ truyền có giao thoa với kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản. Con đường Nguyễn Đình Chiểu ở Huế thì không giống như vậy. Không ăn chơi, không shopping, chỉ có con đường nho nhỏ, hẹp hẹp, có lề lát đá, có hàng cây, và … có dòng sông Hương thơ mộng. Vâng, chính vì dòng sông Hương không nơi nào có được nên mới có một con đường đi bộ không nơi nào có được!

“Con đường hình thành từ đầu thế kỷ 20, cùng thời với việc người Pháp xây dựng khách sạn Morin. Từ năm 1955 trở về trước, đường này thường được gọi là Bờ sông Pát-tơ (Quai Pasteur). Sau năm 1956, đặt tên là đường Nguyễn Đình Chiểu cho đến ngày nay. Đường này trước năm 1990 chỉ dài hơn 300m, đoạn còn lại được mở tiếp từ năm 1991 đến năm 2002 mới hoàn chỉnh.” (1)

Ngày nay, con đường này dài khoảng 560 m, chạy ven bờ Nam sông Hương từ cầu Trường Tiền đến đường Phạm Hồng Thái, và được tiếp nối với con đường đúc bê tông rộng rãi, không tên ở bên kia chân cầu Trường Tiền, cũng chạy dọc bờ Nam sông Hương và cũng dành cho người đi bộ. Một bên là sông, một bên là vườn hoa tôn trí tượng đài chí sĩ Phan Bội Châu và Đài Thánh Tử Đạo, tiếp đến là công viên rợp cây xanh Tứ Tượng, các ngôi biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp nổi tiếng dùng làm trụ sở Ủy Ban ND Thành phố Huế, Trung tâm Festival, Nhà trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng, xen vào đó là Trung tâm văn hóa Phương Nam, và cuối cùng là Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán. Tiếng là mặt sau, nhưng những kiến trúc sư tiền bối đã không xem nhẹ và đã dành đất cho vườn, lối đi và cây xanh.

Đường đi bộ Nguyễn Đính Chiểu lộng lẫy trong mùa Vesak 2008

Cây hai bên đường phần lớn là cổ thụ, đặc biệt có một cây ngô đồng nằm bên trong công viên Tứ Tượng vươn cao hơn những cây khác. “Ngô đồng nhất diệp lạc / Thiên hạ cộng tri thu” (Một lá ngô đồng rụng. Cả thiên hạ biết mùa thu tới). Câu thơ đẹp nổi tiếng này khiến ta tưởng tượng mùa thu buồn rơi lá ngô đồng, nhưng đó là ngô đồng ở đâu đâu phương Bắc, còn ngô đồng ở Huế, thu đến rồi thu đi mà ngô đồng vẫn xanh ngắt một màu. Và thiên hạ chẳng quan tâm cây rụng lá khi nào, cho đến một sáng mùa hè, nhìn lên cao, ô hay, vượt lên những tàng cây khác, in trên trời xanh là những cành chi chít hoa, màu nhẹ hồng phấn pha chút tim tím. Rồi những người yêu hoa lại nhắn nhủ với nhau, còn nhiều nơi khác nữa kia, ngô đồng đã nở hoa ở công viên Tứ Tượng, đầu cầu Phú Xuân, Trường Tiền, trong Đại Nội…

Cây phượng thì đâu đâu cũng có, nhưng chỉ cần một cây phượng bên đường đi bộ này, sát bờ sông, với hoa màu đỏ thắm trong mùa hè là nét nhấn trong toàn cảnh để ai cũng muốn lưu giữ hình ảnh của mình với cành phượng đỏ la đà vươn ra dòng sông, xa hơn là mấy nhịp cầu Trường Tiền. Một Huế đẹp và thơ thu gọn trong tầm mắt của du khách: trước mặt là dòng sông Hương trong xanh, là bến Thương Bạc; bên trái là cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, xa xa là Cồn Hến; bên phải là cầu Phú Xuân, xa hơn là Phu Vân Lâu, kỳ đài, rồi cây cầu Dã Viên đẹp, mới tinh… Nhìn rộng hơn là Huế hòa hợp đất trời, giữa một dòng sông nhẹ nhàng trôi, từ Trường Sơn hùng vĩ đến Biển Đông bao la.

Con đường Nguyễn Đình Chiểu là con đường đi bộ một cách tự nhiên. Không cấm xe lưu thông trên đường đó, thì xe cũng chỉ chạy cho vui, chẳng để làm gì, còn nếu cấm thì chẳng trở ngại cho ai. Cho nên khi chính quyền cho căng dây xích chặn hai đầu đường, thì chẳng ai ngó ngàng để phạt xe. Ai đi bộ trên con đường đó? Trước hết là những người đi bộ thể dục buổi sáng, đủ già trẻ nam nữ – nhiều nhất là từ trung niên trở lên -, đi đơn lẻ, đi có đôi, đi theo nhóm; có người chăm chăm đi nhanh, đánh đường xa, có người chậm rãi, thoải mái. Ai cũng vui, hớn hở chào nhau. Lại có nhiều người uốn éo, lắc lư, tập thể dục, tập chạy, tập yoga, chơi cầu lông. Ai thích gì làm nấy, không e ngại. Có người đi bộ khi tờ mờ sáng, màn sương chưa tan. Nổi bật trong thiên hạ là những người ngoại quốc, quần đùi, áo may dô, thường tập chạy một cách chăm chỉ. Rồi tan hàng tùy theo công việc, thường là khoảng 7 giờ, duy chỉ có những người lớn tuổi thì vẫn còn tà tà. Đó là cảnh tượng buổi sáng, buổi chiều, con đường vẫn hấp dẫn những người đi bộ, đáng kể là những người ngoại quốc, tuy không đông bằng buổi sáng. Và tất nhiên, cũng như bất cứ cảnh đẹp nào lúc chiều tối, con đường đi bộ này là con đường tình tự, ở đây không có công viên ghế đá thì có bờ thành, nhìn ra dòng sông lửng lờ như thời gian chậm lại, con sông như thế mà con người cũng muốn như thế.

Quán cà  phê ven đường là địa chỉ thư giãn lý  tưởng của những người đi bộ rảnh rỗi cũng như  là nơi tụ tập của những người quen nhâm nhi cà phê buổi sáng, hưởng được không khí trong lành ban mai, ngắm sương dần tan trên sông Hương, đọc báo, trò chuyện thoải mái… Chính Huế ban mai ở đây cùng với sông Hương trong xanh đã thôi thúc những du khách, những người con Huế đi xa trở về, dậy sớm, đến những nơi cà phê lộ thiên này, gặp lại bạn bè và ngắm cảnh.

Những dịp lễ hội, đường đi bộ được mặc áo mới: khi thì màu áo lam nhẹ nhàng nhưng không kém tươi vui trong mùa Phật đản hoặc Vu Lan, với ẩm thực chay kiểu thanh nhã, đại chúng… , đặc biệt có mùa Phật đản, đường phố biến thành đường quê với bờ ao, bến nước, mái tranh, bụi chuối… ; khi thì rực rỡ hoa xuân, cây cảnh trong những ngày đón Tết; khi thì đầy nét sinh động với các hoạt động của lễ hội làng nghề…

Lễ  hội qua đi, con đường bình thường trở lại, giới có thẩm quyền lại đặt vấn đề: Làm sao cho con đường đi bộ trở thành rộn rịp sinh hoạt về đêm, chứ để như vậy mà không khai thác, … uổng quá! Và thế là phố đêm trên đường Nguyễn Đình Chiểu hình thành và hoạt động từ đầu năm 2012. Con đường có vẻ đông vui về đêm, nhất là thành phần thanh niên, sinh viên và một số du khách. Hàng hóa phần lớn là hàng lưu niệm không đắt tiền. Chủ yếu vẫn là dịch vụ ăn uống, giá cả phục vụ đại chúng. Cứ chiều về, các lều bạt tứ giác căng ra, sát nhau, màu sắc nổi bật, đứng từ cầu Trường Tiền nhìn sang thì thấy vui mắt, nhưng đứng gần thì thấy rõ tính dã chiến, nghèo nàn, không thể làm đẹp cảnh quan cũng như thiếu thẩm mỹ cho cơ sở kinh doanh. Và thật thảm hại, các lều này xếp lại ban ngày, trông ủ rủ, lại thêm rác và mùi hôi của nước chấm, xì dầu còn để lại từ đêm trước chưa thu dọn triệt để.

Và nhếch nhác trong “Phố Đêm”

Như  thế, mục tiêu kinh tế của chợ đêm chắc khó mà đạt được, mục tiêu tạo một địa chỉ vui chơi về đêm cho du khách cũng chỉ cầm chừng, khách phần lớn là thanh niên sinh viên đi chơi, sức mua hạn chế; bình thường đã như thế, huống chi những ngày mưa lạnh lê thê mùa đông. Trong khi đó, cảnh quan thiếu thẩm mỹ, môi trường thiếu phong quang. Cho hay muốn sử dụng con đường này vào mục tiêu kinh tế và du lịch không phải là đơn giản. Không thể đòi hỏi con đường này trở thành con đường phố thị đông vui về đêm, thu hút người mua sắm như những phố đi bộ khác, trong khi “bản chất” con đường này là thư giãn, là đi dạo ngắm cảnh, là thể dục. Nên chăng là cứ sử dụng con đường như nó vốn có, ngoài ra, có thể cho nó đóng thêm vai trò mới trong các dịp lễ hội, như Tết, Phật đản, các dịp Festival… thể hiện bằng các cuộc triển lãm, chợ hoa, giới thiệu và bán đồ lưu niệm, ẩm thực chay…

Nếu cần có thêm sinh hoạt về đêm thì nên đặt nặng yếu tố văn hóa bên cạnh kinh tế, và không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc thẩm mỹ vốn có của cả tổng thể. Không thể xây dựng nhà cửa gì thêm hai bên đường, dĩ nhiên, nhưng rải rác có nên đặt những ki-ốt có kiến trúc thẩm mỹ, bằng gỗ và vật liệu nhẹ để bán đồ lưu niệm, văn hóa phẩm, kể cả bán cà phê giải khát một cách văn minh, lịch sự, sạch sẽ? Tuy nhiên, điều tôi vừa đề cập sẽ là thừa, nếu như cơ quan có thẩm quyền cải tạo cho đàng hoàng cơ sở phía sau của Trung tâm Festival để kinh doanh, mà trước đây đã sử dụng làm quán ăn và cà phê, khá đông khách, dầu làm ăn chưa tốt. Ba địa chỉ: vườn hoa mới phía cầu Trường Tiền luôn luôn sáng đèn (nên có thêm ghế đá), Trung tâm Festival, và xa hơn là quán giải khát của Trung tâm Văn hóa Phương Nam, ba nơi này cần được khuyến khích đầu tư nhiều hơn để nâng cấp hoạt động kinh doanh, đa dạng mặt hàng văn hóa phẩm, đồ lưu niệm. Những hoạt động buôn bán và dịch vụ nhỏ lẻ lộ thiên, có cũng được, nhưng toàn cảnh phải có tính thanh lịch của thành phố văn hóa.

Nhưng không nên trông đợi nhiều về hiệu quả kinh tế trong khai thác con đường đi bộ này. Thế còn lợi ích văn hóa và tinh thần? Đi bộ, thư giãn, thể dục, cà phê trong không gian thoáng đãng, trong không khí trong lành, đó là niềm vui của người dân thành phố Huế… Con đường này dành cho mọi người, không đòi hỏi chút gì cả, chỉ mong được bảo dưỡng và sạch sẽ thường xuyên.

C.H.H

Tháng 4/2012

1  Theo http://www3.thuathienhue.gov.vn/GeographyBook/Default.aspx?sel=3&id=1057)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here