Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Văn hoá Phật giáo và văn hoá dân tộc hoà chung dòng...

Văn hoá Phật giáo và văn hoá dân tộc hoà chung dòng chảy *

149
0

Đạo Phật Việt Nam có cùng chung dòng chảy lịch sử thăng trầm với dân tộc. Nhiều triều đại đã tôn đạo Phật làm quốc giáo, đồng thời nương theo giáo lý của Đức Phật để xây dựng nền đạo đức văn hoá, khẳng định quyền độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

Hôm nay trong không khí trang nghiêm hoà hợp, chúng tôi xin mời quý vị ôn lại một lần nữa truyền thống văn hoá Phật giáo trong di sản văn hóa và trong nếp sống ứng xử của dân tộc.

Từ những bước đi ban đầu của thời kỳ chấn hưng và xây dựng ngôi nhà chung văn hoá Phật giáo, trong cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa này, chúng ta tự hào tưởng nhớ đến đạo hữu Võ Đình Cường, Trưởng Ban Văn hoá tiền nhiệm, người anh cả của Gia đình Phật tử Việt Nam, người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp văn hoá Phật giáo. Nhận định của anh về văn hoá Phật giáo vẫn còn nguyên giá trị: “Trong suốt hai ngàn năm qua, Phật giáo đã hoà quyện vào lòng dân tộc, dung hợp với tín ngưỡng bản địa cũng như các tư tưởng khác, tham gia vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước, từ đó hình thành cho mình một nền văn hoá phong phú, sinh động, đậm đà bản sắc dân tộc, có ảnh hưởng lớn lao đối với dân tộc đến nỗi có thể nói nền văn hoá Phật giáo là nền văn hoá dân tộc”.

Không khó để chúng ta nhận ra những dấu hiệu suy thoái về văn hóa trong đời sống công nghiệp hiện đại. Các vấn nạn xã hội đã trực tiếp chỉ ra dấu hiệu rạn nứt trong các mối quan hệ từ gia đình, làng xóm, cộng đồng đến môi trường tự nhiên.

Hiện thực đó đã thôi thúc chúng ta cùng quan tâm đến vấn đề khám phá, phát huy và làm mới lại các giá trị văn hoá Phật giáo, để làm sao cho cuộc sống xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, trước hết từ trong đời sống của người Phật tử chúng ta. Ở đó văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đời sống tinh thần của đất nước. Chuyển tải văn hóa Phật giáo chính là trực tiếp đưa những giá trị tốt đẹp vào trong đời sống của cộng đồng, để người dân ngày một thấm nhuần tinh thần từ bi, bình đẳng, trí tuệ, bất bạo động của Phật giáo, đưa nếp sống sinh hoạt xã hội thành những ứng xử văn hóa có tầm, hướng đến nền giáo dục đề cao Chân – Thiện – Mỹ.

Văn hoá Phật giáo và văn hoá dân tộc đã hoà chung dòng chảy suốt hơn hai nghìn năm qua. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa này cũng có nghĩa là giữ gìn và phát huy phẩm tính thuần thiện của dân tộc, để trên căn bản đó tô bồi thêm tinh thần dân tộc, ý thức yêu nước thương dân. 

Phật giáo nhìn nhận đúng các giá trị tương quan, sự liên đới trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong đời sống cộng đồng. Điều này cho chúng ta một niềm tin lạc quan vào đích hướng tốt đẹp của bản thân và xã hội, khi cùng nhau biết chung tay để xây dựng một xã hội hài hòa. Tôi tin rằng, chúng ta có đủ trí tuệ, quyết tâm và lòng nhiệt thành để phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá Phật giáo.

Việt Nam có một vị trí đặc biệt trên con đường văn hóa Hoa – Ấn, vì vậy trong sự giao thoa, tiếp biến văn hoá, Phật giáo Việt Nam đã để lại cho dân tộc những giá trị văn hoá tâm linh, tinh thần đặc thù và huyền diệu. Việt Nam là nơi khởi điểm tiếp biến của nhiều dòng phái Phật giáo cả Nam lẫn Bắc truyền, nên văn hoá Phật giáo Việt Nam ngay từ những ngày đầu của lịch sử dân tộc đã mang sẵn trong mình tinh thần dung hội văn hóa, tín ngưỡng, tư tưởng. Khi thời đại cần đến vai trò của Phật giáo, thì chính những nhà tư tưởng, những trí thức Phật giáo sẽ là những người đi tiên phong trên con đường hòa đồng và khoan dung tư tưởng, tôn giáo.

Ôn lại lịch sử đó để thấy rằng, chúng ta tuy mang danh Phật tử, nhưng cũng là những người con của quê hương, xứ sở. Mỗi vùng miền quê hương Việt Nam có những nội hàm văn hoá đa dạng và phong phú, có những điểm tương đồng và dị biệt, nhưng quan tâm chung của chúng ta đều hướng đến việc làm sao để văn hóa Phật giáo cộng hưởng cùng văn hóa dân tộc, tạo nên sức sống tinh thần mạnh mẽ trong hoàn cảnh của những khác biệt đó.

Phật giáo đã toát ra một sức sống mãnh liệt bắt nguồn từ những giá trị tâm linh, tinh thần phong phú suốt hơn 25 thế kỷ qua, và cho đến nay những lời dạy của Đức Phật vẫn chưa có dấu hiệu trở thành quá khứ. Nhà bác học Albert Einstein từng phát biểu: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó".

Phật giáo Việt Nam sống trong lòng dân tộc và thịnh suy theo vận mệnh của đất nước. Phật giáo luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn đời sống tinh thần cho đa số mọi người, làm nền tảng luân lý để cùng với nhân dân xây dựng một xã hội tiến bộ, đạo đức, trí tuệ và tràn ngập tình thương. Phật giáo luôn đánh thức con người đức tính tự tin, tự chủ, tự trọng với tinh thần trách nhiệm cao. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng vào trí tuệ, nhiệt tâm cống hiến của quý vị cho ngôi nhà chung Phật giáo. Chúng ta cùng nhau đoàn kết “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức” để hướng đến những điều tốt đẹp, nhằm phát triển thiện tâm của dân tộc.

Chúng ta cần theo đuổi những nỗ lực này, vì suốt 3 thập niên qua, trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động, đổi thay về văn hóa và lối sống, chúng ta đã phần nào bỏ qua thách thức và cơ hội cho những nỗ lực ấy. Có những sự đổi thay tuy khiến chúng ta không mấy dễ chịu, nhưng đó là điều tất yếu cho bất cứ sự phát triển nào của xã hội, để chúng ta tự điều chỉnh mình theo tinh thần khế lý, khế cơ của Đức Phật.

Chắc chắn văn hóa Phật giáo sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự đổi thay ấy, nhưng không phải ở hình thức của những ngôi chùa to, những tượng Phật lớn, mà chính là ở thái độ sống và phong cách ứng xử của chúng ta với môi trường sống chung quanh. Bởi phẩm chất, lương tâm và trách nhiệm là ba điều thôi thúc chúng ta đóng góp nhiều trí tuệ và sáng tạo hơn nữa để giữ gìn và phát huy văn hoá Phật giáo Việt Nam, góp phần làm đẹp hình ảnh non sông, đất nước con người Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới.

Văn hoá vừa là vần đề cũ, vừa luôn luôn mới, vừa phải đáp ứng nhu cầu của mọi người, đồng thời nhắm đến mục tiêu chuyển hoá đời sống tinh thần xã hội. Chúng ta luôn coi thế đứng văn hoá dân tộc là giá trị vượt thời gian để đối thoại với những làn sóng văn hóa đến từ những nơi xa lạ. Và những sự va chạm ban đầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế đã dẫn ra những thử thách không nhỏ. Vì vậy để duy trì một sức sống lâu dài, một thế đứng văn hoá đóng vai trò nhịp cầu nối cho văn hoá dân tộc, chúng ta cần phải trụ vững trên những giá trị truyền thống tốt đẹp, sáng tạo, phát huy những giá trị tích cực phù hợp với thời đại.

Muốn vậy, Nghành Văn hóa Phật giáo chúng ta, trước mắt, theo tôi nghĩ thì việc nghiên cứu, thống kê, đánh giá văn hóa Phật giáo Việt Nam đòi hỏi một đội ngũ chuyên môn cao, có sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân, đòi hỏi một kế hoạch quy mô được Giáo hội thông qua với sự chỉ đạo, phân công cụ thể từ Trung ương Giáo hội; qua đó, ngành Văn hóa Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện. Thế nhưng, trong gần 28 năm qua kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, hoạt động của ngành văn hóa Phật giáo chỉ rất sơ sài, khiêm tốn qua một số thống kê tư liệu, theo dõi việc in ấn kinh sách, báo chí Phật giáo, việc trùng tu chùa chiền và một số danh lam được xếp hạng là di sản tinh thần của địa phương, của quốc gia để báo cáo và nêu nhận định trình lên Trung ương Giáo hội. Công việc này cũng thiếu sự thường xuyên, chưa đầy đủ, chưa có chiều sâu. Cũng may, các Ban ngành Viện của Giáo hội có những hoạt động văn hóa khá tích cực (ở đây, cần nói thêm là mọi hoạt động của Phật giáo đều mang tính văn hóa) cho nên Giáo hội đã đạt được những thành quả khả quan, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trước mắt, ngành Văn hóa Phật giáo cần quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động, tiếp tục công việc lâu nay của mình một cách cụ thể, hiệu quả, đều đặn và mang tính khoa học, tiếp đó là mở rộng phạm vi hoạt động liên quan đến xã hội, đến các ban ngành khác của Giáo hội. Việc thống kê các di sản Phật giáo được nhà nước công nhận mới chỉ bắt đầu, việc đề nghị công nhận một số di sản xứng đáng chưa đươc tiến hành và cần phải tiến hành ngay. Chúng ta chưa thống kê được các kinh sách Phật giáo đã được dịch thuật, biên soạn và xuất bản. Chúng ta chưa được Giáo hội cho ý kiến về đề nghị để cho Ban Văn hóa xét duyệt và có ý kiến về các tác phẩm Phật giáo trước khi tiến hành thủ tục xin xuất bản. Chúng ta chưa có ý kiến nhận định về các trường hợp trùng tu Tự viện một cách tùy tiện và nếu có thì tiếng nói của chúng ta có được xem trọng hay không? Các di sản, di tích Phật giáo còn rất nhiều: Tự viện, Pháp khí, Kinh sách, Bia ký, Đối liễn, Tài liệu lịch sử Phật giáo… Liệu chúng ta có tiến hành tìm kiếm, nghiên cứu… được không? … Chúng ta có vận động được tài chánh chi phí cho các hoạt động của Ngành không?

Có bao nhiêu việc phải thực hiện và việc thực hiện đòi hỏi có kiến thức, kỹ năng hoạt động văn hóa. Khóa bồi dưỡng này nhằm tạo thuận tiện cho việc phát triển kiến thức và kỷ năng ấy, dù chỉ là những nét cơ bản nhưng cũng là những gợi ý, những thúc đẩy quyết tâm hoạt động văn hóa của ngành. Nhân khóa bồi dưỡng này chúng tôi có cấp phát giấy chứng nhận tham dự khóa cho các đại diện Ngành Văn Hóa. Đây không phải là sự chứng nhận trình độ mà chỉ là một văn thư mang tính kỷ niệm mà thôi. Mong sao các khóa bồi dưỡng, các hội nghị, hội thảo Văn hóa Phật giáo sẽ được tiếp tục tổ chức để các thành viên đại diện ngành Văn hóa có dịp tăng cường kiến thức, kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm để ngày càng vững vàng trong các hoạt động Văn hóa phục vụ Đạo pháp và Dân tộc. 

Năm 2009 sắp trôi qua, đây cũng là năm thứ 3 của nhiệm kỳ VI Trung ương Giáo hội, Ban Văn Hóa Trung ương và địa phương. Với những thành quả khiêm tốn trong 3 năm qua của nhiệm kỳ, ngành Văn hóa Phật giáo, nhân khóa bồi dưỡng này, cố gắng có những nét mới, quyết tâm cao hơn trong những hoạt động sắp tới.

(Trích diễn văn khai mạc Hội thảo-Bồi dưỡng văn hoá toàn quốc tại Nha Trang)

*Tựa đề do BBT đặt

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here