Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Văn hóa Phật giáo Huế sáng sủa, từ bi và trí tuệ

Văn hóa Phật giáo Huế sáng sủa, từ bi và trí tuệ

200
0

Gần 2.000 năm du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã cùng chung vận mệnh thăng trầm, gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc, chung vai gánh vác sứ mệnh giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của muôn dân. Dân tộc và Phật giáo trong văn hóa Việt Nam đã gắn kết thành một thể thống nhất, cùng hướng tới một mục tiêu là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, giàu mạnh. Văn hóa Phật giáo là nét đẹp, sự sáng sủa của từ bi và trí tuệ của đức Phật.

Tại vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế, Phật giáo đã đi vào lòng dân, hòa nhập trong cộng đồng, phát triển nhanh chóng và trở thành một bộ phận văn hóa tinh thần, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước; bảo vệ, gìn giữ và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân xứ Huế.

Khi đến với những ngôi chùa ở Huế, chúng ta đều tìm thấy sự thanh thản cho tâm hồn, bởi ở đây ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, nhân tạo ra còn chính là sự bình đẳng và bác ái. Đến viếng cảnh chùa, con người tĩnh tâm, thanh thoát và sống độ lượng hơn, bởi xu hướng tâm linh là dòng chảy tiềm ẩn sâu bền trong con người Huế. Các chùa Huế đang ngày càng loại trừ mê tín dị đoan và giữ lại những đức tính từ, bi, hỷ, xả, nghiệp, duyên. Chùa Huế là một mảng kiến trúc quan trọng song song quần thể kiến trúc cung đình, luôn giữ được nét đẹp cổ kính, hài hòa với thiên nhiên và được trang trí bằng những hoa văn chạm khắc sống động mang nét truyền thống văn hóa mỹ thuật của người Việt. Nói về Huế mà không nói đến những danh lam thì đã quên mất cái linh hồn của Huế. Chùa Linh Mụ, một công trình đầu tiên đánh dấu lịch sử mở mang và xây dựng xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn mang ý nghĩa “quy tụ linh khí, để cầu phúc, cầu lộc, giúp nước, giúp dân…”; tiếng chuông Linh Mụ đã in sâu vào lòng người như một dấu ấn tâm linh cùng với bề dày lịch sử của chùa là một minh chứng về sự đóng góp của Phật giáo Huế vào sự bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc. Chùa Diệu Đế, Túy Vân, Từ Đàm, Báo Quốc cùng nhiều chùa khác nằm trong danh sách những ngôi chùa di sản văn hóa quốc gia… Chùa Huế thân thương, gần gũi với nếp sống hiền hòa, ấp ủ cái giá trị tín ngưỡng thiêng liêng, nếp sống tình cảm chơn chất đơn thuần, là nơi nuôi dưỡng đời sống đạo đức tâm linh, hướng lòng tri ân và báo ân đối với các bậc tiền nhân, cha mẹ, quê hương và đất nước, đó chính là những yếu tố làm phong phú và góp phần gìn giữ, phát triển bền vững bản sắc văn hóa dân tộc.

Các lễ hội truyền thống như Phật đản, Vu lan, Quán Thế Âm và nhiều hoạt động mang tính xã hội như cầu quốc thái dân an, cầu siêu các anh hùng liệt sỹ, diễu hành xe hoa, phóng đăng, triển lãm, ẩm thực chay, thuyết trình… được tổ chức trang trọng hằng năm đã thu hút đông đảo tín đồ, nhân sỹ, trí thức, sinh viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Chính những hoạt động Phật sự này đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống sinh hoạt thường ngày, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ ngày càng được biết đến nền văn hóa dân tộc. Các lễ hội Phật giáo cũng góp một vai trò quan trọng trong những dịp Festival Huế, nhằm tôn vinh văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, đã thu hút đông đảo du khách đến với Huế, đem lại những thành công trong sự phát triển kinh tế và văn hóa đất nước.

Phật giáo là nền giáo dục đa văn hóa, mục đích cuối cùng quy hướng về văn hóa tâm linh. Hàng trăm tự viện và các cơ sở như Học viện Phật giáo, Trường Phật học, Trung tâm Liễu Quán có vai trò nghiên cứu giáo lý, đào tạo tu sỹ có tri thức, đạo đức phục vụ cho sự nghiệp hoằng hóa. Tại các đạo tràng, niệm Phật đường là nơi thường xuyên thuyết giảng truyền bá giáo lý Phật đà để xây dựng đạo đức đã góp phần giảm thiểu tiêu cực và tệ nạn xã hội; giúp con người chế ngự dục vọng, không suy thoái đạo đức và gây hại đến thuần phong mỹ tục, mang lại sự an lạc hạnh phúc, sáng suốt và sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân góp phần ổn định xã hội.

Những hoạt động về y tế, từ thiện luôn đề cao tinh thần nhân ái, lá lành đùm lá rách được thực hiện một cách tích cực bởi những Tăng Ni, Phật tử qua những cơ sở dưỡng lão giúp đỡ người già yếu neo đơn; viện cô nhi cưu mang trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi; Tuệ Tĩnh đường khám chữa bệnh miễn phí cho người đau ốm; lớp mẫu giáo nuôi dạy trẻ mầm non; trường dạy nghề cho thanh thiếu niên và người khuyết tật; cứu tế khi thiên tai, lúc hoạn nạn, những mảnh đời nghèo khổ; tư vấn phòng chống HIV/AIDS, cấp học bổng học sinh nghèo, xây nhà tình nghĩa… đã trở thành thân quen qua tinh thần từ bi của đạo Phật.

Phật giáo không chỉ là một tôn giáo thuần túy về tín ngưỡng thờ phụng mà còn bao hàm những triết lý thâm sâu về nhân sinh và xã hội. Trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo cùng tiến trình thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình dân tộc và thế giới, trên mảnh đất thần kinh cố đô văn vật đã xuất hiện nhiều vị Tổ sư, cao tăng đắc đạo cùng nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử đã gìn giữ để khỏi sự đồng hóa của ngoại xâm. Phong trào đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội của Phật giáo năm 1963 mà Huế là khởi điểm; và vào năm 2003, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo Thừa Thiên Huế đã gửi thư cho Quốc hội Hoa Kỳ phản bác Nghị quyết HR.427, đó là những minh chứng hùng hồn về sự gắn kết, hòa nhập giữa Phật giáo với Dân tộc, tỏa sáng truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Huế.

Thẩm thấu giáo lý nhà Phật, học tập hạnh nguyện chư vị Bồ tát, ảnh hưởng trực tiếp đạo phong của các vị Tổ sư, tín đồ Phật giáo Huế có lòng yêu nước nồng nàn và ý thức dân tộc sâu đậm, sống nặng nghĩa tình, đoàn kết gắn bó với họ hàng, làng xóm, tạo mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng; hiểu chữ trung với nước cao hơn trung với vua, trọng chữ Hiếu nhưng không hạn hẹp bởi khuôn khổ gia đình mà còn hiếu với dân trong ý nghĩa pháp giới đa sanh phụ mẫu – cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Tăng Ni, Phật tử tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, bầu cử và ứng cử QH, HĐND, MTTQ các cấp; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đời sống văn hóa và nếp sống văn minh đô thị, nông thôn…

Ngày nay, sự tồn tại và phát triển hài hòa của thành phố Huế cổ kính bên cạnh thành phố Huế công nghiệp hóa, hiện đại hóa có sự góp mặt của Phật giáo Huế. “Huế – Di sản văn hóa thế giới” không chỉ là hoàng thành, lăng tẩm mà còn có bóng dáng của những ngôi chùa với kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên yên tĩnh, siêu thoát; không chỉ là nhã nhạc cung đình mà còn có tiếng chuông chùa gõ nhịp thời gian ngân nga thức tỉnh, lời kinh nguyện cầu vang vọng cùng cốt cách thiền tâm đẹp đẽ và những áng văn thơ bất hủ về địa danh, lịch sử Phật giáo Huế với quê hương, dân tộc…

Huế đã từng là thủ đô Phật giáo của cả nước một thời. Ngày nay Huế là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam. Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, trong điều kiện chuyển biến tích cực của tỉnh nhà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Phật giáo Huế đang nỗ lực phát huy những giá trị tích cực văn hóa của mình, định hướng công tác Phật sự có hiệu quả theo những mục tiêu của đất nước và thực tế đời sống người dân, bồi đắp và đổi mới cho phù hợp với thời đại như chú trọng nếp sống đạo, tích cực các mặt hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện; xây dựng Học viện mới, thực hiện 32 tiểu cảnh ứng thân Bồ tát, đài Hoa sen tại khu du lịch tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm, kiến tạo khu văn hóa tâm linh chùa Bạch Vân trên núi Bạch Mã đáp ứng nhu cầu của Phật giáo, thích ứng với xu thế của một thành phố đặc trưng về giáo dục đa ngành đa chức năng, y tế chuyên sâu, văn hóa di sản, du lịch tâm linh hôm nay và mai sau.

Xuân Giáp Ngọ lại về, cảnh vật xinh tươi, trăm hoa đua nở, lòng người đong đầy tình yêu thương, niềm hoan hỷ và tri ân. Những ngày đầu năm, ai ai cũng dành thời gian để đi chùa lễ Phật, thắp hương Tiên tổ ở Từ đường, viếng mộ, thăm chúc người thân, bạn bè với cõi lòng mong ước bình an, hạnh phúc đã trở thành nếp sinh hoạt truyền thống thiêng liêng của xứ Huế. Năm Ngọ có lẽ làm cho mọi người liên tưởng “mã đáo thành công”, bởi lẽ hình tượng ngựa biểu trưng sự gia tăng tiền tài và thăng quan tiến chức, ngựa là hình ảnh của sự trung thành, kiên nhẫn, may mắn về tài lộc. Người hiểu rõ lý duyên sinh thì không thể cầu mong được gì ngoài tự lực rèn luyện đạo đức, tinh tấn tu tập chấm dứt “bát khổ” bằng cách thực hành “bát chánh đạo”; phát huy sức mạnh hòa hợp đoàn kết vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhằm mang lại hạnh phúc an bình cho tự thân và tha nhân, góp phần phát triển tốt đẹp cho xã hội.

Đạo đức là cái gốc để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Đạo Phật hướng dẫn con người trở lại với bản tâm thanh tịnh của chính mình thông qua sự thực hành giới luật nghiêm túc, thiền định và trí tuệ. Đạo từ đời mà có và đạo lại đi vào đời để giúp cho đời đơm hoa kết trái, đạo Phật luôn không tách rời cuộc sống con người nên giữ đạo để làm đẹp cho đời là hạnh nguyện của người con Phật. Phật giáo thích hợp với mọi hoàn cảnh, căn cơ và đặc biệt là nhân tố tích cực của một xã hội đổi mới và phát triển. Phật giáo Huế với nếp sống đạo luôn được coi trọng, những giá trị văn hóa Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, không ngoài mục đích vì sự nghiệp hòa bình, thịnh vượng, an lạc cho đất nước Việt Nam và nhân loại.

 

Thượng tọa Thích Huệ Phước, Đại biểu HĐND Thừa Thiên Huế

(Theo Người Đại Biểu Nhân Dân)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here