Gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo có nhiều ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều mặt đời sống xã hội, văn hóa Phật giáo đã góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm dòng chảy văn hóa Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Nếu hiểu văn hóa theo nghĩa chung nhất là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử thì Phật giáo đã để lại nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc. Các chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt đẹp từ làng quê tới đô thị ở khắp nơi, xưa cho tới nay đã in đậm nét văn hóa Phật giáo. Nhiều công trình nghệ thuật văn háo Phật giáo như: kiến trúc, điêu khắc, thơ ca, nhạc họa, ẩm thực…trở thành nnững giá trị điển hình trong đời sống xã hội…góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Việt nam. Nói tới Phật Giáo chúng ta luôn tự hào về một Phật giáo Việt Nam độc đáo làm rạng danh lịch sử dân tộc, một Phật giáo đã có một vị sư tài đức được tôn vinh làm vua và có một vị vua đã đầu Phật làm sư.
Sử sách còn ghi, có những vị sư chùa quê xưa như Sư Vạn Hạnh, Sư Khánh Vân, đã dạy cho học trò được đủ tài năng “vừa giỏi văn, vừa giỏi võ, cả trong văn có võ, trong võ có văn, văn võ kiêm toàn”, xuất thân là nhà sư, trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, nhờ tài năng mà làm tới chức tướng soái trong thế cuộc xoay vần, nhờ đức độ mà được tôn vinh làm vua của trăm họ, đặt nền móng khởi đầu cho vương triều Lý rực rỡ. Trên ngai vàng, đức vua Lý Công Uẩn đã tỏ rõ là bậc minh quân khi thực hiện quyết sách dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và truyền bá đạo Phật trong nhân gian. Dời kinh đô bởi “xem khắp nước đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hộ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”, nhờ quyết định sáng suốt ấy mà ngày nay chúng ta có Thăng Long – Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam đất nước anh hùng, một trong số ít thủ đô trên thế giới có tuổi ngàn năm. Truyền bá đạo Phật trong nhân gian, lấy xây dựng đạo Phật để xây nền văn hóa dân tộc, xây hệ tư tưởng độc lập, tự cường, cao nhất của giá trị văn hóa ấy là yêu nước, là độc lập dân tộc, lấy đạo để dựng đời là xây dựng đất nước thái bình để mọi người dân được sống trong no ấm, hạnh phúc. Nhờ trí tuệ mà triết lý nhân sinh của Phật Giáo hòa vào cuộc sống với dân tộc tới hôm nay.
Sau Lý Công Uẩn gần ba trăm năm, Phật giáo Việt Nam xuất hiện một vị vua được tôn vinh như Phật tại tiền. Vào thời điểm rực rỡ nhất trên ngai vàng, tuổi chưa tới bốn mươi, đức vua Trần Nhân Tông quyết định nhường ngôi để xuất gia tu Phật. Ngài thấu hiểu chỉ có xây đạo để dựng đời thì đất nước mới phát triển được lâu dài. Từ tuệ nhãn ấy Ngài đã sáng lập nên dòng Thiền danh giá còn tồn tại tới bây giờ, Ngài trở thành Phật Hoàng sáng mãi với thời gian.
Noi gương của các bậc tiền nhân, thời nào Phật giáo Việt Nam cũng có những bậc cao tăng, thạc đức, mẫu mực xây đạo giúp đời để Phật giáo Việt Nam xứng danh là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc.
Văn hóa Việt Nam còn lưu lại trong nhiều áng thơ văn hào sản mà đậm nét triết lý Phật giáo qua các triều đại, sống với thời gian còn mãi tới ngày nay. Nhiều công trình Phật giáo trải bao thăng trầm cùng thế cuộc, nhưng còn đó như: chùa Một Cột ở Hà Nội được xây dựng từ thời nhà Lý là minh chứng cho thời kỳ đất nước vàng son, đất nước hưng vượng, đã từng là biểu tượng một thời cho Việt Nam và Hà Nội; tháp Phổ Minh ở Nam Định được xây dựng từ thời nhà Trần là chứng tích để chứng tỏ giai đoạn đất nước huy hoàng, Phật giáo phát triển; chùa Thiên Mụ ở Huế được xây vào triều nhà Nguyễn vẫn nguyên vẹn cùng thời gian, soi bóng nước sông Hương để chứng tỏ tình đạo đời bền mãi. Và gần đây nhiều công trình Phật giáo to, đẹp đã và đang được xây dựng, là biểu hiện của sự phát triển, trường tồn, gắn bó của Phật giáo cùng đất nước.
Hội thảo văn hóa Phật giáo kỳ này là dịp để nhìn nhận, đánh giá và tự hào tôn vinh những thành tựu văn hóa mà Phật giáo 2000 năm qua đã đóng góp cho sự phát triển xã hội ở Việt Nam và thế giới, đây cũng là dịp để GHPGVN nhìn lại những gì về văn hóa Phật giáo 28 năm gần đây đóng góp cho sự phát triển đất nước. Hơn một phần tư thế kỷ là khoảng thời gian rất ngắn so với 2000 năm Phật giáo có mặt ở Việt Nam, nhưng PGVN gần đây đã có những bước nhảy vọt thật sự lớn mạnh ở nhiều lĩnh vực. Nhìn văn hóa từ góc độ đào tạo trước năm 1981 Phật giáo cả nước chỉ có một trường đại học Vạn Hạnh, một trường Cao đẳng Phật giáo Huệ Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh và một Phật học Viện Hải Đức ở Nha Trang và một số trường trung học Bồ Đề với sự hiện diện chưa tới 10 vị tiến sĩ Phật học. Trong vòng một phần tư thế kỷ, sau khi thành lập tổ chức GHPGVN, Phật giáo cả nước đã có 4 học viện, 8 lớp Cao đẳng Phật học, 32 trường Trung cấp Phật học, các trường sơ cấp Phật học, hàng năm có trên 5000 tăng, ni theo học các cấp. Ngoài việc đào tạo trong nước, GHPGVN còn quan tâm gửi tăng, ni đi học ở nước ngoài, hiện có hơn 70 vị đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ Phật học được đào tạo từ nước ngoài về đang phục vụ giáo hội và còn trên 500 vị đang theo học chương trình sau đại học ở nước ngoài.
Cùng với đào tạo, ngành hoằng pháp của GHPGVN đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng và hội thảo hoằng pháp, đào tạo cho hơn 1000 tăng ni giảng sư cao trung cấp, tổ chức hàng vạn thời thuyết pháp, góp phần thúc đẩy phong trào học Phật, phụng đạo giúp đời vô cùng có ý nghĩa. Nhiều hoạt động Phật giáo mang giá trị văn hoá rất cao cũng được quan tâm phát triển như: xuất bản kinh sách, báo chí, văn hoá phẩm, các hoạt động văn hoá, thi tìm hiểu về Phật giáo, hoạt động tương thân tương ái giúp đỡ người khó khăn, người già cả, neo đơn, động viên những học sinh hiếu học, khuyến khích sáng tạo, mở rộng giao lưu với Phật giáo quốc tế… Trong thời gian qua, Phật giáo cả nước còn tự hào bởi những công trình được xây dựng, tôn tạo to đẹp, xứng đáng với sự lớn mạnh của PGVN trong thời đại mới, nhiều kỷ lục Phật giáo đã được thiết lập… Những hoạt động đó đã làm sống động thêm văn hoá Phật giáo Việt Nam thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế.
Những thành tựu mà PGVN có được gần đây là nhờ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo từ ngàn xưa, nhờ vận hội, cơ duyên của Phật giáo hôm nay, trong bối cảnh đất nước hoà bình, thống nhất. Các tổ chức hệ phái Phật giáo sinh hoạt trong ngôi nhà chung của GHPGVN có điều kiện để đoàn kết, thống nhất phát huy khả năng cùng sự nỗ lực của tăng ni phật tử cả nước. Tự hào về những thành tựu ấy, PGVN hôm nay càng thấy trách nhiệm lớn lao, làm sao để phát huy nhiều giá trị tích cực hơn nữa, để mỗi tăng ni phật tử là một người con Phật chánh tín, đồng thời là một công dân gương mẫu, làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển, xây dựng một nền văn hoá mới ở Việt Nam.
Từ sự chọn lọc và tích luỹ các giá trị tốt đẹp của văn hoá Phật giáo, từ kinh nghiệm và trí tuệ của Phật giáo trải mấy ngàn năm, GHPGVN ngày nay, làm gì để xứng đáng với truyền thống, làm gì để hậu thế còn nhắc về Phật giáo hôm nay với niềm tự hào như Phật giáo của những thời huy hoàng trước đây. Với đại hùng, đại lực, PGVN hôm nay có thể rủ lớp bụi mờ mê tín, lạc hậu làm toả sáng bản chất trí tuệ Phật giáo để giúp đời thấy rõ, đi đúng con đường chánh pháp. Hơn 60% tăng ni trẻ của PGVN hôm nay nghĩ gì về việc làm của mình khi Phật giáo nhập thế đã phát triển ở nhiều nơi, nhân dân vùng sâu, vùng xa có nhu cầu về tín ngưỡng Phật giáo nhưng chưa đáp ứng. Tuổi trẻ Phật giáo giờ đây làm gì để không chỉ bảng vàng, bia đá ghi tạc về công đức mà để tượng đài Phật giáo thực sự được tôn vinh, xây dựng bền vững trong lòng dân tộc.
(Trích bài phát biểu tại Hội thảo-Bồi dưỡng kiến thức văn hoá Phật giáo)
*Nhan đề do BBT đặt