Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Văn hóa Huế trong con mắt người nước ngoài

Văn hóa Huế trong con mắt người nước ngoài

216
0

Nếu muốn biết được người nước ngoài hiểu và đánh giá văn hoá Huế như thế nào, chúng ta phải xem qua ba nguồn thông tin: sách báo, những buổi trình diễn văn nghệ trong và ngoài nước, và những dĩa hát, băng ghi âm, chương trình trên đài phát thanh hay truyền hình.Theo ba nguồn ấy, văn hoá Huế đã được người nước ngoài quan tâm và đánh giá cao.

I.- Ngang qua Tạp chí trường Viễn Đông bác cổ, người trên thế giới nhận thấy một số nét đặc biệt của nền văn hoá Huế. Nhưng trong cả nước Việt Nam, chưa có thành phố nào được người Pháp quan tâm bằng Huế. Trong vòng 30 năm, từ 1914 đến 1944, các chuyên gia Pháp Việt đã viết nhiều bài khảo cứu về Huế đăng trong 121 tập “Tạp chí của những người bạn của cố đô Huế” (Bulletin des Amis du Vieux Huế: đã giới thiệu cho thế giới biết rõ chẳng những kiến trúc của cung điện trong Thành nội, những đặc điểm của các lăng tẩm, những lễ lớn như Nam Giao, mà cả nghệ thuật sống của người dân Huế trong những nhà rường lộng lẫy cất trong những khu vườn đầy cây cảnh, có hòn non bộ, có hồ nuôi cá vàng, những “nhà-vườn”, một tổng thể kiến trúc dàn dựng, những ngôi chùa yên tĩnh, những phong cảnh hữu tình, đầy thi vị như núi Ngự sông Hương, những xóm làng vườn tược xanh tươi như Kim Long, Vĩ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, ca nhạc Huế vừa là thanh nhạc và khí nhạc qua những bài viết của Cụ Hoàng Yến, ông Ernest Le Bris, nghệ thuật đúc đồng với 9 đỉnh đồng lớn, mỹ nghệ tiêu biểu của Huế như nghệ thuật ghép sành sứ, nghệ thuật chằm chiếc nón bài thơ v.v…

Năm 1981, trong lời của Ông Amadou Mata M’bow, Tổng Giám đốc Cơ quan Văn hoá Liên Hiệp quốc, UNESCO, kêu gọi Thế giới giúp Việt Nam bảo vệ và trùng tu cung điện và những di lịch sử và văn hoá ở Huế, có câu: “Huế là một bài thơ đô thị tuyệt tác. Huế là thành phố của sự hài hoà trọn vẹn”.Năm đó, Ban tổ chức tiếp đón Ngài có giới thiệu một chương trình Ca vũ nhạc cung đình, đến tiết mục “Lân mẫu xuất lân nhi “- hôm đó tôi được sắp ngồi cạnh Ngài – tôi có nói thêm: ” Xin Ngài lưu ý. Đây không phải con lân Ngài thường thấy tại Hongkong, Singapore hay Chợ Lớn, diệu võ dương oai, nhảy lên ngọn sào để đớp tiền. Lân Việt Nam xuất hiện một cặp, tượng trưng cho tình vợ chồng đầm thấm. Khi lân mẹ sanh ra lân con, mẹ đến liếm con, âu yếm, tỏ tình mẫu tử nồng nàn, và lân con nằm ngửa lúc lắc theo nhịp của bài Mã Vũ, đến khi cha dạy múa, đứng được trên bốn chân còn yếu đuối, múa nhịp nhàng theo bước chân của cha, nhảy lên lưng cha, vợ chồng con cái vui vẻ trong gia đình”.

Sau tiết mục múa ấy, ông M’bow day qua nói nhỏ với tôi: ” Từ trước đến nay, tôi chưa có lần nào xem múa lân mà lòng xúc cảm như hôm nay.” Và mỗi lần tiết mục ấy được trình diễn ở nước ngoài, đều gây ấn tượng đẹp cho người xem.

Năm 1994, trong dịp UNESCO triệu tập Hội nghị quốc tế về Di sản văn hoá vùng Huế, hai dàn Đại Nhạc và Nhã Nhạc cung đình Huế, đội Ca múa cung đình do nghệ sĩ ưu tú La Cẩm Vân điều khiển đã giới thiệu một chương trình ca vũ nhạc cung đình rất đặc sắc, tôi lãnh phần giới thiệu chương trình bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cho quan khách quốc tế, tất cả các đại biểu đều hoan nghinh nhiệt liệt.

Sau đó, Giáo sư Yamaguti thay mặt Ban tổ chức Nhạc hội Nhật Bản mời đoàn ca vũ nhạc cung đình sang dự Liên hoan Ca Vũ Nhạc mùa hè tại Tokyo năm 1994. Trong dịp đó, Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK giới thiệu nhạc cung đình Việt Nam trên màn ảnh nhỏ. Chương trình được trường Đại học Osaka dùng để minh hoạ những bài giảng về Nhạc cung đình Việt Nam. Và sau nhờ đó hai Giáo sư Yamaguti và Tokumaru xin được Toyota Foundation tài trợ cho một phái đoàn nghiên cứu gồm 9 thành viên và tôi được mời làm Cố vấn đặc biệt cho đoàn, sang Việt Nam nghiên cứu Nhạc cung đình Huế, ghi âm ghi hình bằng máy tối tân để giữ làm tư liệu cho trường Đại học Osaka, một bản cho Việt Nam. Và hai năm sau, căn cứ trên tư liệu ấy Japan Foundation tài trợ cho Việt Nam thành lập một trường đào tạo nhạc công và chuyên viên nghiên cứu nhạc cung đình.

Năm 1994, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết và tôi tổ chức một chuyến giới thiệu tại Nhà Văn hoá Thế giới ca nhạc Huế, Nhạc cung đình Huế và 4 buổi Nhạc Phật Giáo Huế có sự tham gia của Thầy Từ Phương và 4 vị sư từ Huế sang. Sau đó tiếp tục Trường Âm nhạc Huế và Dàn nhạc cung đình còn nhiều lần  sang Pháp giới thiệu ca vũ nhạc Huế tham gia các Nhạc hội, và được khán thính giả bên Pháp hoan nghinh nồng hậu.

Sách báo đã giới thiệu rất chi tiết, những nét đặc thù của văn hoá Huế. Những buổi biểu diễn ca vũ nhạc trong và ngoài nước đã gây một tiếng vang rất lớn. Các dĩa hát và chương trình phát thanh, phát hình của Pháp, Đức, Nhật Bản, cũng đã dành cho ca nhạc Huế một vị trí đặc biệt.

Trong các dĩa hát về nhạc Việt nam tàng trữ trong các Bảo tàng Viện con người, Bảo tàng Viện Guimet, Bảo tàng Viện nước Pháp hải ngoại, Đài phát thanh Pháp quốc Radio–France, hầu hết là những dĩa 78 vòng của các hãng dĩa Pathé Phono, Béka, Culumbia phát hành. Chỉ có trong Đài phát thanh Pháp quốc 9 dĩa lớn 30 phân đường kính và tốc độ 33 vòng ghi lại đặc biệt những chương trình ca nhạc Huế do nhân viên Đài Phát thanh Pháp trong chuyến đi sang Việt Nam năm 1954, đã thâu thanh những bài nhạc cung đình: Đăng đàn kép, Đăng đàn đơn, Bông, Mã Vũ, Man, Phụng Vũ, Thập thủ liên hoàn, có cả tiếng ca của cô Minh Mẫn trong bài Tương Tư, cả một thời Cúng Ngọ do các Thầy Chánh Pháp ở chùa Phổ Quang và Thầy Mật Nguyện – chùa Linh Quang tán tụng.
Năm 1963, Viện Nghiên cứu âm nhạc theo phương pháp đối chiếu ở Tây Bá Linh có tài trợ cho cố Giáo sư Nguyễn Hữu Ba và tôi để ghi âm, chụp ảnh, phân tích ca, nhạc vũ kịch Huế, viết lời giới thiệu bằng tiếng Pháp, dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức để thực hiện một dĩa hát 33 vòng do Hãng dĩa Barenreiter- Musicaphon phát hành tại Đức năm 1969. Dĩa hát đó nhận được Giải thưởng lớn bên Tây Đức Deutscher Schallplatten Preis năm 1969. Mặc dầu Tây Đức đã tặng Giải thưởng lớn như vậy, năm sau 1970, Hàn Lâm Viện Dĩa hát Pháp quốc (Académie du disque français) lại tặng một Giải thưởng lớn khác (Grand Prix du disque trong loại Giải thưởng lớn về Dân tộc Nhạc học Grand Prix de l’Ethnomusicologie). Từ trước đến giờ, chưa có dĩa hát nào được liên tiếp 2 giải thưởng lớn như vậy.

Năm 1995, nhà Văn hoá Thế giới phát hành 2 dĩa CD về ca nhạc Huế, nhạc cung đình Huế và nhạc Phật giáo theo truyền thống Huế. Dĩa nầy được tạp chí” Thế giới âm nhạc (Le Monde de la Musique) đánh giá cao nhất “Choc” (Chấn động), có nghĩa là người nghe dĩa hát này, thấy thích thú như bị “chấn động.”

Các nhà nghiên cứu âm nhạc theo phương pháp đối chiếu rất thích thú khi thấy rằng trong các loại nhạc cung đình châu Á, trước kia chỉ biết Ya Yue Trung quốc, Gagaku Nhật Bản, Tang Ak Hyang Ak Triều Tiên nay biết thêm Đại nhạc Nhã nhạc Việt Nam, có dĩa hát băng từ ghi âm ghi hình để so sánh các loại nhạc ấy về hình thức và nội dung.

Về nhạc Phật giáo cũng vậy, từ trước chỉ có Shomyo của Nhật Bản, Pompae Triều Tiên, Nhạc Phật giáo Tây tạng được in ra thành dĩa hát… Nay có thêm cách tán tụng Việt Nam để đối chiếu. Những dĩa hát về nhạc Phật giáo Việt Nam đều được thực hiện từ nhạc Phật giáo truyền thống Huế.

Trong khi viết những dòng này, tôi nhận được tin UNESCO đã chánh thức công bố danh mục 28 di sản trong số 56 hồ sơ của các quốc gia và liên quốc gia được công nhận là “kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”, , trong đó có Âm nhạc cung đình Việt Nam. Mà trong toàn cõi Việt Nam chỉ có tại Huế mới còn di sản Nhạc cung đình.

Từ một thế kỷ, văn hoá Huế đã được người bốn phương trên thế giới nghiên cứu, giới thiệu, thưởng thức và ca ngợi.

Di sản của cha ông chúng ta để lại có bề dày của lịch sử, bề sâu của nghệ thuật, được thế giới đánh giá cao về mặt khoa học và nghệ thuật. Chúng ta nên vô cùng thận trọng trong việc giữ gìn và nhất là trong việc “phát triển”, đừng để cho lòng nhiệt tình của chúng ta bị danh từ “hiện đại” đưa chúng ta đi đến chỗ lòng muốn làm cho đẹp cho hay, làm giàu cho vốn cổ, mà thật sự làm “biến chất” cái hay của truyền thống có khi đi đến chỗ phá tan truyền thống, làm mất bản sắc dân tộc và rơi vào mảnh đất “ngoại lai”.

Trần Văn Khê

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here