Người ta thường bảo gieo gió gặt bão, hoặc ở hiền gặp lành. Nhưng phải chăng đã gieo gió thì 100% sẽ gặt bão? Phải chăng ở hiền thì 100% sẽ gặp lành? Phải chăng nhân quả là chăc nịch như thế, nhân nào phải quả ấy? Thật ra đây là thuyết khẳng định, đã có một thời vang bóng. Vốn xuất phát từ lý thuyết chuyển động của Newton: Nếu biết vị trí và vận tốc ban đầu của một vật thể, và nếu biết lực tác động lên vật thể vào mọi thời điểm thì chuyển động của vật thể hoàn toàn được xác định. Khi nhân đã biết thì quả báo hoàn toàn được xác định. Và lý thuyết này sau đó đã được triết học hóa thành thuyết khẳng định, không những áp dụng vào sự vật mà còn áp dụng luôn vào sự sống!
Người ta hay nói cờ bạc là bác thằng bần. Và nhiều người đều cho rằng cờ bạc thì tất yếu phải bần cùng. Qủa thật đa số người nghiện cờ bạc đều tan cửa nát nhà. Nhưng không phải tất cả! Lý thuyết xác suất khẳng định rằng vẫn có một may mắn (dù nhỏ bé) để người ghiền cờ bạc trở nên giàu có.
Khi thả một con súc sắc, không ai biết chắc mặt số mấy sẽ xuất hiện. Có kẻ khuất mặt khuất mày điều khiển con súc sắc? Đừng nghĩ vậy. Phật sẽ chê chúng ta mê tín dị đoan. Hành động “thả con súc sắc” có thể có đến 6 hậu quả khác nhau mà không ai có thể biết chắc chắn hậu quả nào sẽ xẩy ra.
Kỳ quái hơn nữa là đối với những hạt tiềm nguyên tử, đôi khi “quả” xuất hiện mà chẳng thấy “nhân” nào hết! Một hạt âm điện tử trong một nguyên tử có thể nhảy vọt một cách ma quái từ mức năng lượng này xuống mức năng lượng kia, chẳng cần một nguyên nhân nào hết.
Ngày nay thuyết nguyên lượng đã chứng minh sự sai lầm của thuyết khẳng định. Chỉ cần áp dụng thuyết ấy vào những sự vật cũng đã là một sai lầm, đừng nói đến áp dụng vào sự sống. Cần nhấn mạnh rằng thuyết nguyên lượng hiện đang đứng vững qua bao nhiêu thử thách thực nghiệm, và đang cung cấp cho nhân loại không biết bao nhiêu ứng dụng (hữu ích có, tai hại có).
Lý thuyết nhân quả còn đi xa thêm một bước: Nếu quả không xảy ra trong kiếp này thì chắc chắn sẽ xảy ra trong kiếp sau hay kiếp sau nữa. Điều này dẫn đến thuyết luân hồi. Phải chăng có luân hồi chuyển thế?
Những người tin vào thuyết luân hồi thường cho rằng một bào thai chỉ có thể hình thành, ngoài tinh cha huyết mẹ làm cơ sở vật chất ra, cần có cái gọi là Thức (chữ Thức thường được viết hoa) sẵn sàng tham dự vào sự sống tương lai. Như vậy thai nhi chỉ thông qua cha mẹ để đến với thế gian. Quan hệ giữa cha mẹ và thai nhi chỉ là một quan hệ duyên nghiệp mà chỉ những vị đắc đạo như Đức Phật mới thấy rõ được.
Tôi vẫn băn khoăn cái gọi là “Thức” phải sẵn sàng gia nhập mới có thể có thai nhi. Tôi vẫn nhớ lời nhạo báng của triết học gia Gilbert Ryle, phê phán thuyết nhị nguyên của Descartes, rằng linh hồn ngự trị trong thân xác giống như “con ma trong chiếc máy”. Nếu hỏi Descartes – giả sử ông ta còn sống – “Thức” là gì. Hẳn ông ta trả lời không ngần ngại rằng đó là linh hồn. Nếu không phải linh hồn thì “Thức” là gì?
Nếu chúng ta tin có kiếp sau một cách hoàn toàn xác định, ví dụ, kiếp này ông A quá độc ác nên kiếp sau chính ông A đó phải xuống địa ngục. Như vậy khi ông A chết đi, tuy thân xác biến thành tro bụi, vẫn còn “cái gì đó” của ông A để xuống địa ngục chịu tội. Phải chăng “cái gì đó” chính là cái “Thức” chúng ta đề cập trên đây? Và nếu những người đã đắc đạo như Đức Phật biết ông A ở địa ngục bây giờ chính là ông A của kiếp trước, thì “cái gì đó” nơi ông A tuy có thay đổi, tuy kiếp này làm người ở thế gian kiếp sau bị đày đọa ở địa ngục, nhưng vẫn tồn tại vĩnh viễn, đặc trưng cho ông A. Như vậy phải chăng “cái gì đó” vĩnh viễn đặc trưng cho ông A na ná giống cái gọi là “linh hồn” do Descartes chủ xướng?
Nếu “Thức” không phải là linh hồn thì chỉ còn cách xem nó như là quá trình của bản năng linh động biết tự tổ chức và có tính sáng tạo của vạn vật. Khi tinh của cha và huyết của mẹ hòa hợp, tinh huyết này sẽ trải qua quá trình nói trên để hình thành thai nhi. Nếu hiểu “Thức” theo cách này thì “Thức” vốn chưa hình thành trước khi tinh cha và huyết mẹ hòa hợp với nhau. Thai nhi ngay từ khi còn trong lòng mẹ đã bắt đầu tương tác với môi trường chung quanh để tồn tại và phát triển. Vì vậy “Thức” chính là tâm thức được hình thành trong quá trình học tập này. Tất nhiên quá trình phát triển của thai nhi không chỉ tùy thuộc vào môi trường sống mà còn tùy thuộc vào tinh huyết của cha mẹ mà có lẽ chính yếu là những genes của cha mẹ đã hòa hợp trong thai nhi.
Nếu lý thuyết Santiago đúng thì hình hài và tâm thức cùng nhau tồn tại và cùng nhau tan biến. Khi một sinh vật đã trở về cát bụi, cái thế giới do tâm thức của sinh vật đó từng gây dựng cũng tan biến theo. Vậy phải chăng có luân hồi chuyển thế?
Phật Thích Ca không dạy chúng ta rằng luân hồi chuyển thế là một thực tại. Đạo Bà La Môn đang cực thịnh trong xã hội đương thời của Ngài. Niềm tin vào luân hồi do đó rất phổ biến thời bấy giờ. Và rất nhiều đệ tử của Ngài vốn xuất thân từ Bà La Môn giáo. Mục đích của Ngài không phải để dẫn chúng sanh đi vào những thế giới siêu hình. Tây Phương Phật không phải là một thế giới huyền bí. Ngài muốn biến địa cầu thành một Tây Phương Phật. Sự sống đầy phiền muộn khổ đau. Ngài muốn chúng sanh được giải thoát khổ đau. Giải thoát không phải là trốn tránh cũng không phải hũy diệt. Giải thoát khổ đau là biến khổ đau thành hữu dụng để giúp người giúp đời, để cứu nhân độ thế, ngay trên vùng trời này, ngay cho sự sống khổ đau đang sờ sờ trước mắt. Giải thoát được khổ đau là niết bàn. Niết bàn không phải là một vùng trời xa xôi huyền bí. Tuy nhiên nếu có luân hồi, nếu có một vùng trời huyền bí gọi là Tây Phương Phật hay Niết Bàn thì những lời dạy của Ngài vẫn hữu dụng, vẫn có thể giúp chúng sanh đến những nơi đó sau cõi đời này. Hẳn Ngài đã dẫn giải bằng những câu nói tương tự như thế khi Ngài đối diện với những đệ tử vốn có niềm tin sâu nặng vào luân hồi.
Sự sống luôn luôn có những tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Suốt cả quá trình sự sống, mỗi chúng ta để lại không biết bao nhiêu vết hằn. Có những vết hằn thì đầy bầm tím. Có vết hằn thì đầy lòng hy sinh cao cả. Làm thiện, làm ác, cướp của giết người, v.v., đều là những vết hằn.
Chopin đã ra đi nhưng bản nhạc Tristesse vẫn còn đó. Schubert đã mất nhưng Serenade vẫn còn đây. Cụ Tố Như Nguyễn Du không còn nữa nhưng chuyện Kiều vẫn trên môi. Công trình triết học toán học và khoa học mấy trăm năm qua của Descartes, Newton, Einstein vẫn còn đó. Hitler đã chết hơn 50 năm qua nhưng tội ác của ông ta vẫn còn đó. Phật đã quy tiên nhưng những lời dạy của Ngài vẫn sáng ngời. Nói chung, khi suy nghĩ đã qua đi, tư tưởng còn sót lại. Khi lý luận xong rồi, kiến thức vẫn còn đó. Sau nhận thức là kinh nghiệm. Sau hành động là hậu quả của hành động đó. Những tư tưởng đó, những kiến thức đó, những kinh nghiệm đó, những hành động đó vẫn chờn vờn trong không gian, trong tâm tưởng của mỗi chúng ta. Chúng có thể ở trong các sách vở, trên các CD, DVD, trên internet.
Phải chăng đó chính là dòng tâm thức, tiếp tục tồn tại cho dù sau khi thân xác đã rã rời? Dòng tâm thức này không phải như những vật chết, trái lại rất linh động. Phật Thích Ca của hơn 25 thế kỷ trước đã trở thành vị Phật lịch sử. Nhưng Phật Pháp của Ngài (thuộc vào dòng tâm thức) chúng ta vẫn xem như Phật sống, không phải sao? Chúng ta có thể chọn văn thơ ca nhạc kịch nghệ khoa học. Tin Chúa thì chọn Kinh Thánh. Tin Phật thì chọn Phật Pháp. Nếu muốn gây tội ác thì chọn những hành động của Hitler. Muốn hướng thiện thì cũng có thể nhìn vào những hành động hung bạo đó để tránh né. Có lẽ cần phải học những bài học đạo đức cơ bản trước khi bước vào cửa hàng tạp hóa rất đa dạng đó.
Khi một nhạc sĩ đàn bản nhạc Tristesse, bản nhạc đó đã được tái sinh trong người nhạc sĩ. Khi một nhà thơ ngâm lại chuyện Kiều, những vần thơ đó đã được tái sinh trong lòng người thi sĩ. Khi một giáo sư giảng dạy lý thuyết chuyển động của Newton, lý thuyết đó đã được tái sinh trong người giáo sư. Một nhà soạn nhạc tài ba có thể là nơi dừng chân của một số nhạc sĩ tài ba khác của quá khứ cũng như đương thời. Một nhà độc tài khát máu có thể là hiện thân của nhiều tay độc tài khát máu khác, cũng có thể nhờ vào những tấm gương xấu đó mà tạo ra những anh hùng giúp đời. Kiếp sau của cụ Tố Như có thể là anh, là tôi, và là nhiều người khác nữa. Nếu ba trăm năm sau có người khóc Tố Như, người đó rất có thể đang khóc cho chính mình mà không hề hay biết!
Tâm Đàn