Trang chủ Phật học Vấn đề hôn nhân theo quan điểm Phật giáo

Vấn đề hôn nhân theo quan điểm Phật giáo

152
0

Quan điểm người Phật tử về hôn nhân.

Theo giáo lý nhà Phật, hôn nhân được coi là một vấn đề hoàn toàn có tính cách cá nhân chứ không phải là một nghĩa vụ tôn giáo.

Hôn nhân là một quy ước xã hội, một định chế do loài người đặt ra vì sự thịnh vượng và hạnh phúc của loài người, để phân biệt xã hội con người với bầy đàn thú vật cũng như để giữ gìn trật tự và sự hòa hợp trong quá trình duy trì nòi giống. Mặc dù kinh văn Phật giáo không nói tới các chủ đề độc thê hay đa thê, người Phật tử tại gia được khuyên nên giới hạn trong cuộc sống một vợ một chồng. Đức Phật không đặt ra những luật lệ liên quan tới đời sống gia đình nhưng Người có đưa ra những lời khuyên cần thiết về việc làm thế nào để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Có vô số những suy luận từ giáo pháp của Người cho thấy điều khôn ngoan nên theo là phải chung thủy với một người hôn phối, không đam mê nhục dục và đừng chạy theo một người khác sau khi đã có vợ hay có chồng. Đức Phật biết rõ rằng một trong những lý do chính của sự đọa lạc ở người đàn ông là sự dính líu của người ấy với một người vợ khác, hoặc một người phụ nữ khác không phải vợ mình. Ngay trong hoàn cảnh thuận lợi, người đàn ông cũng phải nhận thức được những khó khăn, những phiền hà, những đau khổ mà anh ta phải chịu đựng trong việc duy trì một gia đình với chỉ một người vợ mà thôi. Điều đó chắc chắn sẽ được nhân lên gấp nhiều lần khi gặp hoạn nạn. Như thế, việc duy trì một gia đình với nhiều hơn một người vợ chắc chắn lại là một điều thống khổ cùng cực. Hiểu rõ sự yếu đuối trong tính cách căn bản của con người, Đức Phật đã khuyên hàng Phật tử phải tránh việc ngoại tình và các tà hạnh về tình dục.

Quan điểm của người Phật tử về hôn nhân là một quan điểm hết sức tự do: hôn nhân là một vấn đề hoàn toàn có tính cách cá nhân, không phải là một nghĩa vụ tôn giáo. Không hề có một quy tắc tôn giáo nào trong đạo Phật buộc một người phải lập gia đình, phải sống độc thân hay phải sống một cuộc đời hoàn toàn trinh khiết. Cũng không hề tìm thấy ở đâu trong giáo pháp nhà Phật quy định việc Phật tử phải có con cái để nối dõi tông đường hay ấn định số con mà một người phải sinh ra. Giáo lý nhà Phật cho phép mỗi cá nhân tự do quyết định mọi vấn đề liên quan đến hôn nhân.

Người ta có thể hỏi, tại sao các Tăng sĩ Phật giáo lại không kết hôn, nếu Phật giáo không hề có một quy tắc nào chống lại đời sống hôn nhân? Thực ra, giới luật do Đức Phật chế định đã nêu rõ, Tăng sĩ phạm giới dâm thì bị tẫn xuất, không được tiếp tục ở trong Tăng đoàn. Nhưng quan trọng hơn, để phục vụ chúng sinh, các tu sĩ Phật giáo đã tự chọn lối sống hoàn toàn độc thân. Những người từ bỏ cuộc sống thế tục phải tránh xa đời sống hôn nhân trên tinh thần tự nguyện để tránh những cam kết thế tục, để duy trì sự thanh thản của tâm thức và để dành trọn cuộc sống của mình phục vụ chúng sinh trong việc đạt tới sự giải thoát của tinh thần.

Vấn đề ly hôn

Việc ly thân hay ly dị không hề bị cấm đoán trong Phật giáo, mặc dù những giải pháp này hiếm khi trở nên cần thiết nếu giới luật nhà Phật đuợc hàng Phật tử tuân thủ một cách nghiêm túc. Hiển nhiên, vợ chồng phải có quyền tự do sống tách rời nhau nếu họ không thể sống hòa hợp với nhau. Ly thân là một giải pháp được khuyến khích để tránh những sự khốn cùng của đời sống gia đình, nếu xét trên khía cạnh trách nhiệm đối với con cái khi đã có. Hơn thế nữa, Đức Phật còn khuyên không nên kết hôn giữa những người nam và người nữ có sự chênh lệch lớn về độ tuổi, vì lẽ người già và người trẻ khó có thể hòa  hợp với nhau cả về tâm lý lẫn sinh lý, dễ gây nên những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng.

 Xã hội phát triển thông qua một mạng lưới các mối quan hệ thường là đan xen vào nhau và liên thuộc lẫn nhau. Mỗi mối quan hệ ấy là một cam kết toàn tâm toàn ý nhằm hỗ trợ và bảo vệ người khác trong một nhóm hay một cộng đồng. Hôn nhân đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cái mạng lưới bền chắc của những mối quan hệ mang lại sự hỗ trợ và bảo vệ ấy. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp cần phải được tăng trưởng và phát triển dần dần dựa trên sự hiểu biết chứ không phải từ sự ép buộc, dựa trên sự chung thủy chân thành chứ không phải từ sự đam mê chiều chuộng đơn thuần. Xét về mặt thế tục, hôn nhân là một định chế mang lại một nền tảng bền vững cho sự phát triển văn hóa, là một sự kết hợp đầy hứng thú giữa hai cá nhân cần được nuôi dưỡng, nhưng hôn nhân không nên được xem là giải pháp để trốn tránh sự cô đơn, không thể dẫn xuất từ sự chiếm đoạt hay sự sợ hãi.

Trong hôn nhân, mỗi bên phát triển một vai trò bổ sung, mang lại sức mạnh và sự can đảm về đạo đức cho nhau, mỗi bên biểu thị sự nhận biết về giá trị và hỗ trợ về tài năng của người đối ngẫu. Phải không được có bất kỳ ý nghĩ nào về việc người đàn ông hay người đàn bà là vượt trội, mỗi người chỉ là bổ sung cho người kia, một người đối ngẫu bình đẳng, thể hiện lòng tử tế, sự rộng lượng, thái độ bình tĩnh và tinh thần dâng hiến.

Việc kiểm soát sinh sản và việc phá thai 

 Mặc dù con người có tự do thực hiện kế hoạch gia đình theo sự thuận tiện của mình, việc phá thai vẫn là điều không thể biện minh được. Không có lý do gì để người Phật tử chống đối việc kiểm soát sinh sản. Họ hoàn toàn tự do sử dụng bất kỳ biện pháp cổ điển hay hiện đại nào nhằm ngăn ngừa việc mang thai. Những người phản đối việc kiểm soát sinh sản với lập luận cho rằng điều ấy chống lại luật của Thượng Đế cần phải nhận thức được rằng quan điểm của họ về vấn đề này hoàn toàn không hợp lý. Trong việc kiểm soát sinh sản, điều được thực hiện là việc ngăn cản sự hình thành một sinh thể chuẩn bị hiện hữu. Đó không phải là việc giết hại nên không hề gây nên nghiệp xấu ác. Nhưng nếu con người có bất kỳ hành động nào để tiến hành sự phá thai, hành động ấy là sai vì nó liên quan đến việc tiêu diệt một đời sống đã thấy được hoặc chưa thấy được. Cho nên, việc phá thai là điều không thể biện minh. Theo giáo pháp của Đức Bổn Sư, có năm điều kiện cấu thành tội giết hại, đó là:

1. Có một sinh thể
2. Có một nhận thức hoặc biết rõ việc có sinh thể ấy
3. Có ý định giết hại
4. Có nỗ lực để giết hại, và
5. Cái chết là hậu quả của hành động

Khi một phụ nữ mang thai, có một sinh thể tồn tại trong tử cung người đàn bà ấy, như vậy, điều kiện thứ nhất đã hội đủ. Sau một vài tháng, người phụ nữ ấy biết rõ trong cơ thể mình đang hiện diện một mầm sống mới và việc này thỏa mãn điều kiện thứ hai. Thế rồi, vì những lý do nào đó, người phụ nữ muốn trục cái mầm sống ấy ra khỏi cơ thể mình. Bấy giờ, người phụ nữ đi tìm một người chuyên phá thai yêu cầu người đó tiến hành công việc, như vậy, điều kiện thứ ba được ghi nhận là có. Khi người chuyên phá thai thực hiện công việc theo yêu cầu của người phụ nữ, điều kiện thứ tư đã được mang lại và sau cùng, mầm sống mới bị tiêu diệt vì hành động đó. Tóm lại, cả năm điều kiện cho tội giết hại đều hội đủ. Như vậy, đã có sự vi phạm giới thứ nhất, không giết hại, và ở đây có một sự giết hại quan trọng, giết người. Theo Phật giáo, không có cơ sở nào để phát biểu rằng ai đó có quyền lấy đi mạng sống của bất kỳ ai khác.

 Dưới một số hoàn cảnh nhất định, người ta có cảm tưởng bị buộc phải thực hiện việc phá thai vì sự thuận tiện cho cuộc sống của mình. Nhưng họ không thể nào biện minh cho hành động phá thai bằng bất kỳ lý do nào mà chắc chắn họ phải đối diện với một loại nghiệp xấu nào đó. Ở nhiều nơi, việc phá thai được coi là hợp pháp, nhưng đấy là nhằm khắc phục một số vấn đề nào đó. Không bao giờ người ta có thể buông xuôi các nguyên tắc của tôn giáo trước sự thuận tiện của con người. Nguyên tắc của tôn giáo phải biểu thị cho hạnh phúc của toàn thể loài người.

Nguồn: www.purifymind.com/ViewMarriage.htm
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here