Trang chủ Vấn đề hôm nay Vai trò và trách nhiệm của Tăng già trong đời sống hiện...

Vai trò và trách nhiệm của Tăng già trong đời sống hiện tại (*)

139
0

Trước hết chúng tôi rất hoan hỷ bản Báo cáo của Ban Trị sự được trình bày qua nhiệm kỳ 2007-2012 phản ánh những thành quả đáng trân trọng và dự kiến phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ đến có tính phù hợp đối với sự phát triển của thời đại mang tính đột phá của Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay.

Khi nói đến Tăng già là nói đến sự thanh tịnh và hoà hợp, thống nhất ý chí và hành động đó là bản thể của Tăng. Ngoài vấn đề đoàn kết nhất trí và hoà hợp còn là mãnh đất tốt cho sự tăng trưởng của các thiện pháp, là nền tảng cho mọi tiến bộ tâm linh, những nhận thức chân chính về sự thật đời sống của mọi loài, của mọi tầng lớp trong xã hội. Vì chỉ có nhận thức đó, trí tuệ vô lậu mới có thể giải thoát mọi khổ đau của kiếp sống con người. Chính vì thế Tăng già được đặt vào hàng Tăng bảo là chúng-trung-tôn nơi hướng thượng vươn cao của người xuất thế, nơi nương tựa an ổn cho thế gian. Do vậy, sự tồn tại của Tăng già có nghĩa là sự tồn tại của Phật pháp, tất nhiên phải tồn tại trong ý nghĩa chân chánh mà Đức Thế Tôn đã thiết lập qua Giới luật đối với người xuất gia.

Trong thời đại ngày nay, nhìn thẳng vào đời sống sinh hoạt đạo đức, tu học của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng Tăng lữ trong trú xứ, chúng ta cần phải rút ra những ưu khuyết điểm để cùng nhau chân thành khắc phục nhằm đem lại một tương lai khả dĩ cho đàn hậu thế cũng như đem lại niềm tin, chổ dựa cho mọi giới Phật tử và quần chúng để đúng nghĩa “Đạo pháp thì Tăng hoằng, hộ trì thì Tín chúng”. 
 
Những nguyên nhân bất cập của chúng ta hiện nay, chưa nói đến những thời đại xa xưa, chỉ nói đến thời cận đại vào những năm thập kỷ 40, 50, 60 so mức học thức trình độ thời đó, hàng đại học thức trong xã hội cũng còn rất hạn chế. Trong Phật giáo chúng ta bậc đại học thức cũng còn hạn chế, nhưng cũng có những vị thâm uyên cả Tam giáo, mà đa số các Ngài là thật học, thật tu (thật hành) và sự thật giúp đời với lòng từ bi, đức độ nhiếp hoá, nên đa số hàng tri thức mến mộ hộ trì, nhờ đó mà Phật giáo vượt qua những mùa đông đen tối lạnh lùng khiếp đảm của các âm mưu, các thế lực ngoại lai thâm hiểm. Chúng ta nhắc lại không phải để mà kinh khiếp hay để hận thù, mà để cho chúng ta thấy rõ vấn đề, mà những thế lực vô minh đó cũng là nghiệp dĩ chúng sanh do tham, sân, si, ngã mạn có từ muôn thuở và mãi mãi bao trùm đợi chờ cơ hội, phải thấy rõ vấn đề và có phương pháp, đó là ai?. Là Giáo hội, là Tăng già chúng ta, nếu chúng ta đem so sánh giữa những thập niên 40-50-60 với các thập niên hiện nay 2010 – 2011 – 2012 mà cho xã hội đã khoa học hiện đại, trình độ học thức quá cao mà tự khép mình thì biết bao giờ cho kịp. Thế cho nên, trí thức thì xem thường, quần chúng không nơi nương tựa, thế là chúng ta nhắm mắt một chiều, đuổi theo đời, địa vị, giàu sang danh lợi của thế gian, mà không phản tỉnh hồi tâm. Con người chúng ta là một thế giới thu nhỏ, chúng ta phải biết quay lại để điều chỉnh bộ máy tinh vi, để điều chỉnh những gì đang làm mất sự quân bình của thế giới và con người, trên hai phương diện, để rồi trở thành một thế giới hổn loạn chưa biết đi về đâu. Cách đây non 3.000 năm, Đức Phật đã thấy biết một cách rõ ràng nên Ngài mới nhọc công thực nghiệm để tìm phương pháp cứu mình, cứu đời. Thời đại khoa học tột đỉnh ngày nay, mà Liên hiệp quốc năm 2008, các nhà khoa học đã đánh giá về đức Phật là nhà đại trí tuệ, đại từ bi, đại bình đẳng, đại giáo dục, đại nhân bản, đại khoa học và đại kỹ thuật mà Ngài đã trình bày dạy dỗ cho chúng ta trong tam tạng Kinh, Luật, Luận mà chúng ta đã thật học đã thật hành chưa? Họ vinh danh đạo Phật là một tôn giáo văn hóa và hòa bình của nhân loại. Như vậy, thì đạo Phật chúng ta có lạc hậu không? Mà hiện nay, các nước văn minh đang cổ vũ cho môi trường xanh, sạch đẹp thiên nhiên, giảm bớt đi những chất thải, những hóa chất làm ô nhiễm không gian, đất nước, ruộng vườn, thực phẩm, không những đối với con người mà nói chung là mọi loài đang gánh chịu. Họ đang trở lại cuộc sống thiên nhiên, như không dùng túi ni lông mà dùng túi lát, tre, không đi xe cơ giới mà đi lừa, ngựa dùng thực phẩm sạch… như vậy thì xét cái văn minh khoa học đó đã phục vụ cho con người và con người chúng ta đã lạm dụng nó như thế nào? Cho nên, muốn xây dựng tổ chức, con người phải sống, phải tự hoàn thiện mình trước rồi mới đem tâm hồn và nhân cách đó để góp phần xây dựng. Xét thấy hiện nay, Giáo hội chúng ta đang có đội ngũ kế thừa trẻ, có trình độ học thức rộng và cao, mong rằng chúng ta không dừng lại và cũng không chạy theo mà hãy đem phương tiện học thức, trí thức sống sẳn có đó, nghiên cứu đời sống của đức Phật và pháp môn Phật dạy để tìm cho mình một cuộc sống, một hướng đi đúng với chánh pháp, không thoái hoá mà cũng không thế tục hóa. Có như vậy, Tăng mới được là Chúng Trung tôn mới là Tăng bảo.
 
Điều cần kíp và thực tiển là Tăng Ni Phật tử chúng ta phải thấy được mình trong Giáo hội và xã hội hiện nay. Cho nên, chúng ta phải trước hết thành tâm thực hành lời Phật dạy “Tăng già hoà hợp, Tứ chúng đồng tu”, vì hiện đang là thời điểm cực kỳ nóng bỏng và nhạy cảm đối với Phật giáo chúng ta: “cứu mình tức là cứu đạo, rộng ra cũng là cứu đời” là trách nhiệm của Tăng Ni, Phật tử trong lúc này! Vì chúng ta là những hành giả xuất thế ly gia, dấn thân cho đạo. Trong Văn Cảnh sách Tổ Quy Sơn đã dạy: “Người xuất gia khi cất bước lên dường là hướng về một phương trời siêu việt, với tâm nguyện và hình dung khác tục, nhằm phát huy và làm rạng rỡ hạt giống của dòng Thánh, nhiếp hóa và hàng phục ma quân, để trên có thể đền đáp bốn ân nặng, dưới có thể cứu vớt ba đường khổ”. Nhiệm vụ thật nặng nề và cao cả như vậy. Cho nên, người xuất gia lấy Tăng đoàn làm nền tảng, lấy tu học làm sự nghiệp, sứ mệnh Như lai làm trụ cột, hoằng dương chánh pháp lợi lạc quần sanh, để xây dựng và trùng hưng cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng phát huy hưng thạnh.
 
Tăng Ni Phật tử chúng ta tuân theo phương châm, hướng đi của Giáo hội, là con đường trí tuệ, từ bi, vô ngã vị tha mà đức Phật và Lịch đại Tổ sư đã khai mở, mà lịch sử trên 2.000 năm Phật giáo Việt Nam còn lưu lại điểm son chói lọi. Giáo hội là pháp lý là điểm hội tụ, là nơi quy hợp Tăng Ni và Phật tử. Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội, qua thời gian và chặng đường phát triển đã đem lại những thành tựu nhất định trên mọi lĩnh vực; nỗi bật trên hai phương diện là Viện nghiên cứu Phật học sắp hoàn thành bộ Đại Tạng kinh Việt Nam và các Trường Trung cấp Phật học, Cao đẳng, các Học viện Phật giáo đã không ngừng đào tạo thế hệ kế thừa. Giáo hội đã và đang tiếp tục thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ để soi sáng đường đi cho mình, cho dân tộc và mở rộng lòng từ, sẳn sàng bao dung che chở cho mọi người, sẳn sàng chia sẽ thông cảm để cùng nhau đoàn kết hợp lực nhằm xây dựng một quê hương hưng vượng, một đất nước phồn vinh, một Phật giáo tương lai tươi sáng.
 
Nhưng trước hết vẫn căn bản là mỗi Tăng Ni Phật tử chúng ta phải tự thân thực hiện lời Phật dạy: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”, sống được như vậy là đặt nền tảng vững chắc để xây dựng đạo đức nhân cách, xây dựng Giáo hội, và đó cũng là sự đóng góp cho xã hội, an lạc nhân sinh và hòa bình thế giới.
 
“Hạnh phúc thay Tăng già hòa hợp, hạnh phúc thay Tứ chúng đồng tu”, mong rằng Tăng già là điểm tựa, là ngọn đèn soi sáng cho mọi loài chúng sanh và luôn luôn sáng mãi giữa ba ngàn thế giới.
 
Ngưỡng nguyện mười phương chư Phật hộ trì cho Đại hội Đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ VI của chúng ta thành công viên mãn.
 
Nam mô Viên Mãn Tạng Bồ tát Ma ha tát.
 
Ban Tăng sự GHPG TT Huế 
 
(*) Tham luận của Ban Tăng sự GHPG tỉnh TT Huế đọc tại phiên trù bị (ngày 29-9-2012) Đại hội VI (NK 2012-2017)
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here