Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Vai trò “Trụ trì ” và "Ban Hộ tự" trong sinh hoạt...

Vai trò “Trụ trì ” và "Ban Hộ tự" trong sinh hoạt hướng dẫn Phật tử tu học tại các chùa-Niệm Phật đường

119
0

I. Vấn đề tổng quan:

Giáo hội chúng ta là một tổ chức gồm Tăng Già và Cư sĩ tức là tứ chúng: Tăng, Ni, Cư sĩ Nam và Cư sĩ Nữ. Nói một cách khác là Tỉ kheo Tăng, Tỉ kheo Ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di.

Giáo đoàn Tăng già đầu tiên chính là năm vị đệ tử của đức Phật được chứng quả sau khi được đức Phật truyền pháp tại vườn Lộc Uyển, cụ thể qua pháp Tứ diệu đế, Tam pháp ấn, Bát chánh đạo… và hơn 3 năm sau, năm 504 trước Tây lịch, Ni chúng cũng được xuất hiện (Bikkhuni Sangha) do Mahapajapati đứng đầu.

Và, đệ tử xuất gia của Phật phải giáo hóa cho chúng sanh xây dựng một xã hội an lạc, bước đầu cho họ thấy rõ giá trị ngôi Tam-Bảo để họ phát tâm quy y, đồng thời trao cho họ một số giới điều cơ bản mà đức Phật đã chế. Những người đã phát tâm quy y và lãnh thọ 5 điều giới cấm trở thành những Phật tử tại gia.

Đời sống Tăng già, mỗi ngày có những bước phát triển mới từ chỗ an trú nơi rừng vắng, thực hiện hạnh khất sĩ dần dần do hoàn cảnh thực tế đã có những hình thức định cư đơn giản “Àvasa” hoặc tương đối tiện nghi, bền vững gọi là Àrama hoặc tiến lên một bước cao hơn: Các Tinh xá có quy mô lớn cho Giáo đoàn Phật giáo Trúc Lâm Veluvanàràma ở gần Vương xá Jivakàrama ở Rajagaha v.v…

Đặc biệt có 3 tinh xá thời danh: Ty-xá-Kỳ-bạt (Jivàkàràma), Tinh xá Kỳ hoàn (Jetavanàràma) và Tinh xá Cù-sư-la (Ghositàràma).

Dù ở Tinh xá nhưng hạnh khất sĩ, tri túc vẫn là căn bản trong tinh thần tùy duyên bất biến. Chính nhờ thế mà Phật giáo lan tỏa và thấm sâu vào xã hội. Tinh thần nầy khi Phật giáo được truyền qua các nước tương đối được quần chúng gần gũi, tiếp nhận một cách chân thực như ở Thái Lan, Miến Điện, Lào, Đại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa và gần nhất là Việt Nam chúng ta.

II. Ý nghĩa – Vai trò trú trì:

1. Ý nghĩa Trú trì: An trụ ở đời mà hộ trì Phật pháp, “Nhất thiết Như Lai quang nghiêm trú trì” (Kinh Viên Giác).

Nhưng đáng lưu ý là ý nghĩa trú trì Tam-bảo.

“Nê khám tố tượng vi Phật-bảo: khám đất đắp tượng là Phật-bảo. Sau khi đức Phật diệt độ dùng đất mềm đắp tượng, dùng cây chạm trổ thành tượng… trụ ở thế gian không tuyệt dứt. Đây là Phật-bảo.

Hoàng quyển xích trục vi Pháp-bảo. Sách vàng bìa đỏ là Pháp-bảo, tức Đại-tạng Kinh ngày nay trụ ở đời không tuyệt diệt. Đây là Pháp-bảo.

Thế phát nhiễm y vi Tăng-bảo.

Cạo tóc xuất gia mặc áo nhuộm là Tăng-bảo. Có nghĩa cạo bỏ râu tóc mặc áo nhuộm hoại sắc, tức là Tăng ở thế gian, vì có thể truyền bá lưu thông Phật pháp. Đây là Tăng-bảo.
(Tam Tạng pháp số trang 160 quyển I)

Theo Từ điển Phật học Hán Việt, Hà Nội xuất bản 1994, Trụ trì Tam-bảo: một trong 6 loại Tam-bảo, tức Tam-bảo trụ trì ở đời lâu dài để hộ trì Phật pháp. Như tượng Phật, tranh Phật là Phật bảo trụ trì. Tam Tạng kinh điển là Pháp-bảo trụ trì. Tỷ kheo Tăng, cắt tóc nhuộm áo là Tăng-bảo trụ trì.

Vị chủ Tăng ở một chùa gọi là Trú trì.

Sắc Tu Thanh qui – Trú trì chướng. “Phật giáo vào Trung Quốc 400 năm sau khi Ngài Đạt Ma đến. Truyền được 8 đời thì đến Ngài Bách Trượng. Lúc đó chỉ biết đem đạo truyền cho nhau chưa có tên gọi Trú trì. Ngài Bách Trượng đã làm cho đạo Thiền hưng thịnh. Trên từ Vua, quan vương công dưới đến Nho Lão bách tính đều tìm đến hỏi đạo. Nếu trò không tôn kính ngôi thứ thì phép thầy không nghiêm. Từ đó để biểu lộ lòng tôn kính thầy mà gọi là Trú trì, và tôn kính gọi là Trưởng Lão”. (Từ điển Phật học Hán Việt trang 1675 xuất bản 1994. Tập II)

2. Vai trò trú trì: Trú trì có một vai trò rất lớn trong việc xây dựng Giáo hội. Trụ: Trụ pháp Vương giả, Trụ Như Lai thất; trì Như Lai Tạng, tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự: Nói cách khác người giữ gìn và phát huy Chánh pháp của Như Lai; người duy trì ngôi nhà Pháp vương và phát triển, được hiện diện trong mọi kiếp của cuộc đời.

Đại sư Minh Giác: “Giáo pháp là trụ trì, trú trì là nương người mà giữ pháp khiến cho Phật pháp mãi trụ vững chứng không bị sụp đỗ. Này, Giới, Định, Tuệ là công cụ trì pháp (giữ pháp), còn, Tăng chúng, ruộng vườn, các vật dụng là tư tài để trì pháp. Tư tài và khí cụ đợi người xứng đáng để sử dụng tốt công cụ ấy. Nếu sử dụng tốt cả tư tài và công cụ thì có thể trì (giữ) để trụ dài lâu vậy. Xưa chức trụ trì ở Linh Sơn do Đại Ca-diếp nắm giữ trọn, trụ trì Trúc Lâm lấy thân mình để chủ động mọi thứ nên giáo pháp của Phật mới thịnh hành. Giáo pháp của Phật con mãi” (Sắc tu Bách Trượng Thanh qui quyển đệ tam chung – Trú trì chương chung trang 402).

Thiền sư Bách Trương Hoài Hải chủ trương rõ hơn: “Trú trì, phải cùng đại chúng chia xẻ đều nhau lao khổ; nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực” (Chương 5 – Trụ trì STBTTQ trang 162).

Công việc thường nhật của Trú trì:

+ Thuyết giảng, dạy dỗ đồ chúng.
+ Chỗ dựa cho đại chúng về phương diện tâm linh.
+ Niệm tụng, dẫn đại chúng tụng.
+ Kiểm tra, đôn đốc.
+ Xử phạt chúng Tăng vi phạm Thanh qui.
+ Tiếp Chư Tôn túc – Khách – Thí chủ.

Và dưới Trú trì có một số bộ phận hỗ trợ.

Nói một cách tổng quát đối nội và đối ngoại đều do Trú trì.

Đức Phật từng dạy: “Người xuất gia một mặt thì siêng năng tu Giới, Định, Tuệ, mặt khác thì Trụ trì Phật pháp nhiếp hóa chúng sanh làm lợi tha cho chúng sanh” Phật tử trụ trì khéo vượt các “hữu” nghiêm tịnh luật nghi rộng làm khuôn mẫu cho ba cõi”. Trụ trì Phật pháp nhiếp hóa chúng sanh phải là nhiệm vụ thiêng liêng và tự nhiên của người xuất gia. Đó là pháp khí được kế tục truyền thừa. Nhờ thế, Phật pháp mới không tùy theo đời biến, quốc biến mà chuyển.

Do vậy, “Tướng” của Tăng chúng là “lìa tục trì giới”, “Đức” của Tăng chúng là “Tu hành hoằng pháp”.
(Luận Phật Thừa Tôn yếu – Thái Hư Đại sư – Thích Nhật Quang dịch – xuất bản 2001)

Người Phật tử tại gia cần phải:

+ Giữ giới làm lành
+ Bố thí hộ pháp

Mục đích phát huy cho được pháp hành ở cõi Người và cõi Trời để tiến đến chứng quả A-La-hán (Vô sanh).

Đối với Việt Nam chúng ta, từ khi Phật giáo du nhập vào cuối thế kỷ I sau Tây lịch hoặc vào cuối thời đại Hùng Vương với hai Phật tử được biết đến Chữ Đồng Tử và Tiên Dung.

Đặc biệt qua các triều đại Đinh Lê Lý Trần, Phật giáo như là Quốc đạo. “Các nhà sư đã có một vị trí rất đáng lưu ý trong xã hội Đại Việt và thực sự đã là một lực lượng tinh hoa của xã hội”. Tiêu biểu nhất là Khương Tăng Hội vị Thiền tổ Việt Nam đã sang Hoa Nam Trung Quốc để độ Tăng, dạy và dịch Kinh, giáo pháp của đức Phật từ đây như lịch sử Phật giáo Trung Quốc đã công nhận”. (Bách Khoa Thư Hà Nội xuất bản 2010).

Chùa tháp đều được nhà Vua xây dựng, trụ đá khắc Kinh Phật ở Hoa Lư làm cho Kinh đô cũng là Trung tâm Phật giáo cả nước. Vua Đinh Tiên Hoàng còn phong cho Thiền sư Ngô Chân Lưu (933-1011) chức Tăng Thống đứng đầu Phật giáo cả nước.

Suốt cả chiều dài lịch sử giữ nước và dựng nước các ngôi chùa đều được Vua, Thiền Tổ, các quan lại nhân dân kiến tạo, việc trú trì vẫn dành cho các Thiền Tăng.

– Và gần nhất, trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo từ 1930 trở lại Tăng mới được thỉnh vào Ban Chứng minh Đạo sư. (Mục V – Trị sự toàn bộ – Điều thứ 8 và 9) Điều lệ và Quy tắc sửa đổi do Đại hội đồng toàn kỳ 15.12.1937 và 25.12.1939)

– Căn cứ Qui chế Giáo hội Tăng già toàn quốc Phật lịch 2515 năm Nhâm Thìn 1952. Mục VIII Điều 4 Chương II: Phải chỉnh đốn và duy nhất chùa tháp, thờ tự, nghi lễ, phẩm phục và Mục VI Điều 5 “Bảo tồn các Tự viện và các cơ quan hành Đạo”.

Qua đó chúng ta cũng thấy được vai trò quan trọng của Chư Tăng – Trú trì.

3. Vai trò Ban Hộ tự:

Tiền thân Ban Hộ tự là Đại diện Khuôn hội. Căn cứ Nội quy chế và Khuôn hội của Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung phần (tức Hội Việt Nam Phật học) năm 1957 Khuôn hội là cơ sở của Hội ở một xã (có thể ở một Thôn) Khoản 1 Chương I Phạm vi phải có ít nhất là 45 hội viên mới lập một Khuôn hội (Khoản 2 Chương I) đứng đầu là Khuôn trưởng.

– Căn cứ Điều 22 Hiến chương Giáo hội PGVNTN bản tu chỉnh năm 1965. Đơn vị của Giáo hội là Xã, Phường… trụ sở đặt tại 1 ngôi chùa… có một ban Đại diện gồm: Chánh, Phó Đại diện v.v… Tại các Thôn, Ấp nếu có nhiều chùa có thể thành lập một đơn vị… Nhiệm kỳ 2 năm (Điều 23 HCGHPGVNTN).

– Căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành tháng 3 năm 1985 và được tu chỉnh ngày 28.12.2008 chương VIII – Trú trì và bổ nhiệm Trú trì.

– Căn cứ điểm 4 Điều 43: Trường hợp không có nhân sự là Tăng hay Ni để bổ nhiệm Trú trì do Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện triệu tập phiên họp v.v… theo 2 trường hợp.

a. “… bầu cử một Ban Hộ Tự” (đã phổ biến): gồm 5 thành viên, 1 Trưởng ban, 1 Phó ban, 1 Thư ký, 1 Kiểm soát.

Chức năng của Ban Hộ tự là Đại diện cho tín đồ Phật giáo đảm nhận vai trò quản lý, điều hành sinh hoạt tín ngưỡng tại cơ sở Tự viện theo đúng đường lối, chủ trương của GHPGVN… và pháp luật Nhà nước.

b. “… hoặc bầu Ban Trú trì cho đến khi bổ nhiệm được Trú trì.

– Căn cứ Điểm 5 Điều 43: Những cơ sở Tự viện (Niệm Phật đường) đã có Trụ trì được giải quyết theo các trường hợp.

a. Không lập Ban Hộ tự

b. Nếu trước đây đã thành lập Ban Hộ Tự do chưa có trụ trì sau khi bổ nhiệm Trú trì thì Ban Hộ tự hết chức năng và nhiệm vụ được phân công.

c. Đối với các chùa Nam Tông theo truyền thống Hệ phái thì Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh ban hành quyết định công nhận Ban Quản trị chùa.

III. Mối quan hệ hổ tương giữa Trú trì – Chùa – Niệm Phật đường:

Trú trì hiểu rộng ra là trong những trụ cột của Tam-bảo trụ trì. “… việc bảo vệ sự lưu xuất miên viễn của Phật pháp trong thế gian. Pháp ấy được lưu xuất nhờ sự hộ trì của Tăng-Bảo là chính, sự đóng góp của Cư sĩ tuy quan trọng nhưng vẫn phải dựa vào Tăng Bảo” (Nghĩ về tượng pháp và Chánh pháp – VHPG – 130).

Vì có chúng sanh Như Lai mới thị hiện để hóa độ, có con người, Tăng-bảo mới đem Phật pháp ra tuyên dương hoằng hóa để chuyển hóa con người lên một vị trí cao hơn. Mối quan hệ giữa người bố thí pháp và người nhận pháp hết sức hữu cơ như một hệ luận tất yếu. Nhưng như đức Phật dạy: “Bố thí Pháp cao hơn mọi sự bố thí khác” (Pháp thí thắng mọi thí).

Tăng là người đem Pháp bố thí và Phật tử là người nhận Pháp thí và muốn cả hai đều được lợi ích phải ở trong tinh thần vô ngã, vị tha.

Trú trì ở một ngôi chùa là như nhập “Như Lai chi thất” tức là tâm đại-từ bi trong tất cả chúng sanh (Đại bi).

Trú trì là Thiền sư đang mặc áo của Như Lai là “trước Như Lai chi y” tức tâm nhu hòa nhẫn nhục (Đại hùng).

Trú trì Thiền sư đang ngồi pháp tòa của Như Lai là “tọa Như Lai chi tòa” tức tất cả các pháp đều không (Đại Trí).

Về phía Phật tử trước hết phải có tinh thần nhận “Pháp”, hộ Pháp. Trước mắt 3 việc cần làm: Lấy “Thiện” để độ “Ác”,

Lấy “Thiền” để độ “Dục”

Lấy “Vô sanh” để độ ba cõi sanh diệt.

Nếu mỗi người con Phật xuất gia và tại gia thấy rõ vai trò vị trí, trách nhiệm trước sự tồn vong của Đạo Pháp chắc chắn một số hiện tượng gập ghềnh trong Giáo hội giữa Trụ trì và Niệm Phật đường không thể trở thành những lực cản của Bánh xe chuyển Pháp – Chùa không phải là pháo đài. Xuất gia, tại gia Phật tử là đức Phật sẽ thành.

Phần kết

Dõi theo những bước diễn tiến của đề tài đi từ vấn đề tổng quan thời đức Phật còn tại thế với tinh thần Tăng già hòa hiệp, tứ chúng đồng tu. Bìmbisara (Tần-bà-sa-la) vị Vua xứa Ma-kiệt-đà (Magadha) cúng dường đức Phật và Chúng tỷ kheo Tịnh xá Veluvana (Trúc Lâm), định hình một nếp sống định cư cho Tăng già, Vua muốn cho người đến làm Giám thị và giúp việc cũng thỉnh tôn ý với Phật, được sự cho phép mới thi hành và cuối cùng dành quyền cho Tăng.

Đến Việt Nam chúng ta cũng thế, các Vua Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… vẫn với tinh thần đó. Trú trì vẫn là một trong Tam-bảo Trú trì. Cư sĩ đóng một vai trò quan trọng nhưng Thiền Tăng trú trì giữ vị trí chủ yếu.

Gần nhất là Hội An Nam Phật học đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đã có nhiều chuyển hóa, “Tùy duyên bất biến” vẫn lấy nguyên tắc “Tam-bảo trụ trì” làm hạt nhân chủ đạo cho tổ chức Giáo hội.

Ý nghĩa và hạnh phúc chúng ta vẫn là những ước nguyện của niềm tin.

“Hạnh phúc thay Tăng già hòa hiệp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu”

Chúng ta hãy phát huy ánh sáng tự giác, tạo thế, lực mới để cùng đi lên với xã hội nhất là trong sứ mệnh “hộ quốc an dân”.

HT. T.Đ.T
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here