Nhưng hiện nay nhiều chùa không có trù trì, đặc biệt nhiều vùng xa thành phố, vùng thôn quê, vùng sâu ít khi thấy bóng dáng tăng ni. Hệ thống chùa làng trên khắp lãnh thổ Việt Nam đã từng tồn tại trước năm 1945 vẫn hầu như chưa được khôi phục sinh hoạt, có nhiều nơi trở nên hoang phế. Nói chung Phật giáo Việt Nam đang rất thiếu tăng ni được đào tạo có căn cơ về cả kinh điển Phật học lẫn công phu tu hành để có thể đứng độc lập lãnh đạo một ngôi chùa, hướng dẫn Phật pháp cho dân chúng một vùng.
Còn với những nơi có rất nhiều chùa mới được thành lập, có đủ tăng ni thì Phật Giáo có làm tốt nghĩa vụ độ sinh không? Mới đây, bài viết PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐANG LÃNG PHÍ TÀI NGUYÊN GÌ ? của Phật tử Nguyễn Hữu Đức trên Giao Điểm online (1) có thể nói là phản ánh rất rõ tình hình Phật Giáo Việt Nam chưa làm tốt việc phục vụ dân sinh, chưa thể hiện được tác động tích cực của Phật giáo trong việc góp phần xây dựng đời sống an lành cho nhân dân, mà đúng ra với tiềm năng sẵn có, và thời cơ thuận lợi từ sau ngày chấm dứt chiến tranh năm 1975 đến nay, Phật giáo Việt Nam đã nhiều cơ duyên để làm tốt nghĩa vụ nầy.
Mặt khác, các bài về Chỗ ở cho Tăng Ni sinh tại TP.HCM: Con số và những thực tế trên Giác Ngộ mà Giao điểm online đăng lại ngày 16/06/2011 (2) cho thấy các Học Viện Phật Giáo Việt Nam không có ký túc xá cho tăng, ni sinh ở để theo học.
Rõ ràng, đối với người Phật tử Việt Nam, tất cả thực trạng không tốt nầy không thể để kéo dài thêm nữa, mà cần phải được cải thiện. Cải thiện như thế nào, bằng cách nào là trách nhiệm không những của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn là của mọi người Phật tử Việt Nam, nhưng tất nhiên là các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Trung ương, các Giáo hội địa phương và ban Giám đốc các Học Viện Phật Giáo Việt Nam phải là những người trực tiếp chịu trách nhiệm đề ra kế hoạch, chủ trương đường lối để vận động được sự góp sức tích cực của toàn thể Phật giáo đồ nước ta .
Trong mong muốn góp một phần rất nhỏ vào quá trình cải thiện hiện trạng nêu trên, người viết bài nầy xin góp vài suy nghĩ về việc đào tạo tăng tài tại 3 Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, và Tp Hồ Chí Minh.
Bài viết “Chỗ ở cho Tăng Ni sinh tại TP.HCM: Con số và những thực tế” đã cho biết các Học Viện Phật Học Việt Nam hiện không có Ký túc xá cho tăng ni sinh ở để trong thời gian theo học tại các Học Viện, khiến cho vị thầy gởi tăng ni sinh đi hoc hay chính bản thân tăng ni sinh phải tự lo liệu từ chỗ ở, đến cả tiền ăn học và các nhu cầu khác. Rõ ràng điều nầy không những gây trở ngại rất nhiều cho việc ở, ăn, học, làm kém hiệu quả của tu học của tăng, ni sinh mà nhiều khi gây ra các tác hại là làm thoái hóa chí nguyện tu hành nơi tăng, ni sinh . Cần phải thấy rằng việc ở nội trú, ở tập trung dưới sự quản lý một số vị thầy có đạo hạnh là điều vô cùng quan trọng trong quá trình tu học 4 năm ở Học Viện. Ngoài giờ học tập tại giảng đường, giờ tự học trong phòng riêng, người tăng, ni sinh cần phải được tu tập theo một chương trình nhất định dưới sự hướng dẫn, giám sát của những vị thầy đức hạnh tương ứng với từng giai đoạn của việc học tập lý thuyết kinh điển. Nếu các tăng, ni sinh tự ý ở rãi rác các nơi, không có sự quản lý nghiêm của vị thầy có đạo hạnh, họ chỉ tới giảng đường học, rồi về tự ý làm gì thì làm như sinh viên Đại học bình thường là điều không tốt chút nào. Khi các tăng, ni sinh trẻ, chưa đủ đạo hạnh mà không được quản lý nghiêm theo một chương trình tu tập hàng ngày, họ tự do sử dụng các phương tiện của thế gian như xe máy, điện thoại di dộng, truyến thanh, truyền hình, Internet, cafe, thuốc lá, các quán ăn,..thì rất dễ hư hỏng. Ngay cả những Đại học thế gian có uy tín nhất thế giới như Đại học Harvard, nhà trường cũng mong muốn sinh viên vào ký túc xá ở, ít nhất hai năm đầu vì đời sống sinh hoạt của sinh viên ở ký túc xá được tổ chức có sự theo dõi, giúp đỡ của cán bộ nhà trường để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc học tập và hình thành phong cách sống, làm việc nghiêm túc cho sinh viên. Cho nên, đối với tăng, ni sinh, việc tập trung học 4 năm tại Học Viện Phật Học cần phải được xem là 4 năm “chuyên học và chuyên tu” theo một quá trình nghiêm túc, một hình thức “nhập thất” thì mới có lợi, để ngay sau khi tốt nghiệp, vị tăng, ni trẻ không những vững vàng về lý thuyết kinh điển mà còn vững vàng trong thực hành đường tu. Có như thế, khi được Giáo hội bổ nhiệm tới bất cứ nơi đâu thì họ đủ khả năng, đạo hạnh để thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp, đem lại lợi lạc cho cộng đồng.
Vì vậy, việc tăng ni sinh tới nay vẫn không có Ký túc xá để ở tập trung do Học Viện điều hành là một thiếu sót rất lớn trong qui trình đào tạo, mà trách nhiệm là thuộc Ban giam đốc Học Viện và Ban lãnh đạo Giáo Hội , nói chính xác là thiếu sót của ban thiết kế chương trình và xây dựng Học Viện. Có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến cho Phật giáo Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều tăng ni trẻ có tài năng và đức độ giúp chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn hiện nay, và hoạt động của Phật Giáo Việt Nam vẫn chưa tương ứng với tiềm năng sẵn có trong lòng dân tộc Việt Nam như bài viết của Phật tử Nguyễn Hữu Đức đã chỉ ra.
Sau đây xin nêu lên một số đề nghị :
I. Về chỗ ở : Ban Giám đốc các Học Viện và Ban lãnh đạo Giáo hội cần tìm gấp phương án xây dựng ký túc xá đủ chỗ ở cho tất cả tăng ni sinh theo học tại các Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, và Tp Hồ Chí Minh.
Trong khi chờ đợi có đủ ký túc xá do Học viện trực tiếp điều hành, thiết nghĩ các Học Viện nên xem xét phân thành từng nhóm độ 10 tăng, 10 ni sinh thành một đơn vị và cho ở tại một chùa, tự viện nào đó dưới sự quản lý của một vị tặng, vị ni do chính Học Viện chỉ định, chứ không thể để cho từng tăng, ni sinh tự bương chãi lo liệu chỗ trọ được. Ngoài việc học tập lý thuyết kinh điển ra, hàng ngày các tăng, ni sinh nầy sinh hoạt, tu tập theo một chương trình thống nhất do Học Viện qui định, dưới sự hướng dẫn, giám sát của vị thầy quản lý nhóm nầy tại nơi ở của nhóm. Có như thế thì tăng, ni sinh mới không tự tung tự tác đi ra bên ngoài, có khi sa đà vào các quán ăn uống, cafe, thuốc lá, và những tệ nạn khác. Các vị tăng, ni sinh cần phải “bị cấm” cafe, thuốc lá. Bởi vì những thứ đó, nếu để tự do sử dụng thì cũng không có lợi cho sức khỏe, chưa nói có thể tạo ra chứng nghiện là điều không tốt cho tâm thanh tịnh của nhà tu. Ngoài ra, các phương tiện như truyền thanh, truyền hình, điện thoại di động, Internet cũng cần phải được xem xét việc sử dụng sao cho chỉ giúp ích cho việc tu học chứ không thể để tự do sử dụng thoải mái khiến ảnh hưởng tai hại đến việc tu học của tăng, ni sinh.
II. Về học phí, chi phí ăn ở, sinh hoạt : Mỗi Học Viện, tùy tình hình địa phương cần ước tính tổng chi phi bao gồm học phí, chi phí ăn ở, dụng cụ, tài liệu học tập, bảo hiểm y tế, và các nhu cầu tối thiểu mà một tăng, ni sinh cần phải có để theo học từng năm ở Học Viện. Những tăng, ni sinh nào mà nơi cho đi học có đủ tiền giúp được thì thôi, còn những tăng, ni sinh nào cần sự hổ trợ tài chính để theo học thì làm đơn nộp lên Ban giam đốc Học Viện. Căn cứ vào danh sách ấy, Học Viện báo cáo lên Giáo hội địa phương và Giáo Hội trung ương để hai cơ quan nầy tìm cách trợ giúp. Thiết nghĩ rằng việc tạo một quỹ học bỗng giúp tăng, ni sinh học tập sẽ không có gì khó` khăn trong tình hình hiện nay. Ngày xưa, trong các thập niên 1930- 1950 mà Bác sĩ Lê Đình Thám và những vị trong Ban giám đốc các lớp học tại chùa Báo Quốc Huế đã kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm giúp bảo trợ chi phí ăn học cho một vài tăng sinh, thậm chí vài nhà hảo tâm góp lại hổ trợ cho một tăng sinh cũng tốt. Và nhờ vậy, các tăng sinh có đủ điều kiện vật chất tối thiểu để tu học. Ngày nay, nếu các Học Viện có chủ trương rõ ràng, cụ thể thì sẽ có rất nhiều cư sĩ Phật tử hảo tâm đóng góp thừa sức tạo quỹ học bỗng để tăng, ni sinh yên tâm lo tu học mà thôi.
III. Về chương trình đào tạo : Không những thiếu tăng ni được đào tạo mà có lẽ nội dung đào tạo tăng ni vẫn theo lề lối cũ không theo kịp được sự thay đổi của thời đại cho nên tăng ni được đào tạo ra chưa đủ khả năng tác động tích cực vào đời sống của nhân dân. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến cho Phật giáo Việt Nam hiên nay vẫn như đi bên cạnh chứ không đi vào cuộc sống, tích cực giúp đem lại an lạc cho nhân dân như bài viết của Nguyễn Hữu Đức trên Giao điểm online đã dẫn trên đây. Để có thể thực sự trở thành một sứ giả của Như Lai trong xã hội Việt Nam hôm nay, một tăng ni trẻ đảm trách Phật sự tại một vùng, một thôn xóm ngoài việc tự tu hành, giảng Phật pháp cho những bà con tới chùa tham học, còn phải là một con người có khả năng phục vụ xã hội, phục vụ cồng đồng một cách tích cực: đi vào cộng đồng, tới với người dân để cứu khổ, ban vui, hướng dẫn cộng đồng sống an lạc, chứ không phải chỉ đóng khung mình trong khuôn viên chùa, chỉ làm Phật sự với những ai tới chùa, mà không quan tâm tới cộng đồng bên ngoài và mặc kệ những ai không tới chùa. Để có thể có được khả năng nầy, người tăng, ni sinh sinh trong Học Viện Phật Học không những phải học thấm nhuần Kinh Điển nhà Phật, mà còn được huấn luyện một số khả năng khác về xã hội.
Vì vậy, xin đề nghị : Thêm một số nội dung trong chương trình Cử nhân Phật học như sau :
1. Học tập về Tâm Lý Trị Liệu (spychotherapy): Phật pháp nói chung cũng đã là một phương tiện dùng tốt trong Tâm Lý trị Liệu. Tuy nhiên, người tăng, ni sinh cũng cần nên học một số qui trình thực hành trong ngành Tâm Lý Trị Liệu để kết hợp với Phật pháp mà có khả năng chữa trị các loại tâm bệnh, biết an ủi, giúp đem lại an vui cho những ai đang đau khổ vì những hoàn cảnh đa đoan của cuộc sống, đặc biệt cho giới trẻ hiện nay.
2. Học tập và thực hành chữa bệnh theo Đông y, Nam dược. Nếu mỗi tăng, ni là một lương y có tài thì sẽ rất hữu ích cho nhân dân trong vùng, đặc biệt vùng quê, vùng sâu, vùng xa. Có khả năng giảng Phật pháp, có khả năng giúp chữa trị tâm bệnh, và có khả năng chữa trị thân bệnh thì người tăng, ni ấy mới dễ có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của một sứ giả của Như Lai.
3. Học các khả năng điều khiển, hướng dẫn thanh thiếu niên về các sinh hoạt chung: Các tăng, ni sinh cần nên học biết các kỹ thuật về cắm trại, trò chơi nhỏ, lớn mà các Huynh trưởng Phật tử, huynh trưởng Hướng đạo trước đây đã trải qua kinh nghiệm. Với khả năng nầy, các tăng, ni khi ra làm Phật sự sẽ có thể tố chức, hướng dân học sinh, thanh thiếu niên trong các trại hè, rất cần thiết hiện nay, đem lại cuộc sống lành mạnh cả thể chất và tinh thần cho giới trẻ trước nhiều ô nhiễm của xã hội, và nhờ đó tạo được điều thuận duyên trong việc phát triển Bồ đề tâm cho giới trẻ.
4. Học tập về việc phát triển bền vững các cộng đồng: tăng, ni sinh cần nên học tập một số lý thuyết, mô hình phát triển bền vững cộng đồng để có khả năng góp ý trong việc nêu ra hướng phát triển địa phương phù hợp với Phật pháp, giúp đồng bào có được cuộc sống an vui, trong lành càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Làm thế nào trong 4 năm học tại Học Viện Phật Học mà người tăng, ni trẻ có thể kam nổi một chương trình với nội dung phong phú như vậy ? Tất cả là tùy thuộc vào cách tổ chức chương trình. Có thể theo chương trình học mỗi năm 3 học kỳ : hai học kỳ 15 tuần, và một học kỳ hè 10 tuần tham gia sinh hoạt cộng đồng, thực hành tại các trạm Y tế, các bệnh viện, các phòng khám Đông Y. Những bài giảng về kinh điển cần được viết, in ra để tăng, ni sinh có tài liệu đọc, tham khảo, tới giảng đường chỉ giảng tóm tắt, hướng dẫn cách học tập, cách thực hành, do đó không chiếm quá nhiều thì giờ như hiện nay.
Sau 4 năm bậc Cử nhân, những người có kết quả học tập giỏi, được chuyển lên học cấp Cao học 3 năm mà tromg đó một nửa thời gian dành cho Y học cổ truyền để khi tốt nghiệp, không những vững về Phật học, thực hành đường tu, mà còn là một lương y có khả năng khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân.
Mong rằng tất cả tăng ni, đặc biệt các bậc tôn túc trong Giáo hội trung ương và địa phương, các vị thiện tri thức, các nhà hảo tâm cùng quan tâm tới việc chấn hưng Phật giáo không phải chỉ để cho tăng ni mà để Phật giáo làm tròn trách nhiệm với dân tộc trong việc chấn hưng nền đạo lý của cha ông, lòng yêu tình làng nghĩa xóm, yêu non sông đất nước, yêu quê hương dân tộc, đồng tâm nhất trí trong xây dựng cuộc sống ấm no, an lạc cho nhân dân. Đó là góp phần tạo một nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ tổ quốc như lịch sử đã chứng tỏ qua các triều đại Lê, Lý, Trần,…
Có như thế thì Phật giáo Việt Nam mới hoàn thành được nghĩa vụ là đồng hành cùng vận mệnh của dân tộc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
C.L
Tài liệu tham khảo :
1. Nguyễn Hữu Đức, Phật Giáo Việt Nam đang Lãng Phí Tài Nguyên Gì ?, http://giaodiemonline.com/2011/06/phatgiaovn.htm
2. Chỗ ở cho Tăng Ni sinh tại TP.HCM: Con số và những thực tế http://giacngo.vn/thoisu/2011/06/07/766001/