Trang chủ Vấn đề hôm nay Vài suy nghĩ về Tâm và Thức

Vài suy nghĩ về Tâm và Thức

189
0

Chữ “tâm” là từ Hán –Việt, có nguồn gốc từ chữ Hán, được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau: trái tim, trung tâm, tâm hồn, tâm linh, tâm lý, tâm trí, tâm tính, tâm tình, tâm thần, tâm huyết, tâm can, tâm đắc, lương tâm v.v…Tất cả những nghĩa đó đều không phải là nghĩa của chữ “tâm”, chuyển ngữ từ chữ “citta” của Phật học.

Ngoài hai nghĩa trái tim và trung tâm ra, các nghĩa còn lại kể trên đều liên quan đến các khái niệm thuộc về tình cảm và ý chí của con người, tức là thuộc về phạm trù tinh thần. Do đó, có sự nhầm lẫn rằng “tâm” thuộc về tinh thần, và những câu như “con người cần phải có cái tâm” hay “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” thường bị hiểu sai, rằng đó là quan niệm của Phật giáo, trong khi chữ “tâm”ở các câu đó chỉ có nghĩa duy nhất là lương tâm. Tất cả mọi nghĩa của chữ “tâm” mà thuộc về phạm trù tinh thần đều không phải là nghĩa của chữ “citta”.

Với chữ “thức” (vinnana), nhiều người cho rằng đây là một thuật ngữ cao siêu khó lĩnh hội. Vì thế không phải là không có những người nghĩ rằng “thức” là một cái gì đó gần giống như “linh hồn”nên mới có những câu viết đại loại như “khi bước vào chốn linh thiêng ấy, tôi cảm thấy như có những thần thức lảng vảng đâu đây…

Việc chuyển ngữ có liên quan đến trình độ nhận thức của từng dân tộc. Khi mọi nghĩa cụ thể của chữ “tâm” đều không thể phản ảnh đúng nghĩa của “citta”, và chữ “thức” tạo ra ấn tượng về một thuật ngữ cao siêu khó hiểu, thì liệu có những từ thuần Việt nào đó có thể tương ứng hoàn toàn để phản ảnh đúng đắn và giản dị ý nghĩa của “citta”và “vinnana” hay không?

Ta biết rằng mọi người đang sống đều đang biết. Biết tức là có ý niệm về người, vật hoặc điều gì đó để có thể nhận ra được, hoặc có thể khẳng định sự tồn tại của người, vật hoặc điều ấy.

Con người biết bằng các giác quan và ý nghĩ. Giác quan và ý nghĩ biết các đối tượng vật chất, ý nghĩ biết các đối tượng phi vật chất. Với khoa học, cái biết của con người tương ứng với sự hưng phấn diễn ra trong các axon thần kinh khi có sự kích thích từ bên ngoài. Kết quả nghiên cứu cho thấy các noron thần kinh ở các giác quan truyền đạt không trung thực các tín hiệu kích thích, mà cảm nhận sai lạc trong sự hưng phấn thành ra hình ảnh, âm thanh, mùi, vị và các đối tượng xúc giác. Chúng là các cơ sở để tạo thành ý niệm về các đối tượng và về thế giới. Sự hưng phấn, tức là cái biết, không phải chỉ có ở các noron thần kinh giác quan mà còn có ở ý thức (khoa học cho rằng tồn tại ở não người), tạo thành ý niệm về cả các đối tượng phi vật chất.

Với nhận thức khoa học, có thể suy ra rằng: “mọi thế giới chỉ là diễn biến của cái biết”. So sánh với nội dung Phật học thì “citta” tương đương với “cái biết”. Do đó, từ thuần Việt phản ảnh đúng nghĩa của chữ “tâm” trong Phật học chính là “cái biết”.

Xin lưu ý rằng khi gọi là cái biết, thì từ “cái” trong tiếng Việt hiện nay vẫn đang được các nhà ngôn ngữ học thảo luận. Phần đông cho đó là loại từ, có người cho đó là danh từ số vì nó xác định được, đếm được. Nhưng dù gì đi nữa thì nó cũng phản ảnh một tồn tại. “Cái” ở đây không phải đóng vai trò là một quán từ.

Liên quan đến vật chất và tinh thần, Phật học trình giảng đó chỉ là hai hình thái thể hiện của cái biết. Hình thái thứ nhất là hình thái biết bằng ý niệm và tên gọi, được biết trực tiếp bởi ý thức, còn các giác quan thì không biết, gọi là hình thái định danh (manadhamma-danh pháp). Hình thái thứ hai là hình thái vật chất (rupadhamma-sắc pháp), biết ở năm giác quan, rồi ý thức biết liền ngay sau đó. Vì chỉ thể hiện ở hình thái nên hình thái định danh còn có thể được gọi là hình thái phi vật chất.

Như vậy, mọi thứ mà người ta tưởng là mọi đối tượng vật chất cụ thể khách quan bên ngoài thực chất chỉ là những thứ trong hình thái vật chất của cái biết mà thôi. Cùng với những thứ trong hình thái định danh, chúng không lẫn lộn, trùng chập, hỗn độn mà cụ thể hóa thành ra từng món riêng biệt: con người, con thú, cây cối, nhà cửa, thành phố, hành tinh, thiên hà, vũ trụ, phân tử, nguyên tử, hạt nhân, trường lượng tử, xã hội, tình yêu, văn hóa, khoa học v.v… Khoa học hiểu rằng chúng chính là các hình thái đối tượng cụ thể tương ứng với các dạng biến đổi mức phân cực trong các axon thần kinh. Từ đó suy ra rằng mọi đối tượng chỉ là các món do cái biết biến động phô bày ra mà thôi. So sánh kết luận này với khẳng định của Phật học “tất cả các pháp duy thức”, thì thức (vinnana) có nghĩa là “những món do cái biết biến động phô bày ra”.

Về phương diện học thuật, để có một thuật ngữ tiếng Việt phản ảnh đúng nghĩa của vinnana, thì nên sử dụng cụm từ “hình thái đối tượng cụ thể hóa của cái biết”. Nó phản ảnh bản chất của các đối tượng cụ thể, rằng đó chính là do cái biết biến động mà thành. Sự biến động, còn gọi là vận động (sankhata-hành) trong cái biết không chỉ tạo thành từng đối tượng cụ thể mà còn tạo thành các thế giới, tức là các hệ thống tương đối, hay chính xác hơn là tạo thành các ý niệm về chúng.

Khi đã hiểu rằng bản chất của mội thế giới chỉ là cái biết và mọi đối tượng cụ thể trong các thế giới ấy là do cái biết biến động mà thành, thì không nên tìm hiểu xem cái gì chứa tâm, chứa thức. Đơn giản chỉ vì nếu có cái gì chứa tâm, chứa thức thì cái đó chẳng phải là tâm, là thức. Chẳng có một vi hạt nào chứa tâm, chứa thức cả. Cũng chẳng có trường lượng tử nào chứa tâm, chứa thức cả. Vũ trụ, vi hạt hay trường lượng tử cũng chỉ là các thức, là những món mà cái biết ở hình thái vật chất phô bày ra mà thôi.

Vì nhìn phần được biết như là khách thể, nên ngày nay có trường phái cho rằng con người là một phần của vũ trụ, mà vũ trụ thì có một bản thể đích thực nào đó, do đó trường phái ấy cố gắng tìm hiểu “bản thể của vũ trụ” và lầm tưởng rằng thiền là “tiến trình trở về hòa nhập với bản thể của vũ trụ”. Quan niệm đó hoàn toàn sai lầm.

Vì sự truyền đạt không trung thực của các giác quan nên mọi đối tượng cụ thể-mà con người tưởng là khách thể và có thật-đều thuộc về cái biết tương đối (vọng tâm), ở phần được biết (tương đối) của các cá thể trong các hệ thống tương đối, và không thật. Vì tất cả mọi đối tượng đều không thật.

Thế nhưng, với tư cách là các trạng thái biến động trong cái biết của các cá thể đang tồn tại trong các hệ thống tương đối, các đối tượng không chỉ vô cùng phong phú và đa dạng mà còn khác nhau về phẩm chất: đúng tốt, sai xấu hoặc vô tính. Có những đối tượng còn hàm chứa trong nó các thông tin về nhận thức, ví dụ như các nội dung Phật học, các nội dung khoa học, các nội dung triết học v.v…Trong số đó, duy nhất chỉ có các thông tin nhận thức hàm chứa trong Phật học mới có khả năng giúp cho người ta nương vào đó mà rèn luyện để vượt ra ngoài các hệ thống tương đối nhằm đạt đến cái biết tuyệt đối. Đó cũng chính là các biến động có phẩm chất tốt đẹp nhất. Do vậy, không phải bất cứ ai cũng có thể tiếp xúc được với Phật học hay lĩnh hội được các nội dung của Phật học. Chỉ ở những cái biết có phẩm chất tốt thì các biến động mang Phật tính mới xuất hiện, mặc dù Phật tính vẫn tiềm ẩn trong mọi cái biết tương đối.

Khoa học, với sự trợ giúp của các thiết bị, tuy có thể làm cho con người mở rộng nhận thức (gián tiếp giúp mở rộng cái biết của các giác quan , làm cơ sở cho sự mở rộng nhận thức của tư duy khoa học) nhưng không thể làm nâng cao năng lực của các giác quan, không thể làm cho các giác quan chấm dứt tình trạng truyền đạt không trung thực v.v…Vì thế người ta không bao giờ có thể dựa vào hay nương vào khoa học để thoát ra khỏi các hệ thống tương đối.

Ngày nay, khi khoa học hiện đại đang tiến sát đến các biên giới cuối cùng của nó thì một số nhà khoa học có ý muốn gõ cửa Phật học. Tuy nhiên, khi gõ cửa Phật học, cần phải lưu ý.

Phật học là một hệ thống nhận thức đã hoàn thiện – do các vị đã đạt đến cái biết tuyệt đối (Buddha-vị Phật) thuyết giảng- do đó không có sự phát triển. Trong khi đó, vì hình thành từ trong hệ thống tương đối nên khoa học luôn phát triển hướng đến sự hoàn thiện, nhưng không bao giờ có thể đạt đến sự hoàn thiện. Trong tiến trình phát triển như thế, khoa học đã lần lượt gặp gỡ với nhận thức Phật học ở một số giao điểm nhận thức quan trọng. Đó là:

1. Nhận thức về tình trạng truyền đạt thông tin sai lạc ở các giác quan.

2. Nhận thức về tính tương đối của các hệ thống và các hiểu biết về lưỡng tính sóng hạt của hệ thống vi mô.

3. Nhận thức về hiện tượng lưu trữ thông tin trong hệ thống gene.

4. Nhận thức về hiện tượng cảm ứng với tính cách là hình thức vận động căn bản của đời sống.

Từ các giao điểm nhận thức này-nếu phối hợp hợp lý kiến thức của một số chuyên ngành khoa học (như vật lý học và sinh học)-thì có thể tìm hiểu nhìn nhận và đánh giá về Phật học theo quan điểm của khoa học; và nhờ vào kiến thức của Phật học để giải thích một số hiện tượng tự nhiên mà khoa học không thể giải thích được, hoặc để nhận ra các sai lầm của nhận thức khoa học, chứ không thể hiện đại hóa hay khoa học hóa Phật học được

Ví dụ: Ngày nay khoa học hiện đại không hiểu vì sao ánh sáng có vận tốc tuyệt đối và ở bất kỳ một điểm quan sát tương đối nào cũng đo được một giá trị duy nhất mà không phải cộng hoặc trừ đi vận tốc của điểm quan sát.

Điều này được giải thích như sau:

Các biến động trong cái biết rất đa dạng, nhưng một số trong chúng đóng vai trò là các gốc (indriya-căn: gốc) có thẩm quyền (indriya-quyền: thẩm quyền) tạm thời (indriya-quyền; tạm thời) chi phối cái biết. Trong số các gốc đó có sáu gốc giác quan, chứa đựng sáu cặp tổ hợp (ayatana-xứ) ở phần biết và phần được biết, liên hệ với nhau qua các giao diện (dvara-môn:cửa, lối thông):1-tổ hợp mắt (cakkhayatana-nhãn xứ) và tổ hợp hình ảnh (rupayatana-sắc xứ), 2.-tổ hợp tai (sotayatana-nhĩ xứ) và tổ hợp âm thanh (saddayatana-thanh xứ), 3.-tổ hợp mũi (ghanayatana-tỷ xứ) và tổ hợp mùi (gandhayatana-hương xứ), 4.-tổ hợp lưỡi(jivhayatana-thiệt xứ) và tổ hợp vị (rasayatana-vị xứ), 5.- tồ hợp thân (kayayatana-thân xư) và tổ hợp các đối tượng xúc giác (photthabbayatana-xúc xứ), 6.-tổ hợp ý (manayatana-ý xứ) và tổ hợp các đối tượng của ý (dhammayatana-pháp xứ).

Trong số 12 tổ hợp này, duy nhất chỉ có hình thái vật chất hình ảnh ờ tổ hợp hình ảnh vừa có khả năng truyền đạt trung thực vừa có khả năng truyền đạt bằng cách đối chiếu theo (sanidassanasappatigha-hữu kiến hữu đối chiếu). Các hình thái vật chất và phi vật chất ờ các tổ hợp khác không truyền đạt trung thực mà chỉ truyền đạt bằng cách đối chiếu theo (anidassanasappatigha-vô kiến hữu đối chiếu). Như vậy, bởi vì tổ hợp mắt có mối liên hệ tự thân là sự không truyền đạt trung thực mà chỉ đối chiếu theo, nên người ta thấy hình ảnh truyền đạt trung thực và đối chiếu theo. Hình thái vật chất hình ảnh truyền đạt trung thực ở đây là ánh sáng (photon). Hình ảnh truyền đạt bằng cách đối chiếu theo là hình ảnh của các vật thể. Chúng chính là các hình tượng được sinh ra từ sự tiếp xúc của mắt (sắc vật của nhãn thức sinh ra từ nhãn xúc).

Trong bản chất của đời sống, phương thức vận động căn bản duy nhất là cảm ứng(paccaya-duyên). Cảm ứng là sự biến đổi trạng thái của đối tượng này theo nhịp biến đổi của đối tượng kia. Vì sự truyền đạt không trung thực mà bằng cách đối chiếu theo của tổ hợp mắt, người ta nhìn thấy thành ra có các đối tượng và sự chuyển động cơ học trong khithực chất không hề có sự chuyển động cơ học (giống như không hề có chuyển động nào trên màn hình TV, mà sự biến đổi trạng thái ánh sáng của các điểm trên mặt huỳnh quang và độ dư huy của mắt tạo cho người xem cảm giác và hình ảnh chuyển động). Sự phối hợp của các kết quả truyền đạt không trung thực ở của năm tổ hợp thuộc phần biết ở năm gốc giác quan làm cho người ta có cảm giác về không gian, về “các vật thật đang chuyển dịch vị trí trong không gian” và từ đó mới tạo thành ý niệm so sánh các vận tốc tương đối, trong khi thật sự không có các vật trong không gian và không có các vận tốc tương đối.

Ánh sáng là hình thái vật chất có khả năng truyền đạt trung thực nên nó không phụ thuộc vào ý niệm vận tốc tương đối, và do đó không phụ thuộc vào bất kỳ một góc đo đạc nào. Vì vậy người ta luôn thấy nó tương đương với 300.000km/s dù đang thấy mình di chuyển cùng chiều hay ngược chiều với nó. Đơn giản chỉ là như thế!

Khoa học khác với Phật học ở chỗ chỉ nghiên cứu về cái mà nó tưởng là thế giới khách quan bên ngoài. Thế nhưng Đức Phật đã giảng rằng, “Quay đầu lại lập tức thấy bến bờ” với hàm ý về mặt nhận thức, là cần phải quay lại,chú ý xem xét lại năng lực của các giác quan. Chỉ khi đó mới có thể có được các suy luận đúng đắn. Do vậy khi công nhận sự đúng đắn của Phật học thì việc nghiên cứu bản chất của thế giới và đời sống phải bắt đầu theo cách nhìn của Phật học, chứ không phải theo cách nhìn của khoa học.

Tp Chí Văn Hoá Pht giáo s 10 | Nguyễn Đăng Trung

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here