Có những điều chúng tôi đồng thuận với tác giả Huệ Minh và những người viết khác, nhưng cũng có những vấn đề chúng tôi nghĩ rằng cả Huệ Minh và người vị ấy nên suy nghĩ lại.
Trước hết xin bàn về trang phục, các nghi thức hành lễ, các cách bài trí, thiết kế : Đã có những vị tăng, ni sau khi đi học ở nước ngoài về thì lại có những biểu hiện xa rời với truyền thống Phật giáo Việt Nam do các thầy tổ Việt truyền lại mà chính các vị nầy đã thuần thục trước khi ra đi du học.
Đó là sau khi du học trở về, các vị có trang phục, ngôn từ, thực hiện các nghi thức trong Phật sự không theo truyền thống của Thầy , Tổ Việt Nam, mà lại theo cung cách học từ các vị Thầy nước ngoài. Thậm chí cách thiết kế ngôi tam bảo, cách bài trí ảnh, tượng trong chùa, tự viện, trên bàn thờ Phật cũng không theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam mà theo nước ngoài.
Chẳng hạn đi học ở Nhật về thì làm theo kiểu Nhật : mặc áo nhà tu theo kiểu áo của Nhật khác với áo của nhà tu Việt Nam, cái áo lam truyền thống của cư sĩ Phật giáo Đại thừa Việt Nam rất đơn giản khiêm cung đã bị các vị cho lai lai với cái áo gần như Kimono của Nhật, có thắt lưng ở giữa, tà xẻ ra nhiều phần ; trong một đạo tràng lại có nhiều đoàn nữ cư sĩ, mỗi đoàn một màu áo khác nhau (tím, vàng, xanh, đỏ,..).
Các thầy đi học ở Đài Loan về thì thiết kế chùa, bài trí bên trong theo phong cách Tàu…, thậm chí có nhiều vị cổ xúy đọc tung kinh, chú bằng âm Tàu,…Hình như có vị cho rằng đọc theo âm Tàu sẽ dễ được thành tựu do sự cộng hưởng năng lực do có nhiều người đọc âm Tàu hơn âm Việt!
Có vị dù chưa đi Tây tạng hay chưa tham học với các nhà sư Tây tạng một cách chính qui như từng tu học với các Thầy, Tổ Việt Nam thì cũng bài trí các ảnh tượng gồm những vị Pháp vương, Lạt Ma,…hơn là ảnh tượng các Thầy , Tổ Việt nam,v.v…
Như vậy, rõ ràng mạnh ai nấy làm theo ý mình, không tuân thủ theo một qui cách thống nhất nào cả. Cái cảnh trăm hoa đua nở ấy liệu có giúp gì cho Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững hay càng gây chia rẽ, gậy lộn xôn thêm ?
Giới lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có ý kiến gì về các hiện tượng nầy ? Tới nay, hình như các vị có trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vẫn chưa có ý kiến về các hiện tượng nầy.
Điều đáng nói là trước khi đu du học các vị tăng, ni đã từng học với Thầy, Tổ Việt Nam, với trang phục theo truyền thống PG VN, và đã rất thuần thục các nghi thức theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Vậy tại sao sau khi du học về các vị nầy lại có những biểu hiện có thể nói là “lệch chuẩn” như vậy ? Các sự lệch chuẩn ấy khiến nhiều người có thể nghĩ “sai và không tốt” rằng các vị ấy có ý muốn :
– Nổi bật lên giữa những người đồng đạo xung quanh?.
Đề làm gì ư? có thể các vị muốn gởi thông điệp cho đồng đạo và giới Phật tử hiểu rằng :
– Các vị đã học ở nước ngoài về !
– Các vị là người học rộng, biết nhiều, có bằng cấp.
– Những điều các vị làm là đúng, dù những điều ấy có phần không phù hợp với những điều mà trước đây Thầy, Tổ Việt Nam truyền lại cho các vị.
Trong bài viết của tác giả Huệ Minh đã ý tưởng rằng việc cố ý làm nổi bật lên của một số vị có thể là có mục đích đánh vào lòng hiếu kỳ, lôi kéo được nhiều Phật tử đến với mình để thủ lợi !
Chúng tôi không dám vội vàng qui kết như thế. Nhưng theo ý chúng tôi, sự nổi bật lên ấy chỉ có thể tạo sự lôi cuốn đối với những Phật tử “còn ngây thơ” mà thôi. Còn đối với các Phật tử có chút chiều sâu văn hóa truyền sống dân tộc thì những biểu hiện ấy có thể bị xem là … xin lỗi phải dùng các từ không hay như “lố bịch”, “thiếu tự trọng”, “cố ý không tôn trọng nề nếp của thầy tổ Việt Nam” v.v…
Điều chính yếu là những thay đổi về hình thức ấy có đem lại sự tiến tu hơn không ? Có làm cho bản thân các vị và các Cư sĩ do các vị hướng dẫn tu học dễ dàng đạt đạo hơn không ? Chúng tôi nghĩ rằng hẵn là không, bởi vì khác hơn bất cứ tôn giáo nào khác, con đường tu trong Phật giáo dựa vào sự phát triển Bồ đề tâm và sự hành trì nhất như của Tâm , Khẩu và Ý, chứ không dựa vào các hình thức bên ngoài.
Đã không phục vụ cho mục đích tiến tu đích thực, thì “cái tâm lý muốn nổi bật lên” giữa các vị đồng đạo, để lôi cuốn Phật tử, suy cho cùng có thể cũng vì đang có cái ngã “hơi lớn”! và thậm chí “quá lớn”!.
Như vậy là càng đi tu học thì “cái ngã càng tăng”!. Và nếu thế thì rõ ràng việc đi du học là sai mục tiêu của việc “tu học” mà Thầy, Tổ đã dạy.
Vì vậy, chúng tôi kinh mong quí tăng, ni dù đi du học ở đâu về, dù có sở đắc được những gì từ Phật giáo nước ngoài thì khi về lại đất nước Việt Nam, các vị không nên “khoa trương” các biểu hiện hình thức nổi bật, khác với các hình thức, cung cách khiêm cung đã có sẵn trong nề nếp của Phật giáo Việt Nam mà Thầy, Tổ đã gạn lọc và truyền lại.
Nhưng điều nầy không có nghĩa là hậu thế phải làm y nguyên như xưa theo cách nói “xưa bày nay bắt chước”. Trái lại, có những cái mà trong thời đại ngày nay không thể áp dụng được, không phù hợp nữa thì cần phải thay đổi, phải hiện đại hóa Phật giáo để Phật giáo có thể cùng phát triển với dân tộc trong thời hiện đại. Vấn đề là sự thay đổi cần phải được cân nhắc thận trọng, cần hợp lý, hợp tình, cần được sự am hiểu, đồng thuận trong đại đa số trong Gáo hội trên tinh thần lục hòa.
Tiếp đến xin bàn về cách đọc các danh vị chư Phật, các thuật ngữ đặc biệt và các câu thần chú trong Phật giáo.
Chẳng hạn, nên niệm “‘Nam Mô A Di Đà Phật” hay “ Nam Mô A Mi Đà Phật” đã được tác giả Huệ Minh cũng như nhiều vị khác viết trong trang nhà Phật Tử Việt Nam mà Huệ Minh đã trích dẫn để bàn luận đúng, sai. Từ đó Huệ Minh đưa đến nhận định: “Là Phật tử Đông độ – phương Đông, nhất là ở VN, ai cũng biết 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật” là tông chỉ, là cốt lõi, là Tam Bảo của Tam Bảo. Sáu chữ này còn thì Phật giáo còn, 6 chữ này mất là mất Phật giáo, 6 chữ này thay đổi là Phật giáo, nhất là PGVN thay đổi = tha hóa = biến chất.” (1)
Chúng tôi xin góp một số suy nghĩ như sau.
Trước hết, xin thưa về lý : Các Kinh sách Phật giáo Đại thừa nguyên ở Ấn độ được viết bằng chữ Phạn (sanskrit), trong khi các Kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy (Tiểu thừa) viết bằng chữ Pāli. Kinh sách Đại thừa bằng chữ Phạn đã được dịch ra chữ Hán hoặc do các Đại sư người Ấn như Kumārajῑva (Cưu Ma La Thập) hay các Đại sư người Trung Hoa như Trần Huyền Trang. Nhưng khi dịch thì các ngài chỉ có thể dịch ý nghĩa Kinh văn, còn tên các vị Phật, Bồ tát, các thánh tăng, các nhân vật trong Kinh, tên các vùng đất cũng như các thuật ngữ đặc biệt , các câu thần chú thì không thể dịch ra nghĩa mà phiên âm từ tiếng Phạn ra tiếng Hán (gọi là phiên âm Phạn-Hán). Khi người Trung Hoa đọc các phiên âm Phạn-Hán ấy thì có thể gần tương tự như âm tiếng Phạn của nguyên văn. Một điều đáng lưu ý là việc phiên âm nầy được thực hiện từ trước và hầu hết trong thời nhà Đường (18 tháng 6 năm 618 – 4 tháng 6 năm 907). Nhiều chữ Hán người Trung Hoa thời nhà Đường có thể phát âm không hoàn toàn giống như người Trung Hoa ngày nay. Cho nên, bản thân người Trung Hoa ngày nay đọc các phiên âm ấy thì cũng đã có thể lệch một phần khỏi âm tiếng Phạn (âm tiếng Phạn vẫn không thay đổi từ xa xưa đén nay). Người Việt Nam ta vì dùng Kinh sách Phật bằng chữ Hán, và đọc các phiên âm Phạn-Hán ấy theo âm Hán Việt thì lại càng lệch khá xa khỏi âm tiêng Phạn của nguyên văn. Chẳng hạn câu thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh : nguyên tiếng Phạn là :
gate gate paragate parasaṃgate bodhi svāhā
Đã được phiên âm ra chữ Hán là :
揭帝 揭帝 般羅揭帝 般羅僧揭帝 菩提 僧莎訶
Người Trung Hoa ngày nay đọc hai chữ đầu : 揭帝 là ga-ti gần giống với nguyên văn tiếng Phạn là ga-tê (phiên âm trực tiếp từ chữ Phạn ra chữ Việt), trong khi người Việt Nam ta đọc hai chữ 揭帝 theo âm Hán Việt là Yết Đế. Như vậy khi đọc Yết Đế thì âm đã lệch khá xa với âm ga-tê của nguyên văn tiếng Phạn.
Tương tự chữ buddha trong tiếng Phạn được phiên âm ra chữ Hán là 佛陀 hay rút gọn thành một chữ 佛 mà người Trung Hoa đọc theo giọng Bắc Kinh là: “fó tuó”. Nhưng hãy lưu ý, đó là cách đọc của người Trung Hoa ở Bắc Kinh hay người Trung Hoa học cách đọc theo giọng Bắc Kinh, chứ người Trung Hoa ở các tỉnh khác như Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Khiến, …thì họ có thể đọc hai từ 佛陀 hay từ 佛theo giọng địa phương thì lại khác, và người Trung Hoa ở Đài Loan đọc theo phương ngữ của họ lại còn khác nữa. Trong khi người Việt Nam ta đọc hai chữ 佛陀 theo âm Hán Việt thành Phật Đà hay gọn lại là Phật thì tất nhiên càng xa âm của từ buddha trong tiếng Phạn. Nhưng nếu chúng ta phiên âm trực tiếp chữ buddha từ Phạn ra Việt sẽ thành bu(đờ)-(đơ)ha thì khi đọc lên sẽ nghe gần giống âm của chữ Phan buddha
Như vậy về lý mà nói (khế lý), để xướng đọc tên các vị Phật, các Bồ Tát, Thánh tăng,.., các câu thần chú sao cho càng gần đúng nguyên văn tiếng Phạn càng tốt thì nên phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn ra tiếng Việt và đọc các phiên âm ấy hơn là đọc theo âm Hán Việt những phiên âm Phạn-Hán của người Trung Hoa.
Đó là về lý, nhưng về tình thì sao, có hợp tình không? (có khế cơ không?) . Chúng ta không thể vội vàng, đơn giản cho rằng “nên” hay “không nên” bởi vì vấn đề dù khế lý, nhưng nó đụng chạm đến một truyền thống lâu đời mà tiền nhân đã để lại với biết bao tâm trí và tình cảm cho hậu thế chúng ta. Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đã có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và chúng ta tuân thủ những quyết định của Giáo Hội thì vấn đề “nên” hay “không nên” hãy để cho Giáo Hội quyết định. Nhưng mỗi người chúng ta nên nêu lên những suy nghĩ giúp làm sáng tỏ vấn đề Giáo Hội có nhiều cứ liệu mà sử dụng để những quyết định của Giáo Hội chính xác hơn, càng tốt hơn.
Trong tinh thần đó, chúng tôi nêu lên những suy nghĩ về cách niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” hay “Nam Mô A Mi Đà Phật” mà tác giả Huệ Minh đã cho rằng :
“Là Phật tử Đông độ – phương Đông, nhất là ở VN, ai cũng biết 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật” là tông chỉ, là cốt lõi, là Tam Bảo của Tam Bảo. Sáu chữ này còn thì Phật giáo còn, 6 chữ này mất là mất Phật giáo, 6 chữ này thay đổi là Phật giáo, nhất là PGVN thay đổi = tha hóa = biến chất.” (1)
Chúng ta thử tìm hiểu xem 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” và “Nam Mô A Mi Đà Phật” từ đâu mà ra
Theo Tịnh Độ Tông, có một thế giới gọi là Tây Phương Cực Lạc (tiếng Phạn là sukhāvatῑ) mà vị Giáo chủ ở đó có tên bằng tiếng Phạn là Amitābha hay Amitāyus, hay Amitaprabha hay Amitanātha (2).
Lưu ý là các từ Amitābha, Amitāyus, Amitaprabha và Amitanātha là danh từ riêng chỉ tên một vị Phật ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Nhưng trong tiếng Phạn, từ amitābha là từ kép tạo ra bởi sự ghép lại của hai từ : amita = vô lượng, nhiều vô số không thể đo, đếm được, và ābhā = ánh sáng, ánh huy hoàng. Cho nên từ kép amitābha = Ánh sáng vô lượng = Vô lượng quang. Tương tự, amitāyus là từ kép tạo ra bởi sự ghép lại của hai từ amita = vô lương, và āyus = đời sống, tuổi thọ, nên Amitāyus = Tuổi thọ vô lượng = Vô lượng thọ. Tương tự Amitaprabha là từ kép của amita và prabhā = ánh sáng, ánh huy hoàng; amitaprabha = Vô lượng quang; Amitanātha là từ kép tạo ra bởi amita và nātha = vị chủ, vị chúa. Từ kép Amitanātha nầy thuộc loại bahuvrῑhi, nên Amitanātha = người mà vị trí làm chủ là vô lượng. Cho nên Amitanātha cũng là Vô lượng thọ.
Các thánh tăng đã phiên âm chữ Phạn Amitābha ra chữ Hán thành 阿彌陀婆耶 hay thu gọn thành 阿彌陀 hay 彌陀 (3) mà người Trung Hoa đọc theo âm Bắc Kinh là “ā mí tuó pó yé “ hay thu gọn là “ā mí tuó” hay gọn nữa là “mí tuó” . Người Việt Nam ta đọc các từ nầy theo âm Hán Việt lần lượt là “A Di Đà Bà Da” hay thu gọn thành “A Di Đà” hay “Di Đà”.
Nếu chúng ta phiên âm trực tiếp chữ Phạn Amitābha ta chữ Việt thì thành : A-mi-ta-(bơ) ha. Vậy rõ ràng khi đọc theo âm Hán Việt của phiên âm từ Phạn ra Hán thì đã lệch xa âm Phạn rất nhiều so với đọc phiên âm trực tiếp từ Phạn ra Việt.
Còn “A Di Đà Phật” là người Việt Nam ta đọc theo âm Hán Việt của phiên âm ra chữ Hán được rút gọn thành 阿彌陀佛 của các chữ Phạn
Amitābha buddha (có nghĩa : Đức Phật Amitābha).
Như thế, các vị cho rằng tiền nhân chúng ta đọc “A Di Đà Phật” là sai thì chúng tôi không đồng tình. Theo chúng tôi, tiền nhân chúng ta đọc chính xác âm Việt chứ không đọc sai, nhưng chỉ vì các ngài đọc bản phiên âm Phạn-Hán nên lệch khá xa âm Phạn ban đầu mà thôi. Giả sử các ngài muốn đọc cho đúng âm Phạn hơn thì thời ấy cũng không có bản phiên âm Phạn-Việt để các ngài đọc!.
Các vị cho rằng đọc “A Di Đà Phật” là sai mà phải đọc thành “A Mi Đà Phật” mới đúng. Theo chúng tôi, nếu “A Di Đà Phật” đã sai thì “A Mi Đà Phật” cũng không đúng. Vì sao ? Nếu muốn chính xác theo âm Phạn thì tên của ngài nên được đọc là “A-Mi-Taa-(Bơ)ha” hay thu gọn thành “A-Mi-Taa” (ở đây : đọc “aa” là a với trường độ dài gấp đôi a) chứ không phải “A-Mi-Đà”. Hơn nữa trong cụm từ “A Mi Đà Phật” thì “A Mi” là âm Phạn của một nửa hồng danh của ngài, còn “Đà” lại là âm Hán Việt của phiên âm của nửa còn lại của tên ngài ra chữ Hán, và Phật là âm Hán Việt của phiên âm ra chữ Hán của từ Phạn Buddha. Như vậy “A Mi Đà Phật” hoàn toàn phi logic về phiên âm, trong kh”A Di Đà Phật” là hợp logic vì thuần Hán Việt của phiên âm theo logic từ Phạn ra Hán, dù “A Di Đà Phật” có xa âm gốc tiếng Phạn.
Nếu muốn tương đối chính xác âm Phạn hơn thì nên phiên âm “Amitābha buddha” ra tiếng Việt thành : “A-Mi-Taa- (Bơ)ha Bu(đơ)-(Đơ)ha”, và có thể đọc là “A Mi Ta Ba Bu Đa” hay đọc một cách Việt Nam hơn là “Bu Đa A Mi Ta Ba” hay gọn hơn là “Bụt A Mi Ta Ba”.
Riêng câu niêm Phật “Nam Mô A Di Đà Phật” thì các tiền nhân chúng ta đã đọc theo âm Hán Việt phiên âm ra chữ Hán : 南無阿彌陀佛 của câu niệm tiếng Phạn :
“ namo ʹmitābhāya buddhāya”
(nguyên là : “namaḥ amitābhāya buddhāya” , nhưng luật Sandhi làm cho “aḥ a” = o).
Nếu phiên âm trực tiệp câu ấy từ Phan ra Việt thì thành :
Na-Mô Mi-Taa-(Bơ)ha-Da Bu(đơ)-(Đơ)haa-Da
mà có thể đọc theo tiếng Việt là:
Na-Mô Mi-Ta-Ba-Da Bu-Đa-Da
hay nếu lượt bớt chữ Bu-Đa-Da thì câu niệm thành :
Na-Mô Mi-Ta-Ba-Da
Như vậy, nếu ‘Nam Mô A Di Đà Phật” là xa với âm Phạn thì “Nam Mô A Mi Đà Phật” cũng vừa khá xa âm Phạn vừa phi logic trong phiên âm như đã nêu trên.
Câu niệm tiếng Phạn: “namo ʹmitābhāya buddhāya” nầy có nghĩa là :
Kính qui ngưỡng về đức toàn giác A Mi Ta (Bơ)ha
hay thu lược bớt chữ buddhāya thì thu gọn thành: Kính Ngưỡng Đức A Mi Ta Ba
Tương tự, những câu thần chú trong Phật giáo Đại thừa thì hầu hết người Việt Nam theo Đại thừa hiện nay đều đọc theo âm Hán Việt của bản phiên âm ra chữ Hán của bản tiếng Phạn (bản phiên âm Phạn-Hán). Và như vậy các âm mà người Việt đọc thì lệch khá xa âm Phạn của nguyên văn.
Nếu chúng ta phiên âm trực tiếp từ Phạn ra Việt thì người Việt đọc các phiên âm ấy gần giống âm Phạn của câu thần chú hơn. Ngoài ra, tuy thần chú là “mật ngôn” của các vị Phật hay Bồ tát, không thể dịch ra ngôn ngữ khác mà cần phải đọc nguyên tiếng Phạn, cho nên nếu đọc nguyên bản tiếng Phạn hay đọc bản phiên âm Phạn-Việt, thì vẫn còn có thể hiểu được một phần nào ý tưởng trong thần chú, chứ đọc theo âm Hán Việt của bản phiên âm Phạn-Hán thì không thể hiểu bất cái gì. Chẳng hạn : Câu đầu của chú Đại Bi : Hiện nay, nếu chúng ta đọc theo âm Hán Việt là : Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.
Tất nhiên với cách đọc nầy, chúng ta không thể hiểu một chút gì hết. Nhưng đó là câu phiên âm ra chữ Hán của câu tiếng Phạn: Namo ratna-trayāya.
Nếu phiên âm trực tiếp ra tiếng Việt thì có thể thành: Na- mô rát-na-tra-daa-da.
Thì người Việt đọc phiên âm Phạn-Việt nầy gần giống với nguyên âm tiếng Phạn “Namo ratna-trayāya” hơn.
Ngoài ra, khi đọc hoặc câu nguyên văn tiếng Phạn hay câu phiên âm Phạn-Việt, người có học ít tiêng Phạn (tăng, ni học tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam đều có học tiếng Phạn), thì hiểu được rằng câu ấy có nghĩa: Con xin kính qui ngưỡng Tam Bảo hay Kính ngưỡng Tam bảo
Trên con đường phát triển đất nước trong tinh thần hội nhập với thế giới, nhưng cần nêu cao độc lập, tự chủ, tự cường, Phật Giáo Việt Nam ngày nay cũng cần theo tinh thần ấy. Vì vậy xin đề nghị :
Trong mọi nghi thức Phật giáo, người Việt Nam cần phải sử dung kinh sách bằng tiếng Việt, nghĩa là cần dịch mọi kinh sách Phật Giáo ra tiếng Việt để sử dụng.
Riêng các tên bằng tiếng Phạn của các vị Phật, Bồ tát, các thánh tăng, luận sư,…các nhân vật , các địa danh trong kinh văn và những câu thần chú nên phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn ra tiếng Việt để đọc.
Những vị lớn tuổi đã quá quen thuộc với việc đọc theo âm Hán Việt những phiên âm Phạn-Hán thì cứ tiếp tục đọc như thế. Những tăng, ni trẻ đang theo học tại các Học viện Phật Giáo nên đọc theo bản phiên âm Phạn-Việt.
Đó là đề nghị của chúng tôi dựa trên khế lý và dung hòa với tình hình thực tế hiên nay, tức đáp ứng cả phần khế cơ.
Nhưng vấn đề được quyết định như thế nào là thuộc thẩm quyền của Giáo Hôi Phật Giáo Việt Nam
Sau cùng, chúng tôi xin trao đổi vài ý tưởng trên cái qui kết của tác giả Huệ Minh:
“Là Phật tử Đông độ – phương Đông, nhất là ở VN, ai cũng biết 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật” là tông chỉ, là cốt lõi, là Tam Bảo của Tam Bảo. Sáu chữ này còn thì Phật giáo còn, 6 chữ này mất là mất Phật giáo, 6 chữ này thay đổi là Phật giáo, nhất là PGVN thay đổi = tha hóa = biến chất.” (1)
Chúng tôi nhận thấy câu nầy gồm 3 ý quan trọng:
1. Là Phật tử Đông độ – phương Đông, nhất là ở VN, ai cũng biết 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật” là tông chỉ, là cốt lõi.
Theo chúng tôi, nhận định nầy là “không chính xác”
Vì sao ? Trong Phât giáo có nhiều pháp môn mà trong Kinh sách thường dùng con số 48.000 pháp môn để tượng trưng là nhiều. Và Tịnh Độ Tông là một trong các pháp môn của Phật giáo Đại thừa. Những ai không tu theo Tinh Tộ Tông có thể không cho rằng 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” là tông chỉ, là cốt lõi, đặc biệt các vị tu theo Phật giáo Nguyên Thủy (Nam Truyền hay Tiểu Thừa).
2. là Tam bao của Tam bảo.
Chúng tôi nghĩ rằng qui kết nầy không đúng với “chánh pháp”. Vì sao? Là Phật tử, ai cũng biết “Tam bảo” là từ để chỉ ba thành phần quí giá nhất trong Phật giáo là Phật, Pháp, Tăng. Cho nên khi nói “Tam bảo của Tam bảo” thì phải chăng hàm nghĩa là trong Phật giáo còn có ba thứ gì quí hơn Phật, Pháp, Tăng để tác giả Huệ Minh gọi là “Tam bảo” ? Theo tác giả Huệ Minh thì 6 chữ “ Nam Mô A Di Đà Phật” là quí hơn, có giá trị hơn tất cả chư Phật, tất cả Thầy, Tổ, Tất cả Kinh Luật, Luận ?
3. Sáu chữ này còn thì Phật giáo còn, 6 chữ này mất là mất Phật giáo, 6 chữ này thay đổi là Phật giáo, nhất là PGVN thay đổi = tha hóa = biến chất.”
Có quả thật như thế không ? Có đơn giản như vậy không ? Phật giáo Việt Nam còn, thế nào là còn ? thế nào hưng thịnh, thế nào là tha hóa, thế nào là biến chất ? Chúng tôi nghĩ không đơn giản là chỉ niệm 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” thì đủ để Phật giáo Việt Nam hưng thịnh, không tha hóa, không biến chất.
Ngoài ra, tại sao thay đổi lại đồng nghĩa với tha hóa ? Có những thay đổi làm cho xấu hơn, nhưng cũng có những thay đổi làm cho tốt hơn chứ ?
Hơn nữa, sự đổi thay trong bất cứ quá trình diển biến nào cũng là điều tất yếu, mà hơn ở đâu hết, Phật giáo đã nhấn mạnh là “vô thường”. Vậy thì ngôn từ, qui cách trong các nghi thức của Phật giáo cũng tuân theo luật “Vô thường” mà có thể đổi thay.
Vấn đề là trong sự thay đổi do vô thường ấy, những ngôn từ, những hình thức tuy có đổi thay qua các thời kỳ, trong các pháp môn tu tập, người tu theo Phật không chấp, không trụ vào bất cứ một hình thức nào, kể cả không trụ vào cái ý niệm “phải không thay đổi” thì mới mong được dần tiếp cận với chân lý giác ngộ.
C.L
Tài liệu tham khảo :
1. Huệ Minh, Từ “A Mi Đà Phật” lại nghĩ thêm về vấn nạn của Phật giáo VN, Giaodiemonline, ngày 27/9/2011
2. Franklin Edgerton, Buddhist Hybrid Sanskrit Grammar And Dictionary, Motilal Banarsidass Publishers Private LMT, 1998, Vol. II, page 63
3. Ernest J. Eitel, Handbook of Chinese Buddhism being Sanskrit Chinese Dictionary, Asian Educational Services, New Delhi, Chiennai, 2004, p. 7-8