Thế nên những phương thức thô bạo ấy không còn cần thiết nữa. Thay vào đó, những lễ hội ngoại lai, những hình thức văn nghệ thô bạo điên cuồng được khuyến khích tổ chức rùm beng bởi những kẻ mù tịt đối với văn hoá dân tộc hoặc cố ý quay lưng với cội nguồn, đang lôi kéo người trẻ xa rời truyền thống tổ tiên. Những hình ảnh của lối sống cá nhân, hưởng thụ, kích dục, khiêu dâm được quảng bá tràn lan trên những phương tiện truyền thông đại chúng đang huỷ hoại những đức tính thiểu dục tri túc, vong kỷ vị tha – gốc rễ của văn hoá dân tộc.
Trước tình hình này, chúng ta cần có những phương sách giáo dục văn hoá dân tộc, giá trị cổ truyền cho con em chúng ta. Rất đáng mừng là nhà nước đã bắt đầu công tác này bằng quyết định chọn ngày 23 tháng 11 hằng năm làm Ngày Về Nguồn. Chúng tôi nghĩ cách giáo dục hiệu quả nhất là nuôi dưỡng những nét đẹp văn hoá truyền thống trong đời sống hằng ngày của nhân dân ta. Ngày 22/11/2008 vừa qua, Ông Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch đến dự lễ khai mạc Tuần lễ Văn hoá Huế và Ngày Về Nguồn tại Hà Nội trong bộ lễ phục truyền thống là một động thái rất ý nghĩa. Ông muốn nói rằng kêu gọi về nguồn thì các nhà lãnh đạo cũng phải về nguồn, hay đúng hơn, phải về nguồn trước.
Trong bài viết nầy chúng tôi xin đề cập đến hai nét văn hoá dân tộc mà chúng tôi nghĩ rất có ý nghĩa, rất đáng giữ gìn.
1/ Chắp tay bái chào
Chắp tay bái chào là cách chào đơn giản mà trang nghiêm |
Bắt tay nhau khi gặp gỡ hay lúc chia ly là lối chào của người Tây phương, du nhập vào nước ta khi người Pháp sang xâm chiếm Việt Nam để biến thành thuộc địa. Mỗi khi gặp nhau, người Pháp đưa tay bắt, miệng nói: “Bonjour”. Do đó, nhiều người Việt ta nói: “Bonjour một cái nào” thay vì “Bắt tay một cái nào”.
Vậy trước khi người Pháp đến, người Việt ta chào nhau như thế nào? Tôi đoán: chắp tay bái chào. Những cụm từ “bái kiến”, “bái biệt” cho chúng ta tin điều đó. Thấy nhau cũng chắp tay bái. Từ giã nhau cũng chắp tay bái. Lối chào này ông cha chúng ta bắt chước Ngài Bồ tát Thường Bất Khinh. Trong Kinh Pháp Hoa ở phẩm 20 Đức Phật kể: Thời Phật Oai Âm Vương tại nước Đại Thành có vị Tỷ Kheo Bồ Tát tên Thường Bất Khinh. Vì sao có tên này? Vì gặp bất cứ ai, dù Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni, dù Ưu bà tắc hay Ưu bà di, Ngài cũng thi lễ mà nói: “Tôi không dám khinh thường quý vị vì quý vị toàn là những người có thể đi theo con đường Bồ Tát, quý vị sẽ thành Phật”. Nghe vậy, có người mắng nhiếc, ném đá hay đánh đập Ngài, Ngài cũng tránh xa ra rồi đứng nói lớn: “Tôi không dám khinh thường quý vị , quý vị sẽ thành Phật ”.
Bồ tát Thường Bất Khinh muốn nhắc nhở mọi người nhận thức và phát huy Phật tính của mình để được giác ngộ giải thoát. Phật tính còn gọi là Chân tâm (Tâm chân thật). Tục gọi là Lương tâm. v.v Việt Nam ta, trước khi bị Phương Bắc xâm chiếm và đô hộ, đã có một nền văn hoá dân tộc đậm nét Phật giáo; nên nhất định tổ tiên chúng ta cũng chào nhau theo lối chào của nhân dân các nước láng giềng.
Chắp tay bái chào là cách chào đơn giản mà trang nghiêm. Miệng mỉm cười, hai tay bái một bái đủ để chào một người mà cũng đủ để chào một tập thể rất nhiều người. Nhưng quan trọng nhất là ý nghĩa của cách chào. Chắp tay bái chào, chúng ta học hạnh của Bồ tát Thường Bất Khinh, nhắc nhở mọi người (trong đó có ta) giữ gìn và phát huy Lương tâm của mình. Người người giữ gìn và phát huy lương tâm của mình, thì quan chức hết tham nhũng, thương gia hết gian lận, giáo viên xứng đáng là kỹ sư tâm hồn, bác sĩ đích thực là lương y, trộm cắp sẽ hết, chém giết không còn, xã hội an vui, nhân dân hạnh phúc.
Chắp tay bái chào để người người tỉnh thức. Chắp tay bái chào cho xã hội an vui.
2/ Ngày Báo Hiếu
Ngày Báo hiếu giúp con em chúng ta tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà, nghĩ về nguồn cội |
Cách đây khoảng mươi năm, trong mục Lá Thư Cuối Tuần của chương trình tiếng Việt trên Đài BBC, vài bạn trẻ thấy người Tây phương tổ chức kỷ niệm Ngày Mẹ (Mother‘s Day) vào ngày Chủ Nhật thứ hai của Tháng Năm và Ngày Cha (Father‘s Day) vào ngày Chủ Nhật thứ ba của Tháng Sáu, bèn thắc mắc tại sao người Việt ta không dành một ngày cho Mẹ và một ngày cho Cha. Những người này không biết dân tộc ta có Ngày Báo Hiếu vào Rằm tháng Bảy âm lịch. Sao không hai ngày mà chỉ một? Vì dân tộc ta vốn không biết chủ nghĩa cá nhân. Chỉ biết đến mình sao được khi mà mọi người đều liên quan mật thiết với nhau không chỉ trong hiện tại mà cả trong quá khứ và tương lai? Một người nghĩ điều hay làm việc tốt thì mọi người lợi lạc sung sướng. Một người nghĩ điều sai làm việc xấu thì đem lại mất mát khổ đau cho nhiều người. Cha mẹ lại càng gắn bó mật thiết hơn. Ông bà cha mẹ chúng ta ngày trước gọi nhau: “Mình ơi!”. Nghe vợ gọi “Mình ơi”, chồng biết vợ gọi mình. Nghe chồng gọi “Mình ơi”, vợ biết chồng gọi mình. Chồng mình là mình. Vợ mình là mình. Người này là “một nửa đích thực” của người kia. Như vậy thì làm sao mà chia cắt được. Tách cha ra khỏi mẹ hay tách mẹ ra khỏi cha, thì đều như chim lìa cánh, như cây lìa cành. Vì thế mà tổ tiên chúng ta tổ chức bày tỏ sự biết ơn của con cái đối với cha mẹ trong cùng một ngày.
Lại nữa, cha mẹ ta đâu phải khi không mà có. Ta có được nhờ cha mẹ ta sinh thành. Cha mẹ ta có được nhờ ông bà ta sinh thành. Ông bà ta có được nhờ cố vải ta sinh thành. Cho nên trong ngày Báo Hiếu người Việt ta không chỉ tưởng nhớ đến cha mẹ mà còn cả ông bà nhiều đời (thất thế phụ mẫu). Và để giúp con cháu biết rõ ông bà nhiều đời, rõ cội nguồn huyết thống, ông cha ta đã lập ra gia phổ, tộc phổ. UNESCO tán thán việc làm này nên đã tài trợ cho Hà Nội tổ chức trưng bày tộc phổ của 100 họ cách đây khoảng bốn, năm năm.
Tại sao Ngày Báo Hiếu được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch? Văn hoá dân tộc ta vốn đậm nét Phật giáo. Tổ tiên ta tin Phật, thờ Phật, làm theo lời Phật dạy. Hồi Phật còn tại thế, Ngài Mục Kiền Liên – đệ tử giỏi thần thông nhất của Phật – xuống thăm mẹ ở địa ngục. Thấy mẹ ốm o đói khát, Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ. Nhưng cơm vừa đưa đến miệng thì hoá thành lửa, mẹ Ngài không sao ăn được. Đau đớn trước cảnh khổ của mẹ, Ngài Mục Kiền Liên về kể với Phật, xin Phật cứu giúp. Phật dạy: “Mẹ ông tội lỗi sâu dày, không phải sức ông mà giải thoát được; phải nhờ uy lực của mười phương chúng tăng mẹ ông mới được giải thoát tội nghiệp. Rằm tháng 7 là ngày tự tứ của thập phương tăng sau ba tháng an cư kiết hạ thanh tịnh. Ngày này chư tăng có giới hạnh thanh tịnh, trí đức vô biên, ai được cúng dường chư tăng như thế thì tất cả lục thân quyến thuộc đều được giải thoát khỏi ác đạo, cha mẹ hiện còn phước thọ tăng thêm”. Ngài Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, mẹ Ngài liền được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Vâng lời Phật dạy, tổ tiên chúng ta tổ chức ngày báo hiếu vào ngày rằm tháng 7.
Để Ngày Báo Hiếu thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó, chúng tôi đề nghị những cặp vợ chồng trẻ chọn một ngày thuận tiện trong khoảng thời gian từ 13 đến 17 tháng 7 âm lịch, đưa con cháu về nhà cha mẹ mình thăm viếng hỏi han, tặng quà cho cha mẹ, thiết lễ cúng tế tổ tiên ông bà, rồi cùng nhau dùng bữa thân mật. Đến ngày rằm tháng 7 cùng nhau đến chùa cúng dường và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà nhiều đời được siêu thoát. Làm như thế giúp con em chúng ta tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà, nghĩ về nguồn cội, cảm nhận được tình cảm huyết thống, thương yêu đùm bọc nhau hơn. Ngày Báo Hiếu đưa con em về với cội nguồn, tạo đoàn kết thương yêu hoà hợp.
Chúng tôi tin rằng hai nét văn hoá trên, nếu được nuôi dưỡng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, sẽ góp phần vô hiệu hoá âm mưu xâm lăng văn hoá từ nhiều phía.
Đ.X.L