Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Vài đặc sản và nếp sống văn hoá làng Năm Phổ

Vài đặc sản và nếp sống văn hoá làng Năm Phổ

240
0

Làng Năm Phổ có năm thôn: Phổ Đông, Phổ Trung, Phổ Nam, Phổ Thượng và Phổ Tây. Bốn thôn Đông, Trung, Nam, Thượng đều nằm dọc theo đường Nguyễn Sinh Cung, chỉ Phổ Tây nằm bên kia sông Lợi Nông, cách chợ Mai một cái cầu nhỏ duyên dáng bắc ngang nối đôi bờ.

Phổ đây có nghĩa là những phần đất có ranh giới, liền kề nhau như anh em trong cùng một gia phổ vậy. Ở Phổ Đông có một ngôi chùa xây dựng khoảng năm 1956, lúc đầu bằng tranh tre, ngày nay chùa được trùng tu, rồi xây dựng lại, rộng rãi khang trang, với tường cổng kín đáo và nhà tăng, nhà hội, chánh điện nguy nga, thờ phụng nghiêm trang tôn kính. Trú trì là Thượng Tọa Thích Trí Đạo. Chùa có mặt tiền giáp với tỉnh lộ Nguyễn Sinh Cung, bên trái chùa sát một xóm rộng, bên phải cũng có xóm nhỏ, men theo một con “hói”. Con hói này xem như ranh giới giữa hai thôn Đông và Trung. Nước chảy lúc nào cũng trong trẻo, thông thoáng ngày xưa dân làng thường dùng nước này để ăn uống và giặt.

                                                                                                         Chùa Năm Phổ

Bên phía thôn Phổ Trung, vườn nào cũng trồng tre xanh um, cây thẳng, cây nghiêng là đà trên con hói tạo nên cảnh trí thiên nhiên trông dễ thương vô cùng. Ngược lại, bờ hói phía Phổ Đông, người ta trồng cây tra. Lá tra tròn và nhám, rợp bóng che chở con xóm ngoằn nghèo mát mẻ. Từ xuân sang hè, hoa tra nở từng chùm vàng tươi, làm cho xóm nghèo trở nên thơ mộng.

Tại thôn Phổ Trung, ở xóm đầu thôn cũng có một ngôi chùa Pháp Hoa. Chùa có cây cảnh, có lầu thờ phụng trang nghiêm. Trú trì chùa là Ni Sư Thích Nữ Minh Đài. Trong chùa hiện còn có phòng khám từ thiện có tên là Tuệ Tĩnh đường Pháp Hoa, hàng ngày có nhiều bà con nghèo cực, bịnh tật đến đây để được khám bịnh miễn phí.

                                                                                                          Chùa Pháp Hoa

Ở Phổ Đông, có miếu thờ Đức Khổng Phu Tử và men theo xóm hói ra đồng, ta sẽ thấy một nền trống vuông vức đúc bằng xi-măng để hằng năm sau ngày xuân tế của làng, người ta dựng rạp tế “Văn thánh”.

Thôn nào cũng có nhà thờ riêng, nhưng chung cho làng thì có đình cả, lớn và rộng rãi dùng để cúng tế, nhóm họp của cả năm thôn.Người dân ở đây sống đời hiền hòa chất phác.

Nhà nào cũng có vườn, trồng rau cải, đậu mè, các loại cây chuối, trước gia dụng, sau dư thừa đem ra chợ bán. Ngày trước, chủ yếu khắp năm thôn, nhà nào cũng trồng cau thành từng hàng thẳng tắp, cây nọ cách cây kia chừng một mét. Song song với trồng cau người dân cũng chuyên về nông nghiệp.

Cau nổi tiếng một thời của Năm Phổ, cũng như trầu nổi tiếng một thời của chợ Dinh: “Cau Năm Phổ, trầu Chợ Dinh”.

Trai gái ở đây đều trèo và lột cau rất giỏi. Người lột cau xong một hàng mới tuột xuống nhờ họ nhún và vít để sang cây bên cạnh. Lưng họ có choàng một sợi dây, để cột buồng cau dóng xuống cho người đứng dưới đất hứng lấy. Để trèo cau, người ta dùng một cái vòng gọi là “nài” bện bằng rơm hay bẹ chuối sứ khô, mềm mại,  êm ái để không làm chợt chân.

Từ đặc sản này, dân làng còn chuyên buôn bán cau. Đến mùa cau tươi, người ta mua cau, đóng cau vào giỏ tre chở ra Vinh, Hà Nội, là những nơi tiêu thụ  nhiều nhất. Cau quá nhiều, không bán kịp, để lâu trên cây quả cau sẽ già đi, hột cứng nên phải lột để bửa. Người ta róc võ, rồi bổ trái cau thành bốn hoặc sáu, gặp nắng thì đem phơi trời mưa lạnh người ta sấy chúng bằng lửa than vùi tro. Khi cau khô róm người ta bỏ cau vào chum, ghè hay lu, có lót rơm khô. Cau được đổ đầy lu hay ghè, trên  mặt lớp tận cùng được phủ bằng một loại lá cây người ta gọi là “râm trời” để chống mối mọt, sâu sia, và gài kín miệng lu ấy bằng mo cau có tre chặn lại.

Như vậy, hết bán cau tươi lại bán cau khô. Cau khô bán vào mùa mưa. Thời điểm này cau hút, giá lên rất dễ bán. Nên kiếm lời dễ dàng.

Cau Nam Phổ và trầu chợ Dinh có duyên khắng khít như tình vợ chồng. Thảo nào , một nhà thơ xưa đã nói lên sự “keo sơn gắn bó” của cau Nam Phổ và trầu chợ Dinh như sau:

Trầu chợ Dinh ăn với Cau Năm Phổ,
Non vôi cũng đỏ, thiếu vợ cũng ngon;
Hạt thơm mà xác cũng giòn,
Được tiếng khen đà phải, dậy tiếng đồn không sai.

Đất Năm Phổ có thổ nghi trồng cau, cau ở đây có tiếng là “mỏng vỏ nhỏ xơ, tơ lộng trong ruột”, hạt trong trong mà cơ tỏ. Hình dáng quả cau giống với chiếc bánh dầy, nên dân gian gọi cau bánh dầy. Cau Nam Phổ ngon hơn cau Lương Quán.

Ở Trung Quốc nhập cau Thuận Hóa, vì cau tươi, ăn quả nó vừa đắng vừa chát, nhưng xác vỏ đi đem nấu chín, rắn như táo khô, ăn với giếng trầu không và vôi, thấy thơm ngon, hạ khí tiêu cơm. Khi cưới xin, đãi khách đều dùng:

Con hầu cặp tóc bước chân ra,
Tay nâng khay trầu mời khách xa.
Non đẹp cau tươi, từng miếng sắp
Trầu xanh, vôi trắng, đậm hơn trà
(Thơ cổ)

Giáo sư Trần Kinh Hòa: “Người Tàu mua cau Thuận Hóa đem về Quảng Đông ăn, thay trầu trà”. Ngoài nghề cau, trai trẻ trong làng lại xoay sang đóng chuôm, giăng lưới, bủa câu bắt tôm cá. Ông già chẻ tre đan đát, thúng, mủng, rỗ, nia. Các bà, các chị chăn nuôi heo ca gà vịt.

Các cô gái trẻ chuyên nghề gói bánh lá, chả tôm, nấu chè đậu ván, bánh cạnh, bắp hột, bắp trái. Trong các món ăn dân dã này, bánh canh Năm Phổ càng ngày càng nổi tiếng nhất. Gái quê Năm Phổ duyên dáng mặc áo dài gánh bánh canh lên bán tận phố khi trời còn tinh mơ.

Bánh canh Năm Phổ nấu bằng bột gạo, có pha một ít “bột năng” nên rất trong và mềm. Nhụy thuần tôm tươi, nhưng không phải tôm gân mà tôn càng, võ dày, khi luộc có màu đỏ tự nhiên. Người ta đập dập tôn nhuyển mà tôm không xơ ra. Ở nồi bánh canh, nhụy tôm thường được nhóm lại một góc. Lúc bán, họ múc bột ra tô trước, rồi dùng vá xoén một ít nhụy tôm bỏ lên mặt tô với vài cọng ngò thơm thật quyến rủ.

Bánh canh Nam Phổ hiền và ngon nên ai cũng thích. Ông già, con nít và người bệnh dùng bánh canh này thì tuyệt vời. Ngon đến nỗi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị phải đề thơ tán thán:

1.
Mời chị mời anh chén bánh canh Năm Phổ
Xơi vô khoẻ cổ có chất bổ có mùi hương
Lại thêm mát mẻ can trường
Sâm Cao ly cũng sút, rượu Quỳnh tương cũng không bì.
2.
Giả giọng Hoàng Anh kêu chị bánh canh Nam Phổ
Cho em biết tên biết họ biết cửa ngõ biết nhà,
Biết thêm nẻo lại đường qua
Em học nghề giáo bột rải nhuỵ hoa tươi màu.

Cách ăn mặc của các cô gái quê rất tầm thường nhưng gọn gàng kín đáo, nết na. Từ mùa này sang mùa khác, chiều chiều mỗi cô quảy một gánh đặc sản lên thành phố và các chợ bán. Các thức ăn này rẻ tiền, ngon cho nên đâu đâu người ta cũng đều biết. Hương vị ấy còn lưu truyền mãi đến bây giờ.

Cái duyên dáng rất tự nhiên của các cô gái này, khiến nhiều trai trẻ ban đầu đem lòng mến mộ, sau làm quen, tìm nhà thăm rồi yêu thương, kết tình vợ chồng.
Nam Phổ là một làng quê nhưng không xa đô thị lắm, cho nên nét văn hóa, văn minh không cách biệt nhiều với dân Huế. Nơi đây, tôi đã sinh ra và lớn lên với rất nhiều hoài niệm không bao giờ quên. Hồi bốn năm tuổi, tôi học mẫu giáo với cô Thỏa. Cô ấy chỉ đậu bằng Yếu lược xưa, không qua sư phạm gì cả mà cô dạy học tốt vô cùng. Lớp học cô dạy chừng 10 cháu  thôi. Cô nghiêm lắm khiến học trò rất sợ. Mỗi chúng tôi phải có 1 tập vở, một bảng con và phấn viết. Cô dạy chữ cái, rồi vần xuôi, vần ngược, sau cùng ghép vần thành chữ.

Chữ, vần cô dạy, chúng tôi đều viết lên bảng con để cô kiểm soát. Ai viết sai cô bắt viết lại cho thành thạo. Nhờ vậy chữ, vần, con số cô dạy học trò đều thuộc tại nhà cô ngay, về nhà chỉ xem sơ lại trước khi đi học. Nhờ căn bản và trời phú cho trí nhớ mà tôi học tốt, chứ thật ra tôi rất lêu lỏng. Ngày nào, ngoài việc bới cơm, nước ra đồng cho thợ gặt, người cày bừa ruộng, là tôi đi bắn chim bắt cá. Áo quần dơ bẩn, hôi nắng khiến bà ngoại tôi thường quở la mãi.

Thế mà thi vào lớp Năm trường huyện tôi cũng đậu và học đến lớp Nhất thông suốt. Rồi năm 1948, tôi cùng các bạn tôi thi vào trường Quốc Học, may mắn chúng tôi đều đậu cả; thật là một niềm vui. So với các bạn thành thị, hoàn cảnh thiếu thốn hoàn toàn mà kết quả vươn lên như thế, nên rất hảnh diện.

 Từ nhà tới trường, đứa gần, đứa xa, đổ đồng cũng phải đi bộ đến 4 đến 5 cây số, với đôi guốc “xà lúp” bằng gỗ mức và một mo cơm bới cùng dăm ba con tôm, cá kho khô. Trưa bải học, anh em bè bạn tôi ra bến “Thừa Phủ” ngay trước Ủy ban Nhân dân tỉnh bây giờ, chung nhau ngồi ăn trên các tảng đá. Sau đó chúng tôi hoặc nghỉ ngơi, hoặc ôn bài cho buổi chiều. Thời gian, làm thư sinh nghèo cho đến năm lên lớp Tứ niên, rồi đứa đậu đứa hỏng. Đậu thì vui, hỏng thì buồn. Từ đây, đứa học lên ban Tú tài, đứa ra đời làm việc, đứa đi dạy, đứa đi lính, rồi thời gian chống Pháp, kẻ Bắc người Nam xa nhau vời vợi.

Giờ đây nước nhà thống nhất, tôi và các bạn ấy có lúc bất chợt gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Đứa nào cũng có gia đình, cháu nội cháu ngoại tóc đã bạc màu sương gió. Trong cái vui hội ngộ, cũng có cái buồn, vì nhiều bạn đã qua đời ngoài chiến trường, hoặc do bệnh hoạn ngặt nghèo.

Tôi nhớ các bạn, nhớ “Năm Phổ”. Mỗi độ hè về, bên giếng làng là nơi hội ngộ của trai gái, tuổi thanh xuân tình cảm lai láng. Nơi đây, tôi cùng các bạn ấy đã từng nghe cô Cả hò vè thất thủ Thuận An, áo não đến chảy nước mắt và căm giận lũ giặc. Còn bác Thể có lối hò giả gạo, hò mái nhì, mái đẩy độc đáo rung động tâm tình tuổi trẻ yêu thương. Đây là những hoài nhớ trở thành kỉ niệm thân thương trong đời tôi và bè bạn mà nay họ đã trở thành ông thành bà tóc bạc răng long.
Ngày nay trở lại đây, tôi thấy đường sá khang trang phần nhiều được bê tông hóa. Làm nông, đã có máy cày, mắt gặt, máy bơm nước thay thế trâu, bò, phân chuồng dùng ít mà phân vô cơ thì nhiều hơn. Trai gái ăn mặc đẹp đẽ. Ngoài xã hội có nhà hội họp diễn văn nghệ, có trạm y tế và bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho dân. Nếp sống dân làng được nâng cao. Phần lớp thanh thiếu niên tiến bộ rất nhiều nhờ kế thừa truyền thống hiếu học ngày xưa mà học tập đến nơi đến chốn.
Làng Năm Phổ xưa, nay thuộc xã Phú Thượng vì ngoài Năm Phổ còn ghép thêm làng Ngọc Anh, Lại Thế, Dưỡng Mong và các phần đất Tây Trì…

Qua cái nhìn đại thế ấy, tôi vẫn có nỗi buồn riêng quạnh quẽ, khi ông bà ngoại tôi đã qua đời, ba má tôi cũng đã trở thành người thiên cổ. Những người đã sẵn sàng hy sinh nuôi nấng cho tôi thành người Phật tử thuần thành.

Xa quê, tôi không bao giờ quên ngôi chùa Khuôn và miếu thờ ngài Khổng Tử là những nơi uốn nắn con người có đạo đức, hướng đến văn hóa tiền bối, xóa bỏ hận thù, làm lành tránh dữ. Nhờ có ngôi chùa làng mà vào những ngày lễ Phật, dân chúng đến hành hương khỏi đi chùa xa. Chùa hun đúc tâm tính mọi người thuần hậu, trọng nhân nghĩa, thương yêu đùm bọc lấy nhau, khiến nhà nhà ở thôn Năm Phổ và cả xã Phú Thượng nữa có đời sống văn hóa tâm linh rất phong phú.

Nguyễn Hữu Chương

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here