Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Vài cảm nghĩ về Mẹ nhân đọc tập thơ Song đường của...

Vài cảm nghĩ về Mẹ nhân đọc tập thơ Song đường của Mặc Giang

143
0

Rồi những chứng bịnh bất thường của người già. Mẹ còn mạnh khỏe đó, sáng sớm mai chợt như già đi trăm tuổi. Có gì đâu, một đứa cháu lấy chồng Việt kiều sẽ đi xa, một một người bà con qua đời… tất cả nỗi buồn cùng cơn vui thái qúa đều đưa đến các chứng bệnh không thể nói trước ở người già. Dân gian có câu:

    Mẹ già như chuối ba hương
    Như xôi nếp một như đường mía lau.

Mẹ là giòng suối ngọt lành, là tất cả. Và ta chạnh lòng nghĩ đến mẹ.

Không phải lúc nào ta cũng nhớ đến mẹ.Có bao giờ ta nghĩ đến một ngày kia mẹ sẽ già và sẽ bỏ ta mà đi; khi tuổi đời còn trẻ, còn năng lực cống hiến cho đời, hay thu góp của đời càng nhiều càng tốt? Thế mà lúc ta ốm đau tật bệnh, lúc ta nghèo khổ túng đói, người, như một phép lạ, luôn ở bên ta. Khi ta còn nhỏ, mỗi lần ta đau ốm, mẹ  thức suốt đêm ẵm ta trên tay, ban ngày lo nấu nướng dọn dẹp, hoặc chạy lo cái ăn cho ta, trong khi ta ngủ li bì sau khi cơn sốt đã bị đẩy lùi. Có mẹ, ta có tất cả, mất mẹ, đời ta trở thành hư vô.

Đọc những vần thơ sau:

    Mẹ là một con người, nhưng là một con người không ai thay thế
    Mẹ là một con người, nhưng nhờ mẹ mới có em
    Chín tháng mười ngày, lòng mẹ đang quặn thắt
    Ngày em ra đời, mẹ như đứt ruột đứt gan
    Thân mẹ ra sao, mẹ cũng chẳng màng
    Mẹ quay nhìn em, thử em có bình yên không đã!
    …Em trưởng thành bao nhiêu, mẹ tàn tạ úa già
    Mắt yếu, lưng còng, mòn thịt, mòn da
    Để cho em thành người, như người ta trong xã hội
    Đức hi sinh của mẹ như trời cao diệu vợi
    Tình thương yêu của mẹ như biển cả thâm sâu
    Tôi xin nhắc em, đôi lời em nhé!
    Mẹ đã gian truân, đau khổ nhiều rồi
    Mẹ đã vì em, tóc bạc da mồi
    Nếu em thương mẹ, thì đừng để một ngày mai, quá chậm!!!

                                  ( Nhắc những em tôi)

Còn gì giản dị và bao la hơn tình mẹ. Và tình con càng sâu lắng:

Dù có làm ông gì
Đối diện mẹ, con cũng mong hai tiếng thương yêu
Dù có làm bà gì
Đối diện mẹ, con cũng mong được nuông chiều

Một lời thật là sâu sắc, nó nói lên qúa đủ tình mẹ mênh mông như biển trời, tình cha cao như núi Thái. Tưởng như ta còn nhỏ dại lắm; ta không bao giờ lớn khôn lên cả mỗi khi ta về bên mẹ. Sung sướng vô cùng sau khi vượt qua một chặng đường dài về tới nhà, tắm rửa sạch sẽ, nằm trên chiếc giường chiếu gối thơm tho – có khi chỉ là mùi hoa lý, hoa nhài mà em gái hay mẹ ta cố ý để dành lại lấy hương cho căn phòng hẹp, được nằm trong phòng đọc sách, mà không làm gì cả, sau đó được mẹ hay chị gái – mà thường là mẹ, ân cần đem tới li nước mát để uống, chỉ sợ ta đói, mệt. Mẹ luôn là vậy, một nàng tiên nhân ái, một thiên sứ. Vì ta, trước hết mùa đông người lo đan áo cho bầy con, hết đứa lớn đến đứa nhỏ, sợ con lạnh. Sau đó đan áo cho chồng. Thời đại ngày nay, có em gái nào nghĩ đến chuyện đan áo cho chồng con nữa không, hay là đổ tội cho thời đại, cho công ăn việc làm, rồi chạy ra tiệm mua áo, mua xơ, thậm chí tã lót cho đứa con đầu lòng, và các đứa thứ hai, thứ ba?

Tình mẹ bao la ngọt ngào biết mấy! Có khi cầm chiếc áo trên tay mẹ đan hồi mẹ đã 85 tuổi! Mẹ đan áo cho con, đan que nhỏ mà len sợi lớn cho dày, mặc cho ấm. Mẹ nói với tôi rằng, ngày xưa ở với mẹ con có  đi chợ đâu! Chỉ ăn rồi đọc sách và đi chơi với chúng bạn. Thậm chí việc tôi học mẹ cũng cho là không có, mẹ bảo con chỉ thích chưng diện đi chơi. Trải bao thăng trầm cuộc thế; bàng hoàng nhớ lại, ngẫm lại thì ra mẹ già thật, nhưng trái tim mẹ không bao giờ già. Trái tim không hề biết đến cái giá rét, cái nắng hạn, cái khô cằn. Trái tim người mẹ chất đầy tình yêu con mà tình yêu thì mãnh liệt hơn sự chết. Tình mẹ thì như nước biển đông không bao giờ vơi. Đó là một thứ tình cảm đặc biệt thiêng liêng vô giới hạn.

Người viết những câu thơ thật cảm động:

    Ngày em ra đời mẹ như đứt ruột đứt gan
    Thân mẹ ra sao, mẹ cũng chẳng màng,
    Mẹ quay nhìn em, thử em có bình yên không đã!

Thế mà ngược lại, đứa con có khi, theo tiếng gọi của non sông, một đi không trở lại…

Thơ người khiến tôi nhớ lại bao kỉ niệm vui buồn. Có con mới hiểu lòng mẹ. Khi mang thai đứa con đầu, mẹ khuyên tôi mỗi buổi sáng dậy sớm trước hết mở toang hai cánh cửa, hít thật sâu vào lồng ngực sau đó mới cầm chổi quét nhà. Có thai không nói lời nung,  không hờn giận, không nuôi nấng những tình cảm xấu ác như ganh ghét, trả thù.

Có thai đứa con đầu những năm 78, 80, thành phố tôi ở trước đây sáng choang ánh điện, bây giờ nhà đèn trả cho Pháp? Đêm hôm mỗi nhà một ánh đèn dầu leo lắt. Cúp điện thường không báo trước. Không hiểu sức mạnh bên trong nào thúc đẩy khiến mỗi ngày tôi vượt qua được hàng chục km đường trường bằng xe đạp, ngán nhất là công việc đi dạy hay điều khiển học trò lớp 9 dạy bổ túc ban đêm. Phải vượt qua một quãng đường chừng 5km, qua một con đò, rồi còn phải đạp xe vô đường làng gập ghềnh lỗ trâu đi.

Cũng chưa ngán bằng khi đạp xe trở về, đường trong làng tối om, nhà quê đi ngủ sớm và thường thức dậy khi thành phố vẫn còn say ngủ. Đường làng tối như hũ nút, nó chỉ được chiếu sáng nhờ ánh đèn pin của học viên về cùng lối, họa hoằn lắm mới có ánh đèn dầu từ trong một căn nhà nào đó ngủ muộn. Ra đến đường cái mới có ánh điện, qua chừng 1km50 mới tới bến đò, bà lái đò chỉ chống sào đợi một mình tôi. Rồi phải qua một nghĩa địa vắng vẻ, một bãi rác hôi thối. Cả nghĩa địa và bãi rác kéo dài khoảng gần 2 km nữa mới đến cầu Cháy. Gọi là cầu Cháy (tiếng dân gian) vì là chiến tranh bom đạn khiến thành cầu bị cháy xém. May mà chiếc cầu này do công binh Mỹ làm trước 75 nên mới không sập và còn có mấy trụ đèn trơ gan cùng tuế nguyệt, tuy chỉ đỏ le lói hai trụ nhưng có còn hơn không. Đêm nào cúp điện thôi khỏi phải bàn. Sức mạnh nào thúc đẩy tôi vượt qua các chướng ngại ấy, sự tối tăm, giá rét mùa đông, nắng khô mùa hè, cho đến ngày sinh nở nếu không vì tình mẫu tử thiêng liêng? Không dám ăn bậy, không dám đạp xe nhanh, chỉ sợ ảnh hưởng đến con. Thế mà vui biết mấy, tình thương con nảy nở khiến tiêu tan bao nỗi nhọc mệt mỗi khi ta về đến nhà.

Thật lạ, người đã nói giùm ta những điều ta trăn trở, một đôi khi thôi:

    Mẹ là mây sắc hương ngàn
    Thương em như nước trường giang xô bờ
    Mẹ là hoa, mẹ là hương
    Mẹ là nguồn cội tình thương nhiệm mầu.
                         ( Những lời mẹ thương)

Ta còn có mẹ trong đời, là một nguồn hạnh phúc vô biên. Thời đại bây giờ con người sống lí trí khô khan nhiều hơn tình cảm. Công việc, những mối lợi trong thương trường, tranh đấu giữ lãnh thổ, khiến nhiều khi ta quên mất vai trò người mẹ.  Sự lãng quên vô tình kia, may thay, đã có người nhắc em thơ, những đứa em còn nhỏ dại  tưởng chừng vô tư qúa lắm. Sự thật, cả khi ta khôn lớn, sáu bảy chục tuổi mẹ vẫn coi ta còn nhỏ:

    Trong cuộc đời, nếu ai có hỏi
    Thương yêu ai cao nhất trong đời
    Em đáp liền, không do dự, em ơi
    Tình thương cao cả nhất, xin dành cho cha mẹ.
                             ( Bài ca hay nhất)

Không những có mẹ mà còn có tình cha. Tình cha thì sâu kín và mãnh liệt. Không những là người anh hùng ngoài trận mạc, người cha còn thương con một tình thương vô bờ bến, tình cha mãnh liệt mà sâu kín bởi đàn ông lí trí hơn đàn bà.

Hơn ai hết, người hiểu tình cha. Một tình cảm đặc biệt khiến có khi người cha có thể hi sinh, có thể bỏ tất cả, vì con.

    Cha em đó, mồ hôi nước mắt
    Cha em đó, chan nắng đổ mưa
    Cha em đó, chân tay sần sũi
    Đánh đổi một đời, gian khổ vì em
    Nếu em có gì, cha em trầm ngâm không  nói
    Nếu em có gì, cha em se thắt tâm can
    Em có biết không, cha em đứt ruột đứt gan
    Nặng trĩu khối đầu
    …
    Dù không buông những tiếng yếu mềm
    Nhưng lòng cha chan nước mắt
    Đó chính là như nhà có nóc

    Che cho em, không nắng không mưa
    Che cho em, sóng cả gió lùa
    Khôn lớn trưởng thành, để đi vào trường đời
    …
    Dùng chữ nghĩa yếu mềm, thì làm sao diễn tả.
                      ( Công cha, một tiếng, một đời)

Hình như người biết rằng nói bao nhiêu cũng không đủ, bởi ngôn từ thì giới hạn mà tình thương tự nó vốn vô biên. Người nhắc những em thơ và cả người lớn:

    Cho nên còn có mẹ trong đời
    Em hãy sung sướng lên đi!
    Chị hãy sung sướng lên đi!
    Và, anh hãy sung sướng lên đi!
                      ( Còn mẹ là còn tất cả)

Rồi cái điều không ai muốn đã xảy ra:

    Nhiều khi đem nhớ ra hong
    Ấm đâu không thấy mà đông lạnh lùng

Trong Bông hồng cài áo, Thiền sư Nhất Hạnh viết:

    “Tôi biết tôi mất mẹ
    Là mất cả bầu trơi”

Bởi vì, có ai thương ta bằng mẹ ta. Mẹ ta sung sướng khi ta cười, lo lắng buồn bã khi ta đau ốm. Rồi khi buộc lòng phải trừng phạt ta mẹ cũng khóc. Chín tháng cưu mang, ba năm chăm bẵm bú mớm, tập nói, tập đi, đều là công mẹ.

    Chỉ cần mẹ, đời em biết yêu thương
    Tặng phẩm mẹ trên trần gian lớn nhất.

Những điều tưởng bình thường hóa ra không phải thế. Những điều tưởng cao xa hóa ra rất giản dị. Ở đó ta có mẹ, có mẹ là ta có tất cả, mất mẹ là ta mất tất cả, mất ”cả một bầu trời”.

    Hỡi trời, trời cao bao lớn
    Hỡi đất, đất rộng tới đâu
    Đem chứa, không đầy mắt mẹ
    Đem so, tim mẹ chưa tràn
    
                     ( Đừng quên có mẹ trong đời)

Phương xa mất mẹ, còn nỗi đau nào lớn hơn. Người nói lên nỗi niềm của mình với bao nhiêu tiếc thương:

    Mẹ về một cõi tịch liêu
    Còn đâu hai tiếng: mẹ yêu trong đời
    
                      ( Mẹ đã đi rồi)
    Lạnh lùng nghe tiếng đêm đông
    Xa xôi nghe tiếng mênh mông vô bờ
    Lung linh nén ngọc hương thờ
    Nhưng hình bóng mẹ mịt mờ ngàn xa
    Giật mình gối mộng đêm qua
    Sờ trên gối mộng gối đà đẫm sương
                      ( Phương xa mất mẹ)

Nào ai muốn thế? Người đã trải qua cái cảnh thức suốt một đêm trường, mong gặp mẹ lần nữa, tưởng như trong giấc mơ – cái chết của từ mẫu là điều  người không hề ngờ đến, để lại trong đời bao nỗi tiếc thương ân hận. Phải chăng vì thế, người khuyên ta, nhắc nhủ ta, ngày nào mẹ còn khỏe, ta hãy sống với mẹ thật trọn vẹn, thật đủ đầy từng khoảnh khoắc hôm nay. Thời gian thì trôi nhanh như nước chảy mà đời người có hạn.  Hiện tại là giây phút quý nhất. Người khuyên ta, hãy một lần ngồi bên mẹ, cầm tay nhìn kĩ vào khuôn măt mẹ để nói rằng:

    Mẹ ơi! Mẹ có biết rằng, con thương mẹ lắm không?
    Cõi trần gian,diễm phúc cho em, còn đóa hoa hồng!
    Và, bất hạnh cho những ai, khi cài bông hoa trắng!!
                             ( Nhắc những em tôi)

    Bởi đã nếm trải cảnh chia li đau đớn với mẫu từ:
    Con chim nhỏ, gọi đàn vang mé núi
    Tiếng mẹ ơi, ngập ngừng bên mé núi
    …
    Vô thường, mẹ đã ra đi
                            ( Từ tạ mẹ hiền )

    Nhiều khi đem nhớ ra hong
    Ấm đâu không thấy mà đông lạnh lùng
    Cho rằng suy nghĩ mông lung
     Xưa nay biết mấy anh hùng lệ rơi!
                ( Anh hùng còn rơi lệ)

Câu thơ đọc lên buồn ứa lệ. Khép lại tập thơ, ta cám ơn người đã viết cho đời những vần thơ đẹp nhất, hay nhất về mẹ, về cha; đó là Hoa Song Đường như người đã đặt tên. Và ta cũng cám ơn đời, cám ơn trời phật đã cho ta một người mẹ hiền để mỗi lần trở về ta có thể vòi vĩnh như ngày còn bé dại, để được chiều chuộng, yêu thương và để thương.

                                                      Huế ngày 22/6/2009
                                                      H.T.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here