Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Ứng dụng Văn-Tư-Tu vào con đường hành đạo

Ứng dụng Văn-Tư-Tu vào con đường hành đạo

131
0

Để thành công trên con đường hành đạo, người hành đạo cần phải hội đủ các yếu tố, tức là ứng dụng ba môn học Văn, Tư và Tu trong sự nghiệp hành đạo của mình. Có thể tạm hiểu ngắn gọn của cụm từ Văn, Tư và Tu là tiến trình của nghe, suy nghĩ và thực hành. Vì vậy, nếu nghe không tốt, suy nghĩ không tốt, thực hành điều ấy là tiến trình đào tạo người xấu và làm hỏng mọi hành động. Ngược lại, nếu nghe tốt, suy nghĩ tốt thực hành tốt là tiến trình đào tạo người tốt, dẫn đến mọi thành công.

 
Qua đó, cho chúng ta thấy người hành đạo, cần ứng dụng Văn, Tư và Tu để cân bằng mọi hiện tượng xảy ra trong quá trình “đối nhân xử thế”. Văn, Tư, Tu là phương tiện tu trì, khai mở trí huệ, giúp cho người hành đạo học và hành trì theo lời Phật dạy nhằm đến mục đích an lạc cho tự thân và tha nhân trong hiện tại và cả tương lai. Tuy nhiên, mỗi người đều có cái nghe, cái biết khác nhau. Khác ở chỗ, có người nghe, suy nghĩ bằng trái tim yêu thương, bằng sự quan tâm giúp đỡ, thông cảm, tha thứ và bằng sự chia sẽ, bằng tinh thần xây dựng và đoàn kết. Ngược lại, có người nghe thấy và suy nghĩ với tâm chấp ngã, bảo thủ, ích kỷ hẹp hòi sẽ bị tham, sân và si chế ngự. Như vậy, tựu trung cái nghe, thấy và suy nghĩ là tùy vào nhận thức của mỗi người để rồi đưa đến kết quả tốt cho mình tốt cho người, hoặc tự hại mình, hại tha nhân.
 
Nếu trong tiến trình hành đạo, chỉ có Văn và Tu, đánh mất Tư sẽ đưa đến thất bại và đó chỉ là lối giáo dục  của tôn giáo thần quyền, cũng là lối giáo dục quân chủ, hoặc mệnh lệnh của những nhà độc tài, mặc khải chỉ biết tin và làm. Hoặc trong tiến trình hành đạo, chỉ có Văn và Tư, xem nhẹ hoặc không Tu, như vậy chỉ tạo thành một lớp người có kiến thức  nhưng thiếu phẩm chất đạo đức. Lại nữa, trong tiến trình hành đạo có Tư nhưng theo một chiều bỏ qua Văn và Tu, một định ước “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” đó là lối tư duy áp đặt dẫn đến sự phá vỡ tổ chức, bất bình đẳng, thượng hạ rời rạc tạo sự mâu thuẩn, oán kết lẫn nhau.
 
Người hành đạo kết hợp đủ Văn, Tư và Tu, tuy nhiên chưa trọn vẹn. Trong đó phải là Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. “Văn Tư Tu, ba môn này thảy đều là Bát-nhã. Trước cần nghe pháp sanh tri giải, gọi là Văn tuệ. Kế suy ngẫm pháp đã nghe, nhận định yếu lý rõ ràng, do suy ngẫm nhập tâm mình, gọi là Tư tuệ. Rốt sau, như chỗ đã nghe, đã suy ngẫm, căn cứ vào đó tu hành không cho sai chạy, gọi là Tu tuệ”.Từ đó người hành đạo khi ra hành đạo cũng cần vận dụng Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ  để ứng xử mọi hoàn cảnh.Vì rằng, nghe phải nghe từ nội tâm, xuất phát từ lòng từ, nghe để khởi bi tâm. Nếu Văn không tuệ là cái nghe của Thế gian của bĩ, thử, hơn thua của lòng tham vô tận. Văn tuệ là cái nghe của giới, của định tâm. Vậy nên, người hành đạo luôn lắng nghe bằng sự cảm nhận của vị Bồ tát nhập thế hành đạo, xa rời vị thế quyền lực, địa vị sang hèn, lắng nghe với tinh thần bình đẳng để tầm thanh cứu khổ trong mọi hoàn cảnh. Đặt mình vào vị trí của tha nhân để thấu hiểu những nỗi niềm của người đang muốn, đang cần mình mở lối. Từ cái nghe như chánh pháp, trí tuệ tỏa sáng, Văn tuệ thông suốt để nhập vào Tư tuệ. Tư tuệ là như lý tác ý, chuyên chú vào nội tâm, thanh tịnh hóa tâm hồn, chuyển phức tạp thành đơn giản, từ đơn giản hướng tất cả nhập vào chân lý, chân lý tuyệt đối là trạng thái không hai không một, không ta không người, người chính là ta, ta chính là người. Tư tuệ sẽ giúp người hành đạo để bước qua ngã chấp, dễ đi vào mọi tầng lớp xã hội, để đưa đạo vào đời chuyển hóa nhân sinh. 
 
Tuy nhiên, hành đạo có Văn tuệ, Tư tuệ chưa đủ, phải cần đến Tu tuệ. Đến đây, người hành đạo phải tu đạo, có tu mới có nội lực hành đạo, hành đạo không phải nói suông, nói kiểu lý thuyết, thiếu thực hành. Ngay từ thời Đức Phật, bài pháp đầu tiên Ngài dạy cho năm anh em Kiều Trần Như về tứ Diệu đế. Đức Phật cắt nghĩa tri kiến như thật về bốn Thánh Đế qua ba chuyển và mười hai hành tướng ( Ba chuyển là: Thấy rõ nỗi khổ đau và chỉ cho chúng sanh nhận rõ nỗi khổ đau là “Thị chuyển”; hiểu rõ nỗi khổ đau và khích lệ chúng sanh nhận rõ nỗi khổ đau gọi là “Khuyến chuyển”; đã chứng ngộ, dứt trừ hết  khổ đau gọi là chứng chuyển”…. Mỗi đế có ba chuyển, nên bốn đế gồm thành mười hai hành tướng). Người hành đạo phải Tu tuệ, có Tu tuệ mới nghe, thấy, tư duy, quán xét đúng như thật, để sự thật không bị bóp méo. 
 
Hội đủ Văn Tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ là hướng đi vững chãi cho người hành đạo, xác định rõ ràng vai trò của mình là vận dụng những kiến thức sâu sắc về giáo lý của đạo Phật (Văn tuệ), để phát huy tinh thần trong sáng qua những lời dạy của Ngài, hầu đáp ứng những nguyện vọng thiết tha  của tín đồ Phật tử và ứng dụng những lời dạy đó vào bản thân để nâng cao sinh hoạt đời sống hằng ngày, tạo ra sinh khí an vui, hạnh phúc cho nhân loại (Tu tuệ). Đó chính là nhiệm vụ của sứ giả Như Lai. Trước hết người hành đạo nhận chân rằng, muốn phát huy những gì trong quá trình hoằng dương chánh pháp, ứng dụng chân lý muôn đời của đạo Phật, trong bước đường tìm an lạc cho con người, phải tư duy thế nào để cho hành động của đời không còn đi theo lối mòn của một số sai lầm (Tư tuệ). 
 
Ra hành đạo chúng ta phải làm chủ lấy mình, tự lành mạnh hóa thân tâm, thực hiện an ổn thân tâm. Nếu đi vào đời để giáo hóa chúng sanh, thường nghĩ chúng ta không thể tách rời xã hội để sống một mình, vậy khi hành đạo nên dấn thân tiến xa hơn nữa là tịnh hóa xã hội, tức con người và thế giới con người. Phần mình phải lo xong phần tự giác (Tu tuệ), tức là tự học hỏi đủ mọi phương tiện thiện xão, dùng nhiều phương pháp (thế học và Phật học) để nâng cao hiểu biết con người, nhằm đáp ứng cho mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội  và giáo hóa họ đi vào con đường chánh đạo.
 
Với tinh thần Hoằng pháp độ sanh, người hành đạo phải xác định rõ con đường phía trước, phải luôn tâm niệm: Quyết tâm xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo ngày một xương minh, hướng mọi người hiểu sâu giáo lý Đức Phật để đạt sự an lạc, giải thoát và hoàn thiện nhân cách đạo đức cá nhân, nhằm xây dựng một tịnh độ nhân gian, khẳng định giá trị chân lý của người đệ tử Phật trong việc đem đạo vào đời, xây dựng con người có tình thương, có ý thức có trách nhiệm với cộng đồng, đúng với phương châm “Đạo pháp gắn liền với dân tộc”. 
 
Như vậy, để vững bước trên con đường hành đạo, đem lại lợi lạc cho quần sanh và hướng đến mục đích cuối cùng là giải quyết mọi khổ đau, ràng buộc của cuộc đời, tiến đến con đường giác ngộ giải thoát cho tự thân và tha nhân, chính là ứng dụng Văn Tư Tu để đi vào con đường hành đạo là hữu hiệu nhất. 
 
(Trích tham luận của BĐDPG huyện Phú Vang) 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here