Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi UBND tỉnh Bình Phước trả lời về vụ việc đập phá tượng

UBND tỉnh Bình Phước trả lời về vụ việc đập phá tượng

125
0

 Sau khi vụ việc đập phá tượng xảy ra, một số bà con Phật tử tại phường Thác Mơ, thị xã Phước Long (Bình Phước) đã có “thư thỉnh nguyện” trình bày về vụ việc với UBND tỉnh và được trả lời tại công văn số 256/ UBND-NC ngày 22-1-2013.

Đối với tượng Phật Quan Âm trên hồ nước, do là tượng lớn, được xây dựng kiên cố, không thể tháo dỡ để di dời, nên đoàn đã để lại chứ không đập phá, khi đoàn ra về thì bức tượng vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng một số đối tượng có ý đồ xấu đã tự đập phá bức tượng này, sau đó quay phim để vu cáo ông Nguyễn Hữu tư đập phá tượng Phật để kích động bà con Phật tử.

Theo đó, công văn cho biết, vào ngày 29-9-2012, Ban di dời do ông Nguyễn Hữu Tư làm Trưởng ban đã thành lập 3 đội. Đội số một: xuất phát từ trạm cáp treo lên đỉnh núi sau đó theo đường tam cấp di dời 5 tượng. Đội số 2: xuất phát đến đồi bằng lăng, di dời 15 tượng cao trên 60cm. Đội số 3: xuất phát đến thôn Sơn Long, di dời 4 tượng Phật trên cao từ 50cm đến 2cm. 

Kết quả đã di dời được tổng cộng 24 tượng Phật, trong đó có 5 tượng được di dời về an vị tại điện thờ Phật mẫu trên đỉnh núi Bà Rá, 19 tượng Phật được di dời về an vị tại trụ sở BTS Phật giáo tỉnh và lễ an vị Phật được tổ chức theo nghi lễ Phật giáo do HT.Thích Nhuận Thanh, Trưởng BTS làm chủ lễ. 

Riêng các công trình được xây dựng trong hang đá hay còn gọi là hang Cọp, trong quá trình thực hiện di dời, do những pho tượng này vừa nhỏ và được xây dựng bằng bê tông, trong khi tháo dỡ bị hư hỏng nhiều nên ông Nguyễn Hữu Tư, Trưởng ban di dời có chỉ đạo đập bỏ. Cũng tại hang đá này, ban di dời phát hiện một số bàn, ghế, nệm, bài có biểu hiện phục vụ cho hoạt động bất minh nên ông Nguyễn Hữu Tư có chỉ đạo cho đốt, không phải là “đốt bỏ kinh sách” như nội dung phản ánh.

13.JPG

Tôn tượng Phật còn lại sau vụ việc – Ảnh: Như Danh

Cũng trong công văn này cho biết: núi Bà Rá đã được cấp bằng công nhận là di tích lịch sử quốc gia, được áp dụng các quy định của Luật Di sản văn hóa để giữ gìn và bảo vệ. Ngày 20-10-2004, UBND tỉnh có quyết định số 2683/QĐ-UB thuận chủ trương giao đất quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái gắn với các công trình tâm linh Phật giáo và khu miếu Bà trên núi Bà Rá để khai thác tiềm năng du lịch của khu di tích cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị khu di tích lịch sử Bà Rá, đồng thời xử lý các hành vi xâm phạm khu di tích, trong thời gian dài (từ năm 2005 đến năm 2012) UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND thị xã Phước Long phối hợp với các cơ sở, ngành tỉnh quản lý tốt khu di tích lịch sử núi Bà Rá. Tuy nhiên, việc xây dựng trái phép các am, miếu, tượng Phật và tổ chức thờ cúng quanh khu vực núi Bà Rá vẫn có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 5-9-2012 về việc thành lập ban di dời các am, miếu, tượng Phật xây dựng trái phép quanh khu vực núi Bà Rá, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long. Đồng thời, phân công ông Nguyễn Hữu Tư, Phó giám đốc sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo là Trưởng ban Di dời; ông Đinh Ngọc Ngạn là Phó chủ tịch UBND thị xã Phước Long là Phó ban Di dời và mời HT.Thích Nhuận Thanh, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh làm Phó ban; các thành viên gồm đại diện lãnh đạo một số cơ quan chức năng của thị xã Phước Long, Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, lực lượng huynh trưởng, đoàn sinh.

UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 5-9-2012 phê duyệt phương án di dời và yêu cầu UBND thị xã Phước Long phối hợp với cơ quan mặt trận, đoàn thể của thị xã tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các chủ am, miếu để Phật tử hiểu và chấp hành chủ trương của tỉnh, pháp luật của nhà nước.

Như công văn trên thì quý Phật tử có thể thấy, UBND tỉnh xác nhận là ông Nguyễn Hữu Tư đã có đập phá một số tượng do trong lúc di dời tháo dỡ bị hư hỏng nhiều. Còn về sự việc tượng Phật Quan Thế Âm bị đập thì UBND cho biết không phải do đoàn di dời làm.

Tuy nhiên, nhìn hình ảnh ấy trên mạng có lẽ ai là con Phật cũng rất đau lòng và xót xa, vì thế mà những ngày qua, bạn đọc Giác Ngộ đã phản hồi, yêu cầu Ban Tôn giáo tỉnh Bình Phước cũng như cá nhân ông Nguyễn Hữu Tư có lời xin lỗi chính thức với việc đập phá tượng trong quá trình di dời như đã thừa nhận! Nhiều bạn đọc cho rằng, đập phá tượng Phật, Bồ-tát là làm tổn thương lòng tôn kính của Tăng Ni, Phật tử đối với những bậc Giác ngộ mà họ tôn sùng!

(Theo GNO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here