Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Tường Vân – ngôi chùa từ thuở ấu thơ

Tường Vân – ngôi chùa từ thuở ấu thơ

198
0

Chùa Tường Vân hiện nay nằm về phía tây thành phố Huế toạ lạc trên vùng đồi núi làng Dương Xuân Hạ (nay thuộc Phường Thủy Xuân, Thành phố Huế). Theo đường Điện Biên Phủ, quá chùa Từ Đàm, rẽ về phía tay phải theo đường Trần Thái Tông, khoảng 4, 5 trăm mét thì đến chùa. Địa điểm này tuy đã có từ trước, nhưng  thực  sự có chùa Tường Vân ở đây chỉ kể từ năm Tự Đức thứ 22 (1869) đến nay.

Tường Vân – nhìn từ chính điện xuống 

 

Theo nhưng tài liệu còn ghi lại thì khởi thủy vốn là thảo am Tường Vân (còn gọi Đông Am) do ngài Tánh Hoạt Huệ Cảnh (đệ tử của Hoà Thượng Đạo Minh Phổ Tịnh) thuộc đời thứ 38 của dòng Lâm Tế chánh tông lập ra vào khoảng năm 1843 dưới đời vua Thiệu Trị. Khi Ngài lập thảo am Tường Vân thì Tùng Thiện Vương Miên Thẩm cũng năng lui tới nơi đây, ông là một nhà thơ lớn dưới triều Tự Đức, rất thích cảnh thiên nhiên và mến mộ chốn thiền môn. Bên cạnh đó, Ngài Tánh Huệ Nhất Chơn (đều đồng bổn sư là Hoà Thượng Đạo Minh Phổ Tịnh), cũng khai sơn chùa Từ Quang, cách Đông Am khoảng mười dặm. Tuy nhiên, Ngài Tánh Huệ Nhất Chơn lại không có đệ tử để truyền thừa, cho nên khi tại thế đã dặn dò là sau khi ngài mất thì giao chùa Từ Quang lại cho ngài Hải Toàn Linh Cơ là đệ tử được Ngài Tánh Hoạt Huệ Cảnh chọn làm trụ trì thảo am Tường Vân để quản nhiệm, chăm sóc hương khói và làm nơi tu tập…
Tháng 10 năm Tự Đức thứ 22 (1869), ngài Hải Toàn về ở chùa Từ Quang và phối hợp am Tường Vân hợp nhất với chùa Từ Quang làm lại một mgôi chùa mới, và đặt tên là chùa Tường Vân, lúc này vẫn còn là ngôi chùa tranh. Như vậy, chùa mang tên Tường Vân là ngài Linh Cơ muốn giữ tên cũ thảo am của bổn sư mình, nhưng được xây dựng trên đất chùa Từ Quang cách am cũ khoảng 10 dặm, tọa lạc tại làng Dương Xuân hạ. Còn đất am cỏ Tường Vân xưa thì ngài Linh Cơ đã nhường lại cho phủ Tùng Thiện Quận Vương, hiện nay vẫn đang còn. Sau đó, đến năm Tân Tỵ (1881) được sự ủng hộ của hàng tôn nhơn quý tộc ở triều đình, bà Thái Hoàng Thái Hậu Trang Ý cùng các phi tần; ngài Linh Cơ đã trùng tu chùa tranh trở thành ngôi chùa ngói có quy mô hơn cùng với các tự khí và Phật tượng.

Đến năm Canh Dần (1890) chùa lại tiếp tục được trung tu nhờ sự hỗ trợ của bà Từ Dũ Thái Hoàng Thái Hậu và các cung nga cung phi, các bậc phu nhân trong triều. Công việc đại trùng tu đến năm sau (1891 tức năm Thành Thái thứ ba) mới hoàn thành. Ngôi chùa trở thành huy hoàng rực rỡ và có tăng bổ thêm ngôi hậu điện. Sau khi hoàn tất, ngài Hải Toàn đã viết thư xin Tuy Lý Quận Vương Miên Trinh viết cho bài văn bia "Trùng Tu Tường Vân Tự Bi" dựng năm Thành Thái thứ 4 (1892). Đến năm Thành Thái thứ 6 (1896) chùa được "Sắc tứ". Theo những tài liệu còn lưu lại thì bà Vĩnh Lại Quận Công phu nhân có pháp danh Thanh Từ,  đã tiến cúng bức hoành phi "Sắc tứ Tường Vân Tự", hiện nay vẫn đang còn. Tháng 3 năm 1972, Hoà thượng Tịnh Khiết đã khởi công  mở cuộc trùng tu lớn lao thêm  chùa Tường Vân, cho nên phạm vi chùa cũng đã được nới rộng ra thêm nhiều.  Hiện nay Hoà Thượng Thích Minh Châu là đệ tử của Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết được tiếp tục làm trụ trì ngôi chùa này.

Ngôi chùa Tường Vân hiện nay có một tiền đường và một đại điện kiến trúc theo kiểu trùng thiềm nhưng có cải cách. Đi qua một cổng chùa đồ sộ, người ta đến một khoảng sân, lên mấy bậc tầng cấp thì lại đến một khoảng sân cao hơn. Chiếc cổng này mới được xây dựng trong lần trùng tu gần nhất. Trước đây cổng chùa Tường Vân nhỏ hơn, nằm bên hông chùa quay mặt về hường Bắc chứ không phải thẳng với chính điện như bây giờ.
 

Cổng tam quan chùa Tường Vân

Ngày xưa cổng tam quan chùa luôn là nơi tôi dừng chân nghỉ ngơi mỗi buổi trưa nóng nực khi đi học về, có khi nền xi măng lại là tấm bảng tạm thời cho một bài hình học khó vẫn còn đeo đẳng trên đường về. Khoảng sân rộng với hồ nước hình bán nguyệt và hòn non bộ, nơi mà hồi còn nhỏ bọn trẻ con chúng tôi rất thích nghịch phá. Giữa sân là một cái giếng nhỏ sâu hun hút luôn được đóng kín, nước ít nhưng trong vắt, nơi đây hồi còn bé tôi vẫn nghe kể chỉ lấy nước để cúng Phật mà thôi.
 

Hồ nước hình bán nguyệt và non bộ trước sân chùa

Tiền đường xây dựng trên nền cao. Bảy bậc tầng cấp lên tiền đường kéo dài suốt ba gian, hai đầu có hai con nghê chầu, có những vế đối bằng chữ Hán rực rỡ. Mặt tường hai chái đắp hình nổi diễn tả tích Ngài Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh, sát góc ngoài có dựng hai tấm bia ngày xưa nói về những lần trùng tu chùa.
 

Giữa hai tầng mái, vách trùng thiềm chia làm ba khung, mỗi khung có bốn chữ Hán. Các góc mái cong lên, có cù giao đẹp, tua vân kiên chạy dài theo giọt mái ngói. Nóc tiền đường và nóc đại điện kiến trúc rất đẹp. Hai bên có hai con rồng uốn lượn châu mặt vào hình Pháp luân ở giữa.
 

Trong chánh điện, cách thờ tự cũng giản dị. Sau khi qua khỏi minh đường, thì thấy bàn thờ chính; trên đó đức Thích Ca Mâu Ni ở giữa; hai bên là đức Phật A Di Đà và đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật. Hình ảnh nầy  cũng thường trong đa số những ngôi chùa miền Trung. 
 

Chính điện chùa Tường Vân

Đi sâu vào thì thấy có tượng của Ngài Địa Tạng Vương  Bồ Tát, đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát. Những bảo vật và những Pháp bảo cũng  được thờ cúng ở chánh điện chùa nầy. Sau chánh điện là nơi thờ Tổ khai sáng ra ngôi chùa Tường Vân; án giữa thờ ngài Thích Huệ Cảnh và ngài Thích Hải Toàn; án bên trái thờ ngài Thích Tịnh Nhẫn, Thích Viên Quang và Thích Chánh Pháp; án bên phải thờ ngài Thích Thanh Thái; đi sâu vào nữa, phía giữa thờ ngài Thích Tịnh Khiết và Thích Tịnh Hạnh.
 

Bàn thờ hậu đường thờ Tổ sư

Toàn bộ hệ thống kiến trúc chùa theo hình chữ khẩu, kiểu kiến trúc của chùa Huế truyền thống gồm chùa, hậu tổ, tăng đường và trai đường khép kín tạo thành một khoảng sân nhỏ ở giữa đặt chậu hoa cây kiểng vừa trông rất thiên nhiên vừa tạo được sinh khí trong chùa. Tôi vẫn còn nhớ trước đây trong khoảng sân nhỏ này có một chú rùa cạn sinh sống, vẫn thường hay bị lũ trẻ chúng tôi trêu học, có đứa còn vật ngửa chú ta ra nữa.
 

Lùi về phía sau là hậu đường của chùa, nơi thờ cúng Thập phương bổn đạo đến ký linh trải qua nhiều đời. Bên phải (từ hậu đường nhìn lên hậu tổ) là Tăng xá, gian chính giữa có thiết hương án chạm trổ mỹ thuật nghiêm trang đẻ thờ Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết. Bức chân dung của ngài thờ trên hương án thật uy nghiêm và đạo hạnh. Đối qua trái là nhà khách. Phần sân vuông ở giữa có bể nước, cây cảnh thiết trí như một vườn hoa tươi. ở Tăng xá đi lên, nhà chùa có thiết lập một nhà lưu niệm gồm có gường nằm, sách vở, kinh Phật; đồ dùng lúc tại thế của Đức Tăng Thống.
 

Nơi thờ Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết

Nhìn chung lại, chùa Tường Vân chưa hẳn là ngôi chùa trong vùng đế kinh, tuy nhiên về lãnh vực xây dựng và truyền bá Phật pháp, thì Tổ đình nầy đã đóng một vai trò quan trọng. 

Khu tháp mộ – nơi an nghỉ của Đức tăng Thống Thích Tịnh Khiết

Một buổi tập ngồi Thiền do Hòa Thượng Thích Chơn Tế – Giám tự chùa Tường Vân hướng dẫn

Sinh hoạt Gia đình Phật tử Tường Vân 

NC – N.V.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here