Với ý nghĩa đó, dẫu chưa chính thức đưa vào danh mục “Bảo vật quốc gia” được Thủ tướng Chính phủ công nhận, nhưng ngoại lệ nêu ra ở loạt bài này như một sự đề xuất.
Chùa Khải Tường xưa (ảnh do Emile Gsell chụp trong khoảng những năm 1871-1874)
I. Đất địa Nam Kỳ – nơi quý tướng dựng chùa
Nói về tượng Phật chùa Khải Tường trước hết phải nhắc đến nơi đất địa Sài Gòn – Gia Định xưa kia. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trong Tản mạn Phú Xuân 2 – Cao Sơn-Lưu Thủy Ngộ tri âm cho biết: Ngày 23-4, năm Tân Hợi (25-5-1791), thứ phi của Chúa (Nguyễn Ánh), bà Trần Thị Đang sinh ra vương tử thứ tư Nguyễn Phước Đảm tại tư dinh của bà Quốc công Tống Phước Khuôn.
Sau khi hoàng tử Đảm lên nối ngôi vào năm Canh Thìn (1820), niên hiệu Minh Mạng (1820 – 1840), vì nhớ đến nơi mình sinh ra nên vào tháng 9 năm Nhâm Thìn (1832), vua truyền cho các quan ở Gia Định, vẽ bản đồ dâng về kinh đô Phú Xuân (Thừa Thiên Huế ngày nay) rồi hạ lệnh xuất 300 lượng bạc trong kho nội phủ giao cho tỉnh Gia Định tổ chức xây dựng ngôi chùa tại đây.
“Chùa tọa lạc tại trên một miếng đất rộng ở góc hai con đường Testard (sau thành Trần Quý Cáp – nay là Võ Văn Tần) và đường Barbé (nay đổi là Lê Quý Đôn) (…) Trước năm 1963, chế độ Diệm dùng khu đất này làm Trường Đại học Y Dược. Khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tướng lãnh lấy khu này cho các cố vấn quân sự trú đóng. Sau 1975, là khu Triển lãm Tội ác chiến tranh tại Việt Nam” (Lý Nhân Phan Thứ Lang, Sài Gòn – Gia Định một thời để nhớ, NXB.Công An Nhân Dân, 2015, tr.58). Vua Minh Mạng đặt tên cho chùa là “Quốc Ân Khải Tường tự”, mang ý nghĩa một ngôi chùa được tiếp nhận ân đức từ bậc quân vương và khai bày điều tốt lành.
Chịu trách nhiệm cai quản và trông nom Quốc Ân Khải Tường tự là trụ trì Tế Tín, hiệu là Chánh Trực Hòa thượng cùng 18 Tăng chúng, đồng thời vua cấp cho Hòa thượng Chánh Trực 20 mẫu ruộng miễn thuế để chư Tăng tự canh tác, lấy huê lợi thực hiện Phật sự vua giao. Tại đây, các vị cao tăng hoằng dương đạo pháp, được triều đình bảo hộ nên trở thành ngôi chùa tiêu biểu, ảnh hưởng rộng lớn đến quần chúng đạo Phật khắp Nam Kỳ lục tỉnh cho đến ngày Gia Định thất thủ. Khởi thủy ngôi chùa chỉ cất sơ sài, cho đến năm 1832, vua Minh Mạng mới lệnh trùng tu lại chùa cho khang trang hơn.
II. Thăng trầm một nỗi niềm tượng Phật
Khi vừa khánh thành chùa Khải Tường, theo các tài liệu xưa ghi chép, vua Minh Mạng cùng triều đình Phú Xuân đã gửi vào một pho tượng Phật Thích Ca ngồi kiết-già trên tòa sen. Những tín đồ mộ đạo Phật trên đất Gia Định cũng đã kéo về đây để được chiêm bái pho tượng bằng gỗ mít nguyên khối, lớn nhất miền Nam đương thời.
Đó chính là pho tượng Đức Phật Thích Ca cao gần 2m, trong dáng điệu Vajrasana (Bảo tòa Kim cương), được sơn son thếp vàng độc đáo, với hai tay tượng chắp lại, hai ngón tay dính nhau và trên ngực có chạm hình chữ Vạn (Svastika). Không phải ngẫu nhiên mà dân gian thời bấy giờ còn gọi chùa Khải Tường là “chùa Phật Lớn” hay “chùa Ông Phúc”. Điều này do đặc điểm về độ lớn của pho tượng, đồng thời tôn dung trang nghiêm mà phúc hậu, từ bi của đấng Giác ngộ được các nghệ nhân thể hiện một cách tài tình và tinh tế của pho tượng đặc biệt này.
Khác với những pho tượng tạc hình Đức Phật của văn hóa Chăm-pa hay Óc Eo (như đã giới thiệu ở các kỳ trước), tượng Phật Thích Ca chùa Khải Tường mang đậm phong thái người Việt. Với những đường nét cơ bản khắc họa những hình tướng tốt của một vị Phật, tượng như càng gần gũi với con người Việt Nam ngay từ hình thể, tư thế tự tại và nụ cười an nhiên. Tuy nhiên, nằm sau vẻ đẹp đó là sự trôi nổi, gắn liền vận mệnh của Phật giáo với lịch sử dân tộc, còn may mắn được gìn giữ đến ngày nay.
Năm 1858, thực dân Pháp đánh chiếm cửa Hàn (Đà Nẵng), mở đường cho cuộc tấn công của Liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh chiếm vào thành Gia Định tháng 12-1859. Tại đây, quân Pháp chiếm đóng 4 ngôi cổ tự lớn nhất thời bấy giờ là chùa Khải Tường, Kim Chương, Kiểng Phước và Mai Sơn, nhằm thiết lập một phòng tuyến quân sự cố thủ khi quân ta tấn công. Tài liệu về giai đoạn này còn ghi rõ: “Tên quan Pháp tên Barbé dẫn quân vào chùa Khải Tường. Hắn cho đem tượng Phật ra sân và cưỡng bức các sư phải rời chùa (…) Năm 1867, chùa bị giặc Pháp tháo gỡ, tượng Phật phải dời đi nhiều nơi…” – (Nhớ chùa Khải Tường của tác giả Bùi Thụy Đào Nguyên, in trong Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh của NXB TP. HCM).
Nói đến đây không thể không nhắc đến giai đoạn lịch sử gắn liền với cái tên Barbé và bi kịch về một tấm bia mộ trớ trêu. Tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang đã kể tường tận trong Sài Gòn – Gia Định – Một thời để nhớ: “Trong đêm ngày 7-12-1860, Barbé bị phục kích trong khi hắn đi trên con đường nối liền chùa Khải Tường với đồn Hiển Trung, và khi hắn đi đến một khúc quẹo cách chùa Khải Tường độ 30m, gần chỗ bụi cây thì nghĩa quân do Trương Định chỉ huy đã xông ra đâm Barbé đang ngồi trên mình ngựa, Barbé chết ngay”.
Về phần tấm bia được tác giả nêu rõ là bia mộ của vị công thần họ Phạm, do vua Tự Đức hạ lệnh cho cụ Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dung soạn thảo bi văn, khắc vào một tấm đá lớn đưa từ Huế vào Nam, để dựng trước mộ Phạm Đăng Hưng (thân sinh của bà Từ Dụ, tức Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, vợ của vua Thiệu Trị) tại đất Gò Công. Chẳng may giữa đường bị quân Pháp chặn lấy và dùng tấm bia này làm bia mộ cho Đại úy Barbé và khắc những dòng chữ Pháp dưới những dòng chữ Hán. Trớ trêu nằm ở đây, “giữa hai con người chết, thuộc hai thế hệ khác nhau, nòi giống và chí hướng cũng khác nhau, nhưng lại chung một bia đá” (Sđd, tr. 65). Mãi cho đến năm 1999, tấm bia mới được dựng tại mộ ông Hưng, tính ra tấm bia đá này đã luân lạc đúng 140 năm (1859-1999).
Tượng Phật Quốc tự Khải Tường tại Bảo tàng Lịch sử VN – TP.HCM
Nước mất, chùa tan, số phận của những ngôi chùa lịch sử ở đất Nam Bộ, chỗ dựa tâm linh của người dân trên vùng đất mới cũng chung vận mệnh với dân tộc, xứ sở. “Năm 1880, chính quyền thực dân triệt hạ chùa, đem chiến lợi phẩm là pho tượng Phật chùa Khải Tường về cất giữ ở kho phủ Toàn quyền. 50 năm sau (1929), Viện Bảo tàng Blanchard De La Bross khánh thành, mở cửa triển lãm cổ vật, tượng Phật chùa Khải Tường được di chuyển về đặt tại phòng bát giác, trung tâm Viện Bảo tàng để thiên hạ quan chiêm. Sau năm 1975, tượng dời ra trưng bày ở phòng phía sau cho đến nay”. (Trần Đình Sơn, Tản mạn Phú Xuân 2).
May thay, pho tượng chùa Khải Tường, cùng với một số di vật khác lưu lạc nhiều nơi vẫn còn để hậu thế chúng ta ngày nay có thể hình dung về nền tảng tâm linh, văn hóa của đất Gia Định một thời, đó cũng chính là nền tảng tâm linh truyền thống của dân tộc.
Chùa xưa không còn, nơi đất cũ mà ngôi Quốc tự chùa Khải Tường – danh lam thuộc vào hàng bậc nhất của đất Gia Định xưa tọa lạc nay đã khác, chẳng còn dấu tích, duy tượng Phật chùa Khải Tường thì vẫn còn đó, may mắn được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử VN – TP.Hồ Chí Minh là minh chứng cho đời sống tinh thần – tâm linh của tiền nhân thời đi mở đất.
Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm có những nghiên cứu và đánh giá đầy đủ về pho tượng Phật chùa Khải Tường, để sớm công nhận chính thức là bảo vật quốc gia, có cơ chế bảo quản một hiện vật quý còn nguyên vẹn để hậu thế được chiêm ngưỡng và nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử cũng như văn hóa Gia Định – Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh.
Nguồn:GNO