Quang lâm dâng hương tưởng niệm có chư tôn Hòa thượng Giáo phẩm chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; chư tôn đức Tăng Ni các tổ đình, tự viện, Niệm Phật Đường trên địa bàn tỉnh cùng đông đảo quý Đạo hữu Phật tử các giới.
Chư tôn Hòa thượng đảnh lễ tưởng niệm (ảnh BTT GHPGVN tỉnh TT Huế)
Đông đảo các giới Phật tử thành kính tưởng niệm (ảnh BTT GHPGVN tỉnh TT Huế)
Hòa thượng thế danh là Diệp Trương Thuần, sinh năm Ất Tỵ, 1905 tại làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Năm 17 tuổi (Nhâm Tuất, 1922) xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Tây Thiên.
Năm 18 tuổi (Quý Hợi, 1923), thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Thuyền Tôn, được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Nguyên, pháp tự là Đôn Hậu. Năm 19 tuổi (Giáp Tý, 1924), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Từ Hiếu, Thừa Thiên.
Năm Bính Dần, 1926, Hòa thượng được Bổn sư cho qua chùa Thệ Đa Lâm (tức chùa Hồng Khê) tham học với pháp huynh là Hòa thượng Trừng Huệ Giác Viên.
Năm Đinh Mão, 1927, lại được pháp huynh chuyển vào Tổ đình Thập Tháp, Bình Định xin theo học với Hòa thượng Như Trí Phước Huệ.
Năm Nhâm Thân, 1932, Hòa thượng trở về Huế liền được An Nam Phật học hội mời làm Giảng sư nòng cốt của Hội, liên tiếp trong 10 năm.
Năm Ất Hợi, 1935, Phật học viện Tây Thiên khai giảng, Hòa thượng tiếp tục theo học lớp Cao đẳng. Năm Bính Tý, 1936, lớp Cao đẳng tại Phật học viện Tây Thiên được đổi tên thành “Xuân Kinh Đại Phật học tràng”. Năm Mậu Dần, 1938, Hòa thượng tốt nghiệp chương trình Đại học Phật giáo với hạng Ưu.
Năm Canh Thìn, 1940 và Nhâm Ngọ, 1942, Hòa thượng sang thăm và thuyết pháp cho Phật tử Việt kiều tại Vương quốc Lào. Cũng trong năm 1942, Sơn môn Tăng già cung cử Hòa thượng về trú trì quốc tự Diệu Đế, Huế.
Năm Ất Dậu, 1945, Việt Nam Phật học hội cung thỉnh Hòa thượng đảm nhận chức vụ Chánh Hội trưởng. Cũng trong năm này, Sơn môn Tăng già lại công cử Hòa thượng lên trú trì quốc tự Linh Mụ.
Năm Bính Tuất, 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Hòa thượng được mời giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phật giáo Liên hiệp Trung Bộ và Thành viên Ban chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc Thừa Thiên, Huế.
Năm Đinh Hợi, 1947, Hòa thượng bị thực dân Pháp bắt giam và có lệnh xử bắn, nhờ sự can thiệp kịp thời của bà Từ Cung, Hòa thượng mới được tha về.
Năm Mậu Tý, 1948, Phật học đường Bảo Quốc và Ni viện Diệu Đức tái khai giảng, đã cung thỉnh Hòa thượng làm Giáo thọ cho cả hai Học viện này.
Năm Tân Mão, 1951, Hòa thượng tham dự “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” tại chùa Từ Đàm, Huế. Cũng trong năm này, Hòa thượng xin thôi giữ chức vụ Chánh Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học, để đảm nhận trọng trách Giám luật Giáo hội Tăng già Trung Việt, rồi Giám luật Giáo hội Tăng già Việt Nam.
Năm Bính Thân, 1956, Giáo hội Tăng già Trung Việt kính thỉnh Hòa thượng làm Chủ nhiệm Liên Hoa Văn tập. Qua năm Mậu Tuất, 1958, Liên Hoa Văn tập đổi thành Liên Hoa Nguyệt san và nâng lên làm cơ quan Hoằng pháp của Giáo hội Tăng già Việt Nam, Hòa thượng vẫn giữ trọng trách Chủ nhiệm.
Năm Quý Mão, 1963, cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm phát khởi. Sau Hội nghị khẩn cấp tại Tổ đình Từ Đàm, Huế, Năm Cấp Trị sự công cử Hòa thượng vào Ban Lãnh đạo phong trào. Hòa thượng ra chỉ đạo phong trào đấu tranh tại tỉnh Quảng Trị, rồi trở về Huế chỉ đạo phong trào tại chùa Diệu Đế, Huế, được một thời gian thì bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vào đêm 20.8.1963.
Năm Giáp Thìn, 1964, Viện Hóa Đạo bổ nhiệm Hòa thượng giữ trọng trách Chánh Đại diện Miền Vạn Hạnh kiêm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế…
Ngày 21 tháng 3 năm Nhâm Thân (23.4.1992), ngài thị tịch, sau gần 70 năm không ngừng xả thân cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp.
N.N