Đặc biệt, mỗi khi lui tới Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, hình ảnh của người luôn luôn sáng rỡ trong tôi như là vị khai sáng, vị giám đốc đầu tiên của trung tâm này, một trung tâm nhắc nhở vai trò văn hóa căn cơ của dân tộc tại đất cố đô.
Thế nhưng lâu nay tôi lại quên, hay nói đúng hơn là chưa thấy đầy đủ hơn vị thầy của chúng tôi, vâng, Hòa thượng nguyên là thầy dạy môn Giáo lý tại trường Trung học Bồ Đề Thành Nội (Huế), và nếu tôi không lầm, hay tôi có chủ quan, thì Thầy là vị thầy dạy giáo lý hiếm hoi trong hệ thống giáo dục trung học phổ thông của Phật giáo, và chắc chắn là thầy “tự biên tự diễn” khi lên lớp, chứ làm gì có sách giáo khoa, có chương trình từ trên đưa xuống? Một phong thái hiền hòa, gần gũi, một lối nói nhẹ nhàng, thuyết phục, làm cho bất cứ đứa học trò nào, dầu cho hoang nghịch, luôn luôn trở về con người Phật tử để nhận những lời dạy của Thầy, và không những đối với trò, ngay cả người dạy chúng tôi, hình ảnh quý báu của Thầy trong phòng giáo sư đã để lại ấn tượng đẹp mãi đến bây giờ.
Thầy đã gánh vác biết bao Phật sự quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn, nhưng Thầy vẫn nhận vai một người thầy giáo khiêm tốn để gieo những hạt giống lành trong tâm hồn thế hệ trẻ, và thật may mắn, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, hệ thống trường Bồ Đề khởi sinh từ Huế đã tỏa rộng trên nhiều tỉnh thành Trung Nam, và song song với trường Bồ Đề, hệ thống các trường mẫu giáo và nhà trẻ Phật giáo đã phát triển khắp nơi, đem lại chất dinh dưỡng tinh thần và văn hóa cho mầm non đất nước, mảnh đất lành cho hạt giống Bồ Đề nảy mầm và vươn lên.
Tình thế đã đổi thay, giờ đây không còn các trường Bồ Đề, và hệ thống giáo dục mầm non của Phật giáo chỉ tồn tại phần chính là vì mục đích nhân đạo, từ thiện, tại các địa bàn dân cư khó khăn. Thật quá quý tấm lòng và sự vất vả hy sinh của Ni giới, của quý sư cô đã xông pha vào lãnh vực khó khăn này, nhưng đã đến lúc mọi người Phật tử đều ý thức rằng, ngoài việc giáo dục vì từ thiện và nhân đạo, còn biết bao nhiêu con trẻ, biết bao phụ huynh đang cần vai trò của quý Ni sư, quý sư cô trong các trường mầm non tại thành thị và nông thôn, các trường với tính cách chính quy hẵn hoi, với phương tiện dạy học và phương pháp giáo dục hiện đại, với sự đóng góp thỏa đáng của xã hội để cho bước đầu con trẻ phát triển tươi tốt về nhân cách và đạo lý.
Trong một bài đăng trên tạp chí Giác Ngộ ngày 1/12/2014, HT. Thích Giác Toàn, phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự trung ương GHPGVN, đã cho biết:
“Trong báo cáo mới đây tại hội nghị nêu trên[1], trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có 144 cơ sở giáo dục mầm non do các tôn giáo phụ trách, Công giáo chiếm đa số (141 cơ sở), Phật giáo chỉ có 3 cơ sở! Thực tế này không chỉ riêng tại thành phố sôi động nhất nước là TP.Hồ Chí Minh, mà phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành khác, ngay tại cố đô Huế, nơi được mệnh danh là trung tâm Phật giáo có 22 trường mầm non của các tôn giáo thì Công giáo có tới 16 cơ sở, còn Phật giáo cũng chỉ có 6 trường, v.v…
Theo đánh giá chung, có nhiều cơ sở giáo dục mầm non do Công giáo tổ chức đã có sự đầu tư rất lớn về mọi mặt, riêng cơ sở vật chất có nơi đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng, và thường các cơ sở trường mầm non đó đều ở trong khuôn viên hoặc nằm ngay bên cạnh cơ sở tôn giáo.
Như chúng ta biết, với nhu cầu của người dân về việc gửi con vào các trường mầm non là rất lớn, và ở tình hình thực tế như hiện nay qua một vài con số trên, người Phật tử dù muốn nhưng rất khó để có thể tìm ra một cơ sở như ý để gởi gắm con cái mình, mà nhiều khi phải bấm bụng đưa vào các cơ sở tôn giáo khác, rồi cũng gặp những chuyện dở khóc dở cười khi các cháu thể hiện những hành vi tín ngưỡng được hướng dẫn hoặc bắt chước một cách tự nhiên, bởi tâm thức trẻ như tờ giấy trắng, hồn nhiên và vô tư…”
Tình hình như thế này, về lâu về dài, làm cho hoạt động giáo dục Phật giáo lu mờ, khiến các sư cô, vốn rất thích hợp với dạy trẻ mẫu giáo vì giàu tình thương và chịu khó, đã không có “đất” để gieo hạt giống lành, và quý sư cô phải xa rời hạnh nguyện này. Thực tế là chư ni ngày càng đông và càng đạt nhiều thành tích trong học tập, đạt được bằng cấp cao, nhưng càng hiếm những vị trẻ dấn thân vào hoạt động xã hội, từ thiện và giáo dục mầm non.
Nhưng đã đến lúc Phật giáo không thể không trở lại giáo dục mầm non với quyết tâm hơn xưa, vì trước hết nhà nước đã khuyến khích các tôn giáo góp phần mở trường, mở lớp để giáo dục con trẻ, như tinh thần của Hội nghị toàn quốc về tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non, ngày 8/11/2014 tại TP.HCM. Một thuận lợi nữa là ni giới đã hình thành tổ chức đàng hoàng, từ trung ương đến các tỉnh thành, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm thiết thân này. Chắc chắn các cấp lãnh đạo giáo hội đã thao thức vấn đề này từ lâu, và nay sự lo toan dần trở thành cụ thể.
Quý thay, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã đi tiên phong bằng cách hợp tác, liên kết với trường Đại học Sư phạm TP.HCM mở khóa đào tạo cử nhân sư phạm mầm non 4 năm, chiêu sinh quý ni trong cả nước, trước hết là phía Nam. Để khuyến khích người học khắc phục khó khăn vật chất, nhất là những vị ở xa, Ni giới trung ương và Phân ban Ni giới các tỉnh, thành tài trợ 50% học phí, Hội đồng Điều hành Học viện TP.HCM tài trợ 25% học phí, như vậy người học (và chùa) chỉ còn xoay xở 25% học phí còn lại. Một kỳ thi tuyển đã được tổ chức, và kết quả có 98 chư ni trúng tuyển (1/3/2015).
TP.HCM với lợi thế là một thành phố lớn, với nhân sự dồi dào và cơ sở vật chất khá đầy đủ chắc chắn lại sẽ đi đầu trong việc triển khai giáo dục mầm non Phật giáo đúng chuẩn, đáp ứng từng bước mong mỏi của các gia đình Phật tử được gởi gắm trẻ nhỏ dưới bóng bồ đề tươi mát. Về tỉnh Thừa Thiên Huế, khó khăn đang còn chồng chất, ngay cả chư ni đi học cũng không nhiều. Những người ở phương xa, đến Huế, rất vui mừng tham quan những danh lam cổ tự cổ kính, trang nghiêm, bề thế, những ngôi chùa lớn đã có bề dày lịch sử cũng như những ngôi chùa trùng tu hoặc xây mới sau này, vô cùng uy nghi; nhưng nếu nhìn vào những cơ sở giáo dục mầm non Phật giáo thì hẵn có chút ngậm ngùi, vì nhỏ quá, cơ ngơi không bao nhiêu, diện tích sân chơi quá ít, đồ chơi nghèo nàn. Thế mà quý lắm cho biết bao gia đình khó khăn! Quý lắm cho những vùng xa xôi cách trở! Giờ đây đứng trước nhiệm vụ mới, chính quy, đàng hoàng, cơ ngơi đâu cho giáo dục mầm non? Hòa thượng trưởng Ban Văn hóa Giáo hội tỉnh đã suy nghĩ nhiều về việc hình thành ngôi trường như thế, và cho dầu đất đai đã có, thì vẫn bí về kinh phí. Nếu những doanh nhân thành đạt có đạo tâm, nếu những người trong nước và ngoài nước, từng hết lòng xây dựng các cơ sở thờ tự một cách hào phóng… không ủng hộ thiết thực cho việc xây dựng trường mầm non, thì viễn cảnh giáo dục mầm non Phật giáo vẫn không thể tươi sáng, và như thế có nhiều cháu lớn lên sẽ được cha mẹ đưa vào trường tôn giáo khác, như lâu nay vẫn thế, dầu không muốn cháu về nhà “truyền đạo”.
Các trường mầm non Phật giáo, và sau này các trường tiểu học Phật giáo – nếu có – chắc chắn áp dụng hoàn toàn chương trình chính quy của nhà nước, cập nhật phương pháp giáo dục và quản lý hiện đại theo chỉ đạo chung của ngành. Tuy trường ít nhiều mang danh nghĩa Phật giáo, nhưng trường không chủ trương truyền bá đạo Phật cho trẻ thơ, và nếu có chút chất Phật, thì đó chính là không khí trong lành để trẻ phát triển tự nhiên, với sự nuôi dạy tốt, với tình thương bao la và nhẫn nại chịu khó của chư ni và các cô giáo Phật tử dịu hiền. Trong môi trường như thế, trẻ được học và chơi, cũng đồng nghĩa với được hoằng pháp. Vậy thì hoằng pháp có mặt khắp nơi, và trường mầm non Phật giáo đáng được mọi cấp giáo hội, mọi người xuất gia và tại gia, những người hằng tâm hằng sản cùng góp phần công đức cho những ngôi trường như thế sớm hình thành.
Cao Huy Hóa
Tháng 3-2015
[1] “Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non”, diễn ra vào ngày 8-11-2014 vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh do Ủy ban Trung ương MTTQVN và Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp tổ chức, với sự tham dự của đại biểu 12 tôn giáo, đại diện cho các cơ sở từ thiện, giáo dục mầm non trên cả nước.