Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Tượng đức Quán Thế Am tại Trung Tâm Văn Hoá Phật Giáo...

Tượng đức Quán Thế Am tại Trung Tâm Văn Hoá Phật Giáo Liễu Quán

205
0

Nhà thơ Anh Phan, tuổi gần 80 mà cổ nhân gọi là bậc “chí”, đã chứng kiến bao nỗi thăng trầm của Cố đô Huế, có mấy vần thơ nói đến lòng thương rộng lớn, vô biên, hoá giải và bao dung của MẸ HIỀN QUAN ÂM theo cách gọi dân dã của người Huế:


Mẹ là Bồ-tát Quán Thế Âm,


Thị hiện trần gian cứu khổ tầm,


Thành Nhơn tạc tượng công ơn mẹ,


Thường hay nhiếp độ khách


quang lâm”.


Còn những người lao động bình thường như giới xích lô, xe thồ; các bà, các chị bán hàng rong, thu mua nylon, đồng nát, giấy loại… thì mỗi lần đi qua địa chỉ khá quen thuộc, số 15A đường Lê Lợi, cạnh Cercle sportif (câu lạc bộ thể thao) nay là Trung tâm Festival Huế, lại nói một cách hồn nhiên rằng:


Mới đi đó mà đã thấu chùa Liễu Quán, dừng lại nghỉ chút đã. Chùa ni không xưa mà chẳng nay, pho tượng Phật Bà răng lại có nét là lạ rứa hè!”.


Ngày 10-01-2004, giáo sư Ray Beache, sau khi tham quan Trung tâm văn hoá Phật Giáo Liễu Quán, đã dừng lại rất lâu trước tượng Quán Thế Âm để chiêm ngưỡng nét đẹp, uy danh bao dung của MẸ và nhớ đến bàn tay vàng cố nghệ sĩ Lê Thành Nhơn, một Việt kiều tại Úc, đã lưu lại mấy dòng kỷ niệm bằng tiếng Anh và đã được dịch ra Việt ngữ như sau:


Tôi đã thấy nhiều di tích lịch sử của Huế và Trung tâm nghiên cứu Phật giáo này là nơi yên tĩnh nhất mà tôi được biết và thấy tác phẩm điêu khắc của Lê Thành Nhơn, ông đã qua đời ở thành phố Melbourne, Australia vào tháng 11 năm 2002.”


Lạ nhỉ! một người nước ngoài sao lại biết tường tận về tác giả của tác phẩm tượng bán thân điêu khắc vô giá Quán Thế Âm ở Trung tâm Liễu Quán như là một người dân Tràng An của đất văn vật Cố đô Huế chính gốc.


Nhớ lại, sau ngày vía Đức Phật Thành Đạo, mồng 8 tháng chạp năm Kỷ Dậu tức 15-01-1970, Phật lịch 2513, lễ đặt đá xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Liễu Quán đã được tổ chức trọng thể nơi đây, bản vẽ quy mô được duyệt lấy gốc từ đồ án tốt nghiệp học vị Kiến trúc sư của ông Nguyễn Kỳ, sinh viên năm thứ 6 trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn, đỗ hạng tối danh dự với lời khen của Hội đồng Giám khảo năm 1969. Khung trời thoáng rộng, Trung tâm gồm ngôi nhà chính (sẽ tiếp nối 10 tầng) với các công trình phụ như nhà làm việc, nhà in tạp chí Liên Hoa và các ấn phẩm khác như: kinh, luật, luận, sách báo và các ấn phẩm khác.


Trung tâm đã đi vào sinh hoạt từ những năm mở đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX do Hoà Thượng Thích Đức Tâm làm Giám đốc điều hành.


Hơn ba năm sau ngày đặt đá, ngày 12/4/1973 lễ dựng tượng Quán Thế Âm theo đúng tên đã khắc trên bảng đồng khổ 21x30cm được gắn sâu vào trụ biểu khẳng định Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn thực hiện. Buổi lễ được tổ chức rất trang trọng, bề thế nhiều mặt, uy nghi và rất linh thiêng. Tượng đã được Đại Lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên chứng minh khai quang điểm nhãn.


Lê Thành Nhơn sinh năm 1940 ở tỉnh Bình Dương, Nam Kỳ, tốt nghiệp thủ khoa trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia ĐỊnh năm 1963 và đã có nhiều tác phẩm tham dự triển lãm thường niên ở thủ đô ánh sáng Paris đúng vào năm ông bước vào tuổi đời 23.


Ông đã từng đảm trách công tác giảng dạy tại trường ông đã xuất thân và trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế trong những năm cuối thập kỷ 60 và đầu 70 của thế kỷ vừa qua. Đầu năm 1974 (vào ngày 24 tháng Chạp năm Quý Sửu), ở tuổi 33, ông đã tạc tượng bằng đồng nhà yêu nước Phan Bội Châu. Tượng đã hoàn thành, chỉ đợi “rờ-tút” làm đẹp nhưng vì lý do khách quan, khó khăn nhiều mặt, mọi chuyện đành gác lại; phải mất 15 năm sau mới được đem dựng phía trước nhà thờ cụ Phan nằm trong khuôn viên nhà ở của Ông già Bến Ngự, đối diện chênh chếch bên trái chùa Từ Đàm-Huế.


Tiếc thay, trong sưu tập LÊ THÀNH NHƠN, xuất bản năm 2004 ở Australia, do những người bạn của nghệ sĩ tài hoa là các họa sĩ Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn và Tôn Thất Quỳnh Du chủ biên lại vô tình thiếu sót tượng Quán Thế Âm. Như để biểu thị sự khiếm khuyết và niềm hối tiếc với người bạn tri âm, tri kỷ của nhóm nghệ sĩ người Việt ở nước ngoài cùng thế hệ với tác giả, vào tháng 10 năm 2004, chị Huỳnh Bội Trân, nghiên cứu sinh Tiến sĩ nghệ thuật ở Úc đã về Huế tìm hiểu thực tế. Chị đã phải cất công nhiều buổi đến Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tham quan và làm việc để tìm lại ấn tích xưa.


Hy vọng trong kỳ tái bản, bộ sưu tập này được bổ sung đầy đủ hơn, làm hài lòng người nghệ sĩ tài danh của đất Bình Dương nơi đã sản sinh ra lắm người đẹp gái và đẹp trai nữa.


Ngày trước, khi tượng Quán Thế Âm chưa được hoàn thành; Chư tôn Thiền đức, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh và cả bên ngoài dân gian mang mang tâm trạng khác nào nỗi lòng ưu lo của vua Tự Đức khi viết Thánh chế Tự học giải nghĩa ca, quyển 4, Nhân Sự Loại (trung) rằng:


“NGHIỆP lòng ái ngại, LẪM lòng sợ kiêng”


Nhưng cuối cùng thì đâu vào đó, cứ việc y giáo phụng hành.


Tượng đồng và trụ đá đã trãi qua 32 năm, tĩnh tại ở một vị trí lý tưởng ở Thành phố Huế cổ kính có bề dày lịch sử gần 700 năm. Danh họa Âu Mỹ, hoạ sĩ Lê Bá Đảng nổi tiếng với những bức tranh hai mặt được triển lãm ở khắp các nước phương Tây và tại quê nhà, đã 3 lần tham dự Festival Huế, vào ngày 8-6-2004 đã tìm thăm Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán và để lại bài thơ đô thị bằng nét chữ nghệ thuật một cách tài tử theo hồn phiêu diêu của Chu Thần Cao Bá Quát. Tâm tư lắng đọng của hoạ sĩ tài danh thể hiện trong 11 chữ được bố trí cách điệu thành 3 dòng, nhưng trong đó dòng cuối chỉ có một chữ ĐẸP!


“Khung cảnh đẹp đẽ cho


Văn hoá Phật mãi mãi


ĐẸP


Lòng tôi ấm áp lạ thường vì được “người ĐẸP” tặng chữ cho Trung tâm theo lối thư pháp quốc ngữ đời nay. Quý báu và hiếm hoi thay! Hy hữu là đằng khác. Sung sướng như tìm thấy vàng ròng cổ vật bị chôn vùi dưới lòng một ốc đảo vậy.


Mới đây thôi, còn chưa ráo nét mực, vào chiều ngày 2-4-2005 khi được hầu chuyện và trả lời dồn dập những câu hỏi của bà Kerry, giáo sư người Australia, có chồng là người Việt Nam. Phương danh của đức lang quân là Nguyễn Kim Long, một cái tên rất chi là Huế, ông còn là Tư vấn trưởng “Dự án xóa đói giảm nghèo”. Những câu hỏi đặt ra chung quanh tượng Quán Thế Âm tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán mà nàng dâu xứ Huế muốn biết rõ hơn về một di sản văn hóa của quê hương chồng mình. Cuộc tiếp chuyện khá lý thú bởi dường như nội dung trao đổi khác nào một cuộc đàm đạo đồng tình, đồng đạo đầy thiêng liêng. Trước khi chia tay và hẹn ngày trở lại, bà Kerry đã để lại trong tập lưu bút của Trung tâm mấy dòng kỷ niệm bằng tiếng Anh rất ấn tượng về ngôn từ, sâu sắc về ý tưởng:


“QUAN ÂM, gazing out into the busy street, drew me into the Buddhist center…, an oasis and quiet place to sit and view the paintings, listen to the different points of view surrounding the bronze statue in the front of this center, a place of learning in the middle of busy noise outside.


Best wishes to all who made this center available for all “


Xin tạm dịch là:


Tượng Quán Thế Âm nhìn ra con đường nhộn nhịp kéo tôi vào Trung tâm Phật giáo một ốc đảo và một nơi yên tĩnh để ngồi và ngắm những bức họa; lắng nghe những quan điểm khác nhau về bức tượng đồng phía trước Trung tâm, một nơi đến để học hỏi ở giữa cái ồn ào náo nhiệt bên ngoài .”


Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến với những ai đã lập ra Trung tâm quý báu nầy cho tất cả mọi người”


Thì ra, hằng ngày tôi làm việc tại nơi này mà chẳng nghĩ ra rằng: Trung tâm Liễu Quán, ngôi nhà chung; thật là một nơi yên lặng chẳng khác nào một ốc đảo (an oasis). Phòng đọc sách và phòng tiếp khách khiêm tốn chỉ cách bờ rào sắt ngăn cách Trung tâm với hè đường Lê Lợi khoảng hơn 12 thước tới.


Trung tâm Liễu Quán toạ lạc ở nơi khá khiêm tốn, phòng đọc sách, phòng lễ tân, các phòng làm việc tuy nhỏ nhắn, nhưng với tôi các phòng này không có giới hạn ngăn cách và rất yên tĩnh, khác nào được sống và làm việc trong một “ốc đảo” theo lối tư duy của khách Úc gốc châu Âu.


Một khoảnh khắc lắng đọng, đã đưa tôi trở về với những nghĩ suy theo dòng chảy tâm linh, tìm cách cắt nghĩa những quan điểm sai biệt, khác nhau về lối nhìn nhận, cảm thụ điêu khắc của tác giả Lê Thành Nhơn.


Thiết nghĩ thô thiển rằng: TƯỢNG là HÌNH hoàn toàn khác với ẢNH. Tượng đồng bán thân(đã được đánh xy màu đen) mà thiếu phần thân (kể từ phần cổ trở lên) là một công trình điêu khắc mỹ thuật theo trường phái nghệ thuật LẬP THỂ. Tượng cũng là Hình. Thế thì NỀN ở đâu? NỀN là toàn cảnh Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán nằm ở giữa lòng đô thị Huế. Ngoài đường thì ĐỘNG mà bên trong thật sự TĨNH. Tĩnh–Động, Động-Tĩnh rõ ràng, giờ đây không còn có chi là nghi vấn, băn khoăn nữa! Phải không? NỀN còn là MẶT TIỀN của sảnh đường Trung tâm có dạng hắt lên và lại là hắt ra ngoài mà bên trên là “một cảnh chùa thu hẹp” như lời của Phật tử Nguyên Hạnh đề thơ “HIỆN SINH LIỄU QUÁN”, xin trích dẫn 4 câu tứ tuyệt tiêu biểu:


“Một ngôi nhà nhỏ, mái tôn xanh,


Vuông vức mỗi bề,


chục thước khoanh,


Trước mặt Phật Bà xưa để lại,


Sau lưng vườn cảnh


mới còn thanh.”


Nhà nhỏ phía trên tầng trệt này được làm nhanh, làm gấp cho kịp sớm hoàn thành trước mùa Phật Đản, Phật lịch 2546 (tức năm 2002 theo Tây lịch). Thời gian được khoán định: Chỉ hai tháng thôi, theo bản vẽ có sẵn trong trí tuệ của Chư Tôn Thiền Đức thường quen thuộc với việc thiết kế và xây dựng chùa chiền, tự viện, tổ đình, vườn chùa.


Ấy thế, bấm tay tính lại vòng quay ngày tháng, kể từ ngày Trung tâm này được giao hoàn cố chủ đã bốn mùa sen nở rồi. Trải qua những 27 năm Trung tâm được sử dụng vào những chức năng, dịch vụ trái khoáy với những chức năng của buổi ban đầu. Cuối cùng thì “Châu về hợp phố” theo cách nói của người Á Đông hay cách nói khác của người phương Tây là “của César trả lại cho César“.


NỀN còn là TRỤ ĐÁ, một hình thức của TRỤ BIỂU ở bên trên trụ là TƯỢNG. Ngày xưa ở đất Phật, vua A-Dục (Asoka) xây trụ đá mà bên trên có tượng Sư tử biểu trưng cho đức độ dũng mãnh, toát lên tinh thần vô uý. Còn trụ biểu ở Trung tâm Liễu Quán dùng để làm bệ phóng tôn vinh tượng Quán Thế Âm sao cho xứng hợp với tầm vóc không gian của cảnh quang mà mặt tiền là trục lộ đường cái quan Lê Lợi với tiền thân là đường Jules Ferry, rất trang trọng và điểm xuyết nét quý phái của khu phố Tây ở bờ Nam sông Hương.


Trụ đá được xây bằng đá chẻ lấy từ đèo Hải Vân, nơi được chúa Nguyễn Hoàng gọi là yết hầu (cuống họng) của xứ Thuận Quảng. Phần trụ biểu gắn bó hữu cơ và mật thiết với phần TƯỢNG ở bên trên. Trụ biểu là một khối lăng trụ, mặt đế hình vuông, cạnh lớn tiếp giáp với mặt đất liền có chiều rộng 1m62, chiều cao 0m10. Phần thân của trụ cao 1m60, chiều rộng của mặt cắt giáp liền với đế trụ có chiều rộng thu hẹp lại còn 1m32. Phần đỉnh của trụ biểu là một hình lăng trụ có chiều cao 0m20, chiều rộng của mặt cắt đặt úp lên thân trụ có chiều rộng 1m60.


Tóm lại, chiều cao của trụ biểu lên tới 1m90 (đế 0m10+thân 1m60+đỉnh 0m20). Đá chẻ được xây thành dạng hình ghép những thẻ đá lại với nhau theo cách thức trát hồ dính và có xăm xĩa mạch hồi văn. Thành ra cả trụ biểu được xem như là một lăng trụ hình vuông được ghép bằng một số lượng lớn đá chẻ lại với nhau khác nào thợ may hàng nhà chùa may kết những mảnh vải hình chữ nhật thành tấm y của nhà sư.


Phần trụ như thay cho phần thân và tay chân của pho tượng Đức Quán Thế Âm. Tuy rằng phần trụ là NỀN, là bệ phóng tôn vinh cho phần TƯỢNG nhưng cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa. Đá ở đèo Hải Vân dường như không còn vật vô tri nữa, đá cũng có tuổi, đá vẫn nói lên được tiếng lòng thổn thức:


“Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,


Nhân bất phong sương vị lão tài”


(Trần Bích San)


Tạm dịch


“Văn không non nước,


tình không chuốt,


Tài chẳng phong sương,


luyện chẳng già


(khuyết danh)


Không đơn giản chỉ là một khối đá đơn thuần. Nếu lắng lòng quán chiếu thì ai trong chúng ta cũng nghe được đá muốn nói lên điều gì. Có được nguồn cảm xúc siêu thoát như đồng cảm với Mễ Nguyên Chương ngày xưa đã chỉ biết vui và sống cùng với đá, để như nghe được hồn của đá tỉ tê; cho nên cụ Phan Bội Châu đãđể lại cho đời bài phú bất hủ theo đề ra của chí sĩ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền cho học sinh với đầu đề “Bái Thạch Vi Huynh” vào năm 1885 tại trường dạy chữ Hán ở Cố Đô Huế.


Trí tuệ của nghệ sĩ Lê Thành Nhơn không phải chỉ tập trung thổi hồn vào phần TƯỢNG là chính ở phần bên trên mà còn soi rọi xuyên qua đá ở phần trụ biểu dưới phần tượng. Ô hay! Tượng lập thể phải chăng là như vậy.


Tượng Quán Thế Âm được đúc theo mẫu sáng tạo của nghệ sĩ có tâm hồn phóng khoáng, với thủ pháp phá cách độc đáo. Ông đã ấp ủ đề tài gần một năm trời, để rồi tuôn chảy thành những đường nét nghệ thuật hàm chứa trí tưởng nhiều mặt, nhiều góc cạnh cảm thụ, nhìn nhận và đánh giá.


Chiều cao của TƯỢNG bán thân (từ cổ trở lên, không có phần thân) là 1m67 so với phần trụ là 1m90, tính cả trụ lẫn TƯỢNG chiều cao đến 3m57; trội hơn vê-răng-đa tiền sảnh khoảng 0m60.


Với độ cao 1m67 đổ xuống mặt trên trụ đá theo chiều thẳng đứng, tượng Phật được bố trí thành 3 phần từ thấp lên cao như sau:


– Phần cổ có 3 ngấn cao 0m32.


– Phần khuôn mặt trái xoan hình bầu dục cao 0m57.


– Phần bên trên từ lằn khăn chít đầu đỉnh tượng cao 0m78.


Tôi đã lúng túng trong việc tìm thuật ngữ nên xin tạm gọi từ đỉnh trán trở lên là “phần thượng đĩnh”. Phần này bao hàm ý nghĩa biểu trưng gồm một búp hoa sen nở xoè ra 8 cánh và một nụ sen thẳng đứng đóng vai trò chủ đạo tựa như một trục đối xứng làm tâm phân bổ mỗi bên tả hữu 4 cánh sen cân đối.


Còn tượng thì đội trời có hình ảnh giống như một cái khăn chít ngang được kết toả ra khác nào một đài mũ quan âm, nói rõ ra chi tiết này giống như một cái tán nửa mũ, nửa khăn hài hoà. Nếu quan sát kỹ lưỡng ở phần “đỉnh trán” (ngang tầm lằn khăn) thì sẽ thấy rõ có một dấu hình tròn nho nhỏ trông tựa như một bít son trang điểm làm đẹp chỉ dành riêng cho phụ nữ Ấn Độ mà thôi.


Bề ngang của tượng ở phía dưới chân đế áp sát trên thân trụ biểu rộng 1m14. Phía trên tán che có tạc tượng Phật DI ĐÀ trong tư thế ngồi kiết già nửa rõ nét, nửa hiện lên những đường gân lờ mờ. Có thể xem phần tạc hoa sen 8 cánh và phần tán che ở bên trên cũng là phần NỀN làm tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng, dịu hiền của khuôn mặt tượng Quán Thế Âm. Nghệ sĩ tạc tượng đã thể hiện tính Phật, chất Phật biểu trưng qua phần bên trên này một cách thâm sâu. Nếu không có phần bên trên này, thì chắc rằng đã không ít người khó nhận ra đây là tượng Phật Bà. Ngài đã tự nguyện xuống cõi Ta bà để nhận lãnh sứ mạng cứu khổ chúng sinh và đã thị hiện hơn 32 hình tướng khác nhau, kể cả dạng hình đàn ông như hình thân của các hộ pháp mà dân gian gọi là ông Thiện, ông Ác.


Những đường nét nghệ thuật thanh thoát, những mảng nhỏ nhắn và nét khoét sâu, những lằn rẽ quạt…là ngôn ngữ của điêu khắc vừa có tính cách chân phương vừa ước lệ lại vừa lập thể. “Ý tại ngôn ngoại” những đường nét xoáy sâu của điêu khắc là thế, khó lòng dùng ngôn ngữ của đời thường để diễn đạt. Tượng của Lê Thành Nhơn, nhất là tượng Phật, tượng Bồ-tát lại mang tính cách đa diện, kể cả mặt gam màu, ánh sáng và không gian đa hợp.


Xét về mặt thẩm mỹ thì độ cao của tượng đồng trên trụ biểu trở thành một khối kiến trúc, điêu khắc cân xứng, hài hoà dung hợp của con người với đất trời, thiên nhiên mà bản chất là Thánh, là Tiên, là Bồ-tát, là Phật. Cả không gian đất trời hòa quyện với hồn thiêng sông Hương núi Ngự của đô thị Huế vốn xưa là thủ đô Phật Giáo theo cách nhìn nhận của nhà bác học Lê Quý Đôn tinh thông Nho giáo, Dịch lý và thâm nhập triết lý Đạo Phật…


Du khách đứng gần hoặc ở vị trí xa hơn để chiêm bái đều nhìn được hình tướng tượng Phật lung linh biến hoá dưới ánh sáng của sắc trời hương nước.


Chủ đích của nghệ sĩ sáng tạo tượng Quán Thế Âm là muốn cho du khách chiêm ngưỡng hình tướng, đạo hạnh cao vời của MẸ để tự soi rõi đến tận tâm linh thì thế nào cũng loé sáng, tìm được, hưởng được vẻ đẹp nhiệm mầu: VÔ THƯỢNG THẬM THÂM VI DIỆU PHÁP đó mà! Không phải chỉ ở quốc độ Niết-bàn, cõi lạc thiên mới được sự giải thoát mà con người trần tục nsỳ nếu có đạo tâm chịu khó chiêm nghiệm và cũng dễ dàng trực nhận ra đâu là THÁNH THIỆN / tội lỗi, đâu là THỊ / phi, đâu là THỰC / hư, đâu là CHÂN / giả… Nghệ sĩ Lê Thành Nhơn có một trực giác sáng tạo phi thường, đạt tới mức có thể làm cho người ngắm tượng liên nghĩ tới các phạm trù tối thượng, siêu thoát, bất khả tư nghì. Nói một cách khác, Lê Thành Nhơn không còn là Lê Thành Nhơn nữa; mà chính ông, tâm thức, tâm linh của ông đã hoà quyện vào pho tượng, vào trong đất trời và cảnh quang thiên nhiên làm nền cho tượng đài quý giá ở một Trung tâm Văn hoá xứ Phật…


Thể hiện cái đẹp, cảm thụ nghệ thuật, thẩm định tác phẩm văn hoá của mỗi người không ai giống ai, mọi lý lẽ thuyết minh hoặc phản biện đều có lý riêng của họ. Câu nói có tính cách trào lộng của nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, tác giả bài thơ “Áo lụa Hà Đông” do Ngô Thụy Miên phổ nhạc khá sâu sắc: “Mỗi người đều có lý, Tây trắng có lý của Tây trắng, Tây đen có lý của Tây đen, Tây nhà đèn có lý của Tây nhà đèn“. Trong ý nghĩa đó, có rất nhiều người đánh giá, thẩm định tác phẩm điêu khắc tượng Quán Thế Âm bán thân đặt trên trụ đá ở Trung tâm Liễu Quán với những quan điểm khác nhau.


Sơ khởi, những ngày trước và sau lễ dựng tượng không ít người nhìn Tượng mỉm cười để bày tỏ quan điểm với nội dung rằng:


Tượng Quán Thế Âm sao mà có nét phảng phất nét văn hoá – nghệ thuật Chăm Pa mà người cổ xưa gọi là văn hoá HỜI”.


Tiếp thu và triển khai từ ý tưởng phê bình dí dỏm ấy, dân gian diễn dịch quan điểm của mình về thẩm định giá trị của pho tượng: “Có một nét hời, chữ hời không viết hoa”. Ngôn ngữ vốn có tính đa nghĩa trong văn cảnh này. Âu rằng đây cũng là một một lối “chơi chữ” hay hay vì chữ “hời “còn có nghĩa là hời hợt, hoặc chưa đạt mức yêu cầu hoặc vượt quá yêu cầu thành ra góp phần biến tướng hay phá tướng, một thuật ngữ xuất phát từ khoa hình tướng học phương Đông được lưu truyền khá thịnh hành dưới dạng âm thầm hơn là sách vở.


Dẫu cho có chút “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” cũng không làm cho người nghệ sĩ điêu khắc tài hoa ấy buồn lòng. Lê Thành Nhơn vẫn vững vàng niềm tin thổi hồn mình vào sản phẩm. Ông chỉ nói khi người ta ngỏ ý chọc ghẹo mình rằng “Mẹ ơi! Lạy Phật”.


Thế gian lại cũng nhiều lời. Có người xem tượng Phật Bà, rồi lại bảo “sao lại giống Cléopâtre” không nhiều thì ít! Tai hại chưa? Có thật đúng như thế không? Lê Thành Nhơn cho rằng biết đâu trong tiềm thức, ông đã thể nhập vào hồi nào không hay hình ảnh người đẹp Cléopâtre trong phim Cléopâtre cùng tên gọi mà nữ hoàng điện ảnh Mỹ, cô đào nguyên tử đạt hạng siêu sao Elisabeth Taylor (Litz Taylor) thủ vai chính.


Sở dĩ có sự ví von, so sánh giữa tượng và phim rồi nhanh chóng quy kết cho ra lẽ như vậy chỉ vì một lý do rất đơn giản. Vào thời điểm ấy các rạp chiếu phim ở các tỉnh thành phía Nam từ Quảng Trị vào tận Cà Mau đều chiếu bộ phim ăn khách: “Nữ hoàng Cléopâtre”. Xem phim rồi liên nghĩ đến tác phẩm điêu khắc Mẹ Hiền Quan Âm thì vẫn là chuyện thường tình. Điều này như đã góp phần nâng cấp trong việc thẩm định giá trị nghệ thuật của pho tượng thôi. Chắc rằng nghệ sĩ Lê Thành Nhơn một Phật tử thuần thành, giàu tín tâm có thêm niềm vui mới về một tác phẩm quý giá do chính mình đã dày công chăm sóc, tỉa gọt, nâng niu và tôn kính một cách thiêng liêng.


Thiết tưởng cần nói rõ thêm là nhân vật chính của cuốn phim lịch sử này. Cléopâtre là tên bảy vị nữ hoàng Ai Cập, người nổi tiếng nhất là Cléopâtre VII, sinh năm 69 trước Tây lịch, lên ngôi từ năm 50 đến 30. Người Ai Cập gọi nữ hoàng bằng thuật ngữ Pharaoh có nghĩa là Thượng đế. Người châu Âu dịch thoát là Nữ hoàng. Cléopâtre VII là nhà vua cuối cùng (The last Pharaoh). Hồi mới lập quốc, người Ai Cập chưa có quan niệm về Thượng đế, nên họ dùng danh từ Pharaon (theo cách viết của người Pháp) có nghĩa là người ở trong ngôi nhà đẹp để gọi Vua của họ, chứ không gọi Thiên tử (con trời) như người Trung Hoa. Vào lúc 17 tuổi, Cléopâtre (tiếng Anh là Cleopatra) VII lên ngôi Pharaoh (xem như Nữ hoàng). Bà đã trị vì Ai Cập từ năm 51 đến năm 30 trước Tây lịch và mất vào năm 39 tuổi mà có truyền thuyết cho rằng do rắn độc cắn.


Sắc đẹp của bà đã làm say đắm César rồi đến Antoine. Nhà toán học Pascal đã viết trong tác phẩm “PENSÉES” (Tư Tưởng) một đoạn văn nổi tiếng “…nếu cái mũi của Cléopâtre ngắn hơn thì nó sẽ làm thay đổi bộ mặt thế giới“.


Phải chăng chỉ vì nhìn ngắm cái mũi của người đẹp khuynh nước khuynh thành Cléopâtre trên màn ảnh lớn mà giới ghiền xi-nê (cinéma), trong đó có con ma ghiền xi-nê Lê Thành Nhơn đã trực giác sáng tạo thể hiện một phần nào dung nhan của tượng Quán Thế Âm. Trong nghệ thuật, cá tính của tác giả thể hiện theo hồn mang mang, man mác, phảng phất trong tác phẩm là lẽ thường tình. Dẫu cho có nói ép rằng Lê Thành Nhơn đã “bắt chước” thì cũng oan uổng cho ông thôi. Ông lấy đà sáng tạo (élan vital) theo cách nói của triết gia Henri Bergson (1859-1941) để làm đà tư duy và thổi hồn mình vào đứa con tinh thần, đứa con tâm linh là pho tượng (chớ không phải Đức Quán Thế Âm).


Chưa hết chuyện này lại nhảy sang chuyện khác. Đá cũng nhảy mà đồng lại cũng nhảy. Vật chất biến hoá lung linh, vi diệu lắm. Một số đông người đương thời và cả hôm nay thích nhạc Trịnh Công Sơn mà ca sĩ Khánh Ly thể hiện lột tả được hồn nhạc và tâm linh của nhạc sĩ đồng tình, đồng điệu, đồng cảnh ngộ gia đình với nhiều thân phận bi thê của kiếp người. Xin mượn lời của cô Nguyễn Minh Thuý, lại cũng là người đẹp, tuy không phải là Phật tử nhưng cô không ái ngại thỉnh thoảng đến thăm viếng, nói chuyện ở Trung tâm Liễu Quán. Cô đã để lại lưu bút, tiêu biểu có đoạn rất sâu lắng và sâu sắc rằng:


“Chính người Huế đã từng gây cho con biết bao đau khổ và cũng chính nơi đây để lại cho con hương vị đậm đà:


Ngón tay lần chuổi hột,


Như nếm từng nỗi đau,


Thời gian mòn chuổi hột,


Nỗi đau hoá nhiệm mầu“.


Tuy rằng có những khác biệt, nhưng dường như cả ba nhân vật Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và Nguyễn Minh Thúy đã có chung cùng độ rung để nói lên tâm tư về hoàn cảnh bản thân và gia đình, mà mỗi người đã vướng mắc phải trần lao khổ luỵ vì lý do khách quan và chủ quan.


Ròi quê hương Hà Thành, với những con đường rợp bóng hoa sữa, Khánh Ly theo mẹ vào Nam năm 1954 để lập nghiệp lúc tuổi còn thích ngậm ô mai ở đất Lâm Đồng và Sài Gòn hoa lệ, hòn ngọc Viễn Đông.


Trong những năm giữa thập 60 và đầu thập 70, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng ca sĩ Khánh Ly đã từ Sài Gòn ra Huế để trình diễn những sáng tác mới tại Viện Đại Học Huế, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, Trường Bồ Đề Tả Ngạn. Người Huế rất yêu thích nhạc Trịnh qua phong cách biểu diễn với giọng hát truyền cảm của ca sĩ Khánh Ly. Những buổi trình diễn nhạc như thế đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng của mọi tầng lớp quần chúng. Vào thời buổi ấy bản thân nghệ sĩ Lê Thành Nhơn rất thích nhạc Trịnh Công Sơn, nễ phục giọng hát liêu trai của ca sĩ có vẻ đẹp duyên dáng, lưỡng quyền cao và nhất là cổ cao 3 ngấn.


Chính vì thế mà nhiều người xem tượng Đức Quán Thế Âm đã bảo rằng tượng này có nét giống với Khánh Ly. Âu rằng, đó cũng là vinh dự lớn đối với người đẹp mà người nghệ sĩ điêu khắc đã hết lòng cảm mến và yêu thích.


Tôi cho rằng không có gì lạ khi bảo rằng tượng Quán Thế Âm có nét hao hao giống với các người đẹp như Cléopâtre, Elisabeth, Huyền Trân công chúa, Ngọc Hân công chúa, Thẩm Thuý Hằng và ngay cả giống với tỷ lệ phần trăm thấp hơn mà trong đó có Mẹ mình, em gái mình, vợ mình, con gái mình nữa…


Thật là:


Phật Bà phép chí vô biên


Một thân hóa mấy mươi ngàn muôn thân”


(Nam Hải Quan Âm truyện)


Nghiệp tôi làm ông từ, ngày tháng thoi đưa trực nhật ở Trung tâm Liễu Quán sau ngày sinh hoạt trở lại. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, một mình ngồi tự tại trong ốc đảo mà thoảng nghe được hơi gió phảng phất hương thơm. Có khi bước ra sân trước ngắm nhìn pho tượng Mẹ Hiền, nhiễu quanh vài vòng rồi nhớ đến một vần “thơm” của câu ca dao xứ Huế:


Cây thơm trăm nết đều thơm,


Thơm cây thơm rễ người trồng cũng thơm


Thơm nhiều. Tượng Phật Bà bên bờ sông Thơm hướng về núi Ngự. Nước tuôn từ nguồn đổ về Xuân kinh dùng dằng không muốn chảy. Đẹp mà lại thơm làm sao đoạn sông nước chảy về Phu Văn Lâu, đổ qua cầu Phú Xuân trôi êm đềm về Thương Bạc, Trường Tiền, Đông Ba, Vĩ Dạ…


Tôi tận hưởng được mùi thơm từ đất Mẹ, cõi Phật có tượng đồng trụ đá cũng phảng phất hương thơm lan tỏa trong không gian cảnh quang thoáng mát mà lại dịu hiền:


Vườn hoa Liễu Quán, đầy muôn sắc


Văn hoá hương xưa, phủ chốn này”.


(HT. Mãn Giác, 1970)


Thì ra từ sau ngày dựng tượng, 15-01-1975 dường như Long Thần Hộ Pháp đã đáp ứng được lời mong cầu của cố Hoà Thượng Thích Đức Tâm, chủ bút tạp chí Liên Hoa, tập san Liễu Quán, và là Giám đốc điều hành trung tâm từ khi mới thành hình, đã nói trong buổi lễ đặt đá xây dựng:


Trước tiên, Trung tâm khiêm tốn sẽ giới thiệu và trình bày những sinh hoạt của Phật giáo trên các lãnh vực văn học nghệ thuật. Những sinh hoạt này không những mang được bản sắc Phật giáo trong cá tính dân tộc, mà còn là những sinh hoạt ảnh hưởng của Phật giáo của cộng đồng nhân loại qua không gian và thời gian“.


Tán đồng quan điểm ấy, nhà thơ Trụ Vũ đề thơ bằng thư pháp tặng Trung Tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán qua 2 vế đối:


Liễu nghĩa vô thường, vui Thuận Hóa,


Quán thân bất tịnh, đẹp Thừa Thiên


Hằng ngày du khách đến tham quan Trung tâm đều gửi gọn lời chúc tốt đẹp nhất đến với những ai đã lập ra Trung tâm quý báu này cho tất cả mọi người.


Xin đốt nén hương lòng tưởng nhớ kính dâng lên Cố Hoà thượng Giám đốc điều hành xưa đã viên tịch, nhớ đến điêu khắc gia Lê Thành Nhơn ở chín phương trời, mười phương Phật. Nghệ sĩ điêu khắc tài danh đã du hoá ở khắp các quốc độ theo ánh hào quang chỉ đường của Mẹ Hiền Quan Âm.


“Ô hay! Tiền bất kiến cổ nhân


Hậu bất kiến lai giả”


(Trần Tử Ngang)./.


Trung tâm Liễu Quán Mùa Phật Đản PL.2549


Lê Quang Thái


 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here