Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn trề sức sống nên ít có ai nghĩ đến cái chết. Nếu ta sống ở xã hội Mỹ, một xã hội với trình độ y tế cao, ta có thể thấy rằng tuổi trẻ và cái chết là một đề tài rất xa lạ. Nhưng mấy năm gần đây, những biến cố như 11 tháng 9, chiến tranh Iraq và sóng thần Tsunami, đã cướp lấy cuộc sống một cách không phân biệt già trẻ. Một số lớn nạn nhân sóng thần là trẻ em không đủ sức chống chọi với cơn nước lũ. Hàng ngày, trên đài truyền hình Mỹ, người ta chiếu hình ảnh những quân nhân hy sinh cho tổ quốc, trong đó có những người thanh niên, thiếu nữ rất trẻ tuổi. Cái chết của tuổi trẻ làm cho thế hệ trung niên đã từng sống ở Việt Nam nhớ lại chiến tranh Việt Nam một thời đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người lính trẻ. Rồi biết bao nhiêu trẻ em vô tội trở thành nạn nhân của bom đạn trong nháy mắt. Sau chiến tranh, hàng loạt người bỏ nước ra đi với tư cách thuyền nhân hay vượt biên bằng đường bộ sang các nước láng giềng. Người ta ước lượng có tới hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên đại dương cũng như ở trong rừng.
Như thế, cái chết không phải đợi tới già yếu hay bịnh hoạn mà nó có thể đến bất thần ở mọi lứa tuổi. Ở xã hội Mỹ, đa số người trẻ tuổi chết do tai nạn xe cộ hay bị bắn; ngoài ra, số tử vong đứng hàng thứ 3 là do tự tử. Nhiều người thắc mắc tự hỏi tại sao những thanh niên thiếu nữ sống trong một xã hội đầy đủ vật chất lại thấy chán đời không muốn sống.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng suy sụp tinh thần. Nguyên nhân thường xuyên là do sự mất mát về tình cảm. Những hoàn cảnh dẫn đến sự mất mát về tình cảm gồm có: gia đình bất hòa, cha mẹ cãi lộn thường xuyên, cha mẹ đi làm không có thời giờ hỏi han chăm sóc con cái, không quan tâm hay không tìm hiểu về cuộc sống tinh thần và tình cảm của con cái, đứa trẻ bị người yêu tuyệt giao mối quan hệ tình cảm với nó, đứa trẻ thi rớt… và còn nhiều nguyên do nữa.
Khi đứa trẻ bị mất tình yêu thì lòng tự trọng bị tổn thương. Nó cảm thấy yếu kém so với bạn bè, không có chỗ đứng trong gia đình và xã hội. Khi có những tình cảm như vậy, đứa trẻ dễ bị quyến rũ vào băng đảng. Nó cảm thấy băng đảng chấp nhận nó vì những đứa trong băng đảng đều chia sẻ cái tình cảm bất mãn gia đình và xã hội. Chúng sẽ dễ bị đưa đẩy vào con đường nghiện ngập. Chúng dùng xì ke ma túy để cố lấp cái khoảng trống của tình yêu bị mất. Rồi dần dần xì ke ma túy sẽ dẫn chúng vào con đường phạm pháp. Những đứa trẻ nhập băng đảng có cuộc sống mong manh hơn so với đứa trẻ sống trong gia đình. Chúng dễ tử vong do tranh chấp, bắn giết lẫn nhau, do bịnh tật khi chích ma túy… Ðôi khi chúng vô tình dùng xì ke ma túy quá liều và bị chết.
Những dấu hiệu của một đứa trẻ chán đời mà phụ huynh cần biết, đó là:
– Thay đổi cách ăn uống cũng như giờ giấc ngủ
– Không thích giao thiệp với bạn bè như lúc trước
– Trốn nhà ra đi hay trở về giờ giấc bất thường
– Thay đổi về cách ăn mặc
– Thay đổi đột ngột về tính tình, cau có, dễ cãi lộn với gia đình
– Bỏ học, học hành sa sút hay bị kỷ luật ở trường.
Khi nghe đứa trẻ than phiền muốn chết hay có những lời nói như: “Còn vài ngày nữa thì con sẽ không còn phiền hà cha mẹ nữa”, hoặc thấy nó cho người khác những món đồ mà nó thích nhất thì phụ huynh không nên coi thường. Ðiều tốt nhất là phải ngồi xuống nói chuyện với đứa trẻ và đề nghị dẫn nó đến chuyên viên tâm lý hay bác sĩ tâm thần để được giúp đỡ. Hiện nay, ngành tâm lý rất tiến bộ, chuyên viên tâm lý có nhiều kỹ thuật tâm lý trị liệu để khai mở những uất ức về tình cảm. Ngoài ra còn có những loại thuốc an thần chuyên trị tinh thần sa sút (depression/trầm cảm). Phụ huynh đừng nên coi thường những lời nói như vậy và bỏ qua. Ðứa trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ không gần gũi và hiểu được nó và từ đó cảm thấy cô đơn hơn. Khi quá cô đơn và thất vọng, nó có thể có những hành động tự kết liễu cuộc sống.
Tôn giáo có thể giúp gì được trong những hoàn cảnh như vậy? Nhiều nghiên cứu cho thấy tôn giáo có vai trò bảo vệ cuộc sống và ngăn chặn tự tử. Những gia đình có tôn giáo, cha mẹ thường có cuộc sống tinh thần cao, họ tôn trọng lẫn nhau và ít cãi lộn cũng như dùng lời nhục mạ kẻ khác. Cha mẹ thường đề cao tình thương và sự tha thứ, chấp nhận trong quan hệ với con cái. Họ ít có cái nhìn độc đoán, ngược lại còn chịu khó tìm hiểu con cái. Họ giải đáp vấn đề bằng thái độ dung hòa (compromise) và lấy được lòng con cái. Vì thế, đứa trẻ tôn trọng cha mẹ và thành thật trao đổi những khó khăn với cha mẹ. Ðứa trẻ được giáo dục ở Mỹ không nể sợ cha mẹ như đứa trẻ được giáo dục ở Việt Nam. Cha mẹ làm đứa con kính phục khi thành thật trao đổi với nó, giải thích phải quấy cho nó nghe và không bắt nó phục tùng ý muốn mình.
Khi những người sống trong một gia đình có tôn giáo và được giáo dục bằng tôn giáo thì sự khác biệt giữa hai thế hệ sẽ ít hơn, vì cha mẹ và con cái sẽ cùng nhìn về một hướng. Hướng đó là đời sống tâm linh và tình thương vô điều kiện. Khi bậc phụ huynh muốn con cái sống theo ý mình mà không tìm hiểu nhu cầu tâm lý của đứa trẻ thì tình thương đó có điều kiện. Khi đứa trẻ chê bai cái nhìn đời của cha mẹ là quá xưa không hợp với khoa học thì không có tình thương vô điều kiện.
Nói riêng về đạo Phật, nếu hai thế hệ chỉ cần biết áp dụng 4 chữ từ, bi, hỷ, xả thì đời sống tinh thần và tình cảm đôi bên sẽ khả quan hơn rất nhiều. Từ là lòng từ ái, dẹp bớt tự ái của mình để nghe lập luận của kẻ khác. Nếu cha mẹ hay con cái tự cho những hiểu biết của mình lúc nào cũng đúng và người khác là sai, hẳn sẽ không bắt được nhịp cầu thông cảm giữa hai thế hệ được. Ðứng trước một hoàn cảnh, mỗi thế hệ đều có cách nhìn và giải quyết đặc trưng. Nếu tổng hợp được hai cách giải quyết vấn đề thì hai thế hệ sẽ giàu về kinh nghiệm hơn. Bi là khả năng thông cảm được nỗi khổ của kẻ khác. Ðứa trẻ thông cảm được sự hy sinh của cha mẹ đương đầu với gian nan khổ sở để nó được một tương lai tốt đẹp. Cha mẹ thông cảm được sự khó khăn của đứa trẻ đang tìm cách hội nhập vào xã hội và không bắt buộc nó hoàn toàn theo lối suy nghĩ của mình. Hỷ là niềm vui, là khả năng chia sẻ niềm vui của (và với) kẻ khác. Cha mẹ chia sẻ niềm vui của con mình tự chọn hướng đi và nghề nghiệp trong cuộc sống, mặc dù đó không phải là ý nguyện của mình. Ðứa con chia sẻ niềm vui của cha mẹ khi thấy nó thành tài. Sự thành công của mình không phải chiến lợi phẩm cá nhân mà do sự hy sinh nuôi nấng của cha mẹ. Xả là khả năng tha thứ hay từ bỏ cái nhìn ích kỷ cá nhân để chấp nhận cái nhìn tổng quát. Ðể có một giải pháp dung hòa, hai thế hệ cần phải từ bỏ một phần sự cố chấp của mình và tha thứ những ý kiến không thích hợp với mình của thế hệ kia.
Tóm lại, khi tuổi trẻ chấp nhận và sống với đạo lý thì những căng thẳng về tinh thần sẽ giảm bớt rất nhiều, sự quan hệ với mọi người sẽ tốt đẹp hơn. Khi sống với đạo lý, tinh thần ta sẽ được đầy đủ hơn. Chính sự đầy đủ đó là yếu tố quan trọng tránh sự suy sụp tinh thần có thể dẫn đến tuyệt vọng và kéo theo cái chết với nhiều nguyên do khác nhau như đã kể ở phần trên.
Thái Minh Trung, M.D (source: chuyenphapluan)