Đỉnh cao của mỗi triều đại này là các vị vua, nhất là các vua Trần tiền triều: từ Thái Tông đến Nhân Tông, rồi Anh Tông, còn sau đó thì không kể. Tiếp nối huyết mạch quốc gia độc lập thái bình từ triều Lý, các vua Trần đã nêu những tấm gương sáng trị quốc, an dân đúng theo các tiêu chuẩn mà nhà Nho tôn thờ: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ba lần quân Nguyên Mông xâm lược đều bị vua quan, cùng toàn dân đứng lên kháng chiến, đánh bật ra khỏi bờ cõi. Đó phải chăng là nhờ sự đoàn kết trên dưới một lòng, sự đoàn kết này được tạo nên nhờ các vị vua đầy đủ đức tài, yêu nước thương dân, lấy dân làm gốc và hòa hợp lòng dân? Đó là những hạt nhân tạo nên sự quy tụ và ủng hộ của toàn dân, vì các nhà lãnh đạo này có lý tưởng phụng sự, có đầy đủ sức mạnh để biến lý tưởng làm hiện thực. Sức mạnh đó là tấm lòng trung kiên, ý chí nhiệt tình?
Đất nước thanh bình, nhân dân an cư lạc nghiệp thì đương nhiên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội… cũng hoà nhập vào sự thăng hoa ấy mà phát triển rực rỡ. Trong hào khí đó, người Phật tử Việt Nam đời Trần cũng đã biết vận dụng sức mạnh tâm linh, nâng giá trị Phật giáo Việt Nam lên một tầm cao và đóng góp rất nhiều vào công cuộc tô bồi nền văn hoá dân tộc.
Trên hết, phải nói đến ngọn đuốc sáng Trần Thái Tông – một tấm gương đời đạo vẹn toàn; vừa là một đấng minh chủ, vừa là một bậc thiền giả giác ngộ và giải thoát thật sự. Tiếp theo ngọn đuốc sáng ấy là một vị Bồ-tát tại gia: Tuệ Trung Thượng sĩ – hình ảnh tự tại giải thoát, "hoà quang đồng trần"; và người tiếp nối tinh hoa thiền học của ông là Trần Nhân Tông, vị vua xứng đáng là một anh hùng dân tộc, một sáng Tổ đã từng từ bỏ ngôi vị cao quý lên núi xuất gia và sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm – Yên Tử, một dòng Thiền mang đậm bản sắc Phật giáo Việt Nam. Dòng Thiền này tiếp tục rực sáng và soi nẻo tâm linh cho bao thế hệ Phật tử dưới sự truyền thừa của hai vị Tổ: Pháp Loa và Huyền Quang.
Nét đặc biệt của Phật giáo đời Trần là Thiền “biện tâm”. Một thứ thiền mà người nào thực hành cũng được, ở bất cứ nơi nào, thời điểm nào, cũng thực hành được, không phân biệt Tăng hay tục, tại gia hay xuất gia, như Trần Thái Tông có nói: “Không phân biệt là sống giữa đời hay ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, Tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm. Vốn không nam nữ, sao còn chấp tướng?”. Thiền không phải là một sự trốn chạy thực tế, một sự bó buộc, khép kín như một số người đã lầm tưởng, mà Thiền là một phương pháp khai phóng nguồn năng lượng vô cùng tận của nội tâm, để thấy được giá trị chân thật và nhiệm mầu của các pháp. Nếp sống Thiền cũng không phải chỉ thích hợp riêng với bậc xuất gia “cát ái từ sở thân”, mà bất kì ai, nếu có cơ duyên đều có thể lãnh hội và thích ứng. Điển hình như Cư sĩ Duy Ma Cật thời Phật còn tại thế, Cư sĩ Bàng Long Uẩn ở Trung Hoa… đều là những cư sĩ ngộ đạo. Đặc biệt ở Việt Nam, có Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, cũng là một cư sĩ thấu triệt tôn chỉ Thiền tông, được “Tổ ấn tâm truyền”. Ông được từ trên vua quan, Tăng sĩ, dưới đến thứ dân đều kính trọng và đến tham vấn tu học.
Tuệ Trung Thượng sĩ tên huý Trần Tung (có nơi ghi Trần Quốc Tung), là con trai An sinh vương Trần Liễu, anh ruột Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (vợ vua Trần Thánh Tông). Khi Trần Liễu mất, Thượng hoàng Trần Thái Tông (em ruột Trần Liễu) cảm nghĩa, đã phong Thượng sĩ tước “Hưng ninh vương”.
Thuở nhỏ, Thượng sĩ đã có bẩm chất thuần hậu, cao sáng và kính mến đạo Phật. Lớn lên, được cử trấn đất Hồng Lộ (tức Hải Dương ngày nay). Trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Thượng sĩ cũng như các vương hầu thân tín khác, đã trực tiếp tham gia cầm quân chống giặc. Trong cuộc kháng chiến thứ hai, ông đã cùng Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, đem quân kịch chiến với tướng giặc là Lưu Thái Anh và đuổi Thoát Hoan chạy về đến sông Như Nguyệt. Trong cuộc kháng chiến thứ ba, Thượng sĩ được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, nhiều lần đến đồn giặc thương thuyết, trá hàng để quân giặc mất cảnh giác, sau đó cho quân đến cướp doanh trại giặc. Sau ngày kháng chiến thắng lợi, ông được thăng chức Tiết độ sứ, trấn giữ hải đạo Thái Bình. Nhưng chỉ ít lâu sau, Thượng sĩ lui về ấp Tịnh Bang (trang ấp được phong), lập Dưỡng Chân trang, tiếp tục tham cứu Phật học và tu thiền định. Ông tự xưng hiệu là Tuệ Trung, vua Thánh Tông tặng hiệu là Thượng sĩ, nên ta thường gọi là Tuệ Trung Thượng sĩ.
Thuở thiếu thời, Thượng sĩ đã mến mộ cửa Không, thờ Thiền sư Tiêu Dao ở tịnh xá Phước Đường làm thầy và lãnh hội được yếu chỉ nơi Ngài. Thiền sư Tiêu Dao – một nhân vật nổi tiếng cuối đời Lý, là đồ đệ của Cư sĩ Ứng Thuận, thiền phái Vô Ngôn Thông. Thượng sĩ tuy tu Phật mà không hề xuất gia, vẫn có gia đình như bao vương hầu khác. Nhưng vì ngộ đạo rất sớm nên thường lấy thiền duyệt làm vui, không ham công danh sự nghiệp mà lui về chốn thôn dã để tu tĩnh. Đối với thầy, ông luôn tâm nguyện đền đáp công ơn giáo dưỡng:
"Thân tuy ngoài cõi sầu với thương,
Ý vẫn trong gương loan và phượng,
Nhàn nhã ngâm khúc vô sinh
Hầu đáp ơn Thầy mớm sữa…".
(Trích Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Tịnh xá Phước Đường)
Tuệ Trung Thượng sĩ là một nhân vật có hành trạng phi thường, một nhân vật nổi tiếng trong Thiền môn. Tuy thân cư sĩ mà Ngài là một thiền gia đạt đạo, đã siêu việt ngoài vòng kiến chấp, không câu nệ giáo điều, hình thức. Lúc Hoàng hậu Thiên Cảm còn sống, một lần Thượng sĩ được mời vào cung dự tiệc. Bàn tiệc dọn đủ cả chay mặn, Ngài ung dung gắp thức ăn mà không hề phân biệt. Hoàng hậu thấy thế, hỏi:
– Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?".
Ông cười đáp:
– Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật, Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói: Văn thù là Văn thù, giải thoát là giải thoát đó sao?
Vua Nhân Tông vốn đã chứng kiến câu chuyện ăn thịt cá của sư phụ mình, nên nhân một lần khác, bèn hỏi:
– Bạch Thượng sĩ, chúng sinh quen theo cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào thoát khỏi tội báo?
Ngài liền dùng lý luận "tội tánh vốn không" trả lời vua qua một bài thi kệ, đại ý là: Tội phước đều do tâm sinh, tâm cảnh xưa nay đều vắng lặng, thì làm gì có tội phước? Sau đó Ngài còn tiếp kệ:
"Thiết thảo dữ thiết nhục,
Chúng sinh các số thuộc,
Xuân lai bách thảo sinh,
Hà xứ kiến tội phúc?".
(Ăn cỏ với ăn thịt, là thuộc tính vốn sẵn của chúng sinh. Như xuân đến thảo mộc sinh thì còn đâu thấy tội phước?)
Qua đây, cho ta thấy phong thái của Ngài rất tự tại, siêu việt ra ngoài có – không, mê – ngộ, sinh tử – Niết-bàn… đối với giáo điều sách vở ngài cũng không còn câu nệ. Tuy nhiên, những tư tưởng ngôn thuyết trên chỉ thích hợp với một bậc Thượng sĩ vô chấp. Còn những ai mới vào cửa đạo, tâm còn nhiễm ái, nặng phàm phu, chỉ hồ đồ bắt chước trên hiện tượng mà không thấy mặt quan trọng của giới luật và phần ẩn sâu bên trong của tâm giải thoát, tuệ giải thoát thì thật nguy hiểm. Hoà thượng Thích Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược đã khẳng định rõ: "Đừng nên lầm sự vô ngại của các ngài đã giải thoát với những hành vi phóng túng buông lung mà nguỵ biện giải thoát".
Thượng sĩ không những học thiền với Thiền sư Tiêu Dao, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, mà ngài còn nghiên cứu học hỏi nhiều ở các dòng thiền khác như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Thảo Đường… và cũng biết dung hoà các tư tưởng Nho, Lão để vận dụng vào cuộc sống. Cho nên ở Tuệ Trung ta còn bắt gặp một trí tuệ siêu phàm, khả năng ứng đối lanh lợi nhưng vẫn chứa đựng đầy đủ chất liệu giải thoát.
Trong lễ cúng trai cầu siêu cho Hoàng hậu Thiên Cảm, khi được vua Thánh Tông thỉnh chư tôn túc viết kệ trình kiến giải Phật pháp. Các vị đều tỏ ra khó khăn và nôi dung kệ cũng còn luẩn quẩn chưa khai thông. Chỉ có Tuệ Trung khi được mời, liền viết:
"Viết kệ trình kiến giải,
Như dụi mắt thấy quái.
Dụi mắt thấy quái xong,
Lại rõ ràng tự tại".
Vua Thánh Tông đọc xong liền hoạ tiếp:
"Rõ ràng và tự tại,
Cũng một thứ thấy quái,
Thấy quái mà không quái,
Quái ấy ắt tự tại".
Tuệ Trung đọc rất bằng lòng.
Trong những câu chuyện về ăn thịt cá và có vợ con đã được kể trên đây, cho ta thấy Tuệ Trung Thượng sĩ là một trong những mẫu người như thế. Sống với cuộc đời, không lánh đời mà siêu việt khỏi thói thường tình vọng chấp của đời. Vua Nhân Tông viết: "Thượng sĩ sống giữa lòng thế tục, hoà ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm; trong mọi cuộc tiếp xúc, Thượng sĩ luôn giữ thái độ hoà ái, nên chưa bao giờ gặp phải những trường hợp phiền nghịch. Do đó, Ngài có thể tiếp nối được hạt giống chánh pháp, dìu dắt được những kẻ mới học… Thượng sĩ không bị ràng buộc bởi hình thức; khi ẩn, khi tàng, khi thì lộ diện, Ngài không chấp vào hình thức danh từ". Với một nhân cách tuyệt vời như vậy, thì không lạ gì khi Trần Nhân Tông nhận Tuệ Trung làm vị đạo sư hướng dẫn tâm linh cho mình.
Trong bản dịch Thượng sĩ ngữ lục của Diệu Pháp Đăng thì tán thán: "Thuở nhỏ Thượng sĩ đã là người trung hiếu, cư xử trọn đạo vua cha. Gặp thời nước nhà lâm nạn, Ngài đã hai lần ngăn giặc. Sau khi xong nghiệp lớn, Ngài cất mình nẻo thiền rong chơi khắp".
Lời tán thán trên đã làm rõ hơn cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài. Dù ngộ đạo rất sớm nhưng gặp lúc cần thì Ngài cũng ra tay phò vua giúp nước, làm tròn bổn phận một công dân thời chiến. Khi đất nước thanh bình, Ngài lui về ẩn dật nơi thôn dã để tiếp tục con đường tu hành. Thật là đời, đạo vuông tròn.
Thượng sĩ với hình thức là một cư sĩ đã khiến tinh thần hoà quang đồng trần kia càng nổi bật thêm. Ngài đã tiếp nối hình ảnh của những cư sĩ ngộ đạo từ cổ chí kim, tạo nên một nét đặc thù, làm rạng rỡ dòng giải thoát. Tinh thần này cũng được tìm thấy rõ qua Thiền sư Thường Chiếu và đệ tử là Thần Nghi, người có sở đắc tâm linh cao từ thầy mình, tu phạm hạnh, giới luật nghiêm minh nhưng không cạo đầu mà tóc vẫn để dài.
Có thể nói, nhân cách của Tuệ Trung Thượng sĩ như một đoá sen xuất thân từ chốn bùn nhơ mà không bị nhiễm bẩn. Những biến chuyển cuộc đời, sự vận hành các pháp diễn ra trước mắt không hề làm Ngài mảy may xao động. Thiền sư Pháp Loa trong Thượng sĩ ngữ lục đã viết một bài đã có thể nói lên được tính chất con người của Thượng sĩ:
"Á! Gang ròng nhồi lại,
Sắt sống đúc thành,
Thước trời tấc đất,
Gió mát trăng thanh".
(Trúc Thiên dịch)
Người xuất gia mỗi ngày thường nhắc đến vấn đề lớn của cuộc đời, đó là sinh tử. Kinh dạy: "Sanh tử sự đại, tấn tốc vô thường". Người tu cần phải luôn tỉnh giác để giải quyết vấn đề này. Sinh tử chưa được giải quyết xong thì tâm không bao giờ được yên ổn.
Có một vị tăng đến hỏi: Bạch Thượng sĩ, tôi vì việc lớn sinh tử, vô thường nhanh chóng, song chưa biết rõ thân này từ đâu sinh ra, chết rồi đi về đâu?
Thượng sĩ đáp: Bầu không dù có đôi vành chuyển, biển cả ngại gì hòn bọt con.
Như trong kinh Phạm Động (Trường A-hàm) có nói, tất cả như tư tưởng, kiến giải hệ luận của bao nhiêu nhà tư tưởng kim cổ đều không ra khỏi hai vấn để lớn "sinh ra từ đâu, chết đi về đâu?" và tất cả những luận thuyết trên được đức Phật liệt kê trong sáu mươi hai tà thuyết. Ở đây, ta dễ dàng nhận thấy câu hỏi của vị tăng kia còn đang luẩn quẩn trong tà thuyết mà chưa có lối ra. Để mở lối cho thiền khách, Thượng sĩ trả lời: "Việc sinh tử cũng như mặt trời mặt trăng so với vũ trụ bao la. Hòn bọt con (thân sanh tử) thì có sá gì so với biển cả bao la (cái không sinh tử). Nhận chân được cái không sinh tử như như thường tại thì cái thân sinh tử này có sá gì mà phải bận tâm!". Các thiền gia khi nhận ra được bản lai diện mục thì xem sinh tử như là một trò chơi mà thôi. Thiền sư Từ Minh nói: "Sanh như đắp chăn đông. Tử như thay áo hạ".
Trong bài thơ Sống chết nhàn vậy thôi, Thượng sĩ có câu: "Sinh tử xưa nay tánh vốn không, thân hư dối này rồi cũng diệt". Nếu quán sát rõ nhân duyên các pháp thì không còn lo âu trước cái thân hư dối này, vì từ nhân duyên sinh nên cũng từ nhân duyên mà diệt. Thấy được vậy rồi, thì:
"Phiền não Bồ-đề bỗng mất tiêu,
Địa ngục, thiên đường tự khô kiệt,
Lửa bỏng mát sôi thoắt mát liền.
Núi kiếm rừng đao chốc gãy hết".
Bàn về tinh thần này của Thượng sĩ, Hòa thượng Thanh Từ viết: "Sinh là cái người đời nâng niu, quý trọng; tử là cái mọi người sợ hãi. Thượng sĩ xem nó như trò đùa, như chiếc pháo hoa nổ tung trong bầu trời rạng rỡ. Sinh tử với con mắt Thanh văn thảy là biển khổ mênh mông, còn Thượng sĩ nhìn là chỗ thảnh thơi, nhàn hạ. Chính đây là tinh thần vừa tích cực vừa siêu thoát của con người đạt được lý Thiền. Không sợ sinh tử nên sẵn sàng lao mình vào cuộc đời, vào sinh tử để làm lợi ích cho chúng sinh. Vì làm lợi ích cho mọi người nên vào ra trong rừng danh lợi mà không dính mắc… Thượng sĩ hành đạo và hóa đạo ngay trong gia đình lăng xăng, bận rộn, trong vòng tay thân thiết vây quanh. Đây quả thật là tinh thần siêu phóng phi thường của Tuệ Trung Thượng sĩ".
Theo tinh thần kinh Kim cương, một vị Bồ-tát phải hoàn toàn thoát ly các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả để hành đạo mới thật sự là Bồ-tát. Nếu cứu khổ mà còn thấy mình độ, thấy đối tượng độ sinh tức là đầy vướng mắc ngã tướng, như thế không thể độ sinh được. Cho đến cuối kinh, đức Phật thâu tóm lại trong một bài kệ:
"Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điển,
Ưng tác như thị quán";
và Ngài đã khẳng định: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng".
Tuệ Trung Thượng sĩ đã thể nhập hoàn toàn nội dung này. Trước hết Ngài không vướng kẹt vào tướng xuất gia, tại gia, thế mà vẫn hoàn thành bản nguyện độ sinh của một vị Bồ-tát. Điều Ngự Giác Hoàng khi chưa xuất gia đã nhận ra Tuệ Trung là bậc chân tu, mặc dù không phải tu sĩ; là bậc xuất thế, mặc dù không gia, nên đã tôn làm thầy. Không phải là một vị thầy thế học, mà là một đạo sư hẳn hoi.
Tuệ Trung đã để lại cho chúng ta một bài học nhân cách tuyệt vời. Đạo Phật là đạo giải thoát, còn chấp vào các tướng thì bị các tướng ấy trói buộc, phiền não quấy nhiễu, làm sao giải thoát! Là hành giả tu đạo giải thoát, nếu vẫn thường xuyên vướng kẹt vào tướng xuất gia, chưa thông suốt chỗ tế nhị của giới luật, thì sẽ gặp nhiều chướng ngại trong việc tu tập và giao tiếp.
Thật ra thì người tu theo đạo Phật, dù tại gia hay xuất gia, nên giữ tâm bình đẳng, thái độ khiêm tốn, ôn hoà, nhã nhặn, không có ý niệm ta hơn người kém thì có lợi hơn, và con đường tiến đến giải thoát mới không bị chông gai. Nhưng đây chỉ là tướng thô, còn những tướng nhỏ nhiệm nằm ẩn sâu trong phần tâm thức, đó là những cặp phạm trù như phàm – thánh, phiền não – Bồ-đề, mê – ngộ, sinh tử – Niết-bàn… Từ những danh tướng này sinh ra những quan niệm nhị kiến khiến hành giả luôn rong ruỗi tìm cầu theo Thánh bỏ phàm. Tìm Bồ-đề từ phiền não, cầu Niết-bàn thoát sinh tử… cứ như thế thành ra Niết-bàn, Bồ-đề nằm bên ngoài ta. Càng tìm càng không thấy. Với những vọng chấp nhị kiến đó, Thượng sĩ dùng pháp vô tướng đánh tan:
"Thân từ vô tướng vốn là không,
Huyễn hoá sinh ra thành nhị kiến,
Ta, người như nước cũng như sương.
Phàm, thánh như sấm cũng như chớp,
Muôn kiếp sưu tầm mất căn tính,
Không tâm, không thị cũng không phi;
Không kiến, chẳng tà cũng chẳng chánh".
Thân ta, thân người vốn nhân duyên sinh, là một hợp thể của ngũ uẩn, không hề có một ngã thể cố định, nên nó là Không, Vô tướng, Vô ngã. Ngã – nhân, phàm – thánh vốn chỉ có mặt trong ý niệm mà không thật. Nếu không có khái niệm phân biệt thì sẽ không còn thị phi, chánh tà. Nếu không thấy như thế mà cứ suốt đời rong ruổi, bị giam cầm trong thế giới nhị nguyên, Thượng sĩ gọi đó là bỏ bột tìm bánh: "Tự vịnh man đầu như khí miến".
Trong quá trình giáo hóa, những người tham cứu Thiền học, Thượng sĩ dùng nhiều phương tiện khai tâm bằng cách ứng cơ đối đáp; có khi nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc mạnh bạo, nhưng cốt để cho người học đạo trừ bỏ vướng mắc, ngộ ngay chân lý, thực tại. Có vị Tăng hỏi: Thế nào là Đạo?
Thượng sĩ đáp: Đạo không có trong câu hỏi, câu hỏi không có trong Đạo.
Chữ "Đạo" mà vị Tăng muốn hỏi đây chính là cái không sinh tử, cái bản giác vốn thanh tịnh, thường tại trong chân tâm. Nhưng vị Tăng không nắm được chỗ này nên khởi tâm tìm cầu. Khổ nỗi, vừa móng tâm thì Đạo liền mất, nên Thượng sĩ chỉ liền: Trong câu hỏi không có Đạo.
Ông Tăng lại hỏi: Cổ đức nói, không tâm là Đạo, đúng chăng?
Thượng sĩ đáp: Không tâm chẳng phải đạo, không đạo cũng không tâm. Nếu người nói không tâm là đạo thì tất cả cây cỏ đều là Đạo sao? Bằng ngược lại, nói không tâm chẳng phải đạo, tại sao lại nói có nói không? Nghe ta nói kệ:
"Vốn không tâm không đạo,
Có đạo chẳng không tâm,
Tâm, đạo nguyên rỗng lặng,
Chỗ nào mà đuổi tầm".
Thật là từ bi, lòng thương bao la vô tận. Thượng sĩ trong thiền thoại này đã giảng giải rất kỹ càng mà nhẹ nhàng dễ hiểu, chứ không đánh đập, hét như các Tổ thiền Trung Hoa xưa kia thường dùng. Phải chăng là vì căn cơ người đối diện không thể hợp với cách đó, không thích hợp mà có đấm, đá bao nhiêu cũng trơ ra như vịt nghe sấm. Có lẽ vị Tăng này căn cơ cũng chưa cao nên không nhận chân được Đạo vốn không khái niệm, cho nên nói là hữu tâm hay vô tâm đều không thể thấy Đạo. Chỉ khi nào không còn kẹt có hay không thì Đạo sẽ hiện ra. Nghĩa là "vô tâm" lúc ấy không phải là không có tâm, mà là "vô" cái tâm vọng động, hư dối, điên đảo. Như vậy còn chấp thấy tâm, còn chấp thấy đạo là còn rơi vào nhị biên, thì không nhận ra thực thể không sinh diệt được.
Lại có một vị Tăng hỏi:
Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
Thượng sĩ đáp: Ra vào đống phân ngựa, nghiền ngẫm bãi cứt trâu.
Nếu vị Tăng không ám ảnh bởi khái niệm pháp thân là một cái gì đó thanh tịnh, trong suốt, thì không cần phải hỏi. Đằng này ngay chỗ vướng kẹt ấy, Thượng sĩ đã đánh vào ngay cái chỗ chấp tịnh bằng hai hình ảnh bất tịnh để dắt người học đạo vào với pháp thân như một thực tại như thật, không có khái niệm thanh tịnh, ô nhiễm gì cả. Phương tiện ngôn ngữ khá bạo, bạo không thua gì những giai thoại thiền xưa, như chẻ tượng Phật làm củi, "phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ". Cảnh giới của bậc giác ngộ vô trước thật cao siêu huyền diệu, khó mà lường tới. Chỉ biết cúi đầu cung kính, tôn thờ.
Với bậc Thượng sĩ càng nhìn cao, càng khoan càng bền như Tuệ Trung mà chúng ta đem cái tâm mê vọng ra lạm bàn thì thật là ngông cuồng. Có điều, ở đây người viết chỉ với thiễn ý mong rằng đem một mẫu chuyện của người xưa kể lại cho huynh đệ cùng nhàn tâm thưởng thức; nếu có được một chút nào niềm pháp lạc trong cuộc sống, thì người viết cũng xin đem niềm vui ấy cùng hoà chung vào những bước tiến tâm linh của tất cả những người đồng chí hướng lý tưởng tự độ, độ tha. Chúng ta cùng hết thảy chúng sinh đều viên thành Phật trí.
Thiết nghĩ, những bước đi rạng rỡ những dấu chân sáng ngời của biết bao nhiêu bậc tiền bối xưa, điểm tô dòng sử Việt và làm hưng thịnh dòng giải thoát, chúng ta không thể không chân thành noi theo. Là người Việt Nam và tu theo đạo Phật, thì nhất định chúng ta không có quyền quên những điểm sáng ngời, những dấu ấn vàng son của lịch sử. Đằng này, đây lại là dấu ấn bi trí vẹn toàn, là yếu tố mà Phật giáo thường nói trí không bi là trí cuồng, bi không trí là bi dại. Với Tuệ Trung Thượng sĩ thì hai tâm vô lượng đã viên dung. Thượng sĩ thấy rốt ráo nguồn đạo, thỏng tay thong dong đi trên bờ giác ngộ. Đấy không là trí thì còn trí nào hơn! Huống chi, Ngài lại tròn bổn phận một công dân, một con người với gia đình, đất nước. Ngài đã chỉ dạy cho bao nhiêu người thấy được chân tâm, phát triển đạo Bồ-đề và thẳng tiến trên lộ trình giác ngộ. Một công lao to lớn khác dù không trực tiếp, Ngài đã mớm những giọt sữa đầu tiên để về sau lớn dần, đủ khả năng khai sáng một dòng Thiền tại đất Việt qua vị sáng Tổ Trúc Lâm Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông. Đây không là bi còn bi nào hơn!