Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tục dựng cây nêu ngày Tết

Tục dựng cây nêu ngày Tết

146
0

Người ta quan niệm rằng, chính vì từ ngày Táo quân về trời cho đến đêm giao thừa là vắng mặt Táo công, nên ma quỷ nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, do đó phải trồng cây nêu để trừ tà. Cây nêu được trồng ngay trước cửa nhà từ ngày 23 tháng chạp, chậm nhất là chiều 30 Tết cho đến ngày 7 tháng Giêng thì triệt hạ, gọi là "hạ nêu". Phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi.

 Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: "bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "lên nêu"… có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”.

Chuyện kể rằng, ngày trước ruộng đất đều thuộc quyền sở hữu của loài quỷ. Loài người phải ăn nhờ ở đậu trên đất đai của quỷ nên hằng năm phải cống nạp thuế cho chúng. Lũ quỷ vô cùng hiểm độc, chúng bày lắm mưu nhiều kế hòng chiếm đoạt công sức lao động của con người. Số thuế phải nộp ngày càng gia tăng thêm, chúng tác oai tác quái để làm khổ cho con người. Chúng đặt ra những điều lệ hết sức vô lý, dùng bạo lực buộc con người phải tuân thủ điều lệ “ăn ngọn cho gốc” (nghĩa là chúng lấy phần ngọn còn phần gốc để lại cho người). Thế là sau vụ lúa năm ấy, mọi người đành chịu đói khổ, ngậm ngùi nhìn lũ quỷ đánh chén no nê.

Thấy cảnh tượng đói khổ của con người, đức Phật động mối từ tâm, hiện đến để cứu giúp người dân thoát khỏi sự hà hiếp của lũ quỷ. Ban đầu đức Phật dạy người trồng khoai lang, đến mùa thu hoạch, cứ theo quy định đã đưa ra, lũ quỷ lấy phần ngọn còn phần gốc là của con người. Thế là người dân được một mùa bội thu, còn lũ quỷ ngán ngẫm nhìn đống dây và lá khoai khô héo. Sau đó chúng lại đổi điều lệ thành “ăn gốc cho ngọn”. Đức Phật dạy người dân chuyển trồng khoai sang trồng lúa. Cuối mùa, lũ quỷ lại một phen ngậm ngùi cay đắng. Lần này, chúng lại đặt ra điều lệ mới là “ăn cả ngọn lẫn gốc”. Lũ quỷ tưởng rằng như thế là chúng nắm chắc được phần lợi trong tay, nhưng đức Phật đã dạy con người trồng ngô. Vụ mùa đến, người dân thu hoạch ngô đem về nhà, còn lũ quỷ thì lại bị một vố chua cay, tức tối. Cuối cùng lũ quỷ tức giận thu hồi lại cả đất đai, không cho con người thuê đất nữa, chúng thà không có gì chứ không chịu cho loài người ăn một mình. Trước tình hình đó, đức Phật bảo người dân đến điều đình với quỷ cho tậu một miếng đất bằng tấm áo cà sa. Nghĩa là con người sẽ trồng một cây tre, trên ngọn tre chỉ treo một tấm áo cà sa, bóng của cà sa phủ được bao nhiêu diện tích ở mặt đất thì số đất đó là đất của con người sử dụng. Ban đầu quỷ không chấp thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy bóng của một chiếc áo cà sa chẳng bao nhiêu bèn nhận lời. Khi người dân trồng xong cây tre, đức Phật đứng trên ngọn tre tung chiếc áo cà sa ra, cây tre càng lúc càng cao, áo cà sa càng lúc càng rộng, bóng của áo cà sa phủ đến đâu lũ quỷ phải rút lui đến đấy. Cuối cùng chiếc áo che phủ cả đất đai lũ quỷ không còn đất để ở, phải rút ra biển.

Bị mất hết đất đai, quỷ vừa tiếc vừa hầm hực tức giận, chúng chiêu tập binh mã vào cướp lại. Nhờ có sự giúp đở của đức Phật nên người dân đã đánh bại tất cả những đợt tấn công của lũ quỷ. Nhận thấy không thể nào đánh thắng loài người, lũ quỷ đành quỳ xuống van xin đức Phật rũ lòng thương tưởng, mỗi năm vào những ngày Tết cho chúng trở lại đất liền để viếng thăm mồ mã tổ tiên của chúng. Phật thương tình hứa khả, nhưng để lũ quỹ không vào quấy nhiễu người dân, đức Phật dạy người dân trồng cây nêu vào dịp Tết để xua đuổi chúng.

Trong trạng cúng tống mộc chúng ta cũng thấy có câu: “…Hải ngoại ngao du, bất đắc hồi cố, ẩn nặc gia trung, yêu cầu tế tự, phụng sắc Như Lai… Nghĩa là các loài ngũ quỷ mộc ương mộc ách nên ra ngoài biển mà ngao du, không được trở lại chỗ củ để ẩn núp trong nhà mà yêu cầu cúng tế, nên phụng mạng sắc chỉ của đức Phật. Có thể  câu trong trạng tống mộc xuất phát từ điển tích này.

Qua câu chuyện này nhiều người cho đó là hủ tục, mê tín dị đoan. Hãy khoan! Chúng ta đừng vội quy kết, mà hãy nhìn sâu vào từng chi tiết bên trong câu chuyện để thấy được tính nhân văn nhân đạo của nó mà cảm nhận được ý nghĩa cao quý của việc trồng cây nêu ngày Tết như thế nào.

Trước hết, cây tre là biểu trưng cho tính chất, bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tre là thể hiện cương nhu phối triển! Tre có thể uốn cong trước gió. Gió bão cực mạnh cũng không làm tre đổ hay bật rễ. Cây tre cũng có thể chẻ mỏng để làm các vật dụng đồng thời có thể dùng để làm khiêng, chống đỡ nhà cửa…

Trồng tre vào đầu năm mới để khẳng định tinh thần Việt Nam và trồng tre trước cửa nhà trong bảy ngày đầu năm còn là đánh dấu những ngày vui, hạnh phúc nhất trong năm, những may mắn mới với ước mong nhiều đổi mới hơn, nhiều thành đạt hơn. Không những thế, trên cây nêu, ông cha ta còn treo đèn lòng vào buổi tối với ý nghĩa để soi đường cho hương linh ông bà tổ tiên thấy đường về nhà đón tết cùng con cháu. Đây cũng nói lên ý nghĩa cao quý của tộc Việt qua tinh thần hiếu đạo, tưởng nhớ ông bà tổ tiên như thế nào.

Câu chuyện này cho thấy tinh thần nhập thế độ đời của đạo Phật, đức Phật xuất hiện một cách gần gũi trong đời sống của con người, nhất là người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà thành quả lao động vẫn còn trong chờ vào trời đất. Đức Phật không những chỉ dạy cho con người về nếp sống đạo đức nhân tâm mà còn dạy con người biết nghề trồng trọt, chăn nuôi hợp thời hợp thổ nhưỡng.

Trong sự tích này còn có một triết lý rất nhân đạo đó là lòng bao dung độ lượng. Khi đối phương đã thất bại, đã đầu hàng thì phải mở cho họ một con đường sống, hãy mở rộng lòng thương mà khoan dung, tha thứ cho họ, đừng dồn họ vào con đường cùng, bế tắc. Tính cách này đã được thể hiện trong huyết mạch của lòng người dân Việt. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước tinh thần này đã được thể hiện qua các triều đại của những vị Vua anh minh đã làm cho kẻ thù phải khấu phục, chuyển thù thành bạn.

Tục cây nêu ngày Tết mang một ý nghĩa hết sức cao đẹp, ngày nay tục này dường như bị người ta quên lãng, cây nêu ngày Tết cùng chịu chung số phận của ông đồ cho chữ:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay”

Và để rồi mỗi ngày Tết về câu đối tết:

Thịt mở dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Chỉ còn trong tiềm thức của những người dân Việt trong thời hiện đại mà thôi. Quả  thật đây là một mất mát không nhỏ trong văn hoá của người Việt, là một thiệt thòi lớn cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.

T.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here