Trang chủ Phật giáo khắp nơi Tuần văn hóa Phật giáo – một sự kiện lớn của PGVN...

Tuần văn hóa Phật giáo – một sự kiện lớn của PGVN tại xứ Trầm Hương (29/11-5/12/2009)

132
0

Du khách trở lại Khánh Hòa, nếu năm năm gần đây không có dịp thăm viếng sẽ ngạc nhiên sự thay đổi kỳ diệu của một thành phố biển. Con đường mới mở từ Cam Ranh về Nha Trang chạy qua eo biển và đồi núi, cảnh trí mang vẻ thơ mộng không thua gì một hình ảnh của nước Pháp hay xứ hoa tuyết vào thập niên 1950.

Vào đến ngoại biên Nha Trang, một số áp phích và cờ chạy dọc những đại lộ làm cho du khách phải quan tâm. Tuần lễ văn hóa  được khai diễn tại số 7 Trần Phú. Tuy là ngày cuối để ra mắt buổi lễ trọng đại, nhưng hình như trong nội thất và hội trường vẫn còn trống trải. Có chứng kiến mới thấy được sự năng động của chư tăng trẻ, học tăng học ni Khánh Hòa và Chư Tôn Đức Huế nhiệt tình đóng góp. Một số phật tử chuyên nghiệp thiết kế pano và quần chúng địa phương quên cả những bữa ăn thường lệ để sớm hoàn thành công tác giao phó. Những tấm áo dài nâu bạc, các Tăng sinh trẻ khuân vác các vật liệu cho công việc, họ vui vẻ một cách lạ thường mà từ lâu, tại thành phố Hồ Chí Minh chưa hề được thấy sự lao động cật lực của các tu sĩ trẻ như thế.

Bên trong sân, một dãy cột cờ phất phới tung bay ngũ sắc như là bảo vệ một màu đỏ sao vàng nằm chính giữa cột chính. Ở hội trường, một thiết kế đặc biệt trưng bày như vô tình nhưng có lưu tâm mới thấy được sự tinh tế của Ban Tổ Chức trong phòng triển lãm. Gian chính diện đã trình bày hình ảnh Phật Giáo và thành phố Nha Trang xưa và nay mà một thời Phật Giáo đã đóng góp không nhỏ cho đất nước cũng như Phật Giáo miền Trung.

Phía bên tay mặt của gian triển lãm là những tấm ảnh do TT. Minh Hiền phơi bày nét đẹp của tuyết và hoa theo triết lý Tây Đông. Những nụ cười phúc hậu mang vẻ hoang sơ  của cô gái miền núi cũng như pháp khí của chư Tăng Bhutan hòa quyện với cây rừng và hoa dại, làm cho người  xem chìm vào thế giới nguyên thủy, đành rằng ngày nay cuộc sống Bhutan ít nhiều  đã hòa quyện với kỷ nguyên tin học.

Phía bên tay trái của văn phòng đưa người xem vào thời đại thập niên 30 khi Phật Giáo bắt đầu trỗi dậy cuộc sống. Năm 1959, khi ĐĐ. Narada đến viếng Việt Nam đã vinh hạnh chụp chung tấm hình lưu niệm với Ôn Hải Đức, Cố HT. Thiện Minh và học tăng. Hải Đức luôn là cơ sở đào tạo tăng tài mà từ đó, những học tăng  biến thành những nhà lãnh đạo Phật giáo vượt qua nhiều gian nan thử thách vào năm 1963. Tuy thời gian đã trôi qua trên 50 năm thế mà những tấm hình đó không thể bị thời gian xóa nhòa để hậu lai vẫn còn nhiều ấn tượng. Cảm động nhất là gian phòng phía sau trưng bày di bút của cố Bồ tát Thích Quảng Đức nói lên tâm nguyện của Ngài để cảnh tỉnh các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ. Thế nhưng anh em Ngô Đình Diệm vẫn không cảm nhận được tâm từ đó nên Cố Bồ tát đã biến thân mình làm ngọn đuốc soi sáng lòng người, đã đánh động được toàn thế giới và cũng từ đó nhân loại đã nhìn được tâm vô úy và từ ái từ các tu sĩ Phật Giáo.

Tiếp những tấm hình của Bồ tát Quảng Đức là hình ảnh của Ôn Giác Nhiên, Ôn Trí Thủ và Ôn Thiện Siêu là những thạch trụ, lương đống Phật Giáo trong thế kỷ XX.

Trước giờ khai mạc chính thức (17giờ 29/11/2009), chiều 28/11, chúng tôi cùng nhiều du khách được thăm viếng trường TCPHKH tại chùa Long Sơn. Tuy trời vào hoàng hôn, thế mà ngôi chùa cổ kính nằm ẩn chân núi vẫn chưa  chìm vào bóng đêm bức tượng Bổn Sư trên đỉnh núi, làm cho ta liên tưởng đến Hải Đức như một nội viện nằm ẩn mà Long Sơn là một ngoại viện ẩn thị. Có lẽ không phải là vô tình mà Chư Tôn Đức đã thể hiện nơi hai già lam đáng tôn kính này một  sự sắp xếp hài hòa.

Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung vẫn có cái gì đó về phong cách kiến trúc, sinh khí và tâm linh mà trong ba miền đã có một đặc thù cố  định. Nếu gọi Huế là cái nôi văn hóa Phật Giáo Việt Nam thì Nha Trang hẳn phải là một tiềm năng hiện thực của Phật Giáo Trung bộ đủ khả năng làm phát ngôn viên  chính thức của Phật giáo Việt Nam.

Qua khung cảnh tổ chức buổi lễ tuần văn hóa, ta mới thấy được sự đoàn kết chặt  chẽ của Chư Tôn Đức và Tăng chúng, cho phép chúng ta tin rằng gần 40 năm ngủ quên, Phật Giáo có thể tự mình vực dậy để minh chứng sự  tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc vào  kỷ nguyên XXI.

Chúng ta chờ đợi xem buổi lễ chính thức sẽ bắt đầu.

M.M 29/11/2009

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here