Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Tuần văn hóa Phật giáo: cuộc hội ngộ trí thức

Tuần văn hóa Phật giáo: cuộc hội ngộ trí thức

197
0

Với 9 chủ đề thuyết trình mang tính thời sự và thiết thực: Văn hóa Phật giáo Việt Nam (HT. Thích Chơn Thiện – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN), Xung đột văn minh (Giáo sư Cao Huy Thuần – Pháp), Tính cách Huế trong dòng văn hóa Việt Nam (GS. Bửu Ý – Nguyên Giáo sư Đại học Vạn Hạnh), Trò chuyện và trao đổi với nhà văn Nguyên Ngọc (Nhà văn Nguyên Ngọc – người sáng lập Đại học Phan Chu Trinh), Tính cách Ấn Độ (Nhà văn Hồ Anh Thái – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), Thiền và sức khỏe (Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM), Chia sẻ với thanh niên Huế: Bạn có muốn trở thành doanh nhân không? (Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo – Tổng Giám đốc Công ty TTNT), Phật giáo trong bối cảnh văn hóa đa cực (GS. Thái Kim Lan – Tiến sĩ Triết học, Đức), Thăm lại những ngôi chùa đã mất (Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn – TP.HCM), Tuần Văn hóa Phật giáo đã trở thành môi trường để các học giả, các nhà nghiên cứu… gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm sống.

Ngoài những nội dung thuyết trình trên, Tuần Văn hóa Phật giáo còn tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đế “Đông – Tây tuyết và hoa” của tác giả Thích Minh Hiền; trình chiếu bộ phim Hương vị hồng đào (Taste of Cherry) của đạo diễn Abbas Kiarostami người Iran, Giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes, 1997, với sự điều phối thảo luận của GS. Cao Huy Thuần; hòa nhạc thính phòng mang chất chất tâm linh được chọn lọc từ sáng tác của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… và các tác phẩm trứ danh trong kho tàng âm nhạc cổ điển Tây phương.

Những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật với nhiều chủ đề và nội dung phong phú trong Tuần Văn hóa Phật giáo đã thu hút sự quan tâm của nhiều giới, bắc nhịp cầu để những người trí thức đến với nhau trong tinh thần tham dự và cùng chia sẻ, đặc biệt là dịp để tuổi trẻ Huế tiếp xúc với những sinh hoạt tri thức, giao lưu với những học giả, những nhà nghiên cứu, những người đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Toàn cảnh lễ Khai mạc Tuần văn hóa Phật giáo

Dân số TP. Huế hiện nay vào khoảng 320.000 nghìn. Với số lượng bình quân 600 người tham dự 1 buổi thuyết trình trong suốt một tuần, Tuần Văn hóa Phật giáo đã thu hút hầu hết tất cả những tên tuổi trí thức “gạo cội” của nhiều giới trên nhiều lĩnh vực, trở thành một hiện tượng mới trong làng sinh hoạt văn hóa, tri thức tại Việt Nam. Như vậy, Tuần Văn hóa Phật giáo đã là một gợi mở thú vị cho những sinh hoạt tri thức quan trọng kế tiếp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng và sinh hoạt tri thức của Việt Nam nói chung.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những vấn đề kinh tế, chính trị nóng hổi đang từng ngày từng giờ tác động mạnh vào những sinh hoạt tri thức Việt Nam trong và ngoài nước. Nhiều vấn đề đương đại và thời sự được đặt ra trong tuần văn hóa này, gợi nên những cảm hứng tri thức mới trong cách nhìn về một vấn đề mà lâu nay còn có nhiều dè dặt, kiêng kỵ… Nhưng cũng qua đó, chúng ta thấy người trí thức luôn phải gánh trên vai những trách nhiệm xã hội nặng nề, và họ muốn có một “môi trường” thực sự văn hóa để người trí thức thức có thể tự do cống hiến sức lực và trí tuệ của mình.

Có thể nói, Tuần Văn hóa Phật giáo đã hứa hẹn mở ra những tiếp xúc gần gũi và thiết thực, cùng quan tâm đến những vấn đề xã hội nổi trội, dần kiến tạo một không gian tri thức hay tìm một tiếng nói chung trong một “mặt bằng trí thức” còn nhiều biến động. Tuy nhiên, nó gần như không có đất trống cho “chủ nghĩa cơ hội mới” vì ở đó thể hiện một lương tâm trí thức và lòng trung thực, không biện minh cho một chính sách hay chủ trương nào ngoài khát vọng tự do trí thức và một thái độ ứng xử văn hóa phù hợp với cá nhân và lợi ích dân tộc.

Sự đa dạng ở chủ đề và thành phần tham dự (trong đó giới trẻ là sinh viên chiếm hơn 1/3) đã nói lên: sự khác biệt trong cách nhìn của trí thức có một độ chênh khá lớn về trình độ nhận thức (không loại trừ những cảm quan trí thức) rất cần được nhanh chóng bổ túc và vượt qua, tiến tới một diễn đàn thẳng thắn, thiết thực hơn khi nhận thức vai trò quan trọng của chính người trí thức trong một xã hội có nhiều đòi hỏi người trí thức phải vượt nên chính mình và vượt qua những giới hạn của thời đại.

Chất vấn diễn giả

Ở mức cần và đủ, sự đòi hỏi phải đáp ứng những sinh hoạt tri thức chính là sự kỳ vọng vào vai trò của trí thức: dám nói, dám nghĩ, dám làm, và dám tự chịu trách nhiệm. Bởi xã hội hiện đại ngày càng đặt ra nhiều vấn đế khách quan, chủ quan đòi hỏi người trí thức phải thể hiện nhiều hơn nữa vai trò tham dự và hướng dẫn của mình. Có nghĩa rằng, những vấn đề kinh tế, chính trị đối với cái nhìn nhạy bén của người trí thức chỉ là mặt nổi trong những tảng băng ngầm của những bất ổn về sắc tộc, tôn giáo, môi trường sống (văn hóa, nghệ thuật, thể chế chính trị…). Những tai biến ẩn ngầm ấy đòi hỏi những bộ óc thật sự có suy nghĩ, không thờ ơ và nằm ngoài những vận mệnh dân tộc, mà trong đó sự sống còn hay tôn trọng trí thức phải được đẩy mạnh ở cấp điều hành và quản lý cao nhất.

Tuần Văn hóa Phật giáo đã phần nào chỉ ra: vai trò trí thức và ứng xử văn hóa phải tương hợp với nhau để cùng nâng tầm mức của những giá trị chân thiện mỹ, và “trí thức” căn bản phải là một người “thầy dạy” đúng nghĩa. Người thầy ấy thấy mình phải nói những điều cần nói, nghe những điều cần nghe và phải mạnh dạn làm những điều cần làm. Trong đó, sự tự do trọn vẹn phải là động lực thúc đẩy người trí thức tiến lên một tầm mức cao của tri thức và văn hóa. Thực hiện sự tự do nhiều khi phải đối mặt với nhưng lực cản bên trong và bên ngoài, xong việc thực hiện sự tự do ấy vẫn luôn được ý thức trên những căn bản vì lợi ích của cộng đồng dân tộc.

Không nói quá rằng người trí thức phải thực sự gạn đục khơi trong ở một môi trường xã hội còn nhiều những tham vọng quyền hành hỗn độn. Những biến thể, biến tướng mới của nhiều tầng lớp xã hội đòi hỏi người trí thức phải thâm nhập, để từ một góc nhìn mang tính “phản xạ” và “phản biện”, những sinh hoạt tri thức sẽ trở nên ngày càng thiết thực hơn đối với những vần đề nóng hổi của xã hội và thời đại, và cũng là để danh xưng “trí thức” có thể song hành với bất cứ tầng lớp, tổ chức xã hội nào. Bởi trí thức luôn là những lực lượng được trông chờ trước những thời điểm quan trọng. Nói như nhiều người, một “môi trường tự do” và một “nền chính trị tham dự” sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của trí thức, trong đó những giá trị thuộc về dân tộc Việt Nam phải được tôn trọng hàng đầu.

Buổi hòa nhạc

Có thể nói, cái được trong Tuần Văn hóa Phật giáo chính là không “định nghĩa” trí thức qua những cuộc “chạy đua” của học hàm học vị mà chính là thể hiện một thái độ trí thức (trí thức đứng chứ không quỳ) thực sự cần thiết trước những vấn đề “kỵ húy” còn tồn tại dai dẳng và hóc búa. Tuần Văn hóa Phật giáo đã bước đầu làm được điều đó, dẫu rất cần những bước đi thiết thực và sinh động hơn trong phản biện (kể cả phủ bác), để không làm mù quáng những não trạng canh tân và không bảo lưu những giá trị đã lỗi thời, lạc hậu hay cổ vũ cho những bất ổn mới.

Hy vọng qua Tuần Văn hóa Phật giáo lần đầu tiên tại Huế sẽ có những Tuần Văn hóa Phật giáo quy mô, hoành tráng, phong phú hơn về hình thức cũng như nội dung trên khắp các thành phố lớn trong cả nước. Và không ngần ngại để tiên đoán rằng Văn hóa Phật giáo sẽ trở thành một “thương hiệu” mạnh trong những sinh hoạt văn hóa, tri thức tại Việt Nam trong một tương lai gần.

T.N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here