Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tư liệu về Tổ sư Liễu Quán trong B.A.V.H

Tư liệu về Tổ sư Liễu Quán trong B.A.V.H

168
0

B.A.V.H là tên viết tắt của chữ Bulletin des Amis du Vieux Huế, (Tạp chí của Hội những người bạn Cố đô Huế), xuất bản định kì từ năm 1914 cho đến 1944. Những bài nghiên cứu được chọn đăng trong tạp chí là những đề tài chuyên khảo về lịch sử, văn hoá, xã hội, tôn giáo rất có giá trị của các học giả người Pháp và người Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Đây là cơ quan ngôn luận của Hội Đô Thành Hiếu Cổ được thành lập vào tháng 11 năm 1913 tại kinh thành Phú Xuân mà Léopold Cadière (? – 1955) là một trong những thành viên sáng lập. 

Chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi đọc B.A.V.H là, mặc dù tất cả các số của tạp chí này được phần lớn người nước ngoài viết, nhưng tư liệu có liên quan đến Phật giáo lại chiếm khá nhiều của toàn bộ nội dung đăng tải trong suốt 30 năm. Đặc biệt hơn, tư liệu liên quan đến Tổ Liễu Quán, trực tiếp hoặc gián tiếp, có đến gần 15 bài. Điều đó chứng tỏ rằng, văn hoá Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt, tạo thành đề tài hấp dẫn lôi cuốn các học giả người Pháp, cũng như các học giả này đã nhìn nhận vị thế quan trọng của Tổ sư Liễu Quán. Các công trình nghiên cứu này xưa nay được giới trí thức đánh giá cao. Nếu không có sự biên khảo có tầm vóc lớn như thế, thì giới nghiên cứu chúng ta ngày nay sẽ rất khó trong việc đi tìm tư liệu lịch sử đối với chư vị Tổ sư tiền bối hữu công.

Đọc tư liệu liên quan đến Tổ sư Liễu Quán trong B.A.V.H, người đáng được chúng ta đề cập đầu tiên là L. Sogny. Bởi ông đã dành đến hơn 12 trang để viết về Tổ sư Liễu Quán, với nhan đề "Le Premier Annamite consacré supérieur de bonzerie par les Nguyễn; son tombeau" (Người An Nam đầu tiên được các chúa Nguyễn truy phong là vị Tổ sư siêu việt và bảo tháp của Ngài) đăng trong số ra mắt năm 1928, từ trang 205 đến 216. Năm năm sau, có lẽ đề tài về Tổ sư Liễu Quán đã có sức hấp dẫn Sogny, nên đến năm 1937, cũng chính ông viết tiếp hai phần bổ túc nữa là "Note rectification au subjet de la mort du Bonze Liễu Quán" (Chú giải khẳng định về năm viên tịch của Tổ sư Liễu Quán), và bài "Note complémentaire sur le Bonze Liễu Quán" (Chú giải bổ sung về Tổ sư Liễu Quán) (tr.67-71). Như thế, riêng Sogny đã viết ba bài về Tổ Liễu Quán.

Năm 1929, một nhà nghiên cứu người Pháp khác, M. Laborde, chuyên gia cao cấp hành chính xứ Đông Dương, cũng có viết thêm một bài về ngày thị tịch của Tổ sư với nhan đề "C’est bien en 1742 qu’il est mort" (Thật đúng như vậy, Tổ sư viên tịch năm 1742) (1929, tr.223), để luận giải những bài trao đổi của các độc giả cho rằng Tổ Liễu Quán sinh vào năm 1500, lúc mà dinh Phú Yên chưa thuộc về đất Đại Việt. Ngoài ra, các tác giả như Léopold Cadière, A. Bonhomme, J. A. Laborde, Cossarat, Boumer, H. Délite… trong các bài viết về Phật giáo được đăng từ năm 1914 đến 1944, cũng có trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến Tổ sư Liễu Quán.

 

Đọc bài viết của các tác giả trên đây, chúng ta sẽ rất thán phục về sự biên khảo rất khoa học, được thể hiện qua việc lý giải, dẫn chứng để minh hoạ bằng các hình ảnh và bản vẽ kỹ thuật. Người đọc sẽ còn ngạc nhiên khi thấy sự ngưỡng mộ, tôn kính của các học giả này đối với Tổ Liễu Quán được trình bày bàng bạc trong khắp các trang viết. Ở đây chúng tôi xin đơn cử bài viết của học giả Songy có nhan đề là: "Le Premier Annamite consacré supérieur de bonzerie par les Nguyễn: son tombeau" (Người An Nam đầu tiên được các chúa Nguyễn truy phong là vị Tổ sư siêu việt và bảo tháp của Ngài) (1928, tr. 205-216). Chỉ cần phân tích vài điểm sau đây, chúng ta cũng đủ thấy Sogny nói riêng và các học giả người Pháp đầu thế kỷ 20 đã xác lập được phương hướng, tiêu điểm cần đạt tới trong việc biên khảo cho các tác giả là thành viên của B.A.V.H.

Trước hết là Phần dịch nghĩa bài kệ thị tịch của Tổ Liễu Quán:

        Thất thập dư niên thế giới trung
        Không không sắc sắc diệc dung thông
        Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
        Hà tất bôn man vấn Tổ tông.

Sogny đã dịch bài kệ trên ra tiếng Pháp bằng văn xuôi. Cẩn thận hơn, ông ghi thêm số trước mỗi câu như một mệnh đề độc lập nhưng vẫn giữ được thủ pháp nghệ thuật là nối được ý của từng câu như mạch nước trong:

    1. Depuis plus de 70 ans en ce monde,
    2. J’ai acquitté ma tâche de religieux,
    3. Cette tâche est terminée, je m’en vais
    4. Et je n’ai pas besoin, pour ce départ, de consulter mes ancêtres.

Tạm dịch:

    1. Suốt hơn 70 năm sống ở thế giới này,
    2. Tôi đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng,
    3. Sứ mệnh đã hoàn thành, tôi trở về nhà cũ,
     4. Và tôi chẳng còn vương vấn cõi trần, cũng không cần hỏi tổ tông.

Sogny biết rõ nhược điểm trong việc dịch thơ từ ngôn ngữ đơn âm (tiếng Hán) sang ngôn ngữ đa âm (tiếng Pháp), nên khi chuyển ngữ, ông đã thêm đại từ ngôi thứ nhất "Je" "me" (Tôi) vào rồi dịch ra văn xuôi một cách chân phương. Hơn nữa, không phải là hành giả nên ông rất khó trong việc chuyển tải hồn đạo phương Đông sang tiếng Pháp. Ở điểm này, chúng ta không thể đòi hỏi một học giả, không phải là Phật tử, chuyển ngữ bài kệ của một vị Thiền sư một cách rốt ráo được.

Về tháp Tổ sư Liễu Quán ở thôn Ngũ Tây, làng An Cựu, tổng An Cựu, huyện Hương Thuỷ, phủ Thừa Thiên, một quang cảnh thiền vị, được Sogny dùng lối văn đặc tả; một thủ pháp biên khảo cao cấp mà không phải ai cũng làm được qua việc minh hoạ bằng 8 hình ảnh:

1. Ảnh tầng cấp và cửa ra vào (L’escalier et la porte d’entrée)
2. Ảnh tháp (le stupa)
3. Ảnh bia lớn ở bên phải và bên trái; bia dựng năm trùng tu tháp, 1815 (la grande stèle à droite et à gauche, stèle placée en 1815 lors de la réparation du tombeau)
4. Bia thờ thổ thần (la stèle du génie de Terre)
5. Bửu tháp (nhìn tổng thể hướng ra đường cái đi vào rừng, ở giữa có tầng cấp danh dự). (Le tombeau, vue d’ensemble prise de la route forestière, au milieu: l’escalier d’honneur).
6. Ảnh Trú trì chùa Thuyền Tôn, đệ tử được truyền thừa của Hoà thượng Liễu Quán vào đầu thế kỷ 18 (Le supérieur actuel de la pagode Thuyền Tôn. Fondée par le bonze Liễu Quán au commencement du 18 siècle).
7. Bản vẽ kỹ thuật về bảo tháp (tombeau du Chef Bonze Liễu Quán) do ông Lý Văn Lan, chuyên viên Sở Lục Lộ Huế lên bản vẽ (relevé par Lý Văn Lan, Traveaux Publics, Hué)
8. Ảnh ngôi bảo tháp Liễu Quán, "nhìn lui về phía chẩm đằng sau" (Le Tombeau de Liễu Quán "vue prise en arrière")

Ngoài ra, bản vẽ ảnh chân dung Tổ sư Liễu Quán thờ tại nhiều chùa ở nước ta hiện nay cũng được B.A.H.V năm 1928 đăng một cách trân trọng. Bức ảnh này có đính kèm phụ trương và chú thích.

Trong phần chú thích cho bản vẽ kỹ thuật, về ngôi tháp của Tổ, Sogny đã không dám dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, mà đã để nguyên chữ Tổ: "Le Tổ". Và sau đó vì để thuận với văn cảnh và giúp độc giả dễ hiểu, ông đã phải cố gắng chuyển ngữ từ này sang tiếng Pháp một cách gượng gạo nhưng đầy trân trọng bằng cách thêm chữ "créateur" (người khai sáng):

1.    Le Bonze Liễu Quán (Tổ sư Liễu Quán)
2.    Le Tổ créateur (vị Tổ sư khai sơn)
3.    Le premier Annamites consacré supérieur de Bonzerie (Vị cao tăng có đạo phong trác tuyệt)

Riêng về bảo tháp của Ngài, không có từ tương đương trong tiếng Pháp để dịch, cho nên buộc ông phải dịch là Le tombeau, nghĩa là lăng tẩm, như nơi an nghỉ của vua chúa nhà Nguyễn.

Điểm đáng để cho chúng ta thán phục là Sogny và các học giả người Pháp đã mô tả về tháp Tổ một cách rất chi li, từ việc định vị hướng đất, tên gọi, danh xưng, cho đến việc đo đạc, lấy kích thước, lập bản vẽ… tất cả đều được thể hiện một cách chuẩn mực, nghiêm túc. Nhất là các học giả này khá rành về tiếng Việt, chữ Hán, chữ Nôm, và cả việc kỵ huý trong văn hoá đời sống tâm linh của người Việt ở chốn cung đình, nhà chùa và ngoài dân gian nữa. Tiêu biểu là việc đục bỏ từ « Đảo » ở hai câu đối ở bia thờ Khai Hoàng hậu thổ nguyên quân trong vế đối "Tư nguyên nhật nguyệt đảo giai linh". Chữ Đảo là tên huý của vua Khải Định: Bửu Đảo đã bị đục bỏ khi nhà vua lên ngôi.

Bia tháp Tổ Liễu Quán đăng trong B.A.V.H

Ngoài ra Sogny cũng cho thấy sự chuẩn mực của ông khi nói đến sự ảnh hưởng lớn lao của Tổ sư Liễu Quán đối với việc truyền thừa của Ngài ở xứ Đàng Trong, theo dòng kệ bắt đầu bằng câu: "Thiệt, Tế, Đại, Đạo, Tánh, Hải, Thanh, Trừng…":

"Le culte lui est également rendu dans plusieurs pagodes du Sud-Annam et de la Cochin-Chine, car il avait des élèves et des disciples qui étaient orginaire de ces provinces". (Ngài được phụng thờ, tôn trí trong nhiều ngôi chùa ở miền Nam Trung Bộ và cả các tỉnh ở Nam Bộ, bởi vì Ngài đã tiếp độ nhiều đệ tử và đồ chúng xuất gia hoằng dương ở khắp các tỉnh này) (tr.206)

Một điều nữa đáng nói ở đây là, mặc dù không phải là Phật tử, xuất thân từ trường khảo cổ học danh tiếng của Pháp, thậm chí là người ngoài Phật giáo, nhưng khi nghiên cứu về Tổ Liễu Quán, Sogny cũng đã dùng cách hành văn thể hiện lòng tôn kính:

"Le Vérétable Liễu Quán eut un vie tellement édifiante qu’on le considère comme le plus illustré des bonzes de ce pays". (Hoà thượng Liễu Quán đã có một đời sống tu hành phạm hạnh. Đức độ của Ngài đã cảm hoá một cách thâm hậu, đến nỗi mọi người đều tôn Ngài là một vị Tổ sư danh tiếng nhất ở đất nước này) (1928, tr.206).

Và khi đến nghiên cứu về tháp Tổ, ông đã thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quang cảnh nơi đây. Ông viết:

"Sans le stupa qui décèle une sépulture de bronze, on pourrait croire, en raison de la beauté du style et de la majesté du lieu, à un tombeau de prince ou de haut dignitaire". (Nếu không được biểu thị bởi tính cách đặc trưng của stupa thì thật khó biết đây là bảo tháp của một vị Tổ sư. Người ta rất có thể tin rằng đây là lăng tẩm của một Thái tử hoặc một đại thần vào hàng nhất phẩm, chỉ vì lẽ đơn giản là nó bao gồm cả phong cách thẩm mỹ kiến trúc và vẻ linh diệu của cuộc đất đã được chọn lựa kỹ càng). (p.205)

Chúng tôi trích dẫn một vài đoạn tiêu biểu trong bài viết của Sogny, để chúng ta thấy ông và các học giả người Pháp vào đầu thế kỷ 20 đã để tâm nghiên cứu về Tổ sư Liễu Quán như thế nào. Ngoài ra, như chúng tôi đã có đề cập, nếu tiếp tục tìm thêm trong tạp chí này, thì chúng ta sẽ còn tìm gặp nhiều bài khảo luận hay về Phật giáo của các học giả nước ngoài nổi tiếng khác… Đó là chúng tôi chưa nói đến, tản mạn trong các bài viết khác có tựa đề gần như không liên quan gì đến văn hoá lịch sử Phật giáo nhưng lại có thể tìm ra những tình tiết giá trị có liên quan đến Phật giáo và Tổ sư Liễu Quán. Đọc bài viết của các tác giả này trong B.A.V.H, chúng ta còn biết thêm được lối mô tả về phương cách dùng từ, thuật ngữ, địa danh, danh xưng, tôn hiệu, pháp khí của Phật giáo ở các thế kỉ trước như thế nào.

Qua những gì trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, cho dù các học giả phương Tây, nghiên cứu về Tổ sư Liễu Quán với mục đích gì đi nữa, thì giá trị của các công trình ấy đối với chúng ta ngày nay là điều không thể phủ nhận. Và qua đó, ở đây, chúng ta một lần nữa khẳng định rằng, Tổ sư Liễu Quán đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam.

T.H.A

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here