Cú sút phạt "lá vàng rơi" và niềm tự hào châu Á
Khi Endo tung chân vuốt bóng theo phong cách Braxin ấn định tỷ số 2-0 vào lưới Đan Mạch, không riêng gì người Nhật Bản mà cả châu Á bỗng thấy bừng dậy một niềm tự hào khó tả. Chúng ta vui vì lần đầu không phải trên sân nhà, một đội bóng được xem là lót đường trước khi vào giải, giờ đây nghiễm nhiên đi tiếp vòng 2 mặc cho những tên tuổi lớn như Ý, Pháp, Cameroon phải từ giã cuộc chơi. Liệu chúng ta có còn nhớ câu chuyện cách đây 50 năm khi người Nhật tự ví mình như đôi giày nhỏ so với bóng đá Việt Nam. Vậy mà hôm nay, người ta tôn vinh "đôi giày nhỏ" ấy như những nhân vật chính trong bản hùng ca của người châu Á.
Chiếc cúp ước mơ
Dù rằng Nhật Bản không giành được giải lớn tại World Cup lần này nhưng ước mơ về chiếc cúp ấy đã quá đẹp, quá đáng yêu để một dân tộc biết rằng mình có quyền hãnh diện, biết rằng đang đi đúng hướng trên con đường đến vinh quang. Đã bao năm tháng trôi qua, nước Nhật vươn lên như một siêu cường kinh tế từ trong hoang tàn nhọc nhằn sau chiến tranh. Giờ đây họ có quyền mơ đến những thành tựu trong những lĩnh vực khác. Giáo sư Randy Bausche, người bị ung thư tụỵ, đã nói trong "Bài giảng cuối cùng" của ông khi ông chiêm nghiệm từ những kinh nghiệm sống 46 năm trong đời mình, từ cảm hứng ban đầu của Walt Disney "Nếu bạn dám ước mơ điều gì, bạn sẽ có thể thực hiện điều đó". Ông còn viết:
"Tất cả những gì tôi đạt được, những gì tôi yêu quý, đều bắt nguồn từ những ước mơ và những mục đích mà tôi đã có khi còn là một đứa trẻ thơ… Và trên đường đời, tôi đã đạt được hầu như tất cả những ước mơ và mục đích đó. Cái độc đáo của tôi, tôi thấy, đã tới từ sự đặc biệt của tất cả các ước mơ – từ cực kỳ có ý nghĩa tới khá kỳ quặc – nó đã xác định bốn mươi sáu năm của đời tôi.
Nếu bạn dám ước mơ điều gì bạn sẽ có thể thực hiện được điều đó
…, tôi biết mặc dù bị ung thư, tôi vẫn là người may mắn bởi đã được sống qua những ước mơ. Và tôi đạt được những ước mơ, phần lớn, là nhờ những gì tôi được dạy dỗ bởi những con người thật đặc biệt. Nếu tôi có thể kể câu chuyện của mình với cảm xúc mạnh mẽ, bài giảng của tôi sẽ giúp những người khác cũng tìm được con đường để hoàn thành những ước mơ của họ".
Vậy đó, cuộc đời ta hình thành từ những ước mơ. Đồng thời, ta phải biết chắp cánh ước mơ cho người khác với tư cách người anh, người cha, người thầy, người lãnh đạo. Bausche biết thời gian của mỗi người là hữu hạn, ta phải quản lý quỹ thời gian sao cho tốt nhất. Thế nên không chỉ dạy sinh viên biết ước mơ, ông còn nhấn mạnh đến những điều giản đơn như tinh thần đồng đội, biết tự đánh giá ưu khuyết điểm của mình vì không chỉ thực hiện ước mơ mà chúng ta sẽ hoàn thiện chính mình trong quá trình phấn đấu. Đồng thời qua đó cuộc đời ta được dẫn dắt một cách đúng đắn, nghiệp sẽ tự thành. Chúng ta thấy có cùng một ước mơ chung sẽ khiến con người gắn bó, đoàn kết mạnh mẽ hơn. Một đội tuyển gồm nhiều cầu thủ thuộc loại siêu sao nhưng không toàn tâm ý sẽ thất bại vì họ đã tự hủy hoại khát vọng chung. Một nhà lãnh đạo không cho mọi người thấy được tình yêu và hành động hướng về ước mơ chung của toàn dân cũng sẽ đánh mất lòng tin cho dù có nói vạn lời hoa mỹ. Chúng ta nhớ đến bộ phim "The Cup", bộ phim đầu tiên quay tại Bhutan kể về một nhóm các nhà sư trẻ Tây Tạng tìm cách theo dõi World Cup 1998 qua TV dù không được phép. Cuối cùng họ cũng "đạt được ước mơ" dù bị viện trưởng bắt gặp vì ông nhận ra World Cup là một biểu tượng cho sự hòa hợp giữa con người với nhau dù ở quốc gia nào hay thuộc giai cấp nào hay dù bản thân môn chơi đầy tính cạnh tranh. Vị sư viện trưởng nhấn mạnh ý nghĩa lớn lao sinh hoạt cộng đồng qua bóng đá đồng thời nhắc đến lòng yêu thương tôn trọng dành cho tha nhân.
Làm sao thắp sáng ước mơ?
Chính nhờ ước mơ mà tuổi thơ thắp sáng tương lai qua lý tưởng hoặc qua thần tượng của mình. Các em sẽ cảm thấy cuộc đời đáng sống và học cách vươn lên. Các em sẽ không hành xử độc ác vì khi người ta còn hy vọng và ước mơ, người ta luôn hiểu mục đích cuộc sống.
Tuổi trẻ cần phải biết tưởng tượng và sáng tạo vì "Thế giới của sự tưởng tượng là vô tận và vĩnh hằng, còn thế giới của thế hệ này là hữu hạn và thuộc thời gian Việt Nam (Justus Buchler).
Thật tiếc là một bộ phận không nhỏ tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đang sống với những thứ "ước mơ" quá cụ thể và thiên về giá trị vật chất. Nếu làm một cuộc phỏng vấn ở các trường học thì phần đông đều ước mơ "xong đại học" và "có việc làm", hoặc quá giản đơn như có một chiếc iphone hay sắm được quần áo hàng hiệu. Là những tài năng như cầu thủ, các em cũng chỉ làm "mình mẩy" để đòi tăng lương thưởng chứ ý thức chuyên nghiệp thì mơ hồ lắm.
Nếu như trong thời chiến, chàng trai Lưu Quang Vũ có lần mơ mộng:
"Cuộc đời sẽ đi qua những ngày đông xám ngoét
Sẽ trẻ lại con sóng già đầu bạc
Sẽ quây quần mọi gió dại đảo hoang
Sẽ có ước mơ và những quả dưa vàng".
(Viết cho em từ cửa biển, 1970)
Thật là một ước mơ gần gũi, cụ thể và… buồn. Nhưng hôm nay, nhân loại đi trên con đường cao tốc, nói chuyện bằng tốc độ internet mà chúng ta lại không thể sắp xếp ước mơ chỉn chu hơn, huy hoàng hơn thì biết đến bao giờ mới bước ra khỏi đôi giày nhỏ, chật chội vốn chỉ chạy được trên những sân chơi nhỏ bé của… làng xã, nói chi đến một kế hoạch vĩ đại mà có ai đó khi xin duyệt đã bất chợt cao hứng phán rằng: "Năm 2018, Việt nam sẽ vô địch World Cup (?)". Chúng ta có quyền ước mơ nhưng phải BIẾT HÀNH ĐỘNG để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Nếu không thì chỉ là… ước mơ chiếc iphone hay "làn da nâu" như một bài hát khá thịnh hành gần đây mà thôi!
Theo GNO