Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Từ Đàm lịch sử mãi còn vang vọng*

Từ Đàm lịch sử mãi còn vang vọng*

157
0

Thay mặt Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban Tổ chức Đại lễ khánh thành, chúng con hướng vọng chí thành đảnh lễ Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Pháp Chủ GHPHVN, chí thành đảnh lễ Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự TƯGHPGVN Chứng minh cho Đại lễ. Chúng con chí tâm đảnh lễ quý Ngài hiện diện hôm nay. Chúng tôi cũng vô cùng vinh dự trang tiếp chư vị lãnh đạo Đảng, Hội Đồng Nhân Dân, Chính quyền, Mặt trận, các ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành Phố và các Huyện Thị đã dành nhiều tình cảm quý báu cho Giáo hội. Quý quan khách, quý Phật tử đã thể tất lời mời của Ban Trị sự hoan hỷ tham dự góp phần trọng thể cho buổi lễ.

Ngôi chùa Ấn Tôn do Tổ Sư húy thượng Minh hạ Hoằng người Trung Hoa khai sơn vào cuối thế kỷ thứ 17. Ngài đã truyền Tâm Ấn cho Tổ Sư thượng Thiệt hạ Diệu, vị sau này khai sinh ra dòng thiền Liễu Quán hoằng truyền khắp cả xứ Đàng Trong. Chùa Ấn Tôn hiện hữu trên mảnh đất Thuận Hóa trong giai đoạn đất nước bị phân tranh, trải qua bao biến thiên của chiến cuộc nên chùa cũng bị suy tàn. Sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1812 dưới triều vua Gia Long chùa đã được Ngài Đạo Trung trùng tu. Năm 1841 Thiệu Trị nguyên niên đã sắc chỉ cho đổi Ấn Tôn thành Từ Đàm. Từ giai đoạn vua Tự Đức trị vì, triều đình đã đi vào suy yếu dẫn đến cảnh ngoại bang lấn hiếp, chùa Từ Đàm lại càng thêm hoang phế. Trải qua bao đêm trường lầm than nô lệ của cảnh mất nước, cảnh đạo pháp suy vong, thì khát vọng độc lập tự chủ lại càng dâng cao. Vào thập niên 30 của thế kỷ 20, các phong trào cách mạng chính trị, văn hóa, tín ngưỡng được phát khởi mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Phật Giáo lúc ấy đã chuyển mình, tại miền Trung, Hội An Nam Phật Học ra đời năm 1932. Từ Đàm đã trở thành trụ sở của Hội, đến năm 1938 thì được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Hội. Chùa được canh tân, thờ tự đơn giản hơn, song bên cạnh lại có Giảng đường, có Văn phòng làm việc của Hội. Chùa Hội chỉ thờ độc tôn tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, đây là mẫu kiến trúc để xây dựng các Niệm Phật Đường. Tổ Đình Từ Đàm từ đó thật sự đã trở thành trung tâm hành chánh của Phật Giáo miền Trung, nơi phát khởi mọi kế hoạch vừa rộng vừa sâu, xây dựng ngôi nhà đạo pháp rất hữu hiệu, như việc hình thành tổ chức khuôn hội tại các địa phương, xây dựng hệ thống Niệm Phật Đường rộng khắp, đơn giản, nên thật khả thi đối với hoàn cảnh đời sống kinh tế quá khó khăn của Phật tử và nhân dân lúc bấy giờ. Từ Đàm còn là nơi sản sinh ra tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam để giáo dục thanh thiếu niên.

Năm 1951, Đại Hội Phật Giáo toàn quốc tổ chức tại Từ Đàm đã thống nhất Phật Giáo ba miền thành Tổng Hội PGVN. Từ Đàm rực sáng trong lòng PGVN chính nhờ sự chung sức chung lòng của quý bậc Cao Tăng thạc đức, quý cư sĩ nhiệt thành. Từ Đàm là điểm hội tụ trí tuệ, gắn kết hai trung tâm lớn của Phật Giáo miền Trung, Bình Định và Thừa Thiên. Ngài Phước Huệ chùa Thập Tháp Bình Định, quý Ngài Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết tại Huế đã kết hợp với quý cư sĩ tiêu biểu, như cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, đã xây dựng nên một An Nam Phật Học Hội vững mạnh. Một tổ chức Phật Giáo trong sáng lãnh đạo, chặt chẽ đoàn kết hạ tầng cơ sở đã tiềm tàng một sức mạnh vô úy để Tổng Hội PGVN có đủ điều kiện làm tròn trách nhiệm trước lịch sử. Đó là khởi động phong trào chống bạo quyền, dành tự do tôn giáo, bình đẳng tín ngưỡng vào năm 1963, rồi vận động đòi Hòa Bình cho Việt Nam vào năm 1966. Từ Đàm lại càng đi vào lòng người. Sau ngày đất nước độc lập thống nhất, GHPGVN ra đời. Từ Đàm đã trở về vị trí ngôi chùa Tỉnh Hội an bình phát triển theo phương châm của GHPGVN. Trong cảnh an bình phát triển ấy, ngôi chùa trải qua trên 70 năm sau ngày An Nam Phật Học Hội trùng hưng nay cũng phải được trùng tu. Lần này Ban trùng tu đã xây chùa trở lại với kiến trúc xưa như bao nhiêu Tổ Đình khác ở Huế, song vẫn giữ nếp thờ độc tôn của chùa Tỉnh Hội, Văn phòng Ban Trị Sự cũng được bố trí liên hoàn hơn, trở thành một quần thể khó phân biệt rõ nét như kiến trúc xưa, đặc biệt có dựng một ngôi Bảo Tháp trước sân như là sự vươn lên của Phật Giáo Thừa Thiên Huế, để mai này lâu đài dân cư chung quanh có phát triển vẫn khó khuất đi bóng dáng Từ Đàm.

PGVN đang phát triển trên khắp mọi miền đất nước, đánh thức mọi giá trị tâm linh, nhất là trên các miền đất văn vật. Những trung tâm lớn như Bái Đính, Sóc Sơn đang được xây dựng. Các lễ hội Chùa Hương, Yên Tử là những trọng tâm tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều tỉnh thành khác đang phát huy cơ sở và các lễ hội rất tốt đẹp. Chùa Tỉnh Hội Thừa Thiên Huế trùng tu cũng trong chiều hướng ấy, song còn nhiều hạn chế bởi diện tích khuôn viên chưa xứng tầm. Với diện mạo hôm nay của ngôi Tổ Đình Từ Đàm, cơ sở điều hành Phật sự của Giáo Hội cũng đã làm Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà vô cùng hoan hỷ. Nếu còn ưu tư thì đó là mỗi Tăng Ni Phật tử Thừa Thiên Huế phải tinh tấn hơn để trưởng dưỡng đạo tâm mà trang nghiêm Giáo Hội, cho khỏi phụ lòng những bậc tiền nhân đã dày công xây dựng nên GHPGVN ngày nay. Nhân dịp đại lễ khánh thành Tổ Đình Từ Đàm, chúng con xin nguyện trước ngôi Tam Bảo, trước chư vị lãnh đạo Giáo Hội, lãnh đạo đất nước nguyện sống tốt đời đẹp đạo để thanh danh của ngôi Từ Đàm lịch sử này mãi còn vang vọng. Bằng tâm nguyện đoàn kết, giữ gìn giềng mối đạo đức của dân tộc, chúng con xin đảnh lễ thù ân chư Tôn Đức lãnh đạo Trương Ương Giáo Hội, nguyện cầu quý ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu. Kính chúc quý vị lãnh đạo nhà nước luôn dồi dào sức khỏe, thành công  tốt đẹp trong mọi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kính chúc quý vị quan khách, quý Phật tử thân tâm an lạc, vạn sự cát tường như ý.

HT. T.G.Q  (Diễn văn khánh thành Tổ đình Từ Đàm)

* Tựa đề do Ban Biên tập đặt

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here