Có một thời mà vào bất cứ một ngôi chùa nào ở Huế cũng thấy lù lù mấy "ông lương tu" (lương tu là lu tương) đứng sau hè nhà bếp hay trên các tê-rát, và bữa cơm nào cũng có nước tương. Nếu lỡ quên là bị quý ôn quở "ở chùa mà quên tương là coi như quên mùi chùa".
Tương, chao đã trở thành nếp văn hoá, là đời sống của nhà chùa. Từ thời xưa, chư tổ đến Thuận Hoá khai sơn lập tự, quý ngài đến vùng đất "Lâm Lộc" tức vùng đất từ bờ Nam sông Hương kéo dài đến núi Kim Phụng. Thuở ấy đây là vùng rừng thiêng nước độc, chỉ có các thiền sư như tổ Minh Hoằng-Tử Dung; tổ Nguyên Thiều, tổ Liễu Quán, tổ Giác Phong, tổ Từ Lâm…chống thiền trượng đến khai sơn phá thạch. Sống trong vùng đất nầy, đường xá đi lại khó khăn, có nhiều thú dữ rất nguy hiểm đến tính mạng, do đó mà chư tổ đã sáng chế ra một loại thức ăn thích hợp để dùng quanh năm đó là nước tương.
Nhiều câu chuyện thiền môn thuở đó gắn liền với "giai thoại nước tương" đến nay vẫn còn lưu truyền như chuyện "tổ Liễu Quán ăn rong chấm với tương" mà được ấn chứng; chuyện "tổ Nhất Định ăn rau khoai vàng chấm với tương" mà giáo hoá được tâm hiếu đạo của Vua Tự Đức và dân chúng…những câu chuyện "tương chao" như vậy làm cho xứ thiền kinh ngày càng nỗi tiếng.
Các ngài Tâm Truyền, ngài Phước Chỉ, ngài Tuệ Pháp, ngài Giác Nhiên, ngài Giác Tiên, ngài Tâm Khoan, ngài Mật Khế, ngài Phước Huệ, Ni sư Diên Trường…đều kế thừa truyền thống "tương chao" đó mà dẫn dắt đàn hậu học như trường hợp ngài Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm tự mình dẫn vài đệ tử đến dập đầu cầu học tại các chùa, các đạo tràng Thiên Hưng của Ngài Huệ Pháp; Đạo tràng Tây Thiên của Ngài Tâm Tịnh; Đạo tràng Tra Am của Ngài Viên Thành.
Các đạo tràng nầy dạy học theo kiểu "tương chao" tức không câu nệ bàn ghế, trường, lớp mà cứ
Một lớp học của thiền môn xưa, tranh tre nứa lá đơn sơ mà đã đào tạo ra những danh tăng thạc đức lừng danh một thời |
tiện đâu ngồi đó, trên giường, dưới bếp thầy trò tâm tâm ấn ấn có khi chỉ cần cục than, miếng ngói bể…mà bao nhiều chữ nghĩa đều đi vào trí não, kiến giải biết bao nghĩa lý cao thâm huyền diệu của tam tạng kinh điển. Và chẳng cần bằng cấp chi đâu, chỉ cần một lời nhận xét của Thầy "được, có mùi tương chao rồi đó" là coi như đạt kệt quả cao lắm rồi.
Từ kinh nghiệm học hỏi được các Đạo tràng – lớp học truyền thống đó mà sau khi trùng tu xong chùa Trúc Lâm thì Hoà Thượng Giác Tiên liền cho mở trường tại chùa và đặt tên là Sơn Môn Học Đường và rước Hoà Thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp-Bình Định ra làm thủ giảng. Các ngài Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Hiển và cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám cũng theo học lớp nầy. Từ lớp học này, Ngài Mật Khế ra mở mở lớp học ở chùa Vạn Phước có tên là An Nam Phật Học Đường để đào tạo Tăng còn tại chùa Từ Đàm thì Sư bà Diệu Không và cụ Ưng Bàng mở Ni trường chiêu sinh Ni chúng từ Bắc chí Nam về học, trường do Ni trưởng Diệu Hương làm lãnh chúng và vẫn đào tạo theo nếp "giáo dục tương chao" tức dạy và học theo truyền thống, nề nếp thiền môn là chính. "Giáo dục tương chao" do vậy là nền giáo dục truyền thống, chính yếu của thiền môn xưa. Truyền thống giáo dục nhà chùa đậm mùi tương chao như thế thể hiện được nếp học thiền phong "tiên học lễ, hậu học tu đa la".
Nhiều cao tăng thạc đức sau này cũng đều kinh qua các lớp học truyền thống "giáo dục tương chao" như thế mà thành danh, mà lưu danh hậu thế.
Ngoài xã hội ngày xưa, những lớp học như thế nầy đã đào tạo ra những "Chu Văn An; Lương Thế Vinh, Mạc Đỉnh Chi…" |
Và truyền thống văn hoá giáo dục tương chao ấy cho đến những thập niên 80 của thế kỷ XX vẫn còn. Tại lớp Phật học Báo Quốc (trước khi là trường Trung cấp Phật học), lúc ấy Hoà Thượng Đức Tâm dạy môn Phật giáo Tam Tự Kinh. Hoà Thượng mang chiếc áo hậu vàng, mắt đeo kính rất uy nghi, mỗi khi đến lớp, Hoà Thượng gọi Tăng Sinh lên bản viết từng bài kệ, tấm bản rất to đến gần 6m nhưng chỉ viết một bài kệ là đầy, mỗi chữ Hán to bằng tấm bản con. Và trong tập vỡ, Hoà Thượng dạy Tăng, Ni sinh mỗi trang giấy phải kẻ ra 3 ô ngang và bốn ô dọc để viết, mỗi trang chỉ viết một bài kệ mà thôi. Hoà Thượng còn dạy: "các chú các điệu cứ như thế mà học mà viết cho thật nhừ từng câu từng chữ trong cuốn Tam Tự Kinh và phải thuộc làu làu, phải hiểu nghĩa lý và chín nhừ như tương chao mới được”.
Giáo dục tương chao còn là thước đo, là chuẩn mực để các chú điệu thức khuya dậy sớm, khổ luyện công phu, hầu thầy, học kinh học luật, trau dồi đạo hạnh cho thật thấm vào trong tâm, trong tính. Màu và mùi của tương chao do vậy chính là "màu thiền", "mùi thiền" để đánh giá đạo đức công hạnh của các chú (Sadi), các thầy (tỷ kheo). Ai được quý ôn khen "giọng lưỡi, tác phong thấm mùi tương chao" thì sướng vô cùng, và sẽ được cho đi thọ đại giới. Ngược lại nếu bị quý ôn, quý thầy chê là "chưa thấm mùi tương chao" thì buồn lắm, mà chắc chắn là sẽ không được cho thọ đại giới nữa…
Những bữa cơm như thế nầy cũng là những giờ học rất quý mấy ai quên |
Thế đấy, việc giáo dục ngoài xã hội ngay nay vốn đã rất khó nói, nhưng chuyện giáo dục Phật giáo thì càng khó nói hơn. Bởi giáo dục Phật giáo là đào tạo ra những vị Tăng, những người Thầy chân chính tức là đào tạo ra con người có nhân cách cao thượng, đào tạo ra những người có phạm hạnh, biết hy sinh cho đạo pháp, cho chúng sanh. Nếu không được như thế mà vô tình (hay hữu ý) đào tạo ra những người "không đầu không đuôi" thì thật tệ hại cho đạo pháp. Bởi vậy trong chốn thiền môn mới lưu truyền câu "giáo bất nghiêm sư chi đọa" (dạy mà không nghiêm (minh) ấy là lỗi của thầy). Nên việc giáo dục Phật giáo trước hết là phải nhắm đến "hiệu quả", đức hy sinh, tinh thần cống hiến mà bỏ qua hình thức, bằng cấp. Vừa áp dụng giáo dục hiện đại nhưng cũng phải biết kế thừa nền giáo dục truyền thống mới đem lại kết quả tốt nhất…
P.N