Trang chủ Phật học Tứ chúng đồng tu, thánh phàm đồng cư độ

Tứ chúng đồng tu, thánh phàm đồng cư độ

136
0

Tôi hỏi nhà tôi tại sao cầu vãng sinh Cực Lạc? Mà Cực Lạc có gì hay mà cầu vãng sinh? Bà nhìn tôi có vẻ không tin vào lỗ tai của bà ta, vì một Phật tử ai lại hỏi những câu hỏi lạ kỳ như vậy. Tôi lại làm cho bà bối rối thêm khi tôi nói trong đạo lý Thật Tướng, thì làm gì có sinh tử, khổ đau? Trong đạo lý Bất Sinh, Bất Diệt, Bất Lai, Bất Khứ thì làm gì có Ta Bà, Tịnh Độ. Trong đạo lý Như Như, thì Như Lai không xuất thế, Như Lai không nhập Niết Bàn, thì làm gì có Cực Lạc, Ta bà? Rồi tôi dẫn chứng lời Phật dạy trong Kinh Duy Ma Cật: “Này Bảo Tích, chúng sinh là cõi Phật của Bồ Tát, vì sao vậy? Vì Bồ Tát muốn giáo hóa chúng sinh, muốn điều phục chúng sinh, tùy tâm nguyện chúng sinh mà tiếp nhận cõi Phật. Như người muốn xây doing lâu dài phải xây trên đất chứ không phải xây trong hư không. Bồ Tát cũng thế, vì muốn thành tựu chúng sinh mà tiếp nhận cõi Phật.”

Bà được thế, chụp vội: “Anh thấy chưa trong đoạn kinh anh dẫn chứng Phật dạy” ‘Tùy tâm nguyện chúng sinh mà Bồ Tát tiếp nhận cõi Phật’. Như vậy rõ ràng là có cõi Phật được Bồ Tát vì chúng sinh mà tiếp nhận.” Tôi nói: “Thôi được, cho bà có lý đi. Nhưng cảnh giới Ta Bà theo Kinh A Di Đà làm bằng vàng, bằng ngọc, bằng trân châu, mã não có vẻ nhân tạo như vậy đâu có thích thú, làm gì có ánh mặt trời chiều tà, có chiếc lá vàng rụng uốn theo chiều gió, làm gì có trận mưa ngâu, làm gì có ánh bình minh chói rọi" những vẻ đẹp thiên nhiên mà thế giới Cực Lạc không có! Còn nữa sinh trên đài sen, trong vườn hoa sen ngũ sắc, nghe âm nhạc suốt ngày! Bà cứ tưởng tượng mình bị đầy ra Côn Đảo, hòn đảo lớn như vậy mà mình cảm thấy bị cô đơn, bị giam cầm, bây giờ ngồi trên đài sen, giữa hồ, thì cô đơn biết mấy, giam cầm còn gắt gao biết mấy mà rồi phải nghe nhạc suốt ngày làm sao chịu cho nổi!” Bà ta có vẻ bực tức nói: “Không ngờ anh quá gàn bướng. Tưởng anh nghiên cứu sách Phật nhiều, tuởng anh đa văn, túc trí, không ngờ anh không có một sáng tạo nào cả! Anh có nghe câu “Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”không?” Lời nói trong Kinh A Di Đà là để diễn tả sự hoàn hảo của thế giới Cực Lạc và lẽ dĩ nhiên ngôn từ không làm sao chuyên chở được toàn ý nghĩa. Chính vì vậy mà Phật sau 49 năm thuyết pháp đã dạy là Ngài không nói một lời nào.”

Không ngờ bà ta khá thật. Tôi hỏi thêm để thử khả năng thâm nhập Phật lý của bà: “Thế giới Cực Lạc như vậy có khác gì Thiên Đường! Bà cầu về Cực Lạc để hưởng thụ và tệ nhất là để hưởng thụ cá nhân mặc cho ai sống khổ đau ở thế giới Ta Bà!”

Bà nói: “Tôi chán anh quá, anh chả biết Phật Pháp tí nào cả. Thế mà đòi viết sách Phật, ưa đi giảng đạo. Cực Lạc là nơi Tứ Chúng Đồng Tu, nơi Thánh Phàm đồng cư trú (Tứ Chúng Đồng Tu, Thánh Phàm Đồng Cư Độ), không phải là nơi chỉ hưởng lạc mà còn là nơi thuận tiện cho con đường tiến tu của Tứ Chúng, không phải của riêng mình, mà là nơi thánh cũng như phàm cùng nhau sống, tu, trên hành trình giác ngộ, giải thoát và hành trình ấy được xây đắp không bằng tự lợi mà còn lợi tha, chính lợi tha là tự lợi, nên không phải dửng dưng trước sự khổ đau của đồng loại, chúng sinh.”

Đời là một cuộc hành trình. Trong dòng sinh tử Ta Bà, chúng ta đã trải qua bao nhiêu sôá kiếp, bao nhiêu cuộc hành trình, bập bềnh trên sóng vô minh, tật đố, thị phi, đầy khổ não. Nhưng cuộc đời thật sự đáng chán như vậy sao? Người tu Tịnh Độ nhìn đời không những là cuộc hành trình mà còn là chuyến hành hương. Bà Vi Đề Hy được Phật khai thị đã đi hành hương từ Phật độ này đến Phật độ khác, cuối cùng chọn cảnh Tịnh Độ làm nơi an dưỡng tiến tu. Nhờ kinh nghiệm khổ đau mà bà Vi Đề Hy được thấy cảnh Tây Phương Cực Lạc. Ta Bà là chuyến hành hương. Thế giới khổ đau là hy vọng chứ không phải tuyệt vọng. Đạo lý Tịnh Độ không bi quan yếm thế mà là đạo lý Bạt Khổ Dữ Lạc, đạo lý dứt khổ cho vui.

Phương pháp diệt khổ dữ lạc của đạo Bồ Tát như thế nào? Ngay trong khổ đau mà tìm ra giá trị tôn giáo và đạo đức. Không xa lánh, không trốn tránh, không loại bỏ mà cưu mang tất cả. Cảnh giới Cực Lạc có chín phẩm, dung chứa 9 trình độ tu chứng, dung chứa 4 chúng đệ tử, dung chứa thánh, phàm. Tuy có trật tự 9 phẩm, tuy có thấp cao giữa Hạ phẩm Hạ sinh đến Thượng phẩm Thượng sinh, nhưng không vì phẩm trật mà loại bỏ, mà bớt cưu mang. Thánh phàm không vì vậy mà phải phân biệt chống đối lẫn nhau, Thánh phàm cùng nhau tu tập, thẳng tiến trên hành trình giải thoát, giác ngộ.

Cảnh giới Cực Lạc thật huy hoàng rực rỡ mà hài hòa dung dị. Những người tu Tịnh Độ không thể không đem biểu tượng này áp dụng vào đời sống hàng ngày, vào mọi hành hoạt của mình, đối với bản thân, với người đồng đạo, với cọng đồng nhân loại. Ta không thể xây dựng Tịnh Độ trong hư không mà xây doing nó trên nền tảng vững chắc, trên nguyên tố nhân duyên phù hợp với thế giới Tịnh Độ, được khai triển trong Tứ Nhiếp Pháp: Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành, Đồng Sự.

Bố Thí ở đây là San Sẻ. San sẻ tài vật, san sẻ đạo pháp, san sẻ cái vui, cái buồn, cái vinh, cái nhục cho nhau, để làm tăng trưởng Phật Tính duy nhất của toàn thể chúng sinh, để cùng giúp nhau tiến tu trên đường giải thoát, để cùng nhau hướng về cảnh Tây Phương Cực Lạc.

Ái Ngữ ở đây là những lời nói nhu mì, thong yêu, thông cảm, công bằng, hợp lý. Không che dấu tội phạm nhưng không làm bức xúc những người phạm lỗi, cổ võ ưu điểm hơn là khuếch trương nhược điểm, mục đích giúp nhau trên hành trình giác ngộ, giải thoát, giúp nhau trong nhiệm vụ cứu mình, cứu người, là nền tảng của âm nhạc trong cảnh Tây Phương Tịnh Độ.

Lợi Hành ở đây là ý nghĩ, lời nói, hành động đều hướng đến phúc lợi cho mình, cho người, làm nền tảng cho Tứ Chúng Đồng Tu, Thánh Phàm Đồng Cư Độ.

Đồng Sự ở đây là không phân biệt ngã-nhân, nặng nhọc không từ, hành hoạt trong mọi hình hài, “tố phú quí hành hồ phú quí, tố bần tiện hành hồ bần tiện, tố di dịch hành hồ di dịch.” “Một là tất cả, tất cả là một” thiên hình vạn trạng, “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.”

Xuất phát từ tâm từ bi, đạo Bồ Tát kiến thiết Tịnh Độ để nâng cao lý tưởng Bồ Tát, để hình thành lý tưởng độ sinh. Tịnh Độ là công năng xã hội hóa lý tưởng tự độ, độ tha. Không có Tịnh Độ thì lý tưởng Bồ Tát không thể thành tựu. Không có Ta Bà thì lý tưởng Bồ Tát không có cơ sở thực hiện.

Sau khi Phật thành đạo, bài thuyết pháp đầu tiên Dhammacakka Pavattana, thường dịch là Kinh Chuyển Pháp Luân, được dịch ra tiếng Anh là Kiến Thiết Vương Quốc Chánh Pháp. Cách dịch này khá ý vị. Đức Phật là vị Pháp Vương, muốn xây dựng một Vương Quốc Chánh Pháp. Đưa cái Vương Quốc Chánh Pháp ấy đến cực độ mà phác họa nó thành cụ thể, đó là thuyết Tịnh Độ. Tịnh Độ có nhiều đặc tướng, nhưng đặc tướng quan trọng nhất là sự hoàn bị trật tự đạo đức. Nhìn vào nội dung Bản Nguyện, về phương diện tiêu cực là ngăn ngừa mọi tội lỗi, về phương diện tích cực là khuyến khích mọi người cùng tiến đến đạo đức và nền tảng của đạo đức là Tứ Nhiếp Pháp.

Tịnh Độ ở phương tây có thế giới Cực Lạc, ở phương đông có A Sơ Phật Quốc. Giữa hai cảnh Tịnh Độ này có một quan hệ mật thiết: Nếu ở cõi Phật này xảy ra đại sự (đại thuyết pháp chẳng hạn) thì cõi Phật khác gửi sứ giả đến tùy hỷ, tán thán, nói lên tinh thần Tịnh Độ liên kết mười phương. Hành giả Tịnh Độ, người tu Phật không thể bỏ quên yếu tố này, yếu tố yểm trợ lẫn nhau, cùng nhau sách tấn trên đường giải thoát, giác ngộ.

Người tu Tịnh Độ hay người nỗ lực trên hành trình giác ngộ phải đầy đủ 4 tư lương cần thiết đó là Tín Tâm, Chí Thành Tâm, Thâm Tâm, Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm. 

Không những người tu Tịnh Độ mà bất kỳ người muốn hành hoạt Phật sự nào cũng phải đầy đủ 4 tư lương ấy. Trước khi dùng 4 tư lương cho cuộc hành trình, cần phải hành trì Sám Hối. Tác dụng của Sám Hối cũng như người ta mỗi buổi sáng thức day đánh răng, súc miệng, rửa mặt, tắm gội cho thân thanh tịnh, thì Sám Hối là phương thức làm cho tâm thanh tịnh. Kinh Đại Thừa Bổn Sinh Tâm Địa Quán nói: “Sám hối có thể thiêu đốt củi phiền não, sám hối có thể vãng sinh cõi trời, sám hối có thể được cái vui tứ thiền, sám hối như mưa báu Ma Ni Châu, sám hối có thể ra ngục tam giới, sám hối có thể khai hoa bồ đề, sám hối thấy được đại viên kính của Phật, sám hối có thể đến nơi bảo sở.”

Mọi hành hoạt của người con Phật, của Phật Giáo, phải bắt đầu bằng Sám Hối, cho bao nhiêu ân oán thị phi, thương buồn, ghét giận đều rửa sạch, cho lòng thanh thỏa, “hội họp trong hòa thuận, thảo luận trong hòa thuận, chia tay trong hòa thuận,” thực hiện một cơ cấu, một tổ chức trong đó Tứ Chúng Đồng Tu, Thánh Phàm Đồng Cư Độ.

Ở trên tôi có nói đời là cuộc hành trình, đời là chuyến hành hương. Nói đến hành trình, hành hương là nói đến người tham gia, nói đến những đoạn đường đi qua. Người tham gia có kẻ đến trước, có kẻ đến sau, có hàng thanh niên sức khỏe dồi dào, có bậc phụ lão gần đất xa trời; những đoạn đường đi qua có nơi bằng phẳng, có chỗ gập ghềnh. Không vì thành phần tham gia khác nhau, không vì những đoạn đường khác nhau mà ta thối chuyển, mà không cố gắng vượt qua.

Cuộc sống, Duy Thức gọi là Hằng Chuyển Như Bộc Lưu, như giòng nước chảy, biến chuyển không ngừng. Chuyển biến nên không có tự ngã, không có gì để bám chặt vào, nhưng đợt nước này qua đợt nước khác, biến thành giòng nước, nói lên sự liên tục của nó. Hiện hữu nhưng không có tự ngã. Trong cái hiện hữu ấy, chúng ta khổ, chúng ta bức xúc, nhưng cũng trong cái hiện hữu ấy chúng ta có dịp hoàn thành tâm nguyện, có dịp tiến tu. Trong cái thế giới cạnh tranh có những hùng tâm muốn kiến tạo một xã hội lý tưởng trên lập trường Lân Mẫn Hữu Tình. Phật Giáo có cho họ nơi nương tựa? Có giúp họ triển khai tinh thần đại từ bi, tinh thần “Ngũ Trược Ác Thế Thệ Tiên Nhập, Như Nhất Chúng Sanh Vị Thành Phật, Chung Bất Ư Thử Thủ Nê-Hoàn”?

GS. T.Q.Th
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here