Trong suy nghĩ của người đời, tôn trọng chữ tín là nền tảng của một hành vi đạo đức được xã hội thừa nhận xưa nay. Trong làm ăn thì nền tảng ấy còn cần thiết hơn bởi khi bước chân vào con đường lắm chông gai này, ai mà chẳng cần đến một điểm tựa, đó là niềm tin của người khác.
Một doanh nhân thành đạt kể chuyện đời mình, rằng ngày anh 16 tuổi, nhà nghèo phải bỏ quê ra tỉnh kiếm sống. Bước đầu nhờ một người quen đứng ra bảo lãnh, anh đã được ông chủ vốn là một thương lái lớn sẵn sàng bán chịu một số hàng trị giá khá cao. Tự lượng sức, anh chỉ xin mua phân nửa số hàng và cố gắng thanh toán sớm hơn thời hạn để giữ được lời hứa với người đã giúp mình. Thấy anh làm ăn nghiêm túc, ông chủ quan tâm tìm hiểu, mới biết cha anh là người cùng quê được tiếng thanh bạch, từ đó ông sẵn lòng bán chịu cho anh lượng hàng gấp mười lần mà không đòi hỏi điều kiện gì. Nhờ vậy mà anh có cơ hội trở thành ông chủ nhỏ rồi lăn lộn trong thương trường nhiều năm và thành danh. Bài học làm ăn của anh bắt đầu bằng chữ tín.
Gia đình anh thuộc cộng đồng người Hoa tha phương cầu thực, do hoàn cảnh nơi đất khách quê người cần có nhau nên luôn đặt chữ tín lên hàng đầu trong quan hệ làm ăn, xem đó là đồng vốn lớn nhất. Trong cách nhìn của anh chữ tín có cái giá của nó, nếu bội tín một đồng thì ta mất nhiều hơn một đồng, nếu bội tín mà không biết dừng lại thì mất mát cả một chuỗi quan hệ, đó là sự mất mát cả về nhân cách lẫn tiền bạc.
Nếu giữ chữ tín là phẩm chất cao quý của trong đời sống kinh doanh thì sự bội tín không chỉ làm tha hóa bản thân mà còn gây tác hại cho nhiều người. Thực tế xã hội không thiếu những vụ việc xem thường chữ tín dẫn đến hậu quả vô cùng to lớn.
Khi chữ tín được xác lập chủ yếu qua việc chúng ta giữ lời hứa đối với người khác thì hệ quả của nó là lòng tin của người khác đặt để vào chúng ta. Hiểu như thế thì từ khi nền kinh tế chuyển đổi theo hướng thị trường, bên cạnh những điểm sáng, chúng ta cũng có nhiều lần phải trả giá vì để mất lòng tin, có khi do công cụ quản lý – cụ thể là luật pháp – chưa hoàn chỉnh, có khi do cách làm ăn chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, bất chấp hậu quả lâu dài.
Chẳng hạn như điệp khúc "lời giả lỗ thật" từ hàng chục năm nay của phần lớn doanh nghiệp nhà nước có nguyên nhân sâu xa là từ những con số ảo nhảy múa trong các báo cáo tài chính. Vậy mà tình trạng không trung thực ấy đến nay vẫn tồn tại như một sự mặc nhiên của môi trường kinh doanh đã qua thời kỳ tranh tối tranh sáng. Lòng tin của xã hội vào doanh nghiệp nhà nước có bị lung lay thì cũng là điều dễ hiểu.
Hay như trong quá trình mở cửa, luật pháp không theo kịp với sự phát triển của thực tế cuộc sống đã khiến một số luật như Luật đất đai, Luật đầu tư phải bổ sung sửa đổi nhiều lần, đó là chưa kể sự bất nhất trong các qui định của từng địa phương đã khiến cho nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước phải vất vả vừa chạy vừa sắp hàng.
Có thể nhìn thấy điều này qua vụ tranh cãi về khoản tiền phải nộp liên quan đến quyền sử dụng đất ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đang diễn ra mà cái khó dồn hết cho nhà nước, nhà đầu tư và cả người dân, có nguyên nhân là do giá đất thay đổi theo lý giải chủ quan của địa phương, coi nhẹ tập quán kinh doanh của thời kỳ hội nhập. Năm xưa hàng trăm hecta đất ở vùng đất sình lầy này là phần vốn 30% được đối tác trong nước góp vào liên doanh với nước ngoài, trị giá chưa đến vài đô la một mét vuông. Nay dưới tác động của các dự án đầu tư hạ tầng khiến giá đất tăng cao, những người đi trước tạo nên giá trị này bị thiệt thòi còn người "ăn theo" đi sau thì bỗng nhiên được hưởng lợi.
Người đi trước ở đây là nhà đầu tư đã được cấp quyền sử dụng đất cho dự án của Khu đô thị, là những người dân mua các căn hộ mà về nguyên tắc đã được chia sẻ quyền sử dụng đất hợp pháp từ nhà đầu tư. Bây giờ thì qua cuộc tranh cãi này bao nhiêu điều phức tạp được lý giải là do "tồn tại của lịch sử". Có đúng như vậy không hay lại là chuyện "bất nhất trước sau". Những câu chuyện như thế này thật sự làm lòng tin của nhà đầu tư bị xói mòn, điều này giải thích tại sao hơn 20 năm thu hút nguồn vốn lớn đầu tư nước ngoài mà chúng ta vẫn chưa tạo ra được một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đó là sự đánh mất cơ hội khi mà đường băng không phải là vô tận cho nền kinh tế của chúng ta cất cánh.
Lòng tin bắt nguồn từ một xã hội hướng đến cái thiện ở đó chữ tín – thuộc phạm trù đạo đức – phải trở thành kim chỉ nam trong các quan hệ ứng xử ở mọi lĩnh vực. Có lòng tin là có tất cả, mất lòng tin thì có khi trắng tay vì chẳng mấy ai còn muốn đến với ta.
Theo Tuanvietnam.net