Trang chủ Văn hóa - Lịch sử TT Huế: Nhiều hoạt động văn hóa trong nhiệm kỳ V

TT Huế: Nhiều hoạt động văn hóa trong nhiệm kỳ V

135
0

(LQ) Với tinh thần bảo tồn và phát huy nền văn hóa nhân bản, đạo đức mang bản sắc dân tộc, Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện được nhiều sự kiện văn hóa Phật giáo tạo sự ảnh hưởng sâu đậm vào nếp sống người dân cố đô Huế.

 Trung tâm Liễu Quán: được khởi công trùng tu từ mùa Phật đản năm Đinh Hợi, Phật lịch 2551 – DL.2007, kinh phí do các gia đình Phật tử Huỳnh Văn Mạnh và Nguyễn Ngọc Phương cúng dường. Tại trung tâm đã tổ chức phòng đọc sách, triển lãm, trưng bày tranh ảnh, pháp khí, chiếu phim, giao lưu thơ nhạc… đặc biệt tổ chức những buổi thuyết trình nhiều đề tài về tư tưởng triết lý văn học, văn hóa xã hội, giáo dục y tế… quy tụ hằng ngàn Tăng Ni, Phật tử, nhân sĩ trí thức và đông đảo học sinh sinh viên đến nghe. Thuyết trình viên là những giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu tên tuổi như: GS. Cao Huy Thuần với đề tài “Người lữ hành và nhà ảo thuật”, TS. Thái Thị Kim Lan với đề tài “Phật giáo qua cái nhìn của người Đức”, TS. Hồng Quang với đề tài “Thiền và sức khoẻ”, GS.TS. Trần Kiêm Đoàn với đề tài “Phật giáo trong nếp sống tri thức của người Mỹ”, NNC. Trần Đình Sơn với đề tài “Thưởng trà qua những nét đan thanh”, “Tìm hiểu tư tưởng cư Nho mộ Thích thời Nguyễn” và “Rồng trong truyền thống văn hóa Việt Nam”, NNC. Trương Ngọc Tường với đề tài “Đặc điểm Phật giáo Nam bộ”, BS. Trịnh Trình Hỷ với đề tài “Quan niệm về thời gian trong Phật giáo” và “Thiền định và khoa học thần kinh”, BS. Đoàn Văn Quýnh với đề tài “Bảy tình với y học Đông Tây”, GS. Lê Tự Hỷ với đề tài “Ý nghĩa danh hiệu chư Phật”, KTS. Nguyễn Thanh Tùng với đề tài “Nhà vườn Huế – một kiến trúc đặc thù của người Việt”… tọa đàm chủ đề “Kinh nghiệm cha mẹ và con cái” do GS. Bửu Ý và TS. Thái Thị Kim Lan chủ xướng. Giới thiệu sách “Văn hóa ẩm thực Huế” của BS. Bùi Minh Đức.

Tuần lễ Văn hóa Phật giáo: tổ chức lần đầu tại Tổ đình Từ Đàm rất sinh động, đa dạng và phong phú cả nội dung lẫn hình thức; triển lãm 108 bức ảnh của TT. Thích Minh Hiền với chủ đề “Đông Tây tuyết và hoa” miêu tả những hoạt động truyền thống văn hóa Tây Tạng, xứ thiên sơn huyền bí và văn hóa Nhật Bản, xứ hoa đào kiều diễm; và thuyết trình 8 đề tài của các giáo sư học giả trong và ngoài nước. Tổ chức lần thứ 2 vào Đại lễ Phật đản năm Canh Dần, Phật lịch 2554 – DL.2010 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, hướng về Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc rất được khán thính giả ca ngợi.

Công tác triển lãm, văn nghệ: tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, trình diễn văn nghệ và nhã nhạc cung đình, trưng bày cổ vật di sản văn hóa Phật giáo của các họa sỹ, nhiếp ảnh gia và nhà nghiên cứu nổi tiếng.

w Triển lãm: Tại Trung tâm Liễu Quán diễn ra triển lãm tranh mỹ thuật của cố họa sỹ Phạm Đăng Trí, Phan Xuân Sanh, họa sỹ Vĩnh Phối; triển lãm ảnh thể loại panorama của 2 nhiếp ảnh gia Nguyễn Thịnh và Ngô Thúy Hồng; triển lãm cổ vật với chủ đề “Di sản văn hoá Phật giáo Phú Xuân – Huế”; trưng bày các loại hình cổ vật do chính người Việt tạo tác dưới các triều đại độc lập xưng quốc hiệu Đại Việt, đóng đô tại Thăng Long; triển lãm di sản Phật giáo Nam bộ và di sản Phật giáo các nước Đông Nam Á, gồm tượng Phật, Bồ tát, Tổ sư, kinh sách, pháp khí; triển lãm tranh sơn dầu với chủ đề Hoa Sen của họa sĩ Tôn Nữ Như Ngân; triển lãm Hoa sen giấy và tranh sơn dầu của hoạ sĩ Thân Văn Huy; triển lãm ảnh nghệ thuật Duyên Sen của nhiếp ảnh gia Trần Bích; triển lãm Sen đầu Hạ với chủ đề “Đức Phật đản sanh và Thành đạo” của 17 họa sĩ Phật tử nhóm Mặc Hương đến từ Hà Nội dưới sự hướng dẫn của TT. Thích Minh Hiền, Phó Ban Văn hóa Trung ương.

w Văn nghệ: Với nhiều tiết mục ca, vũ, nhạc, hoạt cảnh do Gia đình Phật tử biểu diễn cúng dường ngày đản sanh đức Phật, có sự tham gia của các sinh viên nhạc viện và đoàn ca kịch Huế; đặc biệt năm 2012, tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh, chương trình văn nghệ “Hương sen mầu nhiệm” rất đặc sắc do các ca sĩ, văn nghệ sĩ từ Thủ đô Hà Nội biểu diễn nghệ thuật.

w Trong khuôn khổ năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ Huế 2012, trong Đại lễ Phật đản, Ban Trị sự phối hợp với tỉnh và thành phố tổ chức Lễ hội hoa đăng trên sông Hương tại địa điểm Nghinh Lương đình đã ảnh hưởng tốt về văn hóa tâm linh Phật giáo trong quần chúng và du khách.

Công tác in ấn: Trong nhiệm kỳ qua, Ban Văn hóa đã in ấn nhiều đầu sách có giá trị phục vụ Tăng Ni và độc giả như: Tâm lý Phật giáo trong Tây Du ký, Hư tâm học đạo, Ngũ uẩn vô ngã, Thức biến của HT. Thích Thiện Siêu (đều tái bản 2 lần), Phật học khái lược tập I và tập II của Ban Hoằng pháp tỉnh; Lịch sử Phật giáo xứ Huế của HT. Thích Hải Ấn và Nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm; tác phẩm Tâm Minh Lê Đình Thám 4 tập do HT. Thích Trung Hậu và HT. Thích Hải Ấn sưu tập và giới thiệu; Lược sử Văn học Sanskrit và Hán tạng Phật giáo và Khảo sát lịch sử và tư tưởng nhân minh luận Phật giáo của ĐĐ. Thích Kiên Định.

* Nội san Liễu Quán: được sự hưởng ứng cộng tác của nhiều Tăng Ni, học giả trí thức trong và ngoài nước; trang báo điện tử lieuquanhue.vn đăng tải những tin tức hoạt động Phật sự của Giáo hội và Phật sự ở nước ngoài đến với quần chúng; thực hiện bản tin Phật đản, An cư tập trung và nhiều kỷ yếu khác.

Công tác trùng tu tự viện và cơ sở: Được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, trong 5 năm qua, chư Tôn đức Tăng Ni trú trì cùng Phật tử địa phương trùng tu tôn tạo nhiều cơ sở tự viện theo kiến trúc văn hóa vốn có của Huế góp phần làm trang nghiêm cảnh quan già lam và diện mạo vùng di sản của nhân loại. Cụ thể như: chùa Thiên Mụ (kinh phí dự án công trình bảo tồn tu bổ và phục hồi di tích này là 24 tỷ đồng do Nhà nước hỗ trợ), Tổ đình Từ Đàm, chùa Tịnh Giác, Phật Ân, Phổ Tế, Hoa Nghiêm, Phước Sơn, Phước Vân, Hà Trung, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã và hàng chục Niệm Phật đường; động thổ khởi công xây dựng Trung tâm du lịch tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm.

Ngoài ra tại các cơ sở, hàng chục công trình văn hóa cũng được tiến hành như xây dựng Quan Âm các, Quan Âm lộ thiên, đúc đại hồng chung, tạc tượng đức Phật, Bồ tát, pháp khí thờ tự… Ban Văn hóa cũng rất tích cực sưu tầm những thư tịch có giá trị liên quan Phật giáo, nghiên cứu văn bia chùa Huế, dịch thuật Hán tạng…, lưu tâm công tác văn nghệ, tổ chức biểu diễn vũ hội lục cúng hoa đăng do các Tăng sinh đảm trách, thực hiện văn nghệ sân khấu do Gia đình Phật tử biểu diễn cúng dường Phật đản, lễ hội Quán Thế Âm, tham gia liên hoan văn nghệ các tôn giáo… Thư quán Từ Đàm luôn cập nhật các đầu sách, tài liệu nghiên cứu, pháp khí, kinh văn để phục vụ Tăng Ni, Phật tử và nhân dân…

(Báo cáo Đại hội VI)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here