Trang chủ Vấn đề hôm nay TT Huế: Hơn 84 tỷ đồng thực hiện từ thiện xã hội

TT Huế: Hơn 84 tỷ đồng thực hiện từ thiện xã hội

136
0

(LQ) Từ thiện xã hội là hoạt động mũi nhọn của Giáo hội, thể hiện sự báo đáp “Tứ trọng ân” của người con Phật, tạo sức sống yêu thương mãnh liệt và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với người hảo tâm, nuôi lớn đức tính từ bi và hiếu tâm của con người. Thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ, nhập thế hành đạo, “thương người như thể thương thân”.

Trong nhiệm kỳ qua, được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Chính quyền, các ban ngành chức năng, Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà đã tích cực hoạt động từ thiện xã hội nhằm góp phần cùng với Nhà nước trong việc chăm lo cuộc sống của nhân dân, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giáo dục, y tế…

– Về An sinh xã hội: Vận động tài chính, phẩm vật cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt, nạn nhân chất độc da cam dioxin, ủng hộ xây nhà tình nghĩa, trợ cấp học bổng, tặng xe đạp cho sinh viên học sinh nghèo hiếu học, xe lăn cho người tàn tật; hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi và động viên hỗ trợ các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, bệnh nhân tại các bệnh viện, trại phong, trại tâm thần, hội người mù, trung tâm bảo trợ xã hội, gia đình khó khăn, chăm sóc người già neo đơn, hoạn nạn, dịch bệnh, tang sự, ủng hộ các công trình phúc lợi xã hội… không những trong tỉnh mà còn lan rộng đến các tỉnh khác như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và nước ngoài.
 
– Về Giáo dục: Hằng năm các trường mẫu giáo: Diệu Đế, Quảng Tế, Phước Vân, Diệu Viên, Hoa Nghiêm, Hồng Đức, Ngự Bình và các trường ở 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc có trên 100 lớp cho gần 3.000 cháu theo học với trên 200 giáo viên nhân viên phục vụ, đã góp phần giải quyết về số lượng cháu được đến trường mầm non, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh tăng tỷ lệ cháu mầm non ra lớp.
 
* Hai cơ sở dạy nghề ở chùa Long Thọ và Tây Linh mở các lớp dạy nghề miễn phí cho hàng trăm trẻ em mồ côi, khuyết tật, gia đình nghèo, gồm các nghề may mặc, thêu, đan, điện gia dụng, vi tính văn phòng, mộc mỹ nghệ…, sau khi tốt nghiệp, tùy theo nghề các em được giới thiệu làm việc tại các công ty may ở thành phố Hồ Chí Minh, dệt Thủy Dương, xí nghiệp thêu ở Huế hoặc nhận hàng làm gia công tại nhà hoặc phục vụ tại cơ sở.
 
* Hai viện cô nhi Đức Sơn và Ưu Đàm nuôi trên 200 trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ; nhà dưỡng lão Tịnh Đức và Diệu Viên chăm lo trên 50 cụ già cô đơn không nơi nương tựa… Ngoài việc nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh về vật chất cũng như tinh thần, các cơ sở giáo dục, huấn nghệ và bảo trợ xã hội này cũng rất nỗ lực trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp trường lớp và bổ sung các trang thiết bị nhằm phục vụ tốt cho việc chăm sóc, giáo dục, đào tạo nghề và cho cuộc sống an vui của các cụ khi tuổi về già.
 
– Về Y tế: Kế thừa và phát huy truyền thống của đại lương y Thiền sư Tuệ Tĩnh, hệ thống Tuệ Tĩnh đường gồm Hải Đức, Pháp Hoa, An Phước, Pháp Lạc, Cự Lại, Thiện Sanh, Đức Bưu tích cực hoạt động có hiệu quả, đã góp phần tăng cường lực lượng y tế địa phương để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân trên địa bàn. Nhiều Tăng Ni và Phật tử được đào tạo về y học để phục vụ khám chữa bệnh theo phương pháp Đông y và Tây y cho nhân dân nhằm chia sẻ gánh nặng cho xã hội trên tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật. Hàng năm bình quân các cơ sở đã khám được hàng chục ngàn lượt bệnh nhân và còn tổ chức nhiều chuyến khám, phát thuốc miễn phí lưu động đến vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ở miền núi biên giới.
 
Đối với đại dịch HIV/AIDS, Giáo hội đã tích cực và chủ động tham gia cùng các tổ chức xã hội, để cùng nhau góp sức ngăn chặn, phòng ngừa đại dịch, thành lập phòng tư vấn sức khoẻ, cơ sở chăm sóc người nhiễm, tuyên truyền và tổ chức nhiều khóa tập huấn cho Tăng Ni, Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo và Trường Trung cấp Phật học, các đơn vị Gia đình Phật tử về kiến thức phòng chống; tổ chức gặp mặt thăm hỏi tặng quà, phát học bổng, hỗ trợ kinh phí cho các em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ do HIV/AIDS; tổ chức khâm liệm, tụng kinh cho những người chết vì AIDS. Ngoài ra còn tham gia các hội nghị, diễn đàn trong và ngoài nước về phòng chống tệ nạn xã hội nói chung, phòng chống HIV/AIDS nói riêng với nhiều Tăng Ni, Phật tử tham gia vào các dự án chăm sóc người nhiễm.
 
Ngoài ra, Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế đã chia sẻ với nạn nhân Nhật Bản bị động đất và sóng thần 200.000.000$. Tổ chức chương trình tiếp sức mùa thi phục vụ cơm chay miễn phí để hỗ trợ cho các thí sinh và người nhà thí sinh đến Huế dự thi vào các trường Đại học, Cao đẳng. Qua đó đã thực sự giúp cho thí sinh có phần yên tâm tự tin trong thi cử và thoải mái trong thời gian lưu trú, ấm lòng trước tình cảm mặn nồng của người dân xứ Huế.
 
Tổng số tiền thực hiện công tác Từ thiện Xã hội nhiệm kỳ V (2007-2012) là 84.863.448.267$ (Tám mươi bốn tỷ, tám trăm sáu mươi ba triệu, bốn trăm bốn mươi tám ngàn, hai trăm sáu mươi bảy đồng).
 
(Báo cáo Đại hội VI)
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here